‘Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của Hollywood từ lâu’
Khi xuất hiện tại Việt Nam, ông Jon Kuyper – Giám đốc sản xuất của hãng phim danh tiếng Warner Bros. từng khẳng định, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của Hollywood.
Giám đốc sản xuất của hãng phim Warner Bros. Jon Kuyper đến Hà Nội tháng 3/2015, khi ấy, Việt Nam vẫn là “thời xa vắng” trong ký ức của những thước phim cũ như Đông Dương (1992), Người tình (1990), Người Mỹ trầm lặng (2002)… Trong buổi trò chuyện với phóng viên, ông Jon Kuyper đã tiết lộ, bộ phim Pan đang được âm thầm chuẩn bị để quay tại Việt Nam. Ông Jon Kuyper cho biết: “Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của Hollywood từ lâu. Sắp tới đây, như tôi được biết, dự án phim Pan sẽ có những cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam. Sau bộ phim Pan, sẽ có nhiều bộ phim khác của Mỹ đến Việt Nam tìm bối cảnh”. Ông Jon Kuyper tiết lộ, “Sẽ có những bộ phim có kịch bản, câu chuyện liên quan đến cuộc sống ở Việt Nam, và cũng có những dự án phim chỉ chọn bối cảnh quay tại Việt Nam”.
Khi được hỏi về lý do các nhà làm phim Mỹ hướng đến Việt Nam, ông Jon Kuyper trả lời, “Đất nước các bạn có rất nhiều phong cảnh đẹp. Con đường ngắn nhất để phát triển du lịch chính là phim ảnh. Tôi khuyên các bạn, hãy đưa những phong cảnh tuyệt đẹp và văn hóa của đất nước mình lên phim”.
Ông Jon Kuyper và những dự án phim đã sản xuất. Ảnh: HLW
Ông Jon Kuyper là nhà sản xuất của những dự án phim nổi tiếng nhưNgười Hobbit, Cuộc đua tử thần, Đại gia Gatsby… Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo về sản xuất phim tại Hà Nội tháng 3/2015, Giám đốc sản xuất của hãng Warner Bros. đã khẳng định, ông có niềm tin vào những nhà làm phim Việt Nam, muốn thành công trong điện ảnh, chỉ có một cách duy nhất, đó là đam mê tận cùng.
Trong quá khứ, Việt Nam đã từng được lựa chọn là điểm đến của nhiều đoàn làm phim thế giới. Khi ấy, cuộc chiến ở Việt Nam là lý do chính để những đoàn làm phim này tìm đến. Năm 1989, đạo diễn người Pháp Régis Wargnier sang Việt Nam tìm bối cảnh cho bộ phim Đông Dương (Indochine). Bộ phim xoay quanh câu chuyện về những phận đời, phận người trong vòng xoáy của cuộc chiến tranh Đông Dương. Năm 1992, phim đã đoạt Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.
Phim Đông Dương được quay tại nhiều nơi ở Việt Nam như nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình, đảo trên vịnh Hạ Long, và nhiều khu vực lân cận Hà Nội. Đây cũng là đoàn phim nước ngoài đầu tiên được phép vào quay trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng Thành Huế.
Video đang HOT
Cảnh trong phim Đông Dương
Năm 2007 khi có dịp trở lại Việt Nam, đạo diễn Régis Wargnier đã rất xúc động, ông tìm lại những góc phố Hà Nội ngày xưa từng quay Đông Dương. Trong cuộc trò chuyện với người viết, đạo diễn phim Đông Dươngchia sẻ, ông vẫn nhớ rất rõ những tháng ngày làm phim. Những tháng ngày quay phim tại Việt Nam, ông đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của những người bạn Việt Nam. Régis Wargnier tìm cách gặp lại những người bạn này, trong số đó có GS. Nguyễn Lân Trung, NSND Lê Tiến Thọ…
Chia sẻ với người viết về lý do chọn Việt Nam là bối cảnh quay phimĐông Dương, ông Régis Wargnier nói:”Tôi thấy rằng, Việt Nam hiện lên trong sự hiểu biết của nhiều người chỉ là những hình ảnh về chiến tranh. Tôi muốn thay đổi cách nhìn nhận ấy”. Đạo diễn phim Đông Dương tiết lộ thêm, ông bà của Régis Wargnier từng có thời gian sống tại Việt Nam. Bố của Régis Wargnier là một người lính tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Theo đạo diễn, ông có sự gắn bó vô hình với mảnh đất hình chữ S.
Sau những bộ phim về chiến tranh như Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng… Việt Nam lại trở thành điểm đến của những dự án phim Hollywood. Những người Mỹ, người Pháp đến đây không còn vì những câu chuyện chiến tranh ám ảnh, họ đến vì một Việt Nam tươi đẹp, đang trở mình, hội nhập.
Bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, phía Cục Điện ảnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi chào đón các đoàn làm phim thế giới đến Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho rằng, đây sẽ là nhưng cơ hội quý giá để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình đi xa hơn, khắp thế giới.
Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Ảnh: NinhBinhtourist
Nói như nhà quay phim Lý Thái Dũng, “Đất nước ta thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải dài từ Bắc chí Nam. Nơi đâu cũng có những cảnh đẹp. Các nhà làm phim đến đây sẽ được thỏa sức sáng tạo. Và đó cũng là một cơ hội lớn đối với chúng ta!”.
Theo Zing
Nhà thờ độc đáo trên đồi mai anh đào Đà Lạt
Mặc dù có tên gọi chính thức là Domaine de Marie, người dân Đà Lạt vẫn quen gọi ngôi nhà nằm trên ngọn đồi mọc đầy hoa mai anh đào là nhà thờ Mai Anh.
Đến thăm Đà Lạt, bạn nên bỏ ra vài giờ ghé thăm một kiến trúc được xây dựng giữa thế kỷ 20 mang tên nhà thờ Mai Anh. Với tổng diện tích là 12 ha nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 1 km về phía tây nam, quần thể nhà thờ được xây dựng theo phong cách châu Âu thế kỷ 17 có kết hợp với kiến trúc của dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên.
Nhà thờ Domaine de Marie nằm trên ngọn đồi đầy hoa Mai anh đào. Thiết kế mái nhà thờ đậm nét kiến trúc mái nhà rông
Bố cục kiến trúc nhà thờ vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn, thoát ra hẳn những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc tôn giáo tại châu Âu. Chiều rộng 11 m và chiều dài là 33 m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Mặt ngoài của nhà thờ được thiết kế theo hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn, một chi tiết thường xuất hiện trong các nhà thờ Pháp cuối thế kỷ 17.
Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn, vừa tạo điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo. Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Thêm vào đó, nhà thờ còn được xây dựng bằng chất kết dính là vôi, mật mía, và một số vật phụ gia khác, hầu hết đều lấy từ Việt Nam. Từ khi hoàn thành đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường, sáng rực lên khi có ánh mặt trời chiếu vào, rất đặc trưng mà bạn không thể nào nhầm lẫn khi đến Đà Lạt.
Hệ thống chân tường nhà thờ được xây bằng đá và có cửa sổ hầm
Điều đặc biệt khác tại nhà thờ chính là bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam, do kiến trúc sư người Pháp Janchère thiết kế. Tượng cao 3m, nặng 1 tấn được làm vào năm 1943, do bà Suzanne tiến dâng. Tiền thân của nhà thờ chính là một quần thể gồm nhà nguyện và tu viện dành cho dòng nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn tại Đà Lạt.
Người có công lớn nhất trong việc xây dựng nhà thờ được nhắc đến là phu nhân toàn quyền Đông Dương Jean Decoux, bà Suzanne Humbert. Bà đứng ra quyên góp, vận động xây dựng công trình từ năm 1940 - 1944. Phía sau lưng nhà thờ, trong khuôn viên của một vườn hoa thoáng mát, nhìn ra vườn hoa đầy màu sắc, hiện còn có ngôi mộ của bà Suzanne. Bà qua đời năm 1944 trong tai nạn giao thông tại đèo Prenn trên đường đi hoà giải mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng hậu và bà Mộng Điệp.
Trước năm 1975, nơi đây là tu viện chính của hơn 50 nữ tu với hoạt động là mở nhà trẻ và chăm sóc trẻ mồ côi. Các nữ tu cũng điều hành một trường huấn luyện thể thao và một trường tiểu học dạy chương trình Pháp. Hiện các nữ tu vẫn còn làm những công tác tác xã hội như: chăm sóc trẻ em chậm phát triển, giúp đỡ trẻ mồ côi, chữa bệnh cho người nghèo... Bạn cũng có thể mua những đặc sản của Đà Lạt, quà lưu niệm do các em mồ côi làm ra, hoặc giúp đỡ cho trẻ em nghèo tại nơi bán đồ lưu niệm ngay phía sau nhà thờ.
Phần mộ của phu nhân toàn quyền Đông Dương Suzanne Humbert.
Ngọn đồi nơi nhà thờ Mai Anh ngự trị cũng là một điểm độc đáo cho du khách ngắm nhìn thành phố Đà Lạt lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn xuống.
Theo VNExpress
Đông Dương ký sự - Kỳ 2: Pakse không chỉ có lạp xường Đến Lào, người ta hay nhắc tới những điểm du lịch nổi tiếng như Thủ đô Vientiane, cố đô Luang Prabang, di tích Cánh đồng Chum... Ít ai biết đến những địa danh 'vùng sâu, vùng xa' như Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasack, nằm ngay nơi hợp lưu của sông Xedone và sông Mê Kông. Du khách chờ được làm thủ...