Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác với các bang của Đức
Chiều 12-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp Chủ tịch Nghị viện bang Hessen, Cộng hòa Liên bang Đức Boris Rhein, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức đang ngày càng phát triển tích cực trên các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nghị viện bang Hessen, CHLB Đức.
Việt Nam luôn coi Đức là đối tác hết sức quan trọng. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Đức cũng như quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Trong tổng thể mối quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác với các bang của Đức, trong đó có bang Hessen; coi đây là mối quan hệ hợp tác kiểu mới, hiệu quả cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Việt Nam và bang Hessen hợp tác sôi động trong lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư và giáo dục, trong đó, trường Đại học Việt Đức là một trong những mô hình hợp tác rất hiệu quả. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Hessen đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/8 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đức. Nhiều doanh nghiệp lớn của bang Hessen đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hessen với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Quang cảnh cuộc tiếp.
Video đang HOT
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hai bên còn nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hiệu quả hơn nữa. Việt Nam sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp bang Hessen sang đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và bang Hessen có thế mạnh. Quốc hội Việt Nam đã ban hành một hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đức, yên tâm hoạt động đầu tư, kinh doanh… Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chủ tịch Nghị viện bang Hessen Boris Rhein và chính quyền bang Hessen tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại bang này. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam ủng hộ và sẽ là cầu nối tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Đức nói chung và bang Hessen nói riêng với các nước ASEAN.
Chủ tịch Nghị viện bang Hessen Boris Rhein cho rằng, mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với Đức nói chung, với bang Hessen nói riêng là di sản quý giá mà hai bên luôn gìn giữ và phát triển; khẳng định, bang Hessen rất coi trọng quan hệ hợp tác trực tiếp với Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò làm Chủ tịch ASEAN, Đức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa.
Chủ tịch Nghị viện bang Hessen khẳng định, Đức đánh giá cao tốc độ cải cách, nhất là cải cách về kinh tế của Việt Nam, và xác định Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Đức. Bày tỏ ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, Chủ tịch Nghị viện bang Hessen mong muốn thúc đẩy hợp tác theo cả hai chiều: Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức, bang Hessen và ngược lại, các doanh nghiệp Đức, bang Hessen sẽ sang hoạt động tại Việt Nam.
Để hợp tác giữa Việt Nam với CHLB Đức nói chung, Việt Nam với bang Hessen nói riêng ngày càng sâu sắc hơn, Chủ tịch Nghị viện bang Hessen Boris Rhein nêu quan điểm, việc cần làm là phải sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA. “Việt Nam là nơi chúng tôi không chỉ đến một lần mà sẽ còn đến nhiều lần. Chúng tôi có nhiều việc phải làm để thúc đẩy các doanh nghiệp Đức, người dân Đức đến với Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch Nghị viện bang Hessen nói.
Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG
Theo QĐND Online
Tăng cường gắn kết bền vững vì cộng đồng ASEAN
Ngày 4-11, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020 tại lễ bàn giao từ Thái Lan - nước chủ nhà ASEAN 2019. Năm 2020 được đánh giá là năm đặc biệt với Việt Nam khi vừa đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, vừa giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021.
Giới thiệu logo của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN. Ảnh: ASEAN
Gia nhập ASEAN từ năm 1995, đến nay, Việt Nam luôn coi hợp tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là điểm nhấn trong quá trình đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập của Việt Nam. Là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và luôn nằm trong nhóm các nước thành viên có tỷ lệ thực thi cao nhất các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho sự phát triển chung của ASEAN.
Từng giữ chức Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã có cơ hội tăng cường hình ảnh, vai trò và vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên các diễn đàn quốc tế. Với chủ đề được xác định trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", Việt Nam đã tích cực tham vấn, chủ động định hướng các hội nghị quan trọng của ASEAN cũng như đã đề xuất nhiều sáng kiến liên quan. Theo đó, các hội nghị trong năm của ASEAN đều tập trung bàn bạc và đưa ra các quyết sách để đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột.
Trong năm 2010, một loạt các sáng kiến như mời thêm Mỹ và Nga tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), vận động đại diện ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada, cùng với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã khẳng định dấu ấn, vị thế của Việt Nam trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế.
Hướng tới một năm 2020 thành công tốt đẹp trên cương vị mới, tháng 12-2018, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 nhằm định hướng về lộ trình xây dựng chủ đề, các trọng tâm ưu tiên, lộ trình chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; thống nhất cách tiếp cận và triển khai xây dựng định hướng chủ đề và trọng tâm ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 để các bộ, cơ quan liên quan có thể dần xúc tiến xây dựng các ý tưởng, sáng kiến.
Nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vào tối 4-11, tại Bangkok, Thái Lan trong lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phát biểu công bố chủ đề và một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2020 đánh dấu 5 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
"Trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thông báo chủ đề của Năm ASEAN 2020 là "Gắn kết và Chủ động thích ứng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Những năm qua, chúng ta đã quan tâm thúc đẩy năng lực tự cường, tinh thần sáng tạo và tính bền vững của Cộng đồng ASEAN. Tiếp nối những nỗ lực đó, trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu. Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN của chúng ta có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia... đang hàng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân".
Trình chiếu video giới thiệu về Việt Nam tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN. Ảnh: TTXVN
Với ý nghĩa của chủ đề lựa chọn cho Năm ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước thành viên ASEAN và các đối tác tích cực ủng hộ, hỗ trợ để hiện thực hóa tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ... Cộng đồng ASEAN đã lớn mạnh và trưởng thành vững vàng hơn 5 thập kỷ qua. Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng".
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen lẫn nhau đòi hỏi Việt Nam cần nêu cao vai trò điều phối, tham mưu, góp phần xây dựng một ASEAN tăng cường gắn kết, đoàn kết, đồng thời thích ứng hiệu quả trước những biến đổi của tình hình và với giai đoạn phát triển mới của ASEAN. Với vị thế và tiềm lực mới sau hơn 20 năm gia nhập ASEAN, cùng với việc đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy, xây dựng Cộng đồng ASEAN lớn mạnh, đóng góp thiết thực cho sự bền vững, gắn kết của ASEAN và thế giới.
Thu Minh(tổng hợp)
Theo Bienphong
Việt Nam sẵn sàng cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết Việt Nam trước mắt sẽ tập trung chuẩn bị cho sự kiện lớn đầu tiên là hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao. " Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, các đề án, các kế hoạch hành động tổng thể cho năm chủ tịch ASEAN...