Việt Nam quyết mua ’sát thủ săn ngầm Biển Đông’ P-3C Orion?
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ vừa chính thức xác nhận rằng Việt Nam quan tâm đến 2 loại máy bay săn ngầm là S3 Viking hoặc P3C Orion của họ.
Tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Anh là Jane”s Defence Weekly vừa cho biết rằng, Tập đoàn Lockheed Martin đã một lần nữa xác nhận với họ về sự quan tâm của một số nước châu Á – Thái Bình Dương với hai loại máy bay săn ngầm đã qua sử dụng P-3 Orion và S-3 Viking.
Lockheed Martin cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia hiện tại hoặc tương lai có nhu cầu mua sắm các máy bay tuần tiễu hàng hải và chống ngầm đã qua sử dụng như P-3 và S-3. Công ty sẽ tân trang và bán lại nguyên bản hoặc có thể thể trang bị cho chúng thêm những tính năng mới.
Theo đại diện của Lockheed Martin, các quốc gia quan tâm tới việc mua sắm hai loại máy bay này là Việt Nam và Hàn Quốc, nhưng vị này không tiết lộ là Việt Nam đã quyết định lựa chọn loại máy bay nào và hai bên đã ký hợp đồng hay chưa.
Sơ bộ tính năng của P-3C Orion và S-3 Viking
P-3 là dòng máy bay tuần tra biển, trinh sát và chống ngầm được phát triển từ những năm 1960. Tuy đã qua nửa thế kỷ phục vụ, nhưng Orion vẫn là một trong những máy bay chống ngầm mạnh mẽ nhất thế giới, với tầm bay xa, thời gian hoạt động rất dài cùng hệ thống cảm biến mạnh mẽ.
P-3 Orion có chiều dài 35,6m, cao 10,3m với sải cánh 30,4m, khối lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T56-A-14 công suất 4.600 mã lực. Tốc độ tối đa của máy bay là 760km/h, tầm hoạt động tới 4.400km khi tuần tiễu ở tốc độ 600km/h.
Phiên bản hiện đại nhất là P-3C Orion được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ 1969, chiếc cuối càng sản xuất vào năm 1991. Phiên bản cuối cùng của nó được nâng cấp lên chuẩn P-3C4 với rất nhiều thiết bị trinh sát tàu ngầm, hệ thống thông tin hiện đại, cùng các loại vũ khí chống ngầm mạnh mẽ.
P-3C sau nâng cấp còn hoạt động được tới 5000h với hệ thống thiết bị tiên tiến và vũ khí mạnh mẽ
Một phi đội tiêu chuẩn vận hành P-3C Orion có 11 người, bao gồm 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên chung.
Với nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm, P-3C được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát hiện đại như sonar DIFAR, thiết bị phát hiện từ trường bất thường (MAD)… Các thông tin thu thập sẽ được chuyển đến máy tính trung tâm, từ đó sẽ phân tích, lưu trữ, gửi đến các cấp chỉ huy hay vận hành tự động những vũ khí trên máy bay.
P-3 Orion có khả năng mang 9 tấn vũ khí với nhiều loại vũ khí như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, ngư lôi MK-46, MK-50, MK-54…, cung cấp cho nó khả năng tác chiến đa nhiệm chống ngầm, đối hạm, đối đất
Lockheed S-3 Viking là máy bay tuần tiễu chống ngầm cỡ nhỏ (đã loại biên), chủ yếu phục vụ trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ và một phần nhỏ ở NASA, được sản xuất hàng loạt từ năm 1974 đến 1978, gồm tổng số 188 chiếc, với đơn giá một chiếc là 27 triệu USD thời năm 1974.
Video đang HOT
Các máy bay S-3 trang bị hai động cơ phản lực TF34 cho tốc độ tối đa 828km/h ở trần bay cao 6.100m, trong khi ở độ cao thấp là 795km/h, tốc độ trung bình 650km/h, bán kính tuần tiễu 853km.
S-3 cũng có khả năng tác chiến đa nhiệm như P-3C nhưng lượng vũ khí mang theo ít hơn rất nhiều. Cụ thể, nó có khả năng mang 2,2 tấn vũ khí gồm các loại bom, ngư lôi, tên lửa trong 4 giá treo thân và hai giá treo ngoài cánh.
S-3 Viking có phạm vi hoạt động ngắn, lượng vũ khí mang theo ít, khung thân đã cũ
Các loại vũ khí mà S-3 Viking có thể mang gồm: Tối đa 2 tên lửa chống hạm AGM-84D hoặc chỉ 1 tên lửa hành trình đối đất AGM-84H/K SLAM-ER hoặc 2 tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick hoặc 10 bom Mk82 loại 227kg hoặc 2 bom Mk83 454kg hoặc 2 bom Mk84 908kg hoặc 6 bom chùm CBU-100.
S-3 được trang bị các hệ thống chủ yếu phục vụ chống ngầm như radar trinh sát mặt biển AN/APS-116, tầm trinh sát 278km, từ phiên bản S-3B Viking thì thay thế radar AN/APS-116 bằng radar khẩu độ tổng hợp AN/APS-137.
Ngoài ra, nó còn được trang bị camera hồng ngoại nhìn phía trước OR-89, hệ thống tiếp nhận tín hiệu phao âm AN/ARS-2, hệ thống đo từ trường bất thường AN/ASQ-81, hệ thống định vị quán tính với radar dẫn đường AN/ASN-92 và 60 phao sonar.
Việt Nam sẽ mua P-3C Orion, không mua S-3 Viking?
S-3 Viking được thiết kế để hoạt động trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ nên có sẵn khả năng cất hạ cánh ở đường băng ngắn, phù hợp với việc hạ cánh trên các sân bay nhỏ của Việt Nam ở trên bờ và cả ở đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ngoài ra, nó còn có hệ thống thiết bị hiện đại và vũ khí đa nhiệm.
Tuy nhiên, trong khi những chiếc P-3C cuối cùng sản xuất cách đây 25 năm và có thể hoạt động thêm 5000h sau nâng cấp thì hiện S-3 Viking đã quá cũ, những chiếc cuối cùng đã sản xuất được gần 40 năm. Do đó, chỉ có thể nâng cấp được các hệ thống thiết bị chứ rất khó gia cố được khung thân của chúng.
Ngoài ra, việc có bán kính tuần tiễu chỉ khoảng 850km cũng khiến Việt Nam sẽ phải mua sắm một số lượng máy bay lớn, trong tình trạng quá cũ, đặt gánh nặng nên công tác sửa chữa, bảo dưỡng. Do đó, ít có khả năng Việt Nam sẽ mua loại máy bay này.
Với thông tin mà Lockheed Martin vừa tiết lộ, kết hợp với những động thái mới nhất của hải quân Việt Nam (hỏi giá, tham quan P-3C…), chúng ta có thể nhận thấy rằng, rất có thể là Việt Nam đã lựa chọn P-3C Orion là “sát thủ săn ngầm trên Biển Đông”.
Trước đó, cũng theo đại diện của Lockheed Martin cho biết, sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương vào ngày 17/11/2015, phía Việt Nam đã yêu cầu báo giá 4-6 chiếc P-3 Orion đã qua sử dụng.
Sau đó, trang thông tin Navy.mil của Hải quân Mỹ ngày 19/4 đưa tin, một phái đoàn 6 sĩ quan cao cấp của Hải quân Việt Nam đã đến căn cứ Kaneohe Bay của Mỹ tại Hawaii, vào ngày 13/4/2016, để tham quan máy bay P-3C Orion và nghe thuyết trình về tính năng của nó.
Tại phi đội tuần tra biển có tên là ội tuần tra “Kiếm sĩ vàng 47″ (VP-47) đóng tại Kaneohe Bay, các sĩ quan Việt Nam đã quan tâm tìm hiểu về việc chiếc máy bay đã được điều khiển như thế nào và nhiệm vụ, chức trách của các nhân viên phi hành đoàn P-3C.
Nếu đặt mua, Mỹ sẽ giao những chiếc P-3C mới nhất sau nâng cấp cho Việt Nam
Trước khi rời căn cứ, phái đoàn khách cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các sĩ quan chỉ huy, các phi hành đoàn và nhân viên kỹ thuật của VP-47 và bày tỏ hy vọng máy bay P-3C Orion sẽ được đưa đến thăm Việt Nam nhằm nâng cao mối quan hệ giữa hai nước.
Theo một số đánh giá, P-3 Orion có khả năng bay có thể hoạt động liên tục 12 giờ, tuy nhiên khi bay theo chế độ tiết kiệm nhiên liệu, P-3C có thể hoạt động liên tục đến 17 giờ.
Một chiếc máy bay P-3C có thể thực hiện 8 vòng tuần tiễu quanh căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Với tốc độ có thể đạt 600km/h, một chiếc Orion cất cánh từ Cam Ranh bay đến các đảo phi pháp mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa thì chỉ mất hơn 1h giờ đồng hồ.
Như vậy, để đảm bảo tuần tiễu trong 24/24h, Việt Nam cần có ít nhất 4 chiếc, bao gồm 2 chiếc thay phiên nhau tuần tiễu trong ngày (mỗi thời điểm chỉ có 1 chiếc tuần tiễu), 1 chiếc làm nhiệm vụ dự bị, 1 chiếc trong tình trạng bảo dưỡng sau khi bay.
Nếu mua gói 6 chiếc, Việt Nam có thể thường xuyên bay kiểm soát biển và tuần tiễu chống ngầm với 2 chiếc trong thời gian 24/24h. Với việc không mua S-3 Viking thì rất có thể Việt Nam sẽ đặt mua 6 chiếc Orion được nâng cấp lên chuẩn hiện đại nhất là P-3C4.
Nếu lựa chọn mua, các máy bay P-3 mới nhất, trong tình trạng sẵn sàng tái sử dụng sẽ được các phi đội kỹ thuật của không quân hải quân Mỹ lấy từ các kho lưu trữ của Quân đội Mỹ, sau đó thay cánh, động cơ, trang bị mới cảm biến, radar và bàn giao cho Việt Nam.
Thiên Nam
Theo_Báo Đất Việt
Reuters: Việt Nam, Hàn Quốc có thể mua máy bay P-3, S-3 của Mỹ
Việt Nam và Hàn Quốc có thể mua máy bay trinh sát biển P-3 Orion và S-3 loại đã qua sử dụng và được tân trang, hãng Lockheed Martin (Mỹ) tiết lộ ngày 5.6, theo Reuters.
Các sĩ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam được mời bay quan sát trên máy bay săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 Hải quân Mỹ ở Hawaii ngày 13.4.2016 - Ảnh: Không đoàn VP-47. REUTERS
Reuters ngày 6.6 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của quân đội Việt Nam hay Việt Nam có thể mua một số vũ khí của Mỹ sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vừa qua.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tại Đối thoại Shangri-La ngày 5.6 cho biết: "Chúng tôi không chắc chắn có thể mua gì từ Mỹ hoặc về những gì chúng tôi muốn mua".
Trả lời phỏng vấn Reuters tại triển lãm hàng không ở thủ đô Berlin (Đức), ông Clay Fearnow, một giám đốc phụ trách nhánh hàng không của Lockheed Martin cho Reuters biết Việt Nam dự kiến đề nghị phía Lockheed Martin chính thức báo giá và cung cấp đầy đủ thông tin về 4 hoặc 6 máy bay P-3 Orion đã qua sử dụng, loại được Hải quân Mỹ dùng, trong vòng vài tháng tới.
Nếu Việt Nam quyết định mua, những chiếc P-3 mà Hải quân Mỹ không còn sử dụng đang lưu giữ ở một nghĩa địa máy bay trong sa mạc tại Mỹ sẽ được tân trang lại với cặp cánh mới, hệ thống điện tử dò tìm tàu ngầm mới cho Việt Nam, ông Fearnow nói.
Các sĩ quan Hải quân Việt Nam lên máy bay săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 Hải quân Mỹ ở Hawaii ngày 13.4.2016. KHÔNG ĐOÀN VP-47
Theo ông Fearnow, giá mỗi chiếc P-3 cũ được tân trang có thể vào khoảng 80-90 triệu USD, và Lockheed Martin từng bán P-3 cho Đài Loan với giá này.
Kể từ năm 2008, Lockheed Martin sản xuất cánh mới và tân trang lại trên 90 máy bay P-3 Orion cho một số nước và lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Na Uy, Đài Loan, Chile và Đức, theo ông Fearnow.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chưa thể bình luận về thương vụ P-3 hay S-3 như Reuters nói khi Bộ này chưa chính thức trình lên Quốc hội Mỹ.
Hàn Quốc thì muốn mua những chiếc cánh máy bay mới cho những chiếc P-3 của nước này và có thể mua thêm 12 chiếc S-3 của Hải quân Mỹ đang lưu giữ trong sa mạc sau khi được cho "nghỉ hưu" vào năm 2009, ông Fearnow nói thêm.
Hãng Boeing (Mỹ) cũng nỗ lực tiếp thị máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon, nhưng loại này mới hơn và có giá đắt hơn P-3. Một đối thủ khác là máy bay trinh sát biển chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải C-295 của hãng Airbus.
Máy bay trinh sát biển S-3B Viking cất cánh từ tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln, tháng 8.2002HẢI QUÂN MỸ
Hãng Lockheed Martin tiết lộ thông tin trên giữa lúc các quốc gia ở châu Á đang gia tăng chi tiêu ngân sách sắm nhiều khí tài quân sự từ tàu ngầm đến chiến đấu cơ, máy bay trinh sát được cho là nhằm đối phó sự bành trướng của Trung Quốc trên biển, theo phân tích của hãng tin Bloomberg (Mỹ).
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ bán 9 máy bay săn ngầm P-8A Poseidon cho Anh Chính phủ Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán 9 máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-8A Poseidon do hãng Boeing sản xuất cho Anh, với tổng trị giá lên đến 3,2 tỉ USD. Máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-8A Poseidon - Ảnh: Reuters Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc (DSCA), chịu...