Việt Nam chưa hình thành thị trường đất nông nghiệp đúng nghĩa
Tại hội thảo phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức ngày 25/2, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp có những “làn sóng ngầm” mạnh mẽ, nếu không sớm có hành lang pháp lý dễ dẫn đến nhiều tác động xã hội.
Chưa hình thành thị trường đúng nghĩa
“Xây dựng nhà máy không khó, cái khó là có một vùng nguyên liệu đủ lớn cho nhà máy hoạt động xuyên suốt” – một doanh nghiệp (DN) đã khẳng định như vậy tại hội nghị về thúc đẩy chế biến nông sản mới đây. Thực tế này đòi hỏi việc tích tụ, tập trung ruộng đất bức thiết hơn bao giờ hết.
Đột phá trong chính sách tích tụ đất đai tại tỉnh Hà Nam đã hình thành các vùng chuyên canh lớn, hoạt động hiệu quả. (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Nhưng muốn tích tụ ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh thì việc hình thành thị trường đất nông nghiệp là nền tảng vô cùng quan trọng. Theo ông Nguyễn Văn Tốn – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế T.Ư, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn, thậm chí có xu hướng giảm là nguyên nhân dẫn đến tích tụ ruộng đất giảm.
Theo kết quả điều tra năm 2014, nguồn gốc đất nông nghiệp ở nông thôn có 40% do Nhà nước giao, 34% thừa kế, chỉ 12% là mua trực tiếp hoặc đấu giá, còn lại là đất khai hoang hoặc nguồn gốc khác. Thị trường cho thuê đất kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp, tỷ lệ này mới đạt 10,4%. Cách thức cho thuê vẫn còn hạn chế, đối tượng cho thuê đất nông nghiệp vẫn chủ yếu là trong gia đình, họ hàng, làng xóm (chiếm trên 70%).
Theo TS Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Ipsard, việc hạn chế đối tượng (chỉ được chuyển đổi, chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ được chuyển đổi trong cùng một xã, phường; DN có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê đất nông nghiệp với các hộ dân); việc khó chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất sản xuất nông nghiệp khác; quá trình chuyển nhượng có nhiều thủ tục phức tạp đã khiến thị trường đất nông nghiệp chưa thể phát triển dù hiện tại nhu cầu là vô cùng lớn.
Trong khi đó, ông Tốn cho rằng, quan điểm coi đất đai là nguồn lực, là tích sản cần tích tụ là một trong những nguyên nhân thị trường đất nông nghiệp rất trầm lắng. “Nhận thức phải có tấc đất “cắm dùi” vẫn còn tồn tại trong nhân dân nên nhiều người có tư tưởng giữ đất mặc dù họ không còn sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất không hiệu quả” – ông Tốn nói.
Video đang HOT
Ông Đặng Trung Kiên (Ipsard) cho rằng, hệ thống thông tin thiếu minh bạch, còn chậm cũng là nguyên nhân khiến thị trường đất nông nghiệp trở nên méo mó, DN có nhu cầu thực sự có khi không tiếp cận được, trong khi giới đầu cơ, môi giới lại hưởng lợi. “Chúng ta chưa hình thành thị trường đất nông nghiệp đúng nghĩa, mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các hình thức chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất trầm lắng” – ông Kiên khắng định.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu một thực tế, có tới 31% DN được hỏi cho rằng, đất đai là thủ tục hành chính khiến họ “ngán” nhất.
Minh bạch hóa thị trường
Ông Nguyễn Văn Tốn cho rằng, hiện nay, vẫn tiếp tục nảy sinh một số vấn đề mới ảnh hưởng đến quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Phần lớn các mô hình tích tụ ruộng đất đều mới hình thành và phát triển ở quy mô nhỏ, tỷ lệ các DN, trang trại, hộ gia đình có diện tích đất canh tác lớn, tập trung còn thấp. Vẫn còn tâm lý lo ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc.
Từ thực tế phát triển của thị trường đất nông nghiệp, Ipsard đề xuất cần hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, tích hợp, thống nhất trên cả nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa.
“Cần có quy định cụ thể về minh bạch hóa thông tin quản lý và sử dụng đất đai, từ khâu quy hoạch sử dụng đất đến giám sát thực hiện quy hoạch và thực trạng sử dụng đất” – ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, cần thiết phải bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng, bỏ thuế vượt hạn điền và thay bằng đánh thuế tài nguyên đối với đất nông nghiệp; bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất ổn định lâu dài cho người dân; xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giao dịch đất nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Tốn cho rằng, muốn thúc đẩy tích tụ ruộng đất, Nhà nước cần có quỹ phát triển đất và hỗ trợ nông dân vay vốn với cơ chế phù hợp bởi hộ gia đình muốn tích tụ ruộng đất cần phải có vốn, nếu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 100.000 – 200.000 đồng/m2 thì để có thêm 1ha thì phải có 1 – 2 tỷ đồng, điều này vượt quá khả năng của nhiều người.
Ngoài ra, việc tăng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân có thể đáp ứng được yêu cầu của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, duyên hải miền Trung nhưng chưa hợp lý với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ do thực tiễn nhiều nông dân đã tích tụ được diện tích lớn hơn nhiều.
Theo Danviet
"Làn sóng ngầm" chuyển nhượng đất nông nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp thực sự chưa hình thành nhưng đã có những "làn sóng ngầm" mạnh mẽ, nếu không sớm có hành lang pháp lý thì dễ dẫn đến nhiều tác động xã hội. Hoàn thiện các quy định về tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đang là một đòi hỏi bức thiết hiện nay...
Đất bỏ hoang, doanh nghiệp khát đất
Bà Trần Thị Thanh Nhàn - chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, qua nghiên cứu về thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng (CNQSD) đất nông nghiệp ở một số địa phương, cho thấy, thị trường đất sản xuất nông nghiệp đang xuất hiện một số hình thức chuyển nhượng. Một là, CNQSD đất nông nghiệp diễn ra chủ yếu giữa các nông dân với nhau. Người mua muốn có thêm đất để mở rộng sản xuất, đầu tư cho thuê, chờ đền bù hoặc chuyển mục đích sử dụng. Việc chuyển nhượng này phần lớn chỉ bằng giấy viết tay, quy mô nhỏ lẻ, chỉ vài sào ruộng.
Cần có hành lang pháp lý hình thành thị trường đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Ảnh: T.L
Hai là, CNQSD đất nông nghiệp giữa nông dân - doanh nghiệp (DN). Hoạt động này diễn ra rất ít, bởi nhiều rào cản: Khung giá đất không phù hợp với giá thị trường, thiếu cơ sở dữ liệu, hồ sơ đất; DN phải xin ý kiến nhiều ban ngành cho dự án đầu tư.
Ba là, CNQSD đất nông nghiệp bằng hình thức góp vốn. Hình thức này cũng không phổ biến, một số hợp tác xã có góp vốn bằng đất nhưng thực tế chỉ liên kết đầu vào đầu ra.
"Thực tế, thị trường CNQSD đất nông nghiệp giữa nông dân với nông dân ở các địa phương vô cùng trầm lắng, trừ tỉnh Lâm Đồng do địa phương này đang phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao; trong khi ở Hòa Bình 100% giao dịch trong điều tra chỉ là thừa kế; còn ở Hà Nam chỉ mua chờ đầu tư. Trong khi thị trường CNQSD giữa nông dân và DN lại gặp nhiều rào cản do khung giá đất không phù hợp, thiếu khung pháp lý, thủ tục quá rườm rà" - bà Nhàn nói.
Bà Nhàn lấy ví dụ về một DN đi thuê quyền sử dụng đất để trồng và xuất khẩu chè. Sau khi DN này làm đơn xin làm dự án trồng chè (2015), đơn được chuyển đến UBND tỉnh với thời gian hướng dẫn mất 3 tháng. Chưa hết, DN phải tự thuê người kiểm kê rừng (150 cây thông), Sở NNPTNT xác nhận kiểm kê rừng với chi phí 100 triệu đồng. Cộng với các thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, văn bản đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian kéo dài thêm 1 năm. Đến khi phê duyệt dự án đầu tư thì tỉnh yêu cầu đổi mảnh đất khác vì cần xây dựng phương án bảo vệ rừng trong khu đất dự án của tỉnh... Sau 3 năm, chặng đường đi thuê đất của DN này còn khá gian nan.
Tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, thực tế, nhiều DN rất muốn có quỹ đất lớn để mở rộng sản xuất nhưng việc thuyết phục nông dân cho thuê đất rất khó khăn. Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD Green (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) có 5ha đất sản xuất và muốn thuê thêm vì thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau quả sạch khá tốt, nhưng không thể thỏa thuận được với các hộ dân xung quanh dù nhiều hộ vẫn để ruộng không.
Bà Thanh Nhàn nhận định, việc DN thuê đất trực tiếp của nông dân là vô cùng khó khăn do chi phí giao dịch cao, rủi ro lớn cho cả 2 bên. "Với thị trường cho thuê quyền sử dụng đất, cụ thể là doanh nghiệp thuê đất khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân, chỉ cần vài hộ không đồng ý cũng phải dừng dự án. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế là đồng thuận khoảng 80% số hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án thì buộc các hộ khác cũng thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm, chuyển đổi cho nông dân" - bà Nhàn nói thêm.
Biến đất đai thành hàng hóa
Trước nhu cầu nguồn đất sạch của DN để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, Chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về tập trung tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp nhằm biến đất đai thực sự trở thành hàng hóa, giải phóng những nút thắt đang kìm hãm quá trình phát triển sản xuất lớn hiện nay.
Thái Bình là một địa phương đã thực hiện thí điểm tích tụ, tập trung đất đai ngay từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Bà Khổng Thị Thịnh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, do hiện chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp nên hầu hết làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương.
Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Đối với DN hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua HTX và UBND xã.
Hay đối với diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý, UBND xã chỉ được phép cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm. Thời gian này chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và DN không được thuê diện tích đất này.
Một số dự án sản xuất nông nghiệp theo hình thức tích tụ đất đai, khi triển khai phải chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp cho giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà điều hành, nhà bào quản... Như vậy sẽ vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, về quản lý sử dụng đất trồng lúa.
Theo Danviet
TP.HCM thí điểm xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp Mới đây, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của UBND TP.HCM với Sở NNPTNN TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở NNPTNT nhanh chóng phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Củ Chi triển khai thí điểm xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp. Tại buổi làm việc này, ông Lê Đình...