Việt Nam không làm xấu đi vấn đề Biển Đông
“Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền để buộc họ phải rút giàn khoan nhưng cũng tính toán để không đẩy vấn đề trở nên xấu đi”.
Tàu kiểm ngư của Việt Nam sau khi bị tàu Trung Quốc đâm.
Đó là chia sẻ của ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội.
- Ông nhìn nhận thế nào trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam và tấn công tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của chúng ta?
Video đang HOT
- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan thả neo, chuẩn bị khoan thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam là hết sức nghiêm trọng. Nó đi ngược hoàn toàn nội dung được thỏa thuận trong DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông). Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hành động này không đơn thuần là khai thác tài nguyên vì mục đích kinh tế mà sâu xa nhằm khẳng định tuyên bố đường lưỡi bò vô lý của họ, từ đó để tạo cơ sở nhằm thực thi quyền kiểm soát Biển Đông. Họ xác định tranh chấp trên vùng biển này rất phức tạp nên có thể tạm gác lại để cùng nhau khai thác nhưng họ phải trong tư thế là người đến trước, người định vị, sau đó ai muốn khai thác thì phải đặt vấn đề với họ.
Nếu đặt hành động này cạnh việc bắt tàu của ngư dân, hay cắt cáp tàu Bình Minh thì đây là sự leo thang trong chuỗi hành động có tính toán của Trung Quốc. Họ đưa ra chủ thuyết đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông và để hiện thực hóa điều đó thì hành động lần này chưa phải là cuối cùng vì sẽ còn những bước đi tiếp theo nữa.
- Hành động này của phía Trung Quốc có làm chúng ta bất ngờ?
- Về chiến lược thì không bất ngờ, còn cụ thể thì phải xem chúng ta phát hiện đủ sớm chưa. Chúng tôi theo dõi và nhận thấy chúng ta phát hiện kịp thời và đã có hành động thực địa lẫn ngoại giao phù hợp. Chủ trương của ta là không để xung đột vũ trang. Nếu nóng vội, đẩy vấn đề tới nấc thang nóng không cần thiết thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn.
- Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng an ninh đã có yêu cầu gì với Chính phủ?
- Ngày 6/5, Ủy ban quốc phòng an ninh đã họp và nghe đại diện Bộ Quốc phòng thông tin đầy đủ diễn biến tình hình cũng như thống nhất cách ứng phó và giải pháp tiếp theo.
Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền theo luật pháp quốc tế, buộc họ tuân thủ quy định DOC rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng những thực thi vừa qua của chúng ta là rất phù hợp.
Nếu Việt Nam huy động lực lượng quân sự rất có thể sẽ trúng vào mong muốn của họ. Thử hình dung nếu tàu quân sự va chạm nhau thì câu chuyện sẽ như thế nào.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng tính toán để không đẩy vấn đề xấu đ. Chúng tôi đánh giá phản ứng của Chính phủ là rất kịp thời, chủ động họp báo để thông tin cho dư luận trong nước và bạn bè quốc tế biết. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục cương quyết. Phải đánh động với thế giới để họ thấy bản chất và ủng hộ quan điểm của Việt Nam và các nước trong khối ASEAN là duy trì DOC.
- Hội nghị ASEAN sẽ diễn ra trong vài ngày tới, ông chờ đợi gì trong thông điệp của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với bạn bè quốc tế tại hội nghị này?
- Dù đã có họp báo quốc tế song diễn đàn ASEAN là một khuôn khổ quan trọng khác để ta chính thức truyền đi thông điệp chính nghĩa, còn phía Trung Quốc đang có hành động khiêu khích làm tình hình phức tạp hơn.
- Trước đây, tình hình như ông nói là chưa nghiêm trọng nhưng có đại biểu cho rằng Quốc hội chưa đặt vấn đề Biển Đông đúng tầm mức và cần ra Nghị quyết để thể hiện lập trường. Vậy lần này có nên làm như vậy không?
- Chương trình dự kiến của kỳ họp Quốc họp lần này đã được gửi đến các đại biểu để lấy ý kiến. Tùy thuộc vào yêu cầu của các đại biểu rồi trong phiên họp trù bị sẽ đặt vấn đề có hay không đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của kỳ họp tới.
Cá nhân tôi thấy nếu Chính phủ có báo cáo cho đại biểu thì rất tốt để tạo sự đồng thuận cao. Trách nhiệm của mỗi đại biểu, là đại diện cho cử tri cũng cần được biết. Tôi nghĩ yêu cầu này sẽ được nhiều đại biểu đề cập.
Theo Xahoi