Việt Nam có sức mạnh “mềm” để phát triển và giữ nước
“Theo tôi, năm 2014 có hai dấu ấn nổi bật, đó là chúng ta đã giảm được lạm phát và thành công trong lĩnh vực đối ngoại” – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những dấu ấn nổi bật của đất nước năm 2014.
Một giàn khoan dầu khí trên Biển Đông của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Quan trọng là phải giải phóng được sức dân
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: Dấu ấn thứ nhất, sau nhiều năm lạm phát tăng cao, năm 2014 đã giảm được lạm phát đáng kể, lạm phát chỉ khoảng 3 – 4%. Điều đó thể hiện chúng ta đã thành công bước đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tức là ổn định được mối quan hệ giữa tiền với hàng, giữa thu với chi ngân sách, giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Đi liền với việc giảm lạm phát là tốc độ tăng trưởng đạt cao, ước đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra (5,8%) trong nghị quyết của Quốc hội.
Dấu ấn thứ hai là về đối ngoại, đó là cuộc đấu tranh ngoại giao để góp phần bảo vệ quyền chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông – vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.
Thưa ông, từ dấu ấn trên, chúng ta đã rút ra được những bài học gì?
Việc lạm phát giảm đã giúp cho chúng ta những bài học cần tính tới trong năm 2015, đó là việc xử lý hài hòa về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô. Chúng ta chỉ có thể giải quyết tốt nếu như giữ được cân bằng kinh tế, không nên đưa ra những chủ trương có thể làm cho kinh tế phát triển nóng làm cho kinh tế vĩ mô bị xáo động. Trong khi giữ ổn định kinh tế vĩ mô vẫn có thể tìm kiếm những khả năng để tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, là muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì của đất nước, quan trọng là phải giải phóng được sức dân, mọi biện pháp phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) và tạo công ăn việc làm cho người lao động, nếu không giải quyết được mối quan hệ này thì không giải quyết được vấn đề gì cả.
Thứ ba, là việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu của chúng ta cuối cùng vẫn là bảo đảm đời sống cho người dân. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, bà con nông dân cũng gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã giải quyết phần nào khó khăn đó bằng các chính sách hỗ trợ khác nhau, ví dụ đối với bà con nông dân, điều quan trọng nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giảm nhẹ gánh nặng đầu vào… Còn sự hỗ trợ cho DN là một thể chế thông thoáng minh bạch không gây phiền hà sách nhiễu.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Thứ tư, là mối quan hệ giữa kinh tế trong nước và kinh tế ngoài nước, năm vừa rồi kinh tế trong nước có khó khăn, nhưng xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối khá, đầu tư nước ngoài cũng đạt được mức nhất định, nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng quan tâm về mối tương quan giữa DN trong nước và DN nước ngoài, trong sản xuất và xuất khẩu.
Nguyên tắc thì phải kiên định, sách lược thì phải mềm dẻo, linh hoạt
Từ những bài học trên chúng ta cần phải có những giải pháp như thế nào thưa ông?
Đi đôi với việc giải quyết những vấn đề trước mắt, chúng ta cần chú trọng giải quyết những vấn đề lâu dài. Đó là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tăng trưởng hợp lý, vừa tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển, đồng thời đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Đó là 3 vấn đề quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hy vọng rằng Đại hội XII của Đảng sẽ rút ra những bài học và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tạo bước phát triển mới trong nửa sau của chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội.
Vấn đề thứ hai là sức khỏe của các DN và tổng cầu còn chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, yêu cầu giải quyết tốt hơn nữa vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ công cũng như việc điều chỉnh lại chi ngân sách để phần đầu tư cho phát triển dành vị trí thích đáng hơn.
Vấn đề thứ ba, là chúng ta ký kết được hàng loạt nhưng thỏa thuận về việc hình thành các khu vực mậu dịch tự do. Chúng ta đã có bài học khi gia nhập WTO, đó là: Nội lực, cơ cấu kinh tế ra sao, khả năng cạnh tranh thế nào, nguồn nhân lực tới đâu, thể chế kinh tế có đáp ứng yêu cầu hội nhập không?… điều này phải lưu ý tìm ra biện pháp để có đủ cơ hội cạnh tranh, đối phó với những thách thức khi hội nhập.
Video đang HOT
Đó là những bài học, giải pháp về kinh tế xã hội, vậy đối với dấu ấn về đối ngoại thì sao thưa ông?
Theo tôi, bài học cơ bản là chúng ta cần quán triệt lời dạy của Bác Hồ: Nguyên tắc thì phải kiên định, sách lược thì phải mềm dẻo linh hoạt. Vừa qua, chúng ta đã kiên định bảo vệ nguyên tắc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với những nỗ lực không mệt mỏi để giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đồng thời chúng ta đã hành động một cách cơ động, linh hoạt để tránh xung đột, đưa tranh chấp vào bàn đàm phán hòa bình.
Để thực hiện được mục tiêu bảo vệ lợi ích dân tộc, thì điều cơ bản nằm ở thực lực của đất nước. Chúng ta có một sức mạnh “mềm”, sức mạnh “mềm”: Đó là tính chính nghĩa của sự nghiệp chúng ta bảo vệ; đó là lòng yêu nước cháy bỏng của toàn dân tộc; đó là khối đại đoàn kết toàn dân; đó là đường lối đối ngoại đúng đắn; đó là sự đồng tình ủng hộ của tất cả những người tôn trọng lương tri và pháp lý trên thế giới.
Một bài học nữa là phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới. Miễn là mọi quốc gia cần phải tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Xuân Hải
Lao động
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: "Hãy khơi dậy sức dân"
Ông Vũ Khoan (nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng) nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói trên trong cuộc trò chuyện với PV nhân dịp kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9.
"Bảo bối" vạn năng
* Vì sao ông muốn nhấn mạnh câu chuyện "hãy khơi dậy sức dân" nhân dịp này?
- Nhân các ngày lễ lớn, trong đó có Quốc khánh, điều quan trọng nhất là nhìn lại lịch sử để rút ra bài học, chứ không chỉ là tổ chức các hoạt động lễ lạt. Vậy bài học của Cách mạng Tháng Tám, của gần 30 năm đổi mới là gì?
Theo tôi, nói gọn lại, bài học cơ bản là có một đường lối lãnh đạo đúng và biết khơi dậy sức dân. Ngay trong bối cảnh hiện nay, dù là khắc phục khó khăn kinh tế hay bảo vệ chủ quyền, "bảo bối" vạn năng vẫn là dựa vào sức dân.
Nói về bài học gần 30 năm đổi mới thì dài, song điều cốt yếu là "để cho dân được tự do làm ăn". Rất may là tư tưởng này ngày nay đã được ghi vào Hiến pháp 2013 với tinh thần mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
* Vừa qua có ý kiến so sánh sự phát triển của ta với Hàn Quốc. Cụ thể là "cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu làm thuê". Ông nghĩ sao về sự so sánh này?
- Như người ta thường nói: mọi sự so sánh đều khập khiễng. Khi so sánh các sự việc, hiện tượng, chiều hướng thì nên có cái nhìn nhiều chiều.
Tôi từng tham gia việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, sau đó là chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, có nhiều dịp đến Hàn Quốc nên biết tương đối rõ về đất nước này. Trước tiên, họ không phải trải qua chiến tranh dài như ta. Họ không bị cấm vận, cô lập và được Mỹ cũng như các nước phương Tây hỗ trợ rất nhiều về kinh tế.
Tôi đã đi trên nhiều con đường cao tốc ở Hàn Quốc và nhiều đoạn do nước ngoài giúp đỡ xây dựng. Khác với ta, họ không bị cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đè nặng nhiều năm.
Hàn Quốc đã theo đuổi kinh tế thị trường và hội nhập sâu với quốc tế từ rất sớm. Riêng việc có điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ, Nhật, Tây Âu ngay từ đầu đã là lợi thế lớn.
Nói vậy không có nghĩa Hàn Quốc không có gì ta cần học ở họ và ta không có điều gì cần rút kinh nghiệm. Đã gần 40 năm từ ngày đất nước thống nhất và 30 năm từ khi đổi mới, rõ ràng kinh tế nước nhà và đời sống người dân đã khác xa nhiều, song sự tụt hậu so với nhiều nước cùng trình độ 30-40 năm trước không còn là "nguy cơ" mà là một thực tế đáng tiếc.
Bốn khâu đánh thức tiềm năng
Ông Vũ Khoan: Có những việc ta đã và đang làm không giống ai. Chẳng hạn cách tính GDP địa phương, tính nợ xấu, nợ công, chuẩn nghèo... Khi đã hội nhập rồi thì phải áp dụng chuẩn quốc tế, phấn đấu sánh vai cùng bè bạn năm châu, chứ không nên hạ chuẩn xuống rồi hài lòng với những gì mình có
* Cần làm gì để đánh thức tiềm năng hay khơi dậy sức dân như ông vừa nêu?
- Thứ nhất, như tôi nói ở trên, phải tháo gỡ, dẹp bỏ những gì cản trở sức dân. Ví dụ ở chỗ này, chỗ kia còn phân biệt thành phần kinh tế, còn tình trạng độc quyền, thủ tục hành chính phiền hà, nhũng nhiễu. Thủ tục nộp thuế "ích nước lợi dân" mà như cực hình, mất tới khoảng 800 giờ/năm, trong khi các nước chỉ dưới 200 giờ thì thử hỏi làm sao dân giàu nước mạnh được.
Mới đây nghe nói sẽ thu gọn từ 51 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh còn 8 ngành nghề. Chủ trương như vậy là tốt rồi. Nhưng chỉ sợ mấy trăm ngành nghề "có điều kiện" sẽ đẻ ra lắm thủ tục rắc rối...
Thứ hai là câu chuyện về nguồn nhân lực. Vào cuối những năm 1980, tới thăm Nhà máy gang thép Posco, tôi rất ấn tượng với khẩu hiệu của họ là "tài nguyên có hạn, nhưng trí tuệ con người vô hạn".
Hàn Quốc đã rất chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực. Không những về kiến thức mà cả về tố chất, kỹ năng lao động. Lao động cật lực, kỷ cương, chặt chẽ. Nhờ đó họ đã vươn lên tuyến đầu của nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Và nữa, họ rất tự trọng, chỉ dùng hàng Hàn Quốc, các biển hiệu quảng cáo đều dùng tiếng Hàn. Chỉ có đổi mới thật sự một cách toàn diện, cơ bản sự nghiệp giáo dục mới hi vọng bứt phá lên được.
Thứ ba là việc chọn trúng mô hình, cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng thực của mình, đáp ứng trúng nhu cầu trong và ngoài nước. Bây giờ nhìn lại thấy ta chưa có một ngành công nghiệp nào thật sự ra tấm ra món: luyện kim, cơ khí, đóng tàu, ôtô, điện tử... ngành nào cũng có "chiến lược" từ nhiều năm nay, nhưng kết quả triển khai thế nào đã rõ.
Nền kinh tế của ta vẫn gia công là chính. Kinh tế của ta vẫn là "hàng đóng bao chứ không phải hàng đóng gói". Gạo, hạt tiêu, cà phê... ở thứ hạng cao của thế giới nhưng đều đóng "bao to" xuất khẩu, chứ chưa thành "gói nhỏ" được tinh chế, có thương hiệu, có hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao trong đó.
Thứ tư, chúng ta hội nhập để mở rộng thị trường, tranh thủ đầu tư nước ngoài, nhưng chưa chuyển hóa ngoại lực thành nội lực thật sự.
Khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là của doanh nghiệp FDI. Điều đó không xấu nhưng không thật tốt, giá như FDI 30%, doanh nghiệp trong nước 70% thì đẹp hơn. Có thể nói chúng ta chưa xây dựng được một nền kinh tế đứng vững trên đôi chân của mình.
Nếu chúng ta tìm được lời giải cho bốn vấn đề trên thì đất nước chắc sẽ khởi sắc nhanh.
* Loay hoay với định hướng phát triển, có người nói nên lấy nông nghiệp, có người lại đề nghị công nghệ thông tin. Ông có đề xuất gì không?
- Bây giờ ta ngồi đây và nói chọn cái gì sẽ là chủ quan, duy ý chí. Có lẽ nên tiếp cận từ cả hai đầu: "cầu" và "cung". Trong kinh tế thị trường, việc đầu tiên là cần phân tích dự báo "cầu" trong nước và thế giới cả về lượng lẫn chất. Xem ra điều này chưa được chú trọng đúng mức.
Ví dụ, chiến lược công nghiệp ôtô mới đưa ra chưa làm rõ có kích cầu sử dụng ôtô không, và muốn kích cầu thì bằng biện pháp gì? Nếu không thì làm sao ngành công nghiệp ôtô phát triển được? Ta đang có những biện pháp hạn chế cầu chứ có kích cầu ôtô đâu. Đó là ở "đầu ra", còn ở "đầu vào" thì rất cần nhận diện "tiềm năng thực".
Tôi cứ băn khoăn tại sao trên thế giới chỉ có Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc trụ lại được ngành công nghiệp ôtô, ngay cả Pháp, Ý, Thụy Điển, Nga... xem ra đều đuối sức. Vậy ta có "sánh vai" nổi không?
* Một số chuyên gia cho rằng có thể lấy nông nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế và đó chính là tương lai của Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào?
- Trong kết luận của Bộ Chính trị về đề án nông nghiệp, nông thôn, nông dân có nói rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là "nhiệm vụ hàng đầu" trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tôi thấy cách đặt vấn đề như vậy là hợp lý vì nước ta là nước nông nghiệp. Nông nghiệp là tiềm năng có thật, sờ thấy được, cân đong đo đếm được. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại như một trong những trụ cột cho kinh tế của họ như Hà Lan, Israel, Thụy Sĩ, Úc, New Zealand...
Không nên quan niệm nông nghiệp chỉ là nơi trú bão, khi khó khăn, thất nghiệp thì lui về trú ngụ. Chúng ta hoàn toàn có thể đi lên bằng nông nghiệp, nhưng đó phải là một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất lớn, có những sản phẩm thương hiệu tầm cỡ quốc tế.
Chỉ có điều tôi chưa rõ chúng ta sẽ giải bài toán phát triển nông nghiệp như thế nào khi tỉ trọng đầu tư vào đây cứ giảm dần, ruộng đất bị thu hẹp dần do bị lấy làm đô thị...
Nhân đây tôi xin bày tỏ nỗi lo về khâu thực hiện. Từ lâu ta đặt giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, song khi thực hiện lại không hẳn như vậy và kết quả thế nào ta có thể thấy được.
Định vị chỗ đứng trong thế giới bất định
* Chúng ta đang đứng trước bối cảnh không chỉ phải tập trung cho những nhiệm vụ bên trong, mà tình hình bên ngoài cũng đang đặt ra thách thức lớn, thưa ông?
- Thế giới đang ở thời đoạn xáo động lớn, thời đoạn chuyển tiếp sang một "cấu trúc" hay một "trật tự" mới với nhiều biến số. Và ở thời đoạn như vậy thường xảy ra nhiều náo loạn, bất định.
Đây chính là thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có ta và ta phải định vị cho được chỗ đứng của mình, xác định cách ứng xử thế nào để tự bảo vệ là cả một vấn đề.
* Có những nước chọn cách gia nhập các liên minh để được bảo vệ dưới cái "ô" của nước lớn. Ta với đường lối độc lập, tự chủ thì không có đồng minh, nhưng lúc này mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với bạn bè quốc tế là rất quan trọng?
- Khái niệm bạn bè là sự đồng cảm, là sự ủng hộ về tinh thần, về pháp lý. Còn khái niệm liên minh là thể chế ràng buộc nhau. Nếu chúng ta nhảy vào liên minh nào đó thì sẽ chịu nhiều ràng buộc, không còn sự cơ động, linh hoạt, nhiều khi phải tuân theo những điều không phù hợp với lợi ích của mình, thậm chí đi ngược lại lợi ích của mình.
Bài học Cách mạng Tháng Tám chỉ cho chúng ta rằng cần nhận biết, phân tích, dự báo chuẩn xác tình hình quốc tế, nhất là các nước lớn, từ đó tận dụng tối đa lợi ích, hóa giải khôn khéo thách thức có lợi nhất cho mình.
* Trong bối cảnh bên cạnh chúng ta là một Trung Quốc đang trỗi dậy và Hoa Kỳ - một cường quốc Thái Bình Dương - đang "xoay trục", nếu ai đó băn khoăn nên hay không nên lựa chọn đứng về bên này, bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn, ông sẽ trả lời sao?
- Không đi sâu vào những lập luận trừu tượng, hãy nhìn vào lịch sử thì thấy nhiều khi Việt Nam đã bị đem ra để mặc cả. Cụ thể như các sự kiện diễn ra vào các năm 1954 (hiệp định Genève), 1972 (thông cáo Thượng Hải), 1974 (Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)...
Vì vậy phải độc lập, tự chủ trước hết là "trong cái đầu", biết chọn cách thông minh nhất để bảo vệ lợi ích của dân tộc mình. Không nên "dựa dẫm" mà nên biết cách "chọn lựa" cái lợi nhất cho mình.
Theo Tuoitre
Cận cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược đâm vào mạn tàu Việt Nam Tại cuộc họp báo quốc tế chiều nay 7.5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố những bức ảnh chụp cận cảnh các tàu bảo vệ giàn khoan HD981 của Trung Quốc đang neo đậu trái phép trong vùng biển chủ quyền nước ta, đã đâm, dùng vòi rồng tấn công tàu của lực lượng ta ra xua đuổi. Ông Ngô Ngọc...