Việt Nam – ngôi nhà thứ 2 của nhiều cựu binh Mỹ
Sau chiến tranh, nhiều cựu binh sĩ đã quay trở lại Việt Nam, chọn Đà Nẵng là nơi sinh sống với mong muốn trợ giúp người dân địa phương khắc phục các di chứng chiến tranh. Họ yêu mến Việt Nam như ngôi nhà thứ 2, và cũng nhận được tình cảm của người dân địa phương.
Cựu chiến binh Mỹ Chuck Palazzo tại một xưởng may ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình)
Mike Cerre, từng tham chiến tại Việt Nam, đã quay trở lại thành phố Đà Nẵng với tư cách là một phóng viên đặc biệt của đài PBS (Mỹ) để gặp gỡ một nhóm cựu chiến binh Mỹ, những người đang nỗ lực trợ giúp Việt Nam khắc phục các di chứng chiến tranh.
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi đơn vị chiến đấu đầu tiên của Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, những hậu quả chết người của chiến tranh vẫn đeo bám nhiều thế hệ tại đất nước này.
Khi đơn vị chiến đấu đầu tiên của của Mỹ được triển khai tại Việt Nam vào năm 1965, Lữ đoàn số 9 đã đặt chân xuống Đà Nẵng. Các lính thủy đánh bộ Mỹ tới đây trong một sứ mệnh hạn chế nhằm bảo vệ căn cứ không quân chiến lược tại Đà Nẵng. Cuộc đổ bộ diễn ra rất nhanh và trót lọt.
Nhưng lữ đoàn này đã nhanh chóng trở thành một phần của một trong những chiến dịch quân sự dài nhất và cay đắng nhất trong lịch sử Mỹ, kéo dài hơn 2 thập niên.
Các bãi biển của Đà Nẵng là giờ đây là địa điểm du lịch phổ biến của người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài. Đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của nhiều cựu binh sĩ, những người đã quay trở lại để sống và làm việc để khắc phục một trong những di chứng nguy hiểm nhất của cuộc chiến.
Chuck Palazzo, cựu lính thủ đánh bộ Mỹ, là một trong những người đã hỗ trợ tích cực cho việc hàn gắn viết thương chiến tranh. “Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1970. Khi đó tôi là một lính thủy đánh bộ Mỹ. Tôi mới bước sang tuổi 18 và nhận thấy mình ở xa quê nhà New York 10.000 km”, Palazzo nhớ lại.
Palazzo cho hay ông từng không mơ ước quay trở lại một ngày nào đó và làm điều gì đó tích cực tại Việt Nam cũng như trợ giúp người dân.
Cựu binh Manus Campbell tới từ bang New Jersey. Campbell tham chiến tại Việt Nam với tư cách là lính thủy đánh bộ từ 1967-1968. Ông chuyển tới sống tại Việt Nam vào năm 2010. Tổ chức của ông hỗ trợ giáo dục cho những trẻ em bị khuyết tật và nạn nhân bom mìn sau chiến tranh.
Cũng như Palazzo và Campbell, ông Mike Cerre đến Việt Nam lần đầu tiên trong chiến tranh. Vào năm 1970 và 1971, ông là lính thủy đánh bộ, tham chiến tại căn cứ Đà Nẵng.
Nhiều chiến dịch chất độc da cam cất cánh và hạ cánh tại căn cứ. Và phần lớn chất độc da cam được trữ tại căn cứ trong khoảng 10 năm. Kết quả là phần lớn khu vực quanh sân bay Đà Nẵng ngày nay đã bị nhiễm chất độc màu da cam.
Ông Manus Campbell đã chuyển tới sống tại Việt Nam từ năm 2010 (Ảnh chụp màn hình)
Phóng viên Cerre cho hay, chất độc da cam – được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam – chứa dioxin, một hợp chất nguy hiểm gây dị tật bẩm sinh và các bệnh ung thư trong các gia đình Việt Nam và các cựu chiến binh Mỹ.
“Chúng tôi đang nhìn thấy ngày càng nhiều các ảnh hưởng về gen của chất độc da cam. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng giờ đây là những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3. Và tôi nhìn thấy điều đó trong gia đình chính các cựu binh tại Mỹ. Những vấn đề này truyền qua các thế hệ. Những đứa cháu và chắt giờ đây sinh ra với những dị tật do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam”, ông Palazzo nói.
Sau 30 năm hoạt động với tư cách là nhà phát triển phần mềm, cuộc ly hôn gần đây và sau một thời gian dài chiến đấu với hội chứng rối loạn tâm lý, Palazzo đã bán nhà và hầu hết tài sản và chuyển tới Việt Nam. Tại Đà Nẵng, ông đã mở một công ty phần mềm để có thể hợp tác với một tổ chức địa phương nhằm trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam.
Palazzo cho biết một trong những động lực để ông làm điều đó, 4 hay 5 năm về trước, là giải quyết vấn đề của chính mình, và cũng là để trợ giúp các nạn nhân chiến tranh. Ông nói sẽ tiếp tục hàn gắn các vết thương chiến tranh và trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tại đây.
“Tôi không có kiến thức chuyên môn về khoa học và y tế, chỉ là giao tiếp với bọn trẻ. Tôi có thể thấy điều đó giúp chúng hạnh phúc. Và tôi cũng hạnh phúc. Tôi thích điều đó”, Palazzo tâm sự.
Campbell (phải) trong một bức ảnh thời tham chiến tại Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)
Trong khi đó, Manus Campbell, một cảnh sát về hưu tại New Jersey, đang dành lương hưu và các khoản chi trả thương tật đối với cựu chiến binh để trợ giúp các trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại một trung tâm bảo trợ trẻ em gần Hội An.
“Tôi hiểu rằng, với 60 USD mỗi tháng, tôi có thể giúp một đứa trẻ ra khỏi nhà, nơi đứa trẻ có thể chỉ có thể nằm trên giường hoặc xem tivi, đưa bé tới trường để giao tiếp với bạn bè cùng cảnh ngộ. Khi đó, đứa trẻ có thể nhận ra rằng nó không đơn độc trong cuộc đời và cũng có những người giống mình, và đứa trẻ có thể có thêm bạn bè”, Campbell nói.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng, trước đây là căn cứ không quân Đà Nẵng, hiện vẫn là một trong những địa điểm bị nhiễm chất độc da cam lớn nhất và nghiêm trọng nhất tại Việt Nam, với nồng độ nhiễm độc cao gấp 350 lần so với chuẩn an toàn quốc tế.
Video đang HOT
Những vòng tay rộng mở
Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy cho hay Mỹ đã chi 100 triệu USD để xử lý khu vực và xây dựng một cơ sở khử độc dioxin hiện đại.
Thượng nghị sĩ Leahy từ lâu đã vận động để cung cấp tài chính cho các tổ chức phi chính phủ nhằm trợ giúp Việt Nam giải quyết các di chứng của chiến tranh. Ông đã đến thăm Đà Nẵng hồi năm ngoái để dự lễ khánh thành một cơ sở nhằm khử độc dioxin trong đất, vốn có thể gây ô nhiễm nguồn nước và nguồn thực phẩm địa phương.
Mỹ chưa bao giờ chịu bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Việt Nam hay 3 tỷ USD cho các quỹ tái thiết mà Tổng thống Mỹ Nixon từng cam kết trong đàm phán hiệp định hòa bình Paris năm 1973.
“Chúng tôi có lý do đạo đức và nhân đạo để có mặt tại đây. Chúng tôi có lợi ích lâu dài nhằm trợ giúp đem lại sự ổn định tại Việt Nam và giúp Việt Nam hồi phục từ sự tàn phá của cuộc chiến mà đáng lẽ không nên xảy ra”, Thượng nghị sĩ Leahy nói.
Những mái nhà tranh đơn sơ của Đà Nẵng thời chiến giờ đây đã được thay thế bằng một trong những thành phố phát triển ấn tượng nhất Việt Nam. Thế hệ trẻ có rất ít hoặc hầu như không liên quan tới chiến tranh.
Các bãi biển mà lính Mỹ đổ bộ nhiều năm trước ngày nay chứng kiến một làn sóng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ kể từ khi lệnh cấm vận thương mại của Mỹ được dỡ bỏ.
Palazzo cho hay người dân địa phương biết ông từng tham gia chiến tranh nhưng vẫn chào đón ông và các đồng đội cũ.
“Không có sự hận thù. Tất cả họ đều chào đón tôi với vòng tay rộng mở. Họ mời tôi đến nhà. Chúng tôi uống bia cùng nhau. Tôi cảm thấy rất thoải mái và hòa nhập cộng đồng tại đây”, Palazzo nói.
Ông Campbell cũng cho biết điều tương tự. “Không còn kẻ thù ở đây nữa. Người dân không màng tới chiến tranh. Khi bạn nhắc tới cuộc chiến, họ nói hãy quên nó đi… Họ muốn sống cho hôm nay”.
“Mối liên kết với Việt Nam trong quá khứ và những gì xảy ra thời chiến tranh khi tôi mới 19 tuổi đã định hình cuộc đời tôi. Do đó, tôi đã quyết định quay trở lại để làm điều đó tốt đẹp cho người dân”, Campell nói.
An Bình
Theo Dantri
Những bức ảnh khó quên về chiến tranh Việt Nam (2)
Người vợ khóc quằn quại bên thi thể chồng, em bé bị trúng bom xăng vừa chạy vừa khóc trong sợ hãi, người Sài Gòn nô nức đón quân giải phóng vào thành phố, binh sỹ Mỹ vui mừng khi được trở về quê nhà... là những khoảnh khắc khó quên của cuộc chiến hơn 40 năm trước.
Một máy bay vận tải C-123 của Mỹ bốc cháy khi đang chạy trên đường băng do trúng đạn cối của quân giải phóng trong trận chiến Khe Sanh, ngày 1/3/1968.
Các thi thể nạn nhân bị sát lính Mỹ sát hại chất đầy trên con đường dẫn vào một ngôi làng ở thôn Mỹ Lai, thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ngày 16/3/1968. Trong vòng vài giờ, 504 người gồm nhiều phụ nữ và trẻ em đã bị lính Mỹ sát hại, trở thành một trong những ngày đen tối nhất của quân đội Mỹ.
Người dân phía Tây Nam Sài Gòn tháo chạy ngày 7/5/1968, sau khi các cuộc đụng độ với vũ khí hạng nặng nổ ra giữa quân giải phóng và binh sỹ chính quyền Sài Gòn.
Một trực thăng Mỹ đáp xuống đỉnh đồi tại Dak Tô, với những hàng cây cháy rụi vì đạn pháo, ngày 3/8/1968.
Một phụ nữ Việt khóc ngất bên thi thể chồng, được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể cùng 47 người khác gần Huế, tháng 4/1969.
Một trực thăng vận tải Chinook của quân đội Mỹ chuẩn bị cẩu một trực thăng khác khỏi một đỉnh đồi phía Tây căn cứ Chu Lai, ngày 27/4/1969. Chiếc trực thăng nhỏ bị trục trặc động cơ và được chằng bằng dây cáp để cẩu đi.
Hai em nhỏ đứng trước những gì từng là ngôi nhà của họ, cách Sài Gòn chừng 65km về phía Tây Bắc, ngày 14/6/1969. Toàn bộ khu vực đã bị đạn pháo của chính quyền Sài Gòn san phẳng hòng đẩy lùi quân giải phóng.
Rất nhiều người Mỹ, bao gồm các cựu chiến binh từng tham chiến đã tham gia biểu tình phản chiến tại đồi Capitol, ở Washington ngày 19/4/1971.
Cựu trung úy hải quân Mỹ John Kerry, khi đó 27 tuổi, lãnh đạo Hội cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh, được ủng hộ nhiệt liệt trước một phiên điều trần tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ở Washington, ngày 22/4/1971.
Nhiều binh sỹ chính quyền Sài Gòn theo sau những em nhỏ đang khóc vì hoảng sợ, trong đó có bé Kim Phúc, 9 tuổi (giữa), chạy trên tuyến đường gần thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh sau khi những quả bom na-pam được thả xuống nơi nghi có quân giải phóng ẩn náu, ngày 8/6/1972. Một quả bom đã rơi trúng nhà của người dân. Quần áo của bé Phúc bị bom làm cháy hết. Phan Thanh Tâm, em trai của Phúc (trái), bị bom làm mù một mắt.
Một gia đình cùng di tản trên quốc lộ 13, từ phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước về Sài Gòn, ngày 19/6/1972.
Những người dân và binh sỹ bị thương nhẹ cố tìm cách leo lên một chiếc trực thăng của chính quyền Sài Gòn để di tản, tại khu vực An Lộc ngày 25/6/1972
Binh sỹ chính quyền Sài Gòn hành quân trên một con đường tại thành phố Quảng Trị, giữa lúc giao tranh đang diễn ra ác liệt, ngày 28/7/1972.
Cảnh sát chính quyền Sài Gòn bịt mắt một phụ nữ bị nghi là thành viên của quân giải phóng bị bắt ngày 26/10/1972. Người này mang theo 15 quả lựu đạn trong trận chiến đêm trước đó tại Đà Nẵng.
Cờ Mỹ được hạ khỏi căn cứ tại Long Bình, cách Sài Gòn chừng 30km về phía Đông Bắc, để bàn giao căn cứ cho quân đội chính quyền Sài Gòn, ngày 11/11/1972. Đã có thời điểm đây là căn cứ Mỹ lớn nhất tại Việt Nam với 60.000 quân, năm 1969.
Quang cảnh lễ ký hiệp định chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, ngày 27/1/1973, với sự tham dự của Mỹ, chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, phái đoàn miền Bắc và đại diện chính quyền Sài Gòn.
Tù binh chiến tranh, Trung tá Robert L. Stirm được gia đình chào đón khi trở về quê nhà ngày 17/3/1973.
Binh sỹ Mỹ sung sướng hò reo, khi chiếc máy bay C-141 chở họ rời Hà Nội về nhà, ngày 28/3/1973.
Cảnh sát chính quyền Sài Gòn đụng độ với hàng trăm người biểu tình chống chính quyền, tìm cách tuần hành từ ngoại ô vào nội đô, ngày 31/10/1974.
Binh sỹ chính quyền Sài Gòn chen chúc lên chuyến tàu rút lui khỏi bãi biển Thuận An, gần Huế sau khi quân giải phóng liên tục chiến tháng 3/1975.
Hàng trăm phương tiện di tản thuộc đủ chủng loại đậu đầy một bãi đất trống, gần thị xã Tuy Hòa, Phú Yên, ngày 23/3/1975, sau khi tháo chạy từ Ban Mê Thuột và các khu vực khác ở Tây Nguyên.
Một ông bố gánh con di tản khỏi một ngôi làng gần Trảng Bom, Đồng Nai ngày 23/4/1975.
Binh lính chính quyền Sài Gòn và các phóng viên phương Tây chạy để tránh đạn, sau khi đạn cối của quân giải phóng rơi xuống trên cầu Tân Cảng, ngày 28/4/1975.
Trong phiên họp chung của quốc hội chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, ngày 28/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương bị đề nghị bàn giao quyền lực cho tướng Dương Văn Minh, trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm cách đàm phán với quân giải phóng.
Người Mỹ và người Việt đổ dồn về phía một trực thăng di tản khỏi Sài Gòn, ngày 29/4/1975.
Một trực thăng của hải quân Mỹ trên tàu USS Blue Ridge bị đẩy xuống biển để có chỗ cho thêm người di tản.
Dòng người bám đen trên cầu thang lên mái một ngôi nhà gần đại sứ quán Mỹ với hy vọng kịp lên trực thăng di tản.
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975, đánh dấu chính quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ.
Người Sài Gòn nô nức đón quân giải phóng ngày 30/4/1975.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AP
Hồ sơ mật của chính phủ Mỹ tiết lộ ý đồ dùng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam Các tài liệu mật dưới thời Tổng thống Richard Nixon đã hé lộ thông tin về chiến dịch này, trong đó có chi tiết liên quan đến ý đồ sử dụng hạt nhân của quân đội Mỹ tại Việt Nam. LTS: Trong cuộc phỏng vấn mới đây với một tờ báo địa phương, Phillip Hays, một cựu binh từng chiến đấu trong Hải...