Việt Nam sẽ có vaccine COVID-19 vào cuối năm 2021?
Dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 của các đơn vị tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khả quan, hy vọng cuối năm 2021, nước ta sẽ có vaccine phòng virus corona.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19, gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.
Thông tin về tiến độ phát triển vaccine, đại diện 4 đơn vị cho biết, các thử nghiệm ban đầu đều rất khả quan. “Hy vọng, đến năm 2021 sẽ có vaccine COVID-19 của Việt Nam”, ông Quang cho biết.
Các nhà khoa học Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột.
Để có được vaccine COVID-19 trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế cố gắng rút ngắn các quy trình về nghiên cứu sản xuất, kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành và theo dõi sử dụng vaccine. Dù vậy, chất lượng vaccine vẫn đảm bảo và được đặt lên hàng đầu. Đó là vaccine phải có tác dụng phòng virus corona gây bệnh COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học cũng như tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
Phát biểu tại Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam hồi cuối tháng 7 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, đại dịch COVID-19 trên thế giới lan rộng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng triệu người mắc. Dịch đang diễn biến khó lường, chưa biết bao giờ dừng.
Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhiều quốc gia đang chạy đua để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, tiến tới sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine. Việt Nam cũng không nằm ngoài chiến dịch này.
Theo ông Long, nước ta có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vaccine COVID-19, cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển theo các hướng khác nhau, một số loại đã thử nghiệm tiền lâm sàng. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khá tốt.
Việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 trong nước rất quan trọng. Nếu thành công chúng ta không những chủ động nguồn cung trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.
Với tiến độ nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, ông Long cho biết, Việt Nam kỳ vọng sẽ có thể tự chủ được vaccine. “Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, ông Long nhấn mạnh.
Tính tới sáng 2/8, Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 94.216 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly tại nước ta. Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này có 373/590 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Video: Kịch bản nào cho cuộc chiến chống COVID-19 mới?
Xúc động nhật ký phong tỏa bệnh viện của Bác sĩ làm quen với "cuộc sống 4 mới"
"...Đã 4 ngày trôi qua, chúng tôi và những bệnh nhân thân thương của chúng tôi vẫn sống tốt và sống khoẻ; tuổi thọ của Cô Vy chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi khi tất cả chúng tôi đều quen dần với "cuộc sống 4 mới"..." - nhật ký của bác sĩ Đặng Văn Trí trong những ngày sống cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
Ngày 29-7, bác sĩ Đặng Văn Trí (công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng) cho biết mình và mọi người bên trong Bệnh viện C đều đang sống tốt. Qua điện thoại, bác sĩ Trí thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng "đội quân SARS-CoV-2. Bác sĩ cũng không quên cảm ơn tình cảm của cộng đồng, cảm ơn sự hỗ trợ của mọi người đã hướng về TP Đà Nẵng những ngày qua.
Y bác sĩ tập quen cuộc sống mới bên trong bức tường cách ly
Báo Người Lao Động đăng tải lại "Nhật ký phong tỏa bệnh viện" của bác sĩ Đặng Văn Trí:
NHẬT KÝ PHONG TOẢ BỆNH VIỆN - Ngày thứ tư
Vậy là thời khắc 0 giờ 00 ngày 28-7-2020 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong toả 3 bệnh viện lớn tại Thành phố. Ai cũng hỏi, chúng tôi sống như thế nào phía bên trong 4 tường rào bệnh viện đã thực hiện phong toả?
Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khoá và khi cả 3 cổng vào Bệnh viện đều đóng lại; dẫu biết là "tạm thời" nhưng tất cả đều chạnh lòng; dẫu biết là tình cảm ngoài cộng đồng vẫn dành thật nhiều cho chúng tôi nhưng tất cả đều lưu luyến. Bởi, những ngày tới đây, mẹ xa con, vợ xa chồng, những tình cảm ruột rà máu mủ sẽ tạm ngưng đọng lại, mang theo cái nhớ da diết khó tả,. Và, tất cả chúng tôi đều sống "cuộc sống 4 mới" để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19.
Đầu tiên là "cách sống và làm việc mới": Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24 và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn; đôi lúc cảm thấy "mất nhịp sinh học" và thoáng quên thứ ngày - nhất là cuối tuần vừa rồi, hầu như chẳng ai để ý như thường nhật đó là dịp weekend của gia đình - tất cả đều lao vào công việc; với những bữa ăn quá bữa và những bữa ăn vội vàng. Tất cả cũng vì để bệnh nhân của chúng tôi bình yên hơn, an tâm hơn, tin tưởng hơn và ít xáo trộn cuộc sống hơn so với khi chưa phong toả. Cuối cùng, đến hôm nay, chúng tôi đã làm được điều đó. Một trải nghiệm đáng nhớ trong đời của các thầy thuốc!
Thứ nữa là "sự quan tâm và chia sẻ mới": Tất cả chúng tôi, và những bệnh nhân của chúng tôi, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương. Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng nhau hoàn thành, bệnh diễn biến nặng lại cùng nhau hội chẩn để giải quyết, vẫn những tiếng gọi nhau í ới đó nhưng rất chân thành sâu lắng. Tình đồng đội đồng môn như gắn bó chúng tôi hơn. Và, như thế tất cả chúng tôi hoàn thành hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác để mỗi công việc của chúng tôi đều góp phần ngăn chặn sự lây lan và nhiễm chéo virus SARS-CoV-2, tiến tới dập dịch hoàn toàn.
Niềm tin "Một ngày không xa, đội quân SARS-CoV-2 sẽ "thất trận"
Thêm nữa là "kỹ năng mới": Tất cả chúng tôi chưa ai trong đời thầy thuốc mà có kinh nghiệm sống và làm việc khi phong toả bệnh viện, phong toả khu phố. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu, nhưng với bản năng thương yêu đồng loại, thương yêu con người và bằng tri thức có được, chúng tôi đã hình thành các kỹ năng mới: tính toán để sinh tồn. Ai cũng hỏi chúng tôi sẽ trụ được bao lâu sau 4 hàng rào bệnh viện khi công việc chính của chúng tôi chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh. Giờ đây, chúng tôi phải biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao, ... để nuôi sống chúng tôi và các bệnh nhân của chúng tôi một cách khoẻ mạnh; có được nguồn lương thực là một việc nhưng rồi làm sao chế biến trong điều kiện khắc nghiệt để các bệnh nhân của chúng tôi có được chế độ ăn bệnh lý và đúng giờ, người bệnh tim mạch phải bớt tí muối, bớt tí mỡ nhưng bớt ít là bao nhiêu, bởi hàng ngày chúng tôi chỉ tiếp xúc với bơm tiêm, kiêm tiêm và banh kéo; chứ mấy ai tiếp xúc với "tay dao tay thớt" bao giờ. Và, thực tế tại khu chế biến thức ăn có những y bác sĩ "nước mắt ngắn nước mắt dài" khi .... cắt giả hành!!!! Cuối cùng, đến hôm nay chúng tôi cũng đã dự trữ đủ lương thực "để sống" đến một tháng - tức có "cơm ăn áo mặc", còn muốn "ăn ngon mặc đẹp" thì chỉ cầm cự được từ 7 đến 10 ngày với đầy đủ rau, cá, thịt, tôm đang ở tủ đông với khoảng ... 1 tấn và chừng 4 tấn gạo. Bởi vậy, chúng tôi là các thầy thuốc đâu chỉ có biết "Em Cô Vy" xinh đẹp nhưng thâm hiểm - mà chúng tôi còn biết kỹ năng sinh tồn do "Em Cô Vy" tạo ra!
Sau nữa nhưng chưa phải cuối, đó là "công nghệ mới": Khi chưa cách ly y tế, cứ mỗi sáng đầu ngày làm việc chúng tôi đều giao ban chuyên môn bằng cách cùng ngồi quanh một bàn để trao đổi về những bệnh nhân trong đêm trực qua. Còn giờ đây, đã cách ly y tế, không được tụ họp đông người. Vậy là, chúng tôi tìm đến với "công nghệ mới", nào là Meeting Zoom, Google Meeting, vân vân mây mây. Tất cả cũng chỉ để hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn nhất về tình hình bệnh tật của những bệnh nhân chúng tôi. Chưa dừng lại ở đó, tại "Khu vực cách ly đặc biệt" thì rất hạn chế vào - ra vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo cho người khác. Nhưng, bệnh nhân cần chúng tôi "luôn ở bên cạnh người bệnh". Vậy là, những thế hệ "công nghệ mới" về camera đã được chúng tôi dùng đến như là cứu cánh "kề vai sát cánh" với những bệnh nhân của chúng tôi trên chiến hào chống giặc Cô Vy.
Chỉ bấy nhiêu thôi, đã 4 ngày trôi qua, chúng tôi và những bệnh nhân thân thương của chúng tôi vẫn sống tốt và sống khoẻ; tuổi thọ của Cô Vy chắc chắn sẽ rất ngắn ngủi khi tất cả chúng tôi đều quen dần với "cuộc sống 4 mới".
Một ngày không xa, đội quân SARS-CoV-2 sẽ "thất trận"!
Tại BVCĐN, 01:26 ngày 28-7-2020
Đà Nẵng: 24 giờ phát động, hơn 5.400 thanh niên tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch Lời kêu gọi "Hãy sẵn sàng hành động vì TP Đà nẵng thân yêu" của Thành đoàn Đà Nẵng nhận hơn 5.400 đơn tình nguyện tham gia chỉ sau 24 giờ phát động. Ngày 29-7, anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng cho biết chương trình nhằm kêu gọi thanh niên, tình nguyện tham gia các đội ứng...