Việt Nam nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Xây dựng thêm hướng dẫn giám sát tiêu chí chẩn đoán nhiễm khuẩn phổi và nhiễm khuẩn vết mổ, đưa phần mềm báo cáo nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia vào hoạt động chính thức, đẩy mạnh triển khai hệ thống giám sát nhiễm khuẩn… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Sáng 30-9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh với sự tham gia của hơn 400 đại diện cơ sở y tế trong cả nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh. Ngành y tế cũng đã từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch…
Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện còn rất cao và đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn bệnh mà chính bệnh nhân mắc phải. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.
Video đang HOT
“Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế”, Bộ trưởng nói.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát tự đánh giá tại 558 bệnh viện năm 2019 cho thấy, tại khoa Gây mê hồi sức, có 53,9% dụng cụ không được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; 31,2% đơn vị không có giám sát vi sinh không khí và môi trường… Trong khi đó, tại khoa Hồi sức tích cực, 56,1% dụng cụ không được xử lý tập trung tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; 21% đơn vị không có giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và vẫn còn khoảng 22,6% nhân viên vệ sinh chưa được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn…
Nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện từ ba miền bắc, trung, nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.
Trước sự đe dọa của nhiễm khuẩn bệnh viện tới sức khỏe người dân, Bộ trưởng Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cam kết triển khai thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Ngoài việc bố trí đủ nhân lực có chuyên môn, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà.
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, đến nay, Việt Nam đã xây dựng hệ thống giám sát nhiễm khuẩn tại sáu bệnh viện. Trong giai đoạn tới, Bộ đẩy mạnh triển khai tại 12 bệnh viện thí điểm và tiến tới chuyển giao kỹ thuật giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện cho 30 bệnh viện tiếp theo.
THIÊN LAM
Theo Nhân dân
Nhiều trường hợp nhiễm trùng sau sinh mổ ở Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau
Thời gian qua, vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp sản phụ mổ bắt con ở Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau bị nhiễm trùng vết mổ.
Một báo cáo mới đây (tháng 9/2019) của Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, qua thống kê tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, trong năm 2018 tổng số ca sinh mổ lấy thai (mổ bắt con) là 3.982 ca, trong đó có 83 ca nhiễm khuẩn vết mổ (chiếm tỷ lệ 2,08%).
Trong 8 tháng của năm 2019 có 2.558 ca, số nhiễm khuẩn vết mổ là 76 ca (chiếm tỷ lệ 2,97%). Trong đó, tháng 5 (19 ca) và tháng 6 (13 ca) có số ca nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn các tháng còn lại.
Sở Y tế Cà Mau cho rằng, theo quyết định của Bộ Y tế thì phẫu thuật sạch - nhiễm (bao gồm mổ lấy thai) có nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ là 5-10%.
Nhiều trường hợp tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau nhiễm trùng vết mổ sau khi sinh mổ bắt con.
Theo Sở Y tế Cà Mau, thời gian qua, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo rà soát các quy trình chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị, trong đó có an toàn phẫu thuật đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mổ bắt con thì tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ vẫn còn.
Trong khi đó, để giảm nhiễm trùng vết mổ, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau ngoài tổ chức giám sát đánh giá toàn diện các quy trình trước, trong và sau mổ, cũng đã mời các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên đề nhiễm khuẩn vết mổ,... Qua đó, bệnh viện đã chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật, mạnh dạn thực hiện kháng sinh dự phòng, lắp camera tại các khu vực rửa tay phẫu thuật, phòng mổ,... để giám sát quy trình này.
Sở Y tế Cà Mau cho biết, khi thực hiện những giải pháp nói trên, trong tháng 7 và tháng 8/2019, tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ có giảm so với các tháng trước.
Cũng theo Sở Y tế Cà Mau, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyên môn có hiệu quả, thống kê tình hình nhiễm trùng vết mổ hàng ngày,... để tìm nguyên nhân sâu hơn để có giải pháp khắc phục bền vững.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm do nhiễm khuẩn bệnh viện Theo PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, có khoảng 10% người bệnh ở các nước đang phát triển bị nhiễm khuẩn bệnh viện, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 1 triệu người tử vong do nhiễm khuẩn phẫu thuật. Nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn các dụng cụ chuẩn bị phẫu thuật Ngày 25-9, Hội...