Việt Nam được đánh giá là hình mẫu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả
Việt Nam được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và mang lại thành công lớn.
Hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả
Ngày 25/4, tại cuộc họp trực tuyến về hợp tác nghị viện chống đại dịch Covid-19 do Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia tổ chức qua ứng dụng Zoom, bà Puan Maharani – Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đặt các quốc gia vào thời điểm thử thách, đòi hỏi sự hợp tác, chung tay hành động nhằm đối phó và giảm thiểu những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
Còn TS Fadli Zon – Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện Hạ viện Indonesia cho rằng, Indonesia hiện là quốc gia thuộc mức cao nhất trong ASEAN về tỷ lệ ca nhiễm bệnh và số người tử vong vì Covid-19, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về huy động nguồn lực chống dịch bệnh khi Covid-19 kéo dài.
Các đại biểu Việt Nam tham dự cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội.
Trong đại dịch Covid-19, Hạ viện Indonesia ghi nhận hành động của Chính phủ đã thực hiện các giải pháp phòng chống, nhưng kêu gọi cần phải hành động nhanh hơn nữa trong việc xét nghiệm diện rộng để cách ly, truy tìm dấu vết lây nhiễm trong cộng đồng như kinh nghiệm một số nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia.
Việt Nam hiện được lãnh đạo các nước và dư luận quốc tế đánh giá là một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả và mang lại thành công lớn. Việc Quốc hội Việt Nam được mời tham dự phiên họp của Ủy ban Hạ viện Indonesia một mặt thể hiện sự coi trọng của Indonesia, và uy tín của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cùng với tinh thần Quốc hội Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AIPA năm 2020.
TS Fadli Zon cho rằng, để đối phó với dịch bệnh, cần phải nêu cao vai trò của Nghị viện nhằm thúc đẩy Chính phủ triển khai mạnh mẽ các giải pháp phòng chống dịch bệnh… Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trên kênh nghị viện và giữa các quốc gia, coi trọng sự phát triển của chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế đa phương nhất là WHO.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông báo vắn tắt tình hình dịch bệnh tại mỗi nước, chia sẻ những biện pháp, thực tiễn tốt mà Chính phủ cũng như Nghị viện các nước triển khai để ứng phó với đại dịch và những khó khăn, thách thức khi đến nay vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ tác động mọi mặt của dịch bệnh cũng như chưa thể dự báo chính xác thời điểm dịch kết thúc.
Video đang HOT
Các đại biểu nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đang gây ra những thay đổi sâu sắc ở nhiều quốc gia và trên thế giới, do đó các Chính phủ, Nghị viện trong khu vực và trên toàn cầu cần đoàn kết, hợp tác cùng hành động, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh – xã hội cho người dân, có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của dịch bệnh… Các đại biểu cũng đề cao vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) mà Quốc hội Việt Nam đang đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA năm 2020…
Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó Covid-19
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao ý nghĩa cuộc họp và cá nhân Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác liên nghị viện Fadli Zon, qua đó thúc đẩy hợp tác liên nghị viện chống Covid-19 giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trước tình hình đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực và trên khắp thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, các nghị sĩ cần thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với Covid-19 và khắc phục những khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra.
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA trong Thư gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA ngày 30/3/2020 vừa qua, kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA tăng cường hành động, đồng hành cùng Chính phủ trong đối phó với đại dịch Covid-19 thông qua việc phát huy vai trò của Nghị viện, ban hành các biện pháp và thông qua chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, với vai trò là Năm Chủ tịch AIPA, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ các nội dung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN 3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/4/2020 theo hình thức trực tuyến. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao khẳng định lại quyết tâm và cam kết của thành viên ASEAN theo tinh thần của ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”, tiếp tục đoàn kết và chung tay hành động để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi của đại dịch đối với đời sống nhân dân, xã hội và nền kinh tế của các nước trong khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã chủ động từ rất sớm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động đông đảo nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm, chống dịch lây lan trong cộng đồng, nêu cao nhận thức người dân về phòng chống dịch.
Những biện pháp này đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam có tổng cộng 270 ca nhiễm, trong đó 225 ca đã bình phục và không có ca tử vong do dịch.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, trong tháng 4/2020, Việt Nam đã ra mắt hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm góp phần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 với việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh nhưng vẫn được chăm sóc y tế.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà ghi nhận những ý kiến, đề xuất của Malaysia, Indonesia tại cuộc họp nhằm nâng cao vai trò của AIPA và Ban Thư ký AIPA với Covid-19 trong Năm Chủ tịch AIPA 2020. Trong đó có việc huy động nguồn lực thông qua hình thức quỹ để các nghị viện thành viên AIPA có thể chủ động trong công tác phòng chống Covid-19 hoặc các tình huống tương tự trong tương lai, tham khảo ý kiến các Nghị viện thành viên để đưa vào chương trình nghị sự Đại hội đồng AIPA 41, dự kiến tổ chức vào cuối năm 2020.
HÀ LINH
Truyền thông Mỹ ca ngợi Việt Nam minh bạch và chủ động ứng phó Covid-19
Có kế hoạch ứng phó ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, hành động nhanh, hiệu quả và quyết liệt từ cấp trung ương đến địa phương, minh bạch trong công tác ứng phó dịch bệnh, lan tỏa tinh thần hợp tác quốc tế... Đó là những bình luận của truyền thông Mỹ về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Một số khu chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức kẻ vạch giãn cách, đo thân nhiệt và khử khuẩn tay trước khi vào chợ. (Ảnh: Duy Linh)
Đài phát thanh NPR của Mỹ ngày 16-4 có bài phân tích vì sao cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì Covid-19 và chỉ có 268 ca bệnh trong khi các quốc gia Đông - Nam Á khác đã phát hiện hàng nghìn ca nhiễm.
Theo NPR, các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm ứng phó trong các đại dịch trước đây, việc sớm thực hiện nghiêm chính sách giãn cách xã hội và hành động quyết liệt của các nhà lãnh đạo đã giúp Việt Nam ngăn chặn sự lây lay của dịch Covid-19.
NPR dẫn lời đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ tại Thái Lan, ông John MacArthur đánh giá: "Việt Nam đã có cam kết chính trị ngay từ đầu ở cấp cao nhất. Và cam kết chính trị đó đã được triển khai từ cấp trung ương đến từng thôn xóm".
Bài viết nhận định, với kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến đẩy lùi dịch SARS năm 2003 và đại dịch cúm H1N1 năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu triển khai các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 từ tháng 1-2020, ngay sau khi xuất hiện thông tin về các ca bệnh đầu tiên tại TP Vũ Hán của Trung Quốc.
"Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt chiến thuật, gồm có cách ly trên diện rộng và chủ động truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2. Việt Nam còn nhận được sự khen ngợi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC về sự minh bạch trong ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế", NPR cho biết.
Bài viết thông tin thêm: "Hàng chục nghìn người đã được đưa vào các khu cách ly tại Việt Nam. Đến cuối tháng 3, Việt Nam đã cấm tất cả chuyến bay quốc tế và nội địa. Chính phủ cũng thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1-4. Truyền thông nhà nước đưa tin, các yêu cầu về giãn cách xã hội và ở trong nhà cũng được kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa. Những người vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm". Khi các tác động về kinh tế của biện pháp giãn cách xã hội ngày càng rõ ràng hơn, một số doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam. Một doanh nghiệp đã lắp đặt "ATM gạo" để phân phát gạo miễn phí cho những người không có việc làm.
Trước đó, ngày 15-4, Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ cũng đánh giá sự minh bạch và tiên phong ứng phó của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 đã nhận được sự ca ngợi ở trong nước và từ cộng đồng quốc tế.
Theo bài viết này, tính đến ngày 15-4, Việt Nam đã ghi nhận 267 ca bệnh và số người được xét nghiệm tại Việt Nam cao hơn nhiều so với tại phần lớn các nước Đông - Nam Á. Tạp chí Chính sách đối ngoại có cùng quan điểm với đài phát thanh NPR khi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh và hiệu quả. Khi tâm dịch chuyển sang châu Âu vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch cách ly những người trở về từ nước ngoài để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Chính phủ cũng nhanh chóng đóng cửa trường học và các hoạt động kinh tế không thiết yếu.
Mặc dù là nước có thu nhập trung bình và ngân sách dành cho y tế chỉ bằng một phần nhỏ so với các nước phát triển khác nhưng hệ thống y tế của Việt Nam dường như không bị quá tải. Việt Nam thậm chí còn trao tặng vật tư y tế cho các nước châu Âu.
Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam rất minh bạch với nhân dân trong công tác ứng phó cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Các bộ trưởng họp báo hằng ngày và thường xuyên phát biểu trên truyền hình. Trong khi đó, các nhà mạng thường xuyên gửi tin nhắn để cập nhật tình hình dịch bệnh cho khách hàng. Thậm chí, những cảnh báo y tế của Chính phủ Việt Nam còn được dịch cho người nước ngoài.
Bài viết nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam bày tỏ ủng hộ và ca ngợi nỗ lực chống dịch của Chính phủ. Trong thời gian này, nhân dân Việt Nam thường nhắc tới hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" và lan truyền những bài thơ yêu nước trên mạng xã hội.
Từ những lý do nêu trên, bài viết khẳng định, "Việt Nam nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19".
HOÀNG HÀ
Tranh cãi về trách nhiệm của WHO với đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết Hiện đã có các yêu cầu cải tổ toàn diện tổ chức này cũng như việc Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải từ chức. Cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ bất chấp những lời kêu gọi các bên cần đẩy mạnh hợp tác để cùng nhau chống...