Việt Nam sẽ có sân bay tư nhân, air taxi
Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thể đầu tư sân bay chuyên dùng cho các máy bay nhỏ, hoạt động như taxi máy bay.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh , Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề xuất được xây sân bay chuyên dùng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Sân bay này sẽ đưa đón khách du lịch từ các sân bay nội địa đến dự hội thảo, nghỉ dưỡng, sử dụng các dịch vụ tại Hồ Tràm Strip. “Với yêu cầu phát triển, nhu cầu vận chuyển khách du lịch, công ty không thể chờ dự án xây sân bay Long Thành, sân bay Gò Găng (Vũng Tàu)” – chiều 1-9, ông Michael E Kelly, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, nói như thế với Pháp Luật TP.HCM.
Taxi máy bay, tại sao không?
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết với mục đích như trên, đây là sân bay chuyên dùng, không phải sân bay công cộng như các sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Nội Bài… “Tuy nhiên, nếu nó được đầu tư và hoạt động sẽ tác động tích cực đến hoạt động sân bay công cộng” – PGS-TS Tống nói.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho hay hiện có loại hình hàng không công cộng và hàng không chung. Trong đó, hàng không chung như đề xuất của Hồ Tràm Strip sẽ mang nhiều tiện lợi cho hành khách. Theo đó, hành khách đi loại hình này tự quyết định địa điểm, thời điểm muốn đi dựa trên nhu cầu, thay vì phải mua vé máy bay và đi theo lịch trình định sẵn của hãng hàng không công cộng. “Nói nôm na, loại hình này được coi là air taxi với đường bay ngắn, máy bay nhỏ, còn hàng không công cộng thì tương tự như air bus. Ở các nước, air taxi khá phát triển, thậm chí nhiều nơi ở Úc, trước khi đi thăm bạn thì người này hỏi người kia: “Nhà ông có sân đậu máy bay không để tôi đáp máy bay tới?”" – PGS-TS Tống dẫn chứng.
Video đang HOT
Vì vậy, ông Tống hoan nghênh đề xuất đầu tư các sân bay nhỏ và có sự liên kết nhau như từ Đà Lạt đến Hồ Tràm. PGS-TS Tống nói thêm: “Các loại máy bay dùng làm air taxi là máy bay nhỏ từ 2 đến dưới 20 chỗ ngồi, không cần tiếp viên nhưng nó rất cơ động, lại an toàn. Vì vậy, nó thích hợp phục vụ du lịch, đi lại của các doanh nhân, bay cấp cứu y tế… Điều này rất cần thiết khi cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ còn bất cập, mạng đường bay của hàng không dân dụng trong nước chưa phủ khắp để đáp ứng được nhu cầu”.
Trực thăng chuyên dùng EC175 chở bảy người phù hợp cho lĩnh vực khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu nạn, dịch vụ y tế khẩn cấp, vận chuyển khách VIP đang trình diễn ở sân bay Vũng Tàu. Ảnh: Internet
“Cửa” đã mở cho sân bay chuyên dùng
Theo PGS.TS Tống, trong bối cảnh giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận lợi, nhanh chóng và an toàn thì air taxi sẽ có nhiều ưu việt. “Đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên có đồi núi thì việc sử dụng air taxi làm nhiệm vụ thu gom hành khách cho các sân bay công cộng là rất phù hợp. Đối với loại máy bay nhỏ dùng làm air taxi thì điều kiện hạ, cất cánh trên đất liền khá đơn giản và kinh phí đầu tư cho sân bay sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý, nhất là phải đảm bảo an ninh quốc phòng” – PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
“Theo tôi, các đơn vị liên quan cần xây dựng hành lang pháp lý cụ thể để các nhà đầu tư xem xét có thỏa mãn các điều kiện về an ninh quốc phòng hay không. Nếu thỏa mãn thì được đầu tư sân bay chuyên dùng mà không cần thiết phải xin ý kiến về an ninh quốc phòng. Ở nước Mỹ họ chịu nhiều áp lực về vấn đề an ninh, nguy cơ khủng bố song vẫn tạo hành lang thông thoáng cho loại hình này. Tất nhiên, đi kèm đó là các quy định chặt chẽ, có các vùng cấm bay, nếu cố tình vi phạm thì có thể bị bắn hạ ngay” – PGS-TS Tống nhấn mạnh.
Sẽ là sân bay chuyên dùng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam
Đây là mô hình sân bay chuyên dùng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Cách đây một tháng, tôi đã thuyết trình về sân bay này và các bộ, ngành đánh giá cao. Dự kiến tuần tới tôi sẽ làm việc với Bộ KH&ĐT về việc đầu tư sân bay, đồng thời công ty sẽ gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng để được chấp thuận đầu tư dự án.
Qua khảo sát ban đầu, xã Lộc An có hướng gió thuận lợi cho hoạt động các chuyến bay. Chúng tôi mong muốn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ủng hộ trong việc chọn địa điểm xây sân bay.
Công ty đã thuê đơn vị thiết kế sân bay. Công ty cũng đã làm việc với một hãng hàng không và họ cam kết sẽ cùng với chúng tôi trong việc khai thác, vận hành, vận chuyển hành khách.
Ông MICHAEL E KELLY, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc
Công ty TNHH dự án Hồ Tràm
Thẩm quyền phê duyệt của Bộ Quốc phòng
Ngày 15-5, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2016 (có hiệu lực từ ngày 1-7) quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng. Theo đó, sân bay chuyên dùng có thể lập trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo cho máy bay chuyên dùng (máy bay cánh bằng loại nhỏ, máy bay không người lái, thủy phi cơ…) hoạt động để phục vụ khai thác hàng không chung hoặc để chở khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm.
Cũng theo Nghị định 42/2016, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đều có thể đầu tư sân bay chuyên dùng. Tuy nhiên, việc mở sân bay này phải hài hòa lợi ích, đáp ứng nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, chủ quyền và việc phát triển sân bay chuyên dùng phải phù hợp với quy hoạch phát triển vùng của địa phương… Cụ thể, bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ phê duyệt vị trí xây dựng sân bay chuyên dùng sau khi lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh nơi dự kiến xây sân bay và thống nhất với Bộ GTVT. Về thiết kế chi tiết xây dựng sân bay chuyên dùng phải do tổng tham mưu trưởng phê duyệt sau khi đã thống nhất với Bộ GTVT.
Theo Báo Pháp Luật