Việt Nam sẽ ‘tạo điều kiện tối đa’ cho sản xuất vaccine Covid-19
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 với tinh thần “tạo điều kiện tối đa”.
Chiều 21/12, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung phòng chống dịch “một cách trách nhiệm với các biện pháp cụ thể trong lúc chưa có vaccine”, đặc biệt là thực hiện “thông điệp 5K” mà Bộ Y tế đưa ra.
“Nêu cao tinh thần cảnh giác vẫn là quan trọng nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh. Các thành phố lớn phải có chương trình kiểm tra, đôn đốc, không để lặp lại việc vi phạm các quy định, quy chế cách ly.
Về sản xuất vaccine, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vaccine của doanh nghiệp trong nước để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19, chiều 21/12. Ảnh: Quang Hiếu
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của các nước trên thế giới, qua đó đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax nhằm sớm có vaccine trong nước; hỗ trợ Công ty Nonogen và tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax giai đoạn 3.
Video đang HOT
“Các đơn vị nghiên cứu thúc đẩy quá trình thử nghiệm vaccine, làm sao có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức phù hợp, sáng tạo. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất, hoàn thiện, trình Chính phủ”, Thủ tướng yêu cầu.
Học viện Quân y chủ trì phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người, bao gồm việc đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu đạt an toàn sinh học cấp 3 hoặc 4. Các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai đề án này.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc cần sớm có một cơ số vaccine (mua của nước ngoài) cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, những người được tiêm, phương thức và hiệu lực vaccine, trong đó cần “xác định mua của nước nào là phù hợp nhất”. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, Thủ tướng nói nên xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này.
Bộ Y tế được giao tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, các hình thức hợp tác mua sắm vaccine, thậm chí là đóng gói ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 17/12, ba tình nguyện viên, gồm hai nam một nữ, tuổi 18-50, đã được tiêm mũi vaccine Nano Covax đầu tiên.
Chiều 20/12, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, quá trình thử nghiệm vaccine Nano Covax sẽ qua ba giai đoạn. Giai đoạn một sẽ tiêm trên 60 người được chia làm ba nhóm với ba liều khác nhau (25 mcg- 50mcg-75mcg), nhằm đánh giá tính an toàn của vaccine.
Sau khi giai đoạn một an toàn, việc tiêm thử nghiệm 400-600 người sẽ được tiến hành để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn ba sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người và có thể mở rộng 10.000-30.000 người. Mục tiêu giai đoạn ba nhằm đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch và hiệu lực của vaccine.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt "Thông điệp 5K" để phòng chống Covid-19
Từ những ca mắc Covid-19 mới ở TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện tốt "Thông điệp 5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
Trong đó, đặc biệt chú ý "2K" đầu tiên là khẩu trang và khử khuẩn, nhất là tại nơi công cộng, đông người.
Chiều 2-12, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng tiếp tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam sau khi TP HCM xuất hiện ca nhiễm mới tại cộng đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, cho rằng dịch bệnh này có thể len lỏi ở bất kỳ đâu, không riêng gì TP HCM hay Hà Nội. Khi ca nhiễm mới xuất hiện tại TP HCM thì các F1, F2 đã lan ra tận Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Theo Phó Thủ tướng, bước vào mùa đông, công tác dự phòng chống dịch cần được nâng cao hơn nữa. Cần chú trọng phòng dịch, tuân thủ việc đeo khẩu trang. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt việc không đeo khẩu trang ở những nơi đông người, như bến xe, bệnh viện.
Đối với việc tổ chức các hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hạn chế các sự kiện văn hóa trực tiếp, tăng cường trực tuyến.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng tuy xảy ra sự cố khi xuất hiện một số ca mắc Covid-19 ở TP HCM, song việc phòng chống dịch ở Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng và được thế giới đánh giá cao. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng chống.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2-12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong suốt 3 tháng, Việt Nam không có dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi niềm vui đang dần trở lại và các hoạt động kinh tế tái khởi động thì lại xuất hiện ca nhiễm.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch; phải thực hiện mạnh mẽ chiến lược kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong, chữa trị hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
"Các tỉnh, thành phố thực hiện tốt "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế, bao gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Trong đó, đặc biệt chú ý "2K" đầu tiên là khẩu trang và khử khuẩn, nhất là tại nơi công cộng, đông người. Riêng một số thành phố lớn phải đôn đốc tốt hơn, không được mất cảnh giác" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người dân. Nếu sa đà vào kinh tế mà không chú ý đến bệnh tật thì cái giá phải trả rất lớn. Thủ tướng quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ. Truy vết đến đâu thì xử lý, cách ly đến đó. Tinh thần là không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là.
Riêng đối với TP HCM, Bộ Y tế cần phối hợp chặt trong việc truy soát, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Đặc biệt, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Nghiên cứu nối lại du lịch quốc tế qua đường hàng không Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc mở lại du lịch qua đường hàng không. Thủ tướng giao Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên...