Việt Nam cần 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư công
Với nhu cầu vốn lớn trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn như đường bộ cao tốc Bắc – Nam,..
Thông tin nêu tại bản kết luận chỉ đạo cuộc họp về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và Phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2017 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng.
Đây là một khoản tiền lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn đang còn khó khăn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo, đề xuất phương án sử dụng khoản tiền 10.000 tỷ đồng từ nguồn thu bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng để bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2017.
10.000 tỷ đồng từ nguồn thu bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng sẽ được bổ sung thêm vào nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2017
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, đến 15/9, tổng thu ngân sách Nhà nước mới chỉ đạt mức thấp 665.200 tỷ đồng (hoàn thành 65,6% dự toán), do ảnh hưởng giá dầu giảm và tác động của chuyển hướng thương mại, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa nhập khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) làm giảm nguồn thu ngân sách Trung ương.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước lên tới 819.400 tỷ đồng và số chi đầu tư phát triển ở mức 130.200 tỷ đồng, tỉ trọng chưa tới 16%.
Video đang HOT
Với kế hoạch trên, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện điều chuyển, cơ cấu lại các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 như: vốn nước ngoài, tiền thu từ xổ số kiến thiết của các địa phương để đưa vào cân đối ngân sách theo đúng quy định để giảm phần hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cho địa phương.
Theo đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, tiếp tục rà soát danh mục công trình, dự án theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể – trong đó báo cáo rõ cơ chế đầu tư, bố trí vốn đối với các dự án quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông đường bộ (nhất là đường cao tốc Bắc – Nam), đường thủy, đường sắt, đường hàng không; ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; các công trình có tính chất vùng, liên vùng; các dự án hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương chủ động làm việc và thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính về số bội chi ngân sách địa phương; số vốn tăng thêm dành cho đầu tư công (nếu còn nguồn); việc sử dụng nguồn xổ số kiến thiết giai đoạn 2017-2020 cho các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực cấp thiết khác của địa phương.
Rà soát lại các nguyên tắc, tiêu chí và xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trong phạm vi tổng mức đầu tư nêu trên; cắt giảm các công trình, dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn để tập trung bố trí vốn cho một số dự án lớn, quan trọng, có tính chất vùng, liên vùng, có vai trò lan tỏa lớn như: Đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường tuần tra biên giới (phía giáp Tây Nam); chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…
Bích Diệp
Theo Dantri
SCIC có thể thu về ít nhất 18.300 tỷ đồng từ bán vốn Vinamilk năm nay?
Với thị giá đóng cửa của cổ phiếu VNM là 140.000 đồng/cp thì nếu VNM thoái 9% vốn tại doanh nghiệp này, tức lượng bán ra khoảng 130,6 triệu cổ phần, tại mức thị giá này thì giá trị thu về gần 18.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện SCIC thì giá khởi điểm đưa ra đấu giá sẽ phải cao hơn thị giá giao dịch.
SCIC dự kiến sẽ bán 9% vốn sở hữu tại Vinamilk ngay trong 2016 này
Trong danh sách bán vốn được thông qua hồi tháng 4/2016 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thì năm nay, đơn vị này sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp. Trong đó, chỉ có 2/10 doanh nghiệp lớn mà Chính phủ yêu cầu thoái vốn có tên trong danh sách, bao gồm: CTCP FPT (FPT) và CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC). Tính tới thời điểm cuối năm 2015, SCIC sở hữu gần 24 triệu cổ phần của FPT (tương đương tỷ lệ 6%) và gần 4 triệu cổ phần SGC (tương đương tỷ lệ 50%).
Tuy nhiên, mới đây, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần "Nhà nước không bán sữa, bán bia", SCIC tiếp tục công bố sẽ bán 9% cổ phần nắm giữ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) ngay trong 2016 này còn 9 doanh nghiệp còn lại sẽ được SCIC lên kế hoạch thoái vốn trong năm 2017.
Như vậy, ngoài FPT, SGC và VNM thì SCIC còn nắm giữ 51% cổ phần tại Bảo Minh, 50% cổ phần FPT Telecom; 47% cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM); 40% cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (VNR); 37% cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) và 30% cổ phần Nhựa Bình Minh (30%) -thời điểm cuối 2015.
Cổ phần Nhà nước mà SCIC đại diện nắm giữ tại Vinamilk là 541 triệu cổ phiếu tương ứng 45% thời điểm cuối năm 2015, sau khi Vinamilk tăng vốn thì tỉ lệ giảm còn 37,28%. Với kế hoạch trên, đến cuối năm nay, SCIC sẽ chỉ còn 28,28% cổ phần tại Vinamilk.
Với thị giá đóng cửa của cổ phiếu VNM là 140.000 đồng/cp thì nếu VNM thoái 9% vốn tại doanh nghiệp này, tức lượng bán ra khoảng 130,6 triệu cổ phần, tại mức thị giá này thì giá trị thu về gần 18.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện SCIC thì giá khởi điểm đưa ra đấu giá sẽ phải cao hơn thị giá giao dịch.
Theo một đại diện của Bộ Tài chính, giá VNM trên thị trường biến động từng ngày. Đây là một trong những mã lớn có tính chất dẫn dắt thị trường nên việc bán vốn Nhà nước khỏi VNM phải thận trọng. Tuy nhiên, theo thông lệ thì cứ mỗi lần công bố bán vốn Nhà nước khỏi những doanh nghiệp làm ăn tốt như VNM thì giá cổ phiếu lập tức sẽ tăng. Bằng chứng là với thông tin sẽ bán 9% vốn Nhà nước đưa ra ngày 23/9, đóng cửa phiên đó thị giá VNM đã tăng 2.800 đồng, tương ứng 2%. Vì thế, việc bán vốn khỏi VNM được cho là không nên quá vội vàng.
SCIC mới đây cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, số liệu kế toán cho thấy, tại ngày 30/6, SCIC có tổng cộng 71.876,9 tỷ đồng tổng tài sản, con số này đã sụt giảm tới gần 1.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân sụt giảm tổng tài sản đến từ sự giảm sút của tài sản ngắn hạn.
Tài sản ngắn hạn của SCIC đến cuối tháng 6 là 38.732 tỷ đồng, giảm gần 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm tới hơn 2.500 tỷ đồng, còn 34.914,8 tỷ đồng.
Đồng thời thì nợ phải trả của SCIC cũng giảm đáng kể gần 2.900 tỷ đồng còn 35.300 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nợ ngắn hạn của "siêu tổng công ty" này lại tăng rất mạnh xấp xỉ 1.500 tỷ đồng lên 1.767,1 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp gần 6 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
Thể hiện trên số liệu thì sự gia tăng này chủ yếu do thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của SCIC tăng, từ 156 tỷ đồng hồi cuối 2015 lên 1.678,5 tỷ đồng sau 6 tháng (tăng hơn 1.500 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm, SCIC thu về từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn tổng cộng 5.751,7 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn là 4.480,4 tỷ đồng, tăng 21,2%.
Cộng thêm khoản lợi nhuận khác 3,3 tỷ đồng và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết hơn 99,3 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của SCIC đạt 4.583 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Sau khi thực hiện nghĩa vụ ngân sách, công ty giữ lại 4.067,5 tỷ đồng lãi ròng, tăng 16,7% cùng kỳ 6 tháng 2015.
Bích Diệp
Theo Dantri
Tái cơ cấu nền kinh tế: Tham vọng mới, nỗi lo cũ Sự thất bại, nếu có thể nói thế, trong thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn vừa qua đang hối thúc Chính phủ tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020. Những phác thảo đầu tiên của bản đề...