Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo vệ thường dân ở Sudan
Việt Nam kêu gọi Sudan tăng cường các nỗ lực bảo vệ thường dân và xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng tại Sudan.
Người dân Sudan tuần hành tại thành phố Kassala.(Nguồn:dabangasudan.org)
Ngày 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp công khai trực tuyến về tình hình Sudan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc tại nước này (UNITAMS).
Phiên họp có sự tham dự của ông Atul Khare – Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hỗ trợ vận hành, ông Volker Perthes – Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Sudan, và bà Kholood Khair – đại diện tổ chức Đối tác chiến lược toàn diện ở Sudan.
Tại đây, Việt Nam kêu gọi Sudan tăng cường các nỗ lực bảo vệ thường dân và xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các báo cáo viên đã thông tin về những diễn biến mới về tình hình Sudan trong ba tháng qua, trong đó có các tiến triển trong việc thực thi Thỏa thuận hòa bình ngày 3/10/2020 giữa chính phủ và phần lớn các nhóm vũ trang tại khu vực Darfur.
Video đang HOT
Mặc dù ghi nhận việc Ủy ban chuyển tiếp và nội các mới được thành lập, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về những khó khăn về kinh tế, nhân đạo và tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, đặc biệt ở khu vực Darfur.
Ông Volker Perthes cũng thông tin về các hoạt động bước đầu của UNITAMS trong hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan, đồng thời khẳng định Phái bộ sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Sudan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ đánh giá của các báo cáo viên về những tiến triển tích cực gần đây tại Sudan. Tuy nhiên, các nước cho rằng tình hình Sudan vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, nhân đạo.
Các nước đề nghị Chính phủ Sudan thúc đẩy hơn nữa khả năng bảo vệ thường dân ở khu vực Darfur cũng như bảo đảm an toàn cho Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc – Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) trong quá trình Phái bộ này rút lực lượng.
Đại biện lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp ở nước này cũng như bảo đảm trách nhiệm hàng đầu của mình trong bảo vệ thường dân ở Sudan, trong đó có khu vực Darfur.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao những tiến triển tại Sudan thời gian qua và bày tỏ mong muốn chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan ở Sudan sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ Thỏa thuận hòa bình ngày 3/10/2020, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định lâu dài ở nước này.
Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, các nước và tổ chức khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện hơn nữa cho Sudan tiếp cận các thể chế tài chính quốc tế.
Đồng thời, Đại sứ bày tỏ mong muốn UNITAMS sẽ sớm được vận hành đầy đủ để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp và phát triển ở Sudan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho lực lượng của UNAMID trong quá trình rút quân.
Trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực Darfur đã được cải thiện, ngày 22/12/2020, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2559, trong đó quyết định chấm dứt nhiệm vụ của UNAMID vào ngày 31/12/2020 và đề nghị UNAMID hoàn thiện việc rút quân từ 1/1/2021 đến trước ngày 30/6/2021.
Trước đó, tháng 6/2020, Hội đồng Bảo an quyết định thành lập UNITAMS theo Nghị quyết 2524. Đây là Phái bộ chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.
UNITAMS cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho Chính phủ Sudan trong công tác bảo vệ thường dân ở Darfur nhưng không trực tiếp tham gia bảo vệ thường dân như UNAMID.
Việt Nam kêu gọi Myanmar chấm dứt bạo lực, hướng tới giải pháp thỏa đáng
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5/3 đã họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Christine Schraner Burgener.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN phát
Tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Đại diện các nước đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và các nước thành viên của Hiệp hội, đồng thời bày tỏ mong muốn ASEAN tiếp tục đóng góp tích cực hơn để sớm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề Mynamar.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam theo dõi sát sao và rất lo ngại về những diễn biến hiện nay tại Myanmar, đặc biệt là tình hình bạo lực và căng thẳng leo thang, gây ra thương vong ngày càng lớn cho dân thường, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển của Myanmar cũng như toàn khu vực.
Đại sứ cũng cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã họp không chính thức để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm trong đó có tình hình Myanmar, đồng thời các nước thành viên ASEAN cũng đã và đang nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích, nguyên tắc và thủ tục được quy định trong Hiến chương ASEAN. Đại sứ kêu gọi các nước thành viên HĐBA ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ các bên nối lại đối thoại nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Myanmar.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tiếp tục các nỗ lực cứu trợ nhân đạo; thu hẹp bất đồng giữa các bên liên quan ở Myanmar, thông qua các nỗ lực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar và khuyến khích sự phối hợp hơn nữa giữa Đặc phái viên với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm là người dân là điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Việt Nam ủng tất cả các nỗ lực hướng tới mục tiêu này vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình và ổn định của khu vực.
Việt Nam, Nga, Nam Phi kỷ niệm 60 năm Tuyên bố Phi thực dân hóa Việt Nam, Nga và Nam Phi đã tổ chức sự kiện bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc để kỷ niệm 60 năm Tuyên bố Liên hợp quốc về Trao độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu...