Việt Nam đề nghị Trung Quốc tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông khi hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc.
Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị diễn ra hôm nay tại Trùng Khánh, Trung Quốc, bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công – Lan Thương, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Biển Đông là một trong những vấn đề được đề cập trong cuộc hội đàm. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Trùng Khánh, Trung Quốc, hôm nay. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Video đang HOT
Hai bộ trưởng nhất trí duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Vương Nghị còn nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt – Trung như tăng cường giao lưu các cấp, giao lưu nhân dân, triển khai hợp tác phòng chống Covid-19, duy trì trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ ASEAN.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bắc Kinh tạo thuận lợi cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, nhất là hoa quả trong mùa thu hoạch, sớm hoàn thiện thủ tục mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu đường bộ giữa hai nước, triển khai hiệu quả các khoản viện trợ Trung Quốc dành cho Việt Nam và sớm hoàn thành những dự án hợp tác còn vướng mắc.
Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.
Ông cũng cho biết Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phòng chống dịch bệnh, trong đó có hợp tác về cung cấp, nghiên cứu và sản xuất vaccine, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tăng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Biển Đông là một chủ đề thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc. Trong Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhận định dù duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, các hành động đơn phương vẫn xảy ra, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN – Trung Quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc, thiện chí Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và được ủng hộ rộng rãi.
Việt Nam 'đi đầu khu vực trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế'
Hội nhập kinh tế đưa Việt Nam trở thành một trong những nước "đi đầu trong tham gia liên kết kinh tế quốc tế", theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là điểm sáng trong công tác đối ngoại, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong bài phỏng vấn hôm 4/1 về hội nhập kinh tế năm 2020. Ông đánh giá "Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao RCEP hôm 15/11/2020. Ảnh: Báo Chính phủ .
Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, đưa vào thực thi từ ngày 1/8. Hiệp định đã cho thấy lợi ích quan trọng, giúp kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trong năm nay, đạt mức hơn 540 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 19 tỷ USD.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh cũng được ký vào những ngày cuối năm 2020, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Anh sau khi nước này rời EU từ ngày 31/12.
Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEAN và đối tác, thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội.
Hiệp định RCEP, với quy mô 30% GDP toàn cầu, cho thấy quyết tâm của các nước tiếp tục giữ đà hợp tác và liên kết, tạo động lực phục hồi kinh tế khu vực. Với thành công này, vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được đặc biệt đề cao, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Việt Nam cũng thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng trong ASEAN về ứng phó Covid-19, phục hồi chuỗi cung ứng khu vực, liên kết nội khối gắn với phát triển bền vững, đẩy mạnh các khuôn khổ hợp tác Mekong, triển khai thành công ý tưởng do Việt Nam khởi xướng từ năm APEC 2017 và đạt kết quả có ý nghĩa chiến lược là thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam đã cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Vị thế này đang và sẽ tạo ra động lực giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Chuyên gia Mỹ: 'Biden có thể dung hòa chính sách Biển Đông của Trump và Obama' Biden có thể dung hòa chính sách không cương quyết nhưng nhất quán của Obama với sự cứng rắn gần đây của Trump về vấn đề Biển Đông, theo chuyên gia Mỹ Poling. "Tôi không cho rằng chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ về Biển Đông sau khi Biden nhậm chức", Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến...