Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc
Theo Chủ tịch VCCI, căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc đang đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa duy trì ổn định quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này.
“Bước vào năm 2014, trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô đang được thiết lập trở lại, nền kinh tế bắt đầu quá trình phục hồi và theo chúng tôi, đất nước đang ở vào một giai đoạn hội tụ đủ các điều kiện để có thể tạo ra bước đột phá phát triển” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 tổ chức sáng nay (5/6) tại Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI.
Trong ba điều kiện quan trọng được ông Lộc dẫn ra tại Diễn đàn thì thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nêu lên yêu cầu đột phá thể chế tạo động lực cho giai đoạn phát triển mới
Thêm vào đó, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó có hai hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất thế giới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn đàm phán nước rút và Hiệp định thương mại VN-EU (EVFTA) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.
Việc thực hiện các hiệp định này, theo VCCI, một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu.
Điều kiện thứ 3 để tạo ra bước đột phá chính là việc Trung Quốc đặt dàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Sự kiện này được dự báo nếu không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ kinh tế thương mại Việt – Trung trên tất cả các phương diện: tín dụng, đầu tư, thương mại… giữa lúc Trung Quốc đang là một đối tác quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam.
“Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị trường này, thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam” – Chủ tịch VCCI nhận định.
Video đang HOT
Ông Lộc cũng đánh giá rằng, những định hướng đổi mới thể chế mà Chính phủ đã phát động cùng với những cơ hội và áp lực của hội nhập và yêu cầu bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước theo hướng tự chủ, không quá lệ thuộc vào bất kỳ một thị trường lớn nào đang gặp nhau trong chương trình hành động của Chính phủ.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, “98 – 99% các doanh nghiệp bị hại đã trở lại hoạt động bình thường là những con số biết nói khẳng định các biện pháp của Chính phủ đã có tác dụng thiết thực”. Ngay cả các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn nhất mà VCCI có dịp tiếp xúc, cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Để đạt được 2 mục tiêu: tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển và bảo đảm sự tự chủ, không lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, ông Lộc lưu ý, các FTAs đang đàm phán, đặc biệt là TPP và EVFTA, có thể sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc.
Về việc tiếp tục khắc phục các hậu quả các hiện tượng gây rối, phá hoại của các phần tử xấu, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, theo Chủ tịch VCCI, các địa phương cần thiết lập ngay cơ chế một cửa: một Ban Chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối có khả năng giải thích, hướng dẫn và giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp các doanh nghiệp bị hại, đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm tiền lương và công ăn việc làm cho người lao động.
Về phương án tăng cường nội lực (phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng chuỗi giá trị…) và đa dạng hóa thị trường giảm sự lệ thuộc của một số ngành kinh tế của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, ông Lộc khẳng định, trong khuôn khổ các FTA đã ký và sẽ được ký kết, VCCI sẽ phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt nam, các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan Chính phủ có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và thúc đẩy triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cuối cùng, liên quan đến các giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế, ông Lộc đưa ra đề nghị, các bộ, ngành và doanh nghiệp sớm cung cấp danh sách, hồ sơ và phương án cổ phần hóa của 432 doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cho VCCI và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu rộng rãi cho cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước.
Bởi, theo khẳng định của lãnh đạo VCCI, cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tới việc tham gia vào quá trình này. Và với phương thức này, Việt Nam sẽ sớm tìm được nhà đầu tư tiềm năng vào các doanh nghiệp Nhà nước.
Bích Diệp
Theo Dantri
Trung Quốc không dễ "trả đũa ngược" vào kinh tế Việt Nam
Trước lo ngại vào hành động trả đũa ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam khi tranh chấp Biển Đông đang leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, Trung Quốc không dễ gì làm được điều đó.
Sáng nay 2/6, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và việc thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Đóng góp tại buổi thảo luận, TS.Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có bài phát biểu gắn tình hình kinh tế với những diễn biến trên Biển Đông.
TS.Vũ Tiến Lộc bên hành lang Quốc hội.
Theo đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhất trên Thế giới, trước hết là Hiệp định với các đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đi vào giai đoạn nước rút và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến kết thúc đàm phán cuối năm nay. Vì vậy, việc chuẩn bị để đất nước sẵn sàng đón nhận các cơ hội và vượt qua những thách thức từ các hiệp định thương mại tự do được đặt ra ở thời điểm này cấp bách hơn bao giờ hết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Trung Quốc không dễ "trả đũa ngược" vào kinh tế Việt Nam* Tăng trưởng tín dụng: Lãi suất không phải là lực cản* Giá vàng đồng loạt đi xuống, chênh lệch vọt cao* "Bầu" Kiên nói lời sau cùng trong nước mắt
Cùng với đó, từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta. Theo đánh giá của TS.Lộc, việc này nếu không được ngăn chặn sẽ làm tác động đáng kể tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích, ở góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng nói trên, có thể là một cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu này.
Liên quan tới quá trình đàm phán và cách thức thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đại biểu Lộc đề nghị cần có các phương án đàm phán để đạt được các cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt cần thận trọng và cứng rắn trong các vấn đề có ảnh hưởng lớn tới người lao động, tới nông dân và sản xuất nông nghiệp như quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm, nông hóa phẩm, lao động đồng thời chú trọng bảo lưu các không gian kinh tế chính sách cần thiết để Chính phủ có thể hành động vì lợi ích công cộng hoặc định hướng cơ cấu kinh tế và bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi thực chất từ các cam kết.
"Các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế. Thực tế hiện nay, về nguồn cung ứng đầu vào sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50 - 60% từ thị trường Trung Quốc và à có tới 90% hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình - PV) trong dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng và vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh", TS.Lộc dẫn chứng.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, với cam kết loại bỏ và ít nhất là giảm thấp nhất thuế quan vào hàng rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do từ các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới ở thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Nga...và các nền kinh tế khác may móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào, hàng tiêu dùng.Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế này để cạnh tranh với các nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ đồng thời thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu đầu vào trong một số lĩnh vực trọng điểm của kinh tế Việt Nam.
Về đầu ra của nền kinh tế, theo số liệu chính thức, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu Việt Nam, tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có nhiều ảnh hưởng tới thu nhập của một bộ phận đáng kể và nông dân và những người sản xuất nông nghiệp của nước ta.
"Vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có rủi ro rình rập nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao. Chúng ta chưa có được nền công nghiệp chế biến phát triển và chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày trong quá trình vận chuyển và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của những khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới", TS.Lộc nói.
Vì vậy, để đầu tư đủ mức cho các chuỗi hàng hóa đầu ra cho các sản phẩm đặc biệt là nông sản Việt Nam tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng của thế giới, theo đánh giá của TS.Lộc, là nhu cầu sống còn của nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn làm chưa tốt. Chúng ta rất cần tìm ra những lối ra cho nền kinh tế, để tránh tình trạng lệ thuộc bỏ trứng tất cả vào chung một giỏ như hiện nay. Nhưng cũng cần thừa nhận một thực tế là, chúng ta đang kinh doanh trong một nền thương mại kinh tế toàn cầu, nơi mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ đến nhau. Điều này đúng cả Việt Nam và Trung Quốc.
Trong những lúc có nhiều người lo ngại vào hành động trả đũa ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam khi tranh chấp Biển Đông đang leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam thì cũng có không ít ý kiến cho rằng, Trung Quốc không dễ gì làm được điều đó. Ít nhất là ở góc độ chính thức và ở quy mô lớn.
"Chúng ta biết rằng, các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo của Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có lợi ích lớn, nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam. Tất cả những điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi áp dụng biện pháp nào", ông Lộc cho biết.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
"Xung đột ở Biển Đông gây hậu quả khôn lường cho kinh tế thế giới" Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 tại Philippines vào hôm nay 22/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng bất ổn, xung đột ở trên Biển Đông sẽ gây hậu quả về kinh tế khôn lường không chỉ cho khu vực mà cả thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng WEF Đông Á tại Manila,...