Việt Nam – Trung Quốc trao đổi việc hàng hóa tê liệt ở cửa khẩu biên giới
Vấn đề ùn tắc hàng hóa đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân và doanh nghiệp mỗi nước, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại song phương và chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực.
Nội dung trên được nêu ra trong cuộc điện đàm vừa diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo, trao đổi về phương hướng, biện pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu biên giới hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ (Ảnh: BNG).
Trước tình hình ách tắc hàng hóa gia tăng nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, hai bên nhất trí cho rằng vấn đề ùn tắc hàng hóa đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn cho người dân và doanh nghiệp mỗi nước, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại song phương và chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất khu vực.
Hai bên cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện đồng thời mục tiêu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế – thương mại; khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sớm khôi phục hoạt động thương mại biên giới đối với sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương hai bên, cũng như góp phần duy trì ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là bảo đảm lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Với tinh thần hợp tác, cùng khắc phục khó khăn, hai bên nhất trí duy trì trao đổi chặt chẽ, tích cực thúc đẩy các bộ ngành, địa phương hai nước phối hợp khẩn trương tìm kiếm giải pháp sớm tháo gỡ vấn đề ách tắc hàng hóa hiện nay; đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Được biết, tại cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, có hơn 6.300 container xuất khẩu sang Trung Quốc và hơn 3.000 xe đang chờ nhập khẩu vào Việt Nam. Mặt hàng tồn chủ yếu tại các cửa khẩu là hàng nông sản và thủy sản (chiếm tới 80-90%). Tình hình này diễn ra do phía Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”, quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn tăng cường phối hợp đảm bảo trật tự ATGT tại các cửa khẩu xảy ra ùn tắc nông sản trên địa bàn tỉnh này.
Video đang HOT
Xe chở hàng hóa bị ách tắc ở cửa khẩu Việt – Trung tại Lạng Sơn (Ảnh: Nam Trần/PNM).
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao chủ động, tăng cường phối hợp với Sở GTVT Lạng Sơn chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông và các cơ quan liên quan thực hiện giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các khu vực cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa trên và thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Lạng Sơn chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời tổ chức hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến phương tiện từ xa, bảo đảm an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông khi phương tiện thông qua các cửa khẩu, tuyến đường trên địa bàn tỉnh.
Bộ Công thương cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc về việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó, đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác; trao đổi với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn, hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác.
Hai con số giật mình: Thảm cảnh tắc hàng sang Trung Quốc còn lâu mới hết
Việc nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nên tình trạng ùn tắc hàng hóa mỗi mùa thu hoạch hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường khó chấm dứt.
Hai con số 'giật mình'
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thực tế, trên các tuyến biên giới phía Bắc hiện nay, Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ các cửa khẩu phụ, lối mở. Đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, các lối mở, cửa khẩu phụ tại một số giai đoạn phải đóng lại để đảm bảo phòng chống dịch. Do đó, hàng hóa tăng mạnh qua các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh).
Hàng hóa dồn về các cửa khẩu chính là một trong những lý do khiến ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng. Trong khi đó, hàng sang Trung Quốc lại chủ yếu đi theo các con đường rất rủi ro: Tiểu ngạch.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiết lộ hai con số đáng chú ý về xuất khẩu chính ngạch.
Cảnh sống tạm bợ của lái xe khi ùn tắc hàng hóa sang Trung Quốc. Ảnh: Kiên Trung
Ông Vy Công Tường cho biết: Bộ NN-PTNT Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc nhập khẩu 9 loại nông sản gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Hiện 9 mặt hàng đưa sang Trung Quốc áp dụng kiểm dịch 100%, dẫn đến thời gian thông quan lâu hơn. Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn hy vọng khi có Nghị định thư về chấp nhận kiểm dịch lẫn nhau thì việc thông quan sẽ rất thuận lợi. Đồng thời, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để đưa thêm một số mặt hàng nông sản khác nhập chính ngạch vào Trung Quốc.
Một số liệu khác được lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cung cấp cho thấy tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua địa bàn Lạng Sơn rất thấp. Đối với hải quan Lạng Sơn, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 3% nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lý do là việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có truyền thống từ lâu. Chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc áp dụng miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân biên giới khi nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, mỗi người là 8.000 NDT/ngày (khoảng 28,7 triệu đồng), nên các DN phía Việt Nam và Trung Quốc không mặn mà thực hiện nhập khẩu chính ngạch. Thay vào đó họ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sang phía Trung Quốc sẽ gom các lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Như vậy, khi việc nhập khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, thì tình trạng ùn tắc hàng hóa mỗi mùa thu hoạch hay khi Trung Quốc có chính sách bất thường sẽ lại xảy ra.
Tình trạng này còn kéo dài nếu không thay đổi. Ảnh: Kiên Trung
Tắc còn dài nếu không thay đổi
Việc chỉ có 9 mặt hàng nông sản được Trung Quốc đồng ý xuất khẩu chính ngạch cũng vẫn sẽ tiếp tục kích thích tâm lý duy trì xuất khẩu tiểu ngạch như đã đề cập ở trên. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro như đã và đang xảy ra ở các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Tổng cục Hải quan cũng đã cảnh báo nông sản xuất sang Trung Quốc vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.
Mở rộng mặt hàng thuộc diện xuất khẩu chính ngạch là điều Bộ NN-PTNT, các bộ ngành cùng doanh nghiệp nên tích cực chung tay để 'thông hàng' sang Trung Quốc vì đây vẫn là thị trường rộng lớn cần tận dụng.
Mặt khác, khâu bảo quản, chế biến nông sản sau tiêu thụ vẫn cần phải được khuyến khích bằng các cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa. Một trong những lý do khác khiến các doanh nghiệp hầu như chỉ tập trung xuất khẩu nông sản tươi, chưa qua chế biến sang Trung Quốc bởi đây là thị trường gần nhất, sau khi thu hoạch có thể chở thẳng lên cửa khẩu để bán sang bên kia biên giới. Việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, mà còn đáp ứng được các quy định đang dần khắt khe hơn của thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, đây cũng là cơ sở để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sau chế biến sang các thị trường Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do như EU, CPTPP,... Bởi để xuất được nông sản tươi sang các thị trường như EU, hay Mỹ, quãng thời gian vận chuyển là cả một vấn đề nan giải, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hàng hóa. Nhưng đa dạng hóa thị trường cho nông sản Việt Nam là điều không thể không làm.
Nông sản Việt xuất sang các 'nước giàu' như các nước thuộc EU không chỉ cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc mà cả các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ. Nhờ chế biến tốt, nên nông sản của họ xuất khẩu nhiều sang châu Âu. Việc vận chuyển bằng đường biển giúp sản phẩm từ châu Mỹ qua EU chỉ mất 8 ngày, giúp sản phẩm có chất lượng tốt. Trong khi, một số loại nông sản của Việt Nam vẫn phải đi bằng đường hàng không, giá cả đắt nên người tiêu dùng không thể bỏ tiền mua trái cây hàng ngày.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong số 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mới có 3 mặt hàng là thủy sản, rau quả, hạt điều (gạo ở vị trí thứ 16). Đối với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, các con số này là rất khiêm tốn.
Các sản phẩm xuất khẩu còn chưa đa dạng
Như vậy, để không còn cảnh 'tắc hàng' sang Trung Quốc trầm trọng như đang xảy ra, những giải pháp đơn lẻ mang tính tình thế sẽ không giải quyết được triệt để. Nỗ lực của từng bộ ngành hay doanh nghiệp đơn lẻ không thay đổi được căn bệnh trầm kha này. Sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, người nông dân mới có thể thay đổi được tình cảnh thường xuyên lặp lại này.
Hơn 8.000 tấn thanh long 'kẹt' tại biên giới Trung Quốc có nguy cơ bị hư hỏng Theo thống kê của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, hiện có khoảng 500 xe container thanh long đang gặp khó trong việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc, có nguy cơ hư hỏng. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, tại các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, đang có khoảng 4.800 xe container chở trái...