Việt Nam kêu gọi tôn trọng UNCLOS ở Biển Đông
Việt Nam đề nghị các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng, thực thi nghĩa vụ theo Công ước LHQ về Luật Biển, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
“Lập trường của Việt Nam rõ ràng và nhất quán, đó là ủng hộ giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng những giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS) năm 1982″, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay cho biết khi được đề nghị bình luận nhân kỷ niệm 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Baoquocte .
Bà Hằng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS năm 1982.
Video đang HOT
“Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm.
Năm 2013, chính quyền Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nộp đơn kiện lên PCA, cho rằng “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS năm 1982 và cần được tuyên bố là vô căn cứ.
Sau 3 năm xem xét, PCA ngày 12/7/2016 ra phán quyết tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phán quyết này không có cơ chế thi hành.
Trung Quốc không tham gia vụ kiện và bác bỏ phán quyết của PCA. Kể từ đó đến nay, Bắc Kinh liên tục tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực.
Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu điện đàm với Thủ tướng Pháp
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với người đồng cấp Pháp, thống nhất tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như cung cấp vaccine, an ninh quốc phòng.
Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm nay, hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trong thời gian tới, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy và chiến lược giữa hai nước. Thủ tướng Pháp đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu trong chính sách của Pháp hướng tới khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Pháp hôm nay. Ảnh: BNG .
Hai lãnh đạo đã nhất trí cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ cung cấp vaccine và phối hợp các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, tích cực phối hợp chặt chẽ để triển khai, tận dụng hiệu quả Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" liên quan đến hàng thủy sản Việt Nam.
Hai Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng, an ninh quốc phòng, xây dựng thành phố bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như những dự án hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính phủ Pháp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Pháp làm ăn, học tập và sinh sống, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định về quan trọng của bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông, nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam. Thủ tướng Castex cũng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp trong thời gian tới.
Việt Nam theo dõi sát tình hình bãi Ba Đầu Việt Nam đang theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa. "Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù...