‘Việt Nam không thể xử lý nợ xấu kiểu Mỹ’
Trước những ý “chê trách” tiến độ còn chậm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, với nguồn lực hạn chế của Việt Nam, chỉ trong một năm xử lý 39.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn dự phòng tự có là “quá quyết liệt”.
Chiều 27/12, trao đổi với báo chí về kết quả điều hành 2012 và định hướng năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời về một trong những câu chuyện được xem là” nóng” và “rát” nhất của năm 2012: Nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng ngành ngân hàng đã làm hết sức có thể với vấn đề nợ xấu. Ảnh: Thanh Lan.
Chưa đưa ra thống kê mới nhất về quy mô nợ xấu tính đến tháng 12, Thống đốc tiếp tục dẫn chứng số liệu đến tháng 10 là 8,82%. Trước ý kiến cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém như trong năm 2012 là “quá chậm” dẫn đến việc xử lý nợ xấu chậm trễ, Thống đốc trả lời nhận định trên “vừa đúng, vừa không đúng”. Theo ông, đúng là nợ xấu thì phải xử lý và thật nhanh nhưng cần phải cân nhắc trong bối cảnh của Việt Nam chứ không thể so sánh với mọi trường hợp khác. Người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ rằng, Việt Nam đã xử lý nợ xấu trong cảnh “cái khó bó cái khôn”.
“Lấy trường hợp ở Mỹ, họ bơm tiền ra mua đứt tất cả các khoản nợ, không cần biết nợ đó xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm được như vậy thôi bởi họ mới có nguồn lực để làm còn Việt Nam thì lấy ở đâu? Tôi nghĩ trong môi trường của thế mà xử lý được như thời gian vừa qua thì không phải chậm mà là quá quyết liệt”, Thống đốc nói.
Một trong những biểu hiện để thấy rõ sự “quyết liệt” của nhà điều hành được Thống đốc chỉ ra là ở sự thay đổi về lợi nhuận, lương thưởng của chính bản thân ngành ngân hàng. “Chưa năm nào như năm nay, không có thông tin nào về ngân hàng lãi khủng. Nói cách khác, các ngân hàng cũng đã hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cùng xử lý nợ xấu. Mọi năm có thể chia nhau hàng tháng tiền thưởng Tết nhưng năm nay đã có nhiều ngân hàng tuyên bố không có tháng lương nào cả. Ngân hàng không chia cổ tức cũng là bình thường”, ông Bình lý giải. Người đứng đầu ngành cho rằng, nên nhìn nhận sự việc này là những chia sẻ và nỗ lực của ngành ngân hàng với nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và hai Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình (ngoài cùng, trái) và Lê Minh Hưng. Ảnh: Thanh Lan
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng đến nay trích lập được khoảng 90.000 tỷ dự phòng rủi ro. “Coi như những gì hệ thống ngân hàng có thể làm được chúng tôi đã làm hết sức. Năm vừa rồi tôi luôn phải tuyên bố trước Quốc hội, Chính phủ rằng cần hiểu nợ xấu là của nền kinh tế. Bởi vậy, tại sao chỉ có ngân hàng mà cần có cả hệ thống chính trị”, ông Bình trần tình.
Video đang HOT
Để chứng minh nợ xấu đã được xử lý nhanh, vị “tư lệnh trưởng” của ngành ngân hàng cũng nhắc lại những số liệu ông từng nêu trong phiên họp Thường vụ hôm 13/11. “Đến tháng 10, những gì đã được làm là 252.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại – tương ứng 8% dư nợ tín dụng. Nếu không xử lý như vậy, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên ít nhất 8% nữa”, ông Bình giải thích.
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho rằng các ngân hàng đã sẵn sàng hy sinh ngắn hạn trong việc giảm lợi nhuận để tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. “Đến nay các ngân hàng đã tự xử lý được 39.000 tỷ nợ xấu. Khẳng định nội dung xử lý nợ xấu mà nhà điều hành đang làm là đúng đắn, người đứng đầu ngành thanh tra ngân hàng lấy dẫn chứng, 4 tháng đầu năm 2012, khi chưa có những quyết định, chỉ thị để cơ cấu nợ, khắc phục xử lý nợ xấu, tốc độ tăng của nợ xấu lên tới 8-9% mỗi tháng. Ngược lại, đến nay theo ông Nghĩa, nợ xấu chỉ tăng trung bình 3% một tháng.
Ông Nghĩa cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu và Đề án Thành lập công ty quản lý tài sản. Theo ông, đề án thứ hai được cho là một công cụ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Về tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém – một trong những bước quan trọng để dọn “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay đã đảm bảo khả năng chi trả của 9 nhà băng này. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong 9 trường hợp thuộc diện cần tái cơ cấu, hiện chỉ còn duy nhất một ngân hàng vẫn chưa xây dựng xong phương án tái cơ cấu. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin cụ thể danh tính nhà băng này.
Ngoài 9 nhà băng này, người đứng đầu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc đến tình trạng yếu kém của cả ngân hàng thương mại nhà nước. “Vẫn có những ngân hàng thương mại nhà nước có yếu kém lộ diện rõ ràng cần phải xử lý. Và chúng tôi cũng có phương án cụ thể, rõ ràng với ngân hàng này”, ông Nghĩa nói thêm.
Theo VNE
Sắp đón tiền tấn, đại gia BĐS lên hương
Liên tiếp các cuộc làm việc, các kế hoạch và lời hứa giải cứu BĐS, các đại gia BĐS như mở cờ trong bụng. Đã đến lúc các đại gia có thể mở tiệc ăn mừng. Còn trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá đưa các đại gia "lên hương".
Lại sướng như BĐS
Không còn lờ mờ như trong các tuyên bố trước đây, phát biểu trong buổi làm việc với TP.HCM ngày 18/12 nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và xử lý nợ xấu, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã đưa ra những thông điệp khá rõ ràng.
Theo đó, chỉ trong vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm lãi suất trên cơ sở lạm phát đang được giữ ổn định, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng này dưới 0,5% và cả năm chỉ khoảng 7%.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết tại cuộc họp sẽ đưa ra khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu liên quan đến BĐS ngay từ quý II/2013. Bên cạnh đó, cung ứng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý khoảng 8% trong thời hạn 5-10 năm và sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này...
Chính phủ sẽ tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho, BĐS ứ đọng ngay từ đầu năm tới bằng các giải pháp tổng thể, đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Thậm chí, có ngân hàng đề xuất gói giải pháp trong đó gắn cho vay với áp lực yêu cầu chủ đầu tư giảm giá bán nhà... và thực hiện ngay từ cuối 2012, nhằm tạo tâm lý ổn định cho thị trường và tạo điều kiện cho người mua nhà.
Các thông tin được đưa ra dồn dập trong một buổi họp đã gây tác động rất mạnh tới giới đầu tư và kỳ vọng về một thị trường BĐS hồi phục, các doanh nghiệp BĐS hưởng lợi từ các chính sách này đã bùng lên mạnh mẽ.
Trên TTCK tập trung, phản ứng với các thông tin hỗ trợ mạnh nói trên, sáng 19/12 hàng loạt cổ phiếu BĐS, xây dựng và vật liệu xây dựng đã đồng loạt tăng trần như DIG, ITC, LCG, NTL, SJS, TDC, TDH, VPH, ITA, DID, DIC, DAG, PTC, PSG, PXA, S96... Nhiều cổ phiếu đang trong tình trạng rất khó khăn như STL, SCR... cũng đang đã nhanh chóng tăng hết biên độ cho phép ấn tượng vào cuối phiên buổi sáng.
Cùng với tuần diễn biến tích cực hơn trước đó, thông tin "hạ lãi suất trong vài ngày tới" và kế hoạch xử lý nợ xấu đã khiến các nhà đầu tư tin tưởng mãnh liệt vào một con sóng dài trên thị trường chứng khoán (TTCK), mức lãi kỳ vọng được đặt ra lên tới vài chục phần trăm trước kỳ nghỉ Tết.
Theo nhiều nhà đầu tư, đối tượng chính có lợi trong lần này là các doanh nghiệp BĐS và các ngân hàng. Dòng tiền lần này sẽ là dòng tiền chính sách và đầu cơ giai đoạn này dường như "ăn chắc".
Hết thời giảm giá?
Hướng đi đã được xác định khá rõ ràng. Theo đó, tiền sẽ được đưa ra để xử lý nợ xấu, lãi suất sẽ được hạ để doanh nghiệp dễ thở, người có nhu cầu thực sự có thể mua nhà... Đây là giải pháp có lẽ được rất nhiều người mong muốn.
Trong cuộc họp với TP.HCM hôm 18/12, lãnh đạo NHNN có một nhận định khá rõ ràng cho rằng, BĐS đang bóng bóng và có thể xì hơi, vỡ vào một thời điểm nào đó. Đây cũng là nhận định đã được nhiều chuyên gia đưa ra trước đó.
Có thể thấy, nợ xấu ở mức cao như hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng và cần được giải quyết để ổn định kinh tế, xã hội, giống như nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc đã từng phải làm.
Mặc dù vậy, vấn đề được đặt ra là chúng ta sẽ lấy nguồn tiền nào để giải quyết nợ xấu, để tài trợ lãi suất cho vay mua nhà... Về vấn đề này, NHNN chưa đề cập rõ nhưng cho biết có thể cân đối được.
Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra lo ngại nếu thực sự tiền được bơm ra để giải quyết nợ xấu, qua đó cứu BĐS thì lạm phát có tăng trở lại? Bong bóng BĐS sẽ tiếp tục được duy trì? Khi đó vòng xoáy khủng hoảng có trở lại hay không? Và giải quyết nợ xấu trong vòng bao lâu (Mỹ đã mất 4 năm, Nhật mất 10 năm, Hàn Quốc 5 năm).
Dù thế nào đi chăng nữa, những động thái nói trên có thể đang khiến nhiều người đang "làm" BĐS và "chơi" chứng khoán mở cờ trong bụng, mở tiệc ăn mừng. Trên TTCK, dòng tiền đang có lý do chảy vào cổ phiếu.
Thanh khoản trong phiên giao dịch buổi sáng 19/12 tăng mạnh lên gần 600 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 200 tỷ đồng trên sàn Hà Nội. Tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng và ngân hàng đã khiến đa số các cổ phiếu trong các lĩnh vực này tăng giá.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, dòng tiền lần này sẽ là dòng tiền của chính sách, chính sách hỗ trợ cho một dạng hàng hóa đặc biệt là BĐS. Theo đó, đầu cơ trong giai đoạn này tỷ lệ "ăn sóng" là rất lớn, tối thiểu thì cũng là dòng tiền đang nằm im trong túi của nhiều nhà đầu tư chảy vào thị trường, chưa kể tới khoản tiền được bơm vá.
Trên thực tế, các ngân hàng được cho là đang bị kẹp vốn rất lớn trong BĐS, nợ xấu đang nằm nhiều trong BĐS. Do vậy, giải quyết nợ xấu cũng là khơi thông những bế tắc đang ngăn cản hoạt động của ngân hàng, doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Và khi dòng tiền được khơi thông, chắc chắn một phần sẽ được đổ vào chứng khoán để chờ đón cơ hội. "Dân" BĐS trong khi đó đang chờ đợi một làn gió mới với giao dịch được kỳ vọng ấm áp trở lại.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều người nghi ngại về khả năng tươi sáng của các thị trường này. Theo đó, với BĐS, một điều quan trọng đối với thị trường này là dòng tiền của giới đầu cơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những đối tượng có tiền này có lẽ không ít người đã ngán ngẩm với ba từ BĐS. Trong khi đó, người dân làm công ăn lương, người dân lao động thì không nhiều người có số tiền vài trăm triệu tới một hai tỷ đồng để mua nhà đất, căn hộ.
Tuy vậy, trong số họ, cũng có những người đang chờ đợi giải pháp tổng thể với một tia hy vọng về khả năng ép chủ đầu tư hạ giá sản phẩm, cùng với hướng tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận.
Theo Dantri
Việt Nam quyết liệt xử lý nợ xấu Chiều 6-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (CG năm 2012) sắp tới. Thông báo về chính sách phát triển của Việt...