Việt Nam ‘đọ cánh’ ở ’sân chơi trên trời’
Cùng với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ ‘ mở cửa’ bầu trời cho các hãng hàng không trong khu vực cùng ‘đọ cánh’.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm nay. Khi đó, các nước trong khu vực cùng hướng tới một thị trường hàng không chung hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN”. Chính sách mở cửa bầu trời ASEAN, một trong các chính sách quan trọng của AEC, chính là hiệp định đa phương của tất cả 10 nước thành viên ASEAN kết nối bầu trời của mình thành một thị trường hàng không duy nhất (dựa trên nguyên tắc tự do hóa các quy tắc và quy định ở mức độ lớn) nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Việc mở cửa bầu trời là xu thế tất yếu, giúp ngành hàng không trong nước tăng cường khả năng cạnh tranh và vươn ra các thị trường khác trong khu vực. Tự do hóa thị trường hàng không buộc các hãng hàng không nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tăng mạnh số lượng các chuyến bay trong khu vực, tăng cường kết nối giữa các thị trường hàng không, khuyến khích các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời hành khách có cơ hội được giảm giá vé.
Tuy nhiên, gia tăng cạnh tranh cũng là một trong những mối quan ngại chính khi các hãng hàng không trong nước vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với cạnh tranh gay gắt sau khi chính sách mở cửa bầu trời ASEAN được thực thi đầy đủ.
Mở cửa bầu trời, cạnh tranh gay gắt
Trong khu vực ASEAN hiện đang có các đối thủ lớn như Thai Airways, Singapore Airlines, AirAsia… Nói là cạnh tranh trên bầu trời nghe có vẻ xa vời, song thực chất là cạnh tranh ngay trên mặt đất. Nếu cùng “xếp hàng” trên sân bay cùng các hãng hàng không khác trong cộng đồng ASEAN như Singapore Airlines, Thai Airway hoặc AirAsia, rõ ràng, các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đều khó vượt trội, từ tên tuổi, uy tín, chất lượng dịch vụ cho tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây thực sự là những đối thủ nặng ký cả trên mặt đất lẫn trên bầu trời.
Tại thị trường trong nước, cuộc đua về đội bay, giá vé, chất lượng dịch vụ… vẫn đang diễn ra quyết liệt. (Ảnh minh họa: Bizlive)
Các hãng hàng không của Việt Nam vừa bỏ tiền đầu tư mua sắm hàng chục máy bay hiện đại, tiên tiến nhất thế giới. Đội ngũ phi công, nhân viên, tiếp viên hàng không được đào tạo, nâng cấp ở các trường danh tiếng.
Mới đây, sân bay quốc tế Nội Bài vừa được quốc tế bình chọn và xếp hàng đầu trong top sân bay tốt nhất châu lục. Những khoản đầu tư nhiều triệu USD cùng với những nỗ lực vượt thoát đáy bảng xếp hạng yếu kém của các hãng hàng không trong nước được ghi nhận là sự tăng tốc mang tính đột phá, giúp uy tín ngành hàng không Việt Nam “cất cánh”, vươn lên bầu trời khu vực và thế giới, có thể “sánh vai” với các hãng bay tầm cỡ.
Tuy vậy, như thế vẫn chưa đủ khi “mở toang” bầu trời. Bởi, trong khi sân bay quốc tế Nội Bài được thăng hạng thì sân bay Tân Sơn Nhất lại rơi vào danh sách 10 sân bay kém nhất châu Á. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, còn nhìn vào chất lượng dịch vụ cũng như tình trạng chậm, hủy chuyến bay, chúng ta càng không thể yên tâm trong cuộc cạnh tranh trong Cộng đồng ASEAN.
Hàng không giá rẻ tự tin
Video đang HOT
Chia sẻ trên báo An ninh Thủ đô, đại diện Vietjet Air tự tin cho rằng, Vietjet Air đang từng bước mở rộng vững chắc ra thị trường quốc tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập, bên cạnh việc tập trung cho thị trường trong nước, chúng tôi đã chuẩn bị lộ trình cho thị trường quốc tế. Sau 1 năm đi vào hoạt động, Vietjet Air đã chính thức thâm nhập thị trường quốc tế với việc khai trương đường bay TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan). Từ đó đến nay, Vietjet Air đã mở 10 đường bay quốc tế đến Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Nhật Bản và Trung Quốc.
Hàng không Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt từ cac hãng hàng không khác trong khu vực. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đại diện này cho hay, cùng với việc mở rộng mạng lưới đường bay, chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay của Vietjet Air cũng đang được cải thiện. Điều này cho thấy những bước đi của Vietjet Air thời gian qua là đúng hướng, khẳng định được năng lực cạnh tranh của hãng trong thị trường hàng không khu vực. Với những hợp đồng hợp tác cùng các đối tác lớn trên thế giới thời gian qua và việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, chúng tôi tin rằng, Vietjet Air đủ khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế và khu vực khi tham gia vào “sân chơi trên trời”.
Trao đổi với báo, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – lưu ý, bầu trời thông suốt ASEAN được hiểu là tất cả các quy định, quy trình và các tiêu chuẩn trong việc quản lý điều hành bay cũng phải được đồng bộ hóa. Theo ông Thanh, việc thành lập thị trường hàng không thống nhất ASEAN sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho tất cả các hãng hàng không của các nước ASEAN trong việc khai thác thị trường hàng không rộng lớn trong toàn bộ các thành viên của khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực khi cộng đồng AEC tiến tới việc thực hiện giai đoạn hai là tự do hóa giữa ASEAN với các nước đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, bên cạnh cơ hội thì cũng có những thách thức mà các hãng hàng không ASEAN, trong đó có các hàng không Việt Nam phải đối mặt. Thách thức đầu tiên là mức độ cạnh tranh trong vận tải hàng không sẽ tăng lên rất nhiều trong các nước ASEAN.
Về vấn đề an ninh, an toàn, đảm bảo các hoạt động bay đây là vấn đề xương sống của ngành hàng không mỗi nước cũng như trong toàn bộ các nước ASEAN. Vì thế, Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn lên để không những đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) đề ra mà còn phải nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn để đáp ứng được sự đồng bộ hóa trong các nước ASEAN đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, ông Thanh nhấn mạnh./.
Theo NTD
Tự hào góp phần vào sự lớn mạnh của hàng không Việt
Cuộc trò chuyện cởi mở với bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet nhân ngày 20/10
Câu chuyện cổ tích có thật trong lĩnh vực kinh doanh hàng không đã và đang được Vietjet viết nên không chỉ góp phần hiện thực hoá ước mơ bay cho mọi người dân nghèo Việt Nam mà còn là nguồn cổ vũ to lớn cho những thế hệ doanh nhân trong khát vọng khẳng định, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới bằng một tâm thế tự tin, đĩnh đạc. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện cởi mở với một trong những người sáng lập ra hãng hàng không tư nhân này, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet về hành trình "bay trong bầu trời mở" này.
Vietjet vinh dự là "hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á" do TTG Travel Award 2015 bình chọn
Hoài bão mang đến nhiều cơ hội bay cho người dân
- Còn nhớ bốn năm trước, khi Vietjet bắt đầu cất cánh bay, nhiều người cho rằng tư nhân khó có thể "sống sót" trong lĩnh vực cạnh tranh khắc nghiệt như hàng không. Cơ duyên nào khiến bà và những người sáng lập hãng hàng không Vietjet quyết tâm "dấn thân" vào con đường "không trải hoa hồng" này, thưa bà?
Như bạn thấy, bốn năm về trước và xa hơn nữa, việc đi lại bằng máy bay ở Việt Nam được xem là dịch vụ xa xỉ, không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận. Tôi vẫn nhớ, cứ cuối năm, người lao động trong các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM được nghỉ Tết. Họ đi trên những chuyến xe đường dài chật chội về đoàn tụ với gia đình. Có nhiều người không đủ tiền mua vé xe đò, đứng khóc ở bến xe.
Hoài bão của Vietjet là ra đời với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. Chúng tôi muốn mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội được đi máy bay, an toàn, văn minh, tiết kiệm. Chúng tôi khát khao làm một cuộc cách mạng về phương tiện đi lại cho người dân Việt Nam, đóng góp phát triển ngành Hàng không Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Với người kinh doanh, chẳng có con đường nào "trải bước trên hoa hồng" cả. Tuy nhiên, chúng tôi có một niềm tin khi đầu tư vào lĩnh vực đặc thù của nền kinh tế là hàng không bởi cùng với khát vọng của mình (yếu tố nhân hoà), chúng tôi cảm nhận được yếu tố thời cơ (thiên thời). Ở thời điểm đó, trước áp lực của hội nhập WTO, trong đó có lộ trình mở cửa thị trường hàng không, Chính phủ đã có những chính sách cởi mở, hậu thuẫn để ngành Hàng không mở cửa, bước ra thế giới. Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cũng có những cải cách mạnh mẽ để mở ra cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân. Còn (địa lợi), như bạn thấy, một thị trường gần 100 triệu dân, khao khát được sử dụng phương tiện hiện đại, an toàn là máy bay. Chúng tôi đã may mắn có đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà khi triển khai dịch vụ và may mắn hơn nữa khi dịch vụ ra đời đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng mọi tầng lớp.
- Vietjet giờ đây nổi lên như một "hiện tượng" trên thị trường hàng không trong nước và thế giới với những kết quả phát triển đáng nể. Có rất nhiều điểm mà Vietjet có thể tự hào song với bà và những cộng sự sáng lập thì kết quả nào có ý nghĩa nhất?
Với chiến lược đầu tư bài bản, kế hoạch phát triển bền vững, chính sách xã hội hóa thị trường hàng không của Chính phủ, sau gần bốn năm cất cánh, Vietjet đã vận chuyển hơn 18 triệu lượt hành khách.
"Chúng tôi tin tưởng rằng xã hội hóa sẽ thúc đẩy ngành Hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng. Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đều có thể giải quyết bằng các quy định, những chuẩn mực chặt chẽ mà Cục Hàng không, Bộ GTVT đang xây dựng" - Bà Nguyễn Thanh Hà
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2015 của toàn ngành tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đã đóng góp 70% vào mức tăng trưởng vận chuyển hàng không nội địa. Các sân bay địa phương dần trở nên tấp nập hơn với những chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietjet.
Đổi mới mạnh mẽ cũng đã và đang đến với ngành Hàng không Việt Nam, từ pháp luật, cơ chế chính sách xã hội hóa, nâng cấp hạ tầng, đổi mới công tác điều hành. Sự tham gia của Vietjet đã góp phần tạo nên cạnh tranh tích cực trên thị trường hàng không. Nhờ chính sách mở cửa, Vietjet đã phát triển đội bay với 28 máy bay mới, hiện đại; Nhận 9 máy bay trong hợp đồng thuê, mua 107 máy bay với Airbus mà hoàn toàn không có bảo lãnh hay cấp vốn của Chính phủ.
Thành công của Vietjet không chỉ dừng ở các con số về thương mại, tài chính mà còn ở những chỉ số kỹ thuật, an toàn khai thác của công tác xây dựng hệ thống quản lý quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Tôi cũng không muốn nói nhiều về các con số. Với chúng tôi, điều có ý nghĩa nhất chính là trong một thời gian ngắn, đi máy bay không còn là chuyện xa xỉ mà đã thực sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến cho tất cả người dân Việt Nam. Chưa bao giờ giữa Hà Nội và TP HCM hàng ngày có hơn 50 chuyến bay (cứ 15 - 20 phút là có chuyến bay), giữa TP HCM, Hà Nội - Đà Nẵng trên dưới 30 chuyến bay mỗi ngày. Trên thị trường hàng không quốc tế, Vietjet mang đến hình ảnh hiện đại và sinh động từ đất nước Việt Nam đổi mới, góp phần tạo nên sự cuốn hút mới mẻ cho đầu tư và du lịch vào Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, trên các phương tiện truyền thông đăng những hình ảnh về những người nông dân xách làn nhựa hoặc đội mũ bảo hiểm lên máy bay của Vietjet. Nhiều người thấy nực cười nhưng với chúng tôi đó lại là một niềm xúc động, tự hào to lớn bởi Vietjet đã góp phần mang lại cơ hội bay với chi phí hợp lý cho mọi người và khiến hàng không trở nên bình dân, thân thuộc hơn thay vì là một loại hình vận tải dịch vụ xa xỉ trước đây. Đó cũng là điều mà Vietjet luôn tiếp tục theo đuổi trong chiến lược kinh doanh của mình.
Cá nhân tôi cũng như mỗi CBNV Vietjet đều có thể tự hào vì đã cùng với toàn ngành làm nhân tố đóng góp tích cực cho những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường hàng không.
Phía trước là bầu trời rộng mở
- Hàng không là ngành có tính biểu tượng rất cao cho sự phát triển, hội nhập kinh tế - xã hội của đất nước. Bà nhìn nhận và đưa tinh thần đó vào Vietjet như thế nào, nhất là tới đây, các nước ASEAN sẽ hướng tới một thị trường hàng không chung. Nói cách khác, các hãng hàng không trong nước và quốc tế, khu vực sẽ cùng "bay trong bầu trời mở" với vô vàn thách thức? Bà có kiến nghị gì với Nhà nước để doanh nghiệp tư nhân ngày càng có nhiều cơ hội phát triển hơn?
Đúng như bạn nói, hàng không là ngành có tính biểu tượng rất cao cho sự phát triển, hội nhập kinh tế - xã hội của đất nước. Nhìn vào sự phát triển của ngành Hàng không có thể "đo" được mức độ tăng trưởng kinh tế cũng như mức độ hội nhập của đất nước. Chúng tôi đánh giá sự kiện mở cửa bầu trời ASEAN là một bước ngoặt đối với ngành Hàng không. Đây là cơ hội để các hãng hàng không Việt Nam mở rộng phát triển mạng đường bay đến các nước trong khu vực. Khi đó, việc kết nối giữa các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ những cam kết của các Chính phủ trong Thỏa thuận Bầu trời mở.
Bầu trời mở ASEAN sẽ đẩy các hãng hàng không vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá vé. Điều này sẽ giúp người dân trong khu vực có thể đi lại dễ dàng từ nước này sang nước kia với giá vé thấp. Khi đó, ngành Du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Bầu trời mở ASEAN.
Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ những kế hoạch để có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực khi tham gia vào sân chơi Bầu trời mở ASEAN. Tháng 1 năm nay, Vietjet đã khởi động kế hoạch 2015 với thông điệp "Đón bầu trời mở" trong tâm thế tự tin, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và vượt qua thách thức của tiến trình hội nhập. Để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không mạnh trong khu vực, hãng đã chú trọng vào ba nội dung trọng tâm là công tác nhân sự, đội tàu bay và tăng cường năng lực quản trị vận hành bên cạnh khả năng tài chính.
Chúng tôi đầu tư trung tâm đào tạo, trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của học viên. Vietjet cũng đầu tư lớn cho những chỉ số kỹ thuật, an toàn khai thác, xây dựng hệ thống quản lý quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) mới đây đã trao chứng nhận An toàn khai thác IOSA cho Vietjet, trở thành hãng hàng không thứ hai (sau hãng hàng không quốc gia) và nằm trong số 16% hãng hàng không trên toàn thế giới được nhận chứng chỉ quan trọng này. Mới đây, Vietjet vinh dự là "hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á" do TTG Travel Award 2015 bình chọn.
Về đầu tư đội bay, bên cạnh hợp đồng thuê mua tàu bay với Airbus, Vietjet đã ký kết với các đối tác về bảo hiểm, thu xếp tài chính trong các hợp đồng thuê và mua máy bay.
Ngành Hàng không mới mở cửa, còn không ít rào cản và thách thức nhưng phía trước là bầu trời rộng mở. Vietjet tin tưởng rằng, với quyết tâm đổi mới và cải cách của Chính phủ, với nhu cầu đi lại bức thiết của người dân, hãng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp xây dựng ngành Hàng không văn minh, hội nhập.
- Xin cảm ơn bà!
Theo_VietNamNet
Những sự cố hy hữu của hàng không Việt Nam Chim va vào máy bay, trâu bò lọt vào đường băng, một người say rượu vào động cơ máy bay để ngủ... là những sự cố hy hữu làm hư hỏng máy bay, thậm chí phải hủy chuyến bay trong mấy năm gây đây. Tối 30/9, máy bay A320 của hãng Vietjet Air từ Buôn Ma Thuột về Hà Nội bị chim va...