Việt Nam sẽ là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại hạt được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”?
Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển trồng, chế biến mắc ca, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm mắc ca.
Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), việc phát triển diện tích cây mắc ca phải dựa trên điều kiện từng địa phương và gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: P.V
Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), việc phát triển diện tích cây mắc ca phải dựa trên điều kiện từng địa phương và gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Giải pháp phát triển diện tích mắc ca bền vững
Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với quá trình phát triển loại cây này ở Việt Nam?
- Được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, mắc ca thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính.
Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích 18.840ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 8.514 tấn hạt tươi/năm.
Tuy vậy, do tình trạng phát triển mắc ca tự phát ở một số nơi, sử dụng giống không rõ nguồn gốc, trồng giống cây thực sinh…, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp. Mặt khác, công tác chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao.
Vườn trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: BĐL
Tính đến tháng 5/2021, diện tích mắc ca vùng Tây Nguyên là 9.870ha, trong đó 1.690ha trồng thuần và 8.180ha trồng xen, chiếm 52,4% diện tích mắc ca hiện có trên phạm vi toàn quốc.
Năng suất trung bình ở tuổi 10 trở lên đạt 4,0 tấn hạt tươi/ha đối với phương thức trồng thuần và 2,8 tấn hạt tươi/ha đối với phương thức trồng xen với cây trồng khác.
Vì vậy, Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển mắc ca bền vững, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm mắc ca.
Để thực hiện thành công Đề án, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề xuất những giải pháp gì, thưa ông?
- Muốn phát triển diện tích cây mắc ca hiệu quả, đảm bảo mục tiêu của đề án, công tác giống phải là ưu tiên hàng đầu.
Đến nay, đã có 13 dòng mắc ca được công nhận, đây là những dòng cho năng suất, chất lượng cao, chủ động được nguồn giống cho sản xuất.
Video đang HOT
Ngoài ra, còn có 10 dòng đang được trồng thử nghiệm, khảo nghiệm để bổ sung nguồn giống cho sản xuất, Bộ NNPTNT cũng đã công nhận 11 vườn cây đầu dòng, 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc ca, năng lực sản xuất năm 2021 được khoảng 1.790.000 cây ghép, đáp ứng được 6.393ha trồng thuần hoặc 14.917ha nếu trồng xen.
Một vườn trồng mắc ca ở khu vực Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. Mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bộ NNPTNT cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên và một số địa phương có điều kiện thích hợp với cây mắc ca tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng; chỉ đạo, hướng dẫn trồng thí điểm với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, dự báo tình hình cung ứng và thị trường tiêu thụ để định hướng phát triển, kịp thời điều chỉnh sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca Việt Nam.
Nói chung để thực hiện đề án hiệu quả, quan điểm của Bộ NNPTNT là tiến hành từng bước chắc chắn, không ồ ạt mở rộng diện tích, làm đến đâu chắc đến đó, quan trọng nhất là phải liên kết với doanh nghiệp.
Khắc phục điểm yếu của ngành mắc ca: Chế biến
Đến nay chế biến sâu vẫn là một điểm yếu của mắc ca. Theo ông, trong thời gian tới cần hóa giải thách thức này thế nào?
-Tính đến tháng 5/2021, cả nước có 65 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đăk Lăk. Tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu là 7.315 tấn hạt.
Quy mô cơ sở chế biến không đồng đều, công suất từ 10 tấn/năm đến trên 1.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, bước đầu đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm sữa mắc ca như Công ty cổ phần TH Truemilk, Công ty Nutifood.
Để đẩy mạnh chế biến sâu mắc ca, trong đề án của Chính phủ cũng nêu rõ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 – 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 – 200 tấn hạt/năm.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 – 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Đến nay, việc khuyến khích người dân và doanh nghiệp chung tay thực hiện đề án được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Dù là cây trồng có nhiều tiềm năng nhưng suất đầu tư trồng mắc ca tương đối lớn, sản phẩm nếu không chế biến sâu thì giá trị gia tăng thấp, do vậy, điều kiện tiên quyết để thành công là phải liên kết người dân với doanh nghiệp. Người dân có thể góp vốn bằng đất, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, công nghệ, bao tiêu sản phẩm.
Điều đáng mừng là đến nay, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi giữa các doanh nghiệp với người dân từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt là các doanh nghiệp.
Điển hình như Công ty cổ phần tập đoàn Liên Việt đã cung cấp giống đảm bảo chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khâu tiêu thụ sản phẩm hạt cây mắc ca; cam kết đền bù thiệt hại bằng 12 lần giá trị cây giống nếu sau 5 năm trồng mà cây không có quả; bao tiêu sản phẩm đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Úc trong 10 năm.
Theo tôi, để đẩy mạnh liên kết, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất mắc ca cả về chiều rộng và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã.
Xin cảm ơn ông!
Trồng thứ cây cho hạt quý, nơi sai quả, nơi "điếc", ông nông dân Lạng Sơn chỉ ra nguyên nhân chính
Theo nhiều chuyên gia, cây mắc ca rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Lạng Sơn nên phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã trồng và bước đầu có thu nhập cao từ cây mắc ca.
UBND tỉnh Lạng Sơn lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học "Đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn".
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ về sự phát triển của cây mắc ca ở Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng
Tại hội thảo, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, cây mắc ca được Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm ở Lạng Sơn từ những năm 2003 - 2006.
Từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng mắc ca tăng nhanh ở 10/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hiện có 8 doanh nghiệp lập 10 dự án đầu tư mắc ca, trong đó 5 dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định phê duyệt.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 486ha trồng mắc ca, năng suất bình quân đạt khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm.
Đối với cây mắc ca trồng từ năm thứ 10 trở lên, hiệu quả kinh tế đạt từ 600.000 đồng- 1 triệu đồng/cây/năm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 5 vườn ươm sản xuất và kinh doanh giống cây mắc ca với quy mô trên 186.000 cây/năm với các loại giống như: 246, A38, QN1... xuất xứ từ Australia và Trung Quốc.
Tháng 6/2021, Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng phát triển cây mắc ca trên địa bàn để hoàn thiện đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó, tỉnh Lạng Sơn được đưa vào vùng quy hoạch mở rộng trồng cây mắc ca.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày cây giống mắc ca. Ảnh: Gia Tưởng
Đại điện cho người trồng và bước đầu có thu nhập cao từ cây mắc ca, ông Lục Văn Bằng đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến phát triển cây mắc ca.
Ông Bằng cho biết thêm, trồng mắc ca khâu quan trọng nhất là chọn giống, phải là giống ghép. Hiện nay, ở Lạng Sơn đã có một số vườn cây đủ tiêu chuẩn làm cây đầu dòng để nhân giống, đảm bảo cây mắc ca sinh trưởng, phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Lạng Sơn.
Hiện nay, có những vườn mắc ca ở Lạng Sơn đã trồng 8 năm nhưng vẫn chưa cho quả, nguyên nhân chính là khâu chọn giống chưa phù hợp.
Do đó, ông Bằng khuyên bà con nên mua giống mắc ca ở những cơ sở đảm bảo, tránh mua ở chợ hay địa chỉ trôi nổi.
Nông dân Lục Văn Bằng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây mắc ca hiệu quả. Ảnh: Gia Tưởng
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, chất lượng hạt mắc ca Việt Nam hiện nay ngon và giàu dinh dưỡng không thua kém gì bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngay tại nước Úc quê hương của mắc ca, người ta cũng rất ưa chuộng và đánh giá cao sản phẩm mắc ca của nông dân ta.
"Tiềm năng phát triển mắc ca ở nước ta còn lớn, bà con có thể trồng mắc ca xen canh với cây ngắn ngày như nghệ, gừng, sả .. hay chuyên canh đều có thể phát triển tốt", ông Nguyễn Lân Hùng cho hay.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ về giá trị cây mắc ca ở Việt Nam. Ảnh: Gia Tưởng
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu: Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo, đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu mọi mặt về sự phù hợp, hiệu quả kinh tế, môi trường khi phát triển mắc ca, từ đó, tham mưu xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tìm ra phương án hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu mắc ca xứ Lạng. Ảnh: Gia Tưởng
Ngoài ra, ông Dương Xuân Huyên còn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đánh giá chất lượng các giống mắc ca hiện có tại Lạng Sơn và các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; tham mưu Bộ NNPTNT có chính sách hỗ trợ người trồng và chế biến các sản phẩm mắc ca.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng mắc ca có sự phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn và các huyện nơi đầu tư dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án phát triển mắc ca.
Dưới những tán rừng ven biển, chỉ cần thả tôm, cá, cho sống tự do, vừa hút khách du lịch vừa bán kiếm bộn tiền Với hơn 709.013ha tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ven biển, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng, vừa góp phần bảo vệ diện tích rừng vừa tạo sinh kế cho người dân. Nuôi thủy sản dưới những tán rừng ven biển ĐBSCL với đa dạng hệ sinh thái đan xen...