Việt Nam – Campuchia nhất trí cách thức giải quyết các tranh chấp Biển Đông
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn nhất trí rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh (phải) đón tiếp ông Sokhonn đến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong cuộc hội đàm hôm nay tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cùng cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Phó thủ tướng Minh và Bộ trưởng Sokhonn cũng khẳng định các nước liên quan ở Biển Đông không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới lập Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Video đang HOT
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp lập trường giữa Campuchia và Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cùng các nước ASEAN khác củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Đại diện hai nước cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực khác, như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, thúc đẩy hợp tác Mekong – Lan Thương, đẩy nhanh tiến độ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Sokhonn diễn ra từ 21/6 đến ngày 23/6 nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, tăng cường sự phối hợp trong khuôn khổ ASEAN và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Sokhonn trên cương vị bộ trưởng ngoại giao, thể hiện sự coi trọng quan hệ láng giềng truyền thống với Việt Nam. Chuyến đi của ông cũng là hoạt động xã giao theo thông lệ ASEAN.
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc bị tố lợi dụng tàu cá để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Chuẩn đô đốc Indonesia tuyên bố việc Trung Quốc cho tàu cá đánh bắt ở vùng biển nước khác là cách để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc (bên phải) bị hải quân Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ vì xâm nhập và đánh cá trái phép. Ảnh: Straits Times.
Chuẩn đô đốc A. Taufiq R., tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, cho rằng việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước này ở gần quần đảo Natuna chỉ là cái cớ, mục đích chính là thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, theo Straits Times.
"Khi bạn tuyên bố chủ quyền ở đâu, thì bạn phải hiện diện tại đó. Trung Quốc dùng tàu cá để làm điều này", tuyên bố của ông Taufiq ám chỉ "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra, bao phủ phần lớn diện tích Biển Đông.
Căng thẳng giữa Jakarta và Bắc Kinh lên cao sau khi hải quân Indonesia nổ súng cảnh cáo và bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 17/6. Indonesia cho biết đã bắn cảnh cáo 12 tàu cá Trung Quốc, nhưng chỉ bắt duy nhất tàu Yueyandong Yu 19038 vì lúc đó tàu này đang thả lưới đánh cá. Ông Taufiq cũng phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh nói hải quân Indonesia bắn bị thương một ngư dân Trung Quốc. "Bảy ngư dân trên tàu đều khỏe mạnh, không ai bị xây xát gì. Họ bị bắn cảnh cáo vì đã bỏ chạy".
Yueyandong Yu là tàu cá thứ ba của Trung Quốc bị Indonesia bắt vì đánh cá trái phép từ tháng 3. Bộ trưởng Các vấn đề Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết hai nước không có bất kỳ thỏa thuận hàng hải nào về hợp tác trong một lãnh thổ đặc biệt và vì thế các tàu cá Trung Quốc sẽ được đối xử như bất kỳ tàu cá nào đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.
"Xin nhắc lại tôi không quan tâm đó là nước nào hay đó là tàu gì, chủ tàu là ai. Nếu các bạn đánh bắt trộm cá của chúng tôi, có nghĩa là các bạn đã ăn trộm, và tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi, với lực lượng chuyên trách của mình, không bỏ qua điều này. Chúng tôi sẽ không cân nhắc quan hệ giữa hai nước trong việc này. Những gì chúng tôi thấy là hành vi vi phạm nghiêm trọng", bà nói.
Văn Việt
Theo VNE
Chiêu bài quốc tịch hòng bác phán quyết Biển Đông của Trung Quốc Trung Quốc cố gắng hạ uy tín của tòa trọng tài bằng lập luận rằng người chỉ định ban thẩm phán là công dân Nhật và do đó, sẽ có sự thiên vị. Ông Shunji Yanai, cựu chủ tịch ITLOS. Ảnh: UN Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến tháng này ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi...