Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ở nhiều khía cạnh
Về vấn đề Biển Đông, các học giả trong nước và quốc tế cho rằng Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc theo một số vấn đề như: hiệu lực của đảo, nghĩa vụ phải đạt được thoả thuận tạm thời trong vùng có tranh chấp; các vi phạm an ninh, an toàn và tự do hàng hải…
Các học giả trong và ngoài nước tham dự cuộc tọa đàm về giàn khoan Hải Dương-981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Sáng 21/6/2014, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các đại biểu đã tham dự hai phiên Tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.
Giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp ở mọi góc độ
Tại phiên thứ nhất của Toạ đàm, các học giả tập trung đánh giá về khía cạnh pháp lý của hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Các học giả cho rằng về mặt pháp lý thì nhìn từ bất kỳ góc độ nào, hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là bất hợp pháp. Các học giả cho rằng theo Toạ độ của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thì vị trí hoạt động của giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực này là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Các diễn giả đều cho rằng Hoàng Sa là vùng lãnh thổ có tranh chấp; việc Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc không có tranh chấp là không thể chấp nhận được; việc Trung Quốc cố gắng thay đổi nguyên trạng là vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.
Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhiều diễn giả đã chỉ rõ những nội dung phi lý trong lập luận của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Việc Trung Quốc coi vị trí hoạt động của giàn khoan này thuộc vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận. Mặt khác, việc Trung Quốc vẽ khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên bản đồ “đường lưỡi bò” thể hiện sự mập mờ trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc coi vị trí giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động thuộc vùng nước của đảo Tri Tôn thể hiện tiêu chuẩn kép trong yêu sách vùng nước cho các cấu trúc trên biển vì Trung Quốc coi đảo Okinotori Shima của Nhật Bản chỉ là đá, có vùng biển tối đa 12 hải lý. Quan điểm của Trung Quốc về vùng nước hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 cũng không nhất quán, lúc đầu thì thông báo khu vực này thuộc lãnh hải của đảo Tri Tôn sau lại cho rằng là thuộc vùng tiếp giáp của đảo Tri Tôn.
Ông J. Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ – Châu Á, ĐH Luật New York, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cho rằng ngay cả nếu Hoàng Sa là của Trung Quốc (thực tế không phải vậy) thì các đảo của Hoàng Sa cũng không thể có vùng biển rộng lớn vì nằm đối diện với bờ biển rất dài của Việt Nam.
VN có thể kiện ở nhiều khía cạnh
Về hướng giải quyết vấn đề trước việc Trung Quốc ngoan cố không rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam và không chịu ngồi vào đàm phán với Việt Nam, các diễn giả cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các biện pháp pháp lý và các cơ chế tài phán quốc tế. Trước tiên, cần yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, có thể khởi kiện theo một số vấn đề như: hiệu lực của đảo, nghĩa vụ phải đạt được thoả thuận tạm thời trong vùng có tranh chấp; các vi phạm an ninh, an toàn và tự do hàng hải…
Video đang HOT
Tại phiên toạ đàm thứ hai, các học giả đã đi sâu đánh giá ý đồ của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Các ý kiến cho rằng hành động này của Trung Quốc là bước leo thang mới nhằm hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Đông; hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Philippines trong việc sử dụng biện pháp đấu tranh pháp lý.
Các diễn giả cho rằng hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là nhằm khống chế Biển Đông. Với việc Trung Quốc khống chế bãi cạn Scarbourgh của Philippines năm 2012 phía Đông “đường lưỡi bò”; lần này hạ đặt giàn khoan 981 ở phía Tây “đường lưỡi bò” và Trung Quốc đã nhiều lần diễn tập quân sự ở bãi Tăng Mẫu, điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”, rõ ràng mục tiêu của Trung Quốc là từng bước hiện thực hoá “đường lưỡi bò”. Hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. Nhiều ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực và thiện chí giải quyết hòa bình tranh chấp của Việt Nam; cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này để tạo sức ép với Trung Quốc, ngăn cản những hành động leo thang mới.
Đại biểu tham dự hội thảo “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử trao đổi với vợ chồng chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Chiều 21/6, các đại biểu đã thăm quan tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5. Các đại biểu đã bất bình trước hành động thô bạo, vô nhân đạo của Trung Quốc đâm thủng mạn sườn của tàu cá ĐNa 90152 khi tận mắt nhìn thấy vết đâm lớn trên mạn tàu. Đặc biệt, các đại biểu hết sức phẫn nộ khi nghe các ngư dân đi trên con tàu này kể lại việc tàu Trung Quốc đã cố tình đâm nhiều lần, làm chìm tàu cá ĐNa 90152 và ngăn cản các tàu của Việt Nam cứu các ngư dân
Thùy Trang
Theo Dantri
Điều thêm giàn khoan vào Biển Đông, Trung Quốc đang mưu tính điều gì?
Ông Chu Công Phùng - nguyên Bí thư ĐSQ Việt Nam tại TQ nói: "Diễn biến những ngày qua cho thấy cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của chúng ta còn diễn ra lâu dài và càng có cơ sở khẳng định không thể mơ hồ, ảo vọng vào tình hữu nghị viển vông".
Ông Chu Công Phùng - nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987-1991), nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar cho rằng, việc Trung Quốc đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông là bước đi mới cực kỳ nghiêm trọng, Việt Nam cần phải sẵn sàng chuẩn bị các phương án để đối phó.
Không thể mơ hồ, ảo vọng vào tình hữu nghị viển vông
Mới đây, theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, nước này lại tiếp tục đưa thêm 4 giàn khoan vào khu vực Biển Đông nhằm đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí. Trong đó, giàn khoan Nam Hải 09 xuất phát từ đảo Hải Nam và di chuyển tới cửa vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc chưa phân định. Ông nhìn nhận thế nào về những bước đi mới này của Trung Quốc?
Kể từ đầu tháng 5 đến giờ Trung Quốc liên tục thực hiện những hành động gây hấn, leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự ngang nhiên, bất chấp luật pháp của Trung Quốc bị cả thế giới lên án, nhưng đáp lại Trung Quốc không những không rút giàn khoan mà ngày càng có những hành động ngang ngược hơn như vu cáo ngược lại Việt Nam hay đưa ra những lý lẽ "dối trá" khẳng định vùng đó là chủ quyền của Trung Quốc.
Trong khi giàn khoan Hải Dương 981 chưa rút thì mới đây Trung Quốc lại triển khai thêm giàn khoan mới. Tuy các giàn khoan này còn đang tiến hành các bước thăm dò, lai dắt trên biển Đông nhưng có thể thấy đây là sự tiếp tục hành động xâm lấn, thực hiện tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này khẳng định, âm mưu ý đồ của Trung Quốc nuốt trọn Biển Đông không thay đổi. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục duy trì hoạt động của các giàn khoan như cột mốc, đánh dấu chủ quyền của mình trên Biển Đông. Như vậy, mục đích của Trung Quốc đã rõ như ban ngày, là từng bước thực hiện cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh trong vùng biên giới "lưỡi bò" chiếm trọn gần hết Biển Đông.
Với tham vọng đó, chúng ta có thể dự báo trước, sớm muộn Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan và tàu chiến lần lượt xâm phạm vùng biển của tất cả các nước láng giềng Đông Bắc Á và Đông Nam Á mà Trung Quốc coi là có "tranh chấp" biển đảo với họ.
Điều đáng nói là những động thái mới của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc vừa rời Hà Nội?
Nhìn bên ngoài, việc Ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam vào thời điểm này khiến dư luận có thể hiểu đó là dấu hiệu "xuống thang" đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi nước này kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Cũng có thể hiểu đây là dấu hiệu cả hai bên đang cố gắng giải quyết những căng thẳng bằng biện pháp hòa bình, sóng gió ở Biển Đông có thể sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận thất vọng là đại diện Trung Quốc vẫn khẳng định lập trường không thay đổi của họ ở Biển Đông, vẫn yêu cầu "Việt Nam phải chấm dứt việc gây rối và làm lớn chuyện giàn khoan của Trung Quốc", song song với việc họ điều thêm giàn khoan mới vào cửa Vịnh Bắc Bộ, chuẩn bị cho những hành động leo thang mới. Điều này cho thấy, cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta với Trung Quốc còn diễn ra lâu dài, phức tạp và nhiều cam go.
Chúng ta càng có cơ sở khẳng định không thể mơ hồ, ảo vọng vào tình hữu nghị viển vông với người hàng xóm "rộng vai nhưng hẹp bụng".
Tôi cho rằng với độ nước sâu hơn 1.000m thì một giàn khoan trong vùng biển dù của bất cứ nước nào muốn nhanh chóng định vị để khoan thăm dò là rất khó. Hiện tại, phía Trung Quốc đang lai dắt các giàn khoan từ chỗ này đến chỗ kia, về mặt kỹ thuật có thể họ đang muốn tìm vị trí phù hợp để tiến hành khoan dầu. Nhưng mặt khác, theo tôi nghĩ, họ muốn công khai cho toàn thế giới biết, đây là vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Có thể nói, Trung Quốc đang sử dụng các giàn khoan như những cột mốc nổi, đánh dấu các vùng mà họ tự cho đấy là chủ quyền của họ.Hiện tại, dàn khoan Hải Dương 981 vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dịch, các giàn khoan khác cũng đang ở giai đoạn lai dắt và chưa dừng lại. Ông dự đoán thế nào về các bước tiếp theo của Trung Quốc?
Với những hành động ngang ngược của họ trên biển Đông, Trung Quốc không chỉ khiêu khích Việt Nam mà họ còn thách thức các nước lớn như Mỹ, Nhật... và muốn khẳng định, "khuếch trương" sức mạnh của họ trong khu vực và trên thế giới.
Trung Quốc sẽ tính toán tinh vi để né tránh phản ứng của dư luận
Theo ông, mưu tính thật sự của Trung Quốc sau việc đưa hàng loạt các giàn khoan vào Biển Đông, là gì?
Theo cá nhân của tôi đánh giá, hành động này nhằm cả hai mục tiêu kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Trung Quốc đang tính toán để thực hiện việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên trong khu vực này nhất là về dầu khí phục vụ cho cơn khát năng lượng của họ. Về chính trị, nếu như Trung Quốc thực hiện được tham vọng độc chiếm Biển Đông, họ sẽ kiểm soát hoàn toàn tuyến giao thông trên Biển Đông và các dịch vụ khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Xa hơn nữa sẽ vươn tới Ấn Độ Dương, thực hiện "giấc mơ Trung Hoa" chi phối và khống chế thế giới. Tất cả các hành động leo thang, căng thẳng mới đây ở Biển Đông đều nằm trong một chuỗi những toan tính, ý đồ, âm mưu tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Và tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tính toán rất tinh vi và lì lợm để thực hiện bằng được việc đưa các giàn khoan vào vùng biển các nước Đông Nam Á mà Trung Quốc cho rằng thuộc chủ quyền đường biên giới "lưỡi bò" do họ tự đặt ra.
Vậy Việt Nam cần ứng phó như thế nào trước những hành động gây hấn chưa có dấu hiệu dừng lại của phía Trung Quốc, thưa ông?
Theo tôi, Việt Nam chúng ta có 3 việc phải làm: Thứ nhất, tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trên thực địa bằng cách cử tàu kiểm ngư áp sát giàn khoan, yêu cầu Trung Quốc phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Họ còn ở trong lãnh thổ chúng ta ngày nào, chúng ta còn phải đấu tranh ngày đó.
Thứ hai, đồng thời với việc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc, chúng ta phải làm sớm, làm ngay công tác chuẩn bị tài liệu để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Xưa nay, việc tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới cuối cùng đều phải đưa ra trọng tài để phân xử. Trong đó, Việt Nam cần phải làm rõ hai điểm:
Khởi kiện Trung Quốc về tính phi lý của đường biên giới "lưỡi bò" lấn chiếm hầu hế thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Mặt khác, khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thứ 3, tôi rất tâm đắc với nội dung trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Thông tấn xã Việt Nam ngày 20/6 vừa rồi: "chúng ta không chấp nhận việc bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cho rằng, chúng ta quyết không mắc mưu Trung Quốc đang tạo cớ để gây xung đột ở Biển Đông. Tuy nhiên chúng ta phải chuẩn bị lực lượng và mọi phương án cần thiết sẵn sàng giáng trả kẻ xâm lược, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
(Còn tiếp)
Hà Trang
Theo Dantri
Cộng đồng thế giới sẽ biết Trung Quốc đánh lừa công luận Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội thảo quốc tế về biển Đông ở Đà Nẵng chiều 21.6 đã có chuyến đi thực địa đến Hợp tác xã trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An ở P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà để chứng kiến tàu cá của bà Huỳnh Thị Như Hoa, ĐNa 90152, bị tàu 11209 của Trung...