Việt Nam có 3 vấn đề về dinh dưỡng cần giải quyết cùng lúc
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới và trong khu vực hiện chịu đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là thiếu dinh dưỡng ( thấp còi, gầy còm), thừa cân/béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Đặc biệt, vấn đề thừa cân béo phì tăng mạnh trong 10 năm qua, gấp hơn 2 lần so với năm 2010.
Những con số báo động
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm dần.
Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6% – chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi đã giảm xuống dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Trẻ dưới 5 tuổi gầy còm cũng giảm chậm từ 7,1% xuống 5,2% so với cùng kỳ.\Theo các số liệu từ hệ thống giám sát dinh dưỡng năm 2019, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất so với trung bình cả nước.
Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi vẫn còn ở mức rất cao là 38% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số đang cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15%).
Tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh (21% so với 8,5%). Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%.
Thăm khám, tư vấn về dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ ở tỉnh Lào Cai. Ảnh: C.P
TS-BS Nguyễn Phương Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, hàng năm báo cáo dinh dưỡng toàn cầu thống kê trên 140 quốc gia thì có khoảng 40 quốc gia chịu đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng. Đây là vấn nạn chung của các nước đang phát triển.
Theo Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng.
“Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng cấp tính hay mạn tính ở những vùng miền núi hoặc đồng bào dân tộc gấp đôi so với người Kinh trong các kết quả của tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 thể hiện một khoảng cách rất lớn” – TS – BS Nguyễn Phương Nam đánh giá.
Tỷ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi đã có nhiều cải thiện nhưng kết quả vẫn chưa đạt được theo mong muốn. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đến 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng 25,6% và 16,2%.
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp là 18,3%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi là 58% năm 2020; ở phụ nữ có thai là 63,5%.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, trẻ em và người trưởng thành ở một số vùng nông thôn có kinh tế cao thì lại có xu hướng tăng về thừa cân béo phì, bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi đã tăng hơn 2 lần sau 10 năm từ 8,5% (2010) tăng lên mức báo động 19,0%.
Hậu quả khôn lường
Một nghiên cứu gần đây dự báo, đến cuối năm 2021, cuộc khủng hoảng dinh dưỡng do Covid-19 có thể khiến hơn 13,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể gầy còm hoặc cấp tính, hơn 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi và hơn 283.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng kém trong 1.000 ngày đầu đời (từ khi bắt đầu mang thai của người mẹ đến sinh nhật thứ hai của trẻ) có thể dẫn đến tình trạng thấp còi, gây giảm khả năng nhận thức, giảm hiệu suất học tập và năng suất làm việc. Trên toàn cầu, 45% số trẻ em tử vong có liên quan đến thiếu dinh dưỡng.
Trong khi đó, tỷ lệ béo phì đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, tác động đến nền kinh tế quốc gia và nhân lực do làm giảm năng suất và tuổi thọ và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức có thể gây thiệt hại cho xã hội lên tới 3.500 tỷ USD mỗi năm, riêng thừa cân/béo phì và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống đã tiêu tốn 500 tỷ USD/năm.
Chính vì thế, phòng ngừa suy dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển trong tương lai của nguồn nhân lực một quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể để đảm bảo các vấn đề dinh dưỡng bền vững và an ninh lương thực.
Trong 2 năm (2019-2020), Bộ NNPTNT đã phối hợp Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các chuyên gia và địa phương xác định tình trạng dinh dưỡng của người dân, nhất là trẻ nhỏ ở một số bản, xã nghèo, có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhằm thí điểm các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.
Sau thời gian triển khai, các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ cải thiện về thu nhập, dinh dưỡng cho bữa ăn mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của bà con.
Các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng được đầu tư trên cơ sở lựa chọn xuất phát từ nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện của địa phương nên đa số các hạng mục thực hiện đều mang mang lại hiệu quả khá cao.
Để Việt Nam không còn tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng, "Không còn nạn đói" ở Việt Nam bây giờ không phải là đói về lương thực mà là đói dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất.
Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền.
Hiện nay, cả ba loại suy dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, đó là: thiếu dinh dưỡng (trẻ thấp còi, gầy còm, mẹ nhẹ cân, người lớn thấp lùn), thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu vitamin A, kẽm và iốt) và thừa cân béo phì ở trẻ em và người lớn.
Những vấn đề về dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhiều người dân Việt Nam đòi hỏi sự cam kết to lớn trong việc điều phối các tiếp cận có tính liên ngành để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn bộ dân số.
Những cam kết ưu tiên về dinh dưỡng
Đến nay, Việt Nam đã đưa dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa XI (2011), XII (2016) và XIII (2020) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Việt Nam là thành viên của Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng (SUN) từ năm 2014 và là thành viên của Mạng lưới ASEAN, đã khởi động chương trình "Không còn nạn đói" vào năm 2015.
Ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam.
Trong năm 2021, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT phối hợp với Sở NNPTNT Tuyên Quang triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại xóm Linh Sơn, xã Linh Thông, huyện Định Hóa với 25 hộ dân tham gia. Ảnh: Văn Anh
Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 120 con gà giống, kèm thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh. Ảnh: Văn Anh
Triển khai Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói", Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), các chuyên gia và 3 tỉnh xây dựng mô hình điểm nông nghiệp dinh dưỡng năm 2019 là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh. Các mô hình này được triển khai giúp người dân thay đổi được nhận thức về sản xuất nâng cao thu nhập và sử dụng dinh dưỡng hợp lý cho hộ gia đình.
Trong năm 2020, Bộ NNPTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm của năm 2019, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT ngày 30/3/2020 hướng dẫn các tỉnh xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres chủ trì ngày 23/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết bảo đảm lương thực là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững" và thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về sản xuất lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo.
Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/người lên trên 525kg/người, đưa Việt Nam vào nhóm nước hàng đầu về sản xuất lương thực.
Cùng với đó, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã thúc đẩy phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, xác định lợi thế sản phẩm của từng vùng, miền, địa phương.
Nhờ vậy, người dân đã cải thiện và đa dạng trong chế độ ăn uống với xu hướng giảm tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng, trái cây, rau quả.
Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6% - chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hướng tới đối tượng "đích" dễ bị tổn thương
Trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam đã giảm khá ấn tượng và là điểm sáng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015.
Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% và trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% - mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Với những cam kết xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững", ông Lê Đức Thịnh cho rằng, đây sẽ là cơ hội để lồng ghép, thực hiện các mục tiêu và các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.
"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương. Việc triển khai thực hiện sẽ có 2 cấp độ: đầu tiên là xây dựng các mô hình để lấy làm cơ sở để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; thứ hai là tuyên truyền, mở rộng các mô hình này ra thì mới thành công được" - ông Thịnh nói.
Làm gì để đạt mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh đánh giá cao cách làm của tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam khi triển khai thực hiện dự án mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình góp phần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hòa Bình và Lai Châu trong 4 năm (2017 - 2021).
Can thiệp của dự án tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ và 1.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi sẽ hưởng lợi từ mô hình này.
Các hoạt động chính của dự án bao gồm đào tạo về dinh dưỡng, nông nghiệp, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ cây con giống cho bà con cũng như các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành đúng dinh dưỡng cho bà con.
"Thành công của mô hình này là các địa phương xây dựng mô hình để nông dân có thể tự truyền bá kinh nghiệm, tập huấn lại cho nhau về cách làm vườn, rồi các câu lạc bộ của bà mẹ thì trao đổi kinh nghiệm về nuôi con nhỏ, kiến thức về chế biến thức ăn cho trẻ 1-2 năm tuổi" - ông Thịnh nói.
Với tư cách là một trong các nước cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đang xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng lần thứ ba giai đoạn 2021-2030 và có cơ hội đặc biệt để ưu tiên dinh dưỡng trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030 sắp tới.
Trao đổi với Dân Việt, TS. BS. Nguyễn Phương Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, trong dự thảo chiến lược, Bộ Y tế đưa vào rất nhiều nội dung về phối hợp liên ngành, kết nối với hệ thống nông nghiệp bền vững và vai trò của Bộ NNPTNT trong xây dựng các mô hình nông nghiệp dinh dưỡng.
Cùng với đó là các nội dung quy định về quy chuẩn cho thực phẩm, dán nhãn và tăng cường nhận thức của người dân.
Theo bà Phương, dự kiến trong 2 ngày 7-8/12/2021 tới, tại Tokyo (Nhật Bản) sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng cho phát triển.
"Hội nghị thượng đỉnh này yêu cầu mỗi quốc gia khi tham gia sẽ phải đưa ra cam kết của Chính phủ về việc giải quyết tình trạng dinh dưỡng để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc đến năm 2030. Nếu phân tích ra, trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững thì 12 mục tiêu liên quan trực tiếp đến dinh dưỡng" - bà Phương chia sẻ.
Trong những năm qua, Liên Hợp quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững: 17 mục tiêu phát triển bền vững liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt, trong đó có vấn đề về dinh dưỡng.
Tạo khí thế mới cho nông nghiệp Lai Châu Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao định hướng của Lai Châu phát triển bền vững nền nông nghiệp, và đặt mục tiêu trồng mới 50.000 ha cây mắc ca vào 2025. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thăm mô hình vườn ươm mắc ca tại huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Bảo Thắng. Lai Châu là một tỉnh có tiềm...