Việt Nam đóng vai trò trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc
Trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia cầu nối và trọng tâm của ASEAN, bởi Việt Nam chiếm hơn một nửa hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư…
Toàn cảnh Hội thảo
Chiều 3/12, Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Chính sách hướng Nam mới và tầm quan trọng của quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Jae-Young Lee, Viện trưởng KIEP cho biết, Chính sách hướng Nam mới là một chính sách hiện thực hóa sự hợp tác quốc tế và ngoại trao quan trọng của Hàn Quốc với các nước ASEAN và Ấn Độ, nhằm nâng tầm lên mối quan hệ đối tác hợp tác tương ứng với 4 cường quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Theo TS. Jae-Young Lee, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa qua đã tuyên bố xây dựng cộng đồng tương lai Hàn Quốc – ASEAN nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN lên tầm cao mới, theo định hướng của Chính sách hướng Nam mới.
Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một thuật ngữ mới mang tên “Cộng đồng 3P”, gồm Cộng đồng hướng tới con người (People), kết nối con người với con người, tâm hồn với tâm hồn; Cộng đong hòa bình (Peace) góp phần vào mối quan hệ hợp tác với ASEAN thông qua hợp tác an ninh; và Cộng đồng thịnh vượng (Prosperity) cùng nhau hợp tác và phát triển dựa trên hợp tác kinh tế, thương mại.
Tháng 3 năm nay, nhân dịp năm khởi đầu của Chính sách hướng Nam mới, Tổng thống Moon Jae-in đã có tuyên bố chung về tương lai 25 năm mới với Việt Nam, đối tác trọng tâm trong chính sách hiện thực hóa Cộng đồng tương lai Hàn Quốc – ASEAN.
Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế hữu nghị giữa hai nước, hợp tác nhằm tăng cường sự kết nối mục tiêu của cộng đồng ASEAN; nỗ lực cùng nhau tạo ra động lực tăng trưởng tương lai.
Video đang HOT
“Trước khi thực hiện Chính sách hướng Nam mới, Việt Nam và ASEAN đều là những quốc gia, khu vực vô cùng quan trọng đối với Hàn Quốc và tầm quan trọng đó ngày càng được nhấn mạnh”, ông Lee nói.
ASEAN đã trở thành một trong những đối tác đầu tư và hợp tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và cũng là khối kinh tế quan trọng nhất xét trên phương diện viện trợ phát triển ODA, giao lưu nhân lực và xây dựng.
Trong đó, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khối ASEAN. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã phát triển một cách ngoạn mục và trở thành đối tác hợp tác quan trọng của Hàn Quốc.
Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế với ASEAN – khu vực trọng điểm của Chính sách hướng Nam mới, Việt Nam đóng vai trò là quốc gia cầu nối và trọng tâm, chiếm hơn một nửa hợp tác trong hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, giao lưu nhân lực…
Về phần mình, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF nhấn mạnh, trong thời gian tới, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng trên nhiều lĩnh vực hơn nữa. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc cũng dành ưu tiên hợp tác cao với ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng việc Chính phủ Hàn Quốc đang ưu tiên thực hiện Chính sách hướng Nam mới sẽ là cột mốc mới trong quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN cũng như giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Việt Nam được xem là cửa ngõ tiến vào ASEAN cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong những năm qua, đặc biệt là kể từ năm 2012, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
“Với các chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa trong thời gian tới”, ông Quang khẳng định.
Cũng tại hội thảo, KIEP và NCIF đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác giao lưu thực tế giữa hai cơ quan.
KIEP và NCIF ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF:
Trong gần ba thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (ngày 22/12/1992), mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, lao động đến văn hóa, du lịch, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Năm 2009, hai nước nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác hợp tác chiến lược. Năm 2015, hai nước ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn quốc (VKFTA). Bên cạnh đó, trong khuôn khổ ASEAN – Hàn Quốc, hai nước cũng đã có cam kết về tự do hoá thương mại từ năm 2005.
Hàn Quốc hiện đang là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với số vốn lũy kế đăng ký tính đến hết năm 2017 đạt 57,6 tỷ USD. Việt Nam cũng là điểm đầu tư lớn thứ tư của Hàn Quốc ra nước ngoài và là đối tác nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc.
Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc tăng 117 lần kể từ 1992, lên mức 61,5 tỷ USD năm 2017.
Hai nước cũng đã có những kết quả hợp tác tích cực về lao động, văn hóa và du lịch. Tính tới cuối tháng 12/2017, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có 162 nghìn người, trong đó chủ yếu là người lao động, công dân kết hôn di trú và du học sinh.
Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Thanh Huyền
Theo PLO
Cơ hội hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam từ Chính sách hướng Nam mới
Chiều ngày 3/12, Viện Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) tổ chức Hội thảo Thực hiện Chính sách hướng Nam mới và tầm quan trọng của mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai viện nghiên cứu KIEP và NCIF. Ảnh: Bích Thủy
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi, thảo luận về nội hàm của Chính sách hướng Nam mới, cơ hội hợp tác thương mại đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam và ASEAN nói chung, vấn đề hòa bình của bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới về cơ hội mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Theo TS. Lee Jae Young (KIEP), năm 2017, Hàn Quốc công bố "Chính sách hướng Nam mới". Đây là một chính sách ưu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ với các nước ASEAN. Mục đích của chính sách là nhằm nâng tầm mối quan hệ đối tác hợp tác của Hàn Quốc với các nước ASEAN và Ấn Độ tương ứng với 4 cường quốc trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Trong chính sách này, Việt Nam được xem là đối tác trọng tâm và có vai trò dẫn dắt cầu nối với khu vực, do đó, cần tăng cường kết nối và nỗ lực cùng nhau tạo ra động lực tăng trưởng tương lai.
Các chuyên gia Hàn Quốc đánh giá cao mô hình phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam, cải thiện mối quan hệ với Mỹ, thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, các chuyên gia mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa nhằm góp phần tạo dựng thành công nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập của Triều Tiên.
Bàn về những ưu tiên trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc NCIF nhận định, đây sẽ là cột mốc mới trong quan hệ giữa hai nước cũng như với ASEAN. Trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Với chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn nữa trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia và Viện Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc đã ký kết gia hạn Biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập mạng lưới các nhà khoa học, trao đổi chuyên gia giữa hai nước, cung cấp, trao đổi thông tin và thực hiện các nghiên cứu hỗn hợp. Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công cho công tác nghiên cứu của hai bên, từ đó góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam.
Ngọc Minh
Theo Dantri
Gượng dậy sau bão Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi siêu bão Florence đổ bộ vào Mỹ làm hàng chục người thiệt mạng, công tác khắc phục hậu quả ở những khu vực cộng đồng người Việt chịu ảnh hưởng vẫn tiếp tục. Một số con đường ở Bắc và Nam Carolina vẫn bị đóng Chị Trang Nguyễn kể, sau khi nước đã phần nào...