Việt Nam-Ấn Độ hợp tác trong chuỗi cung ứng hậu COVID-19
Hậu COVID-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày; đồng thời thiết lập các quan hệ hợp tác.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Việt Nam-Ấn Độ có nhiều tiềm năng đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kỹ thuật, cơ khí, máy móc phục vụ sản xuất và tham gia và các chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam-Ấn Độ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Cơ khí Ấn Độ (EEPC) tổ chức chiều 22/9.
Ông Mahesh Desai, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu ngành cơ khí Ấn Độ cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển năng động, đa dạng các lĩnh vực và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác chiến lược về thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác; trong đó lĩnh vực kỹ thuật phục vụ sản xuất là bộ phận quan trọng trong thương mại song phương.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều đang chú trọng đến nền tảng kỹ thuật, sản xuất và đặt mục tiêu tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều chuỗi liên kết, cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu tìm kiếm nhiều đối tác mới, thị trường mới. Do đó, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để liên kết với các đối tác như Việt Nam nhằm khai thác các tiềm năng của hai nước, ông Mahesh Desai nhấn mạnh.
Việt Nam-Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác vì cùng là thành viên của nhiều diễn đàn kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tầm nhìn dài hạn. Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đã thống nhất hợp tác trên nhiều lĩnh vực thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng.
Video đang HOT
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng về kinh tế đầu tư, thương mại của Ấn Độ. Hai nước cần thúc đẩy thương mại hơn nữa trong thời gian tới, sau COVID-19 nhu cầu tìm kiếm đa dạng hóa đối tác, thị trường mới.
Theo ông Pranay Verma, hợp tác thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Các lĩnh vực về cơ giới hóa, chế tạo máy móc, nông nghiệp còn nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt giai đoạn hợp tác hậu COVID-19.
Ông Võ Tân Thành-Phó Chủ tịch VCCI thông tin, Việt Nam-Ấn Độ có quan hệ truyền thống tốt đẹp trên mọi mặt. Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ năm 2019 đạt trên 11,2 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 6,6 tỷ USD và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt gần 4,6 tỷ USD.
Riêng trong 7 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ vẫn đạt trên 5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,6 tỷ USD và chiều ngược lại xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt trên 2,4 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm máy vi tính, điện thoại và linh kiện… Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dược phẩm.
Hậu COVID-19 là giai đoạn vàng để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất. (Ảnh: TTXVN)
Dù tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng hai nước vẫn đặt ra mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới, ông Võ Tân Thành cho hay.
Về quan hệ đầu tư, tính đến tháng 4/2020, Ấn Độ đứng thứ 26 trên 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 272 dự án, tổng vốn đăng ký trên 887 triệu USD, tập trung chủ yếu vào khai thác dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, nông sản.
Với việc đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam đang là một điểm đến an toàn và tin cậy dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc bắt đầu. Các nhà đầu tư Ấn Độ nên mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên liệu thức ăn gia súc… để được hưởng ưu đãi của theo Hiệp định EVFTA.
Ông Srikar K. Reddy, Thư ký Bộ Thương mại Ấn Độ chia sẻ, Ấn Độ đã đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực kỹ thuật trong thời gian qua, nhưng thương mại kỹ thuật Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua chưa được khai thác hiệu quả.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, hướng tới hoạt động xuất khẩu, có cơ cấu dân số vàng. Sau COVID-19, Việt Nam đang là điểm đến nổi bật trong hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất.
Đồng thời, Việt Nam cũng là cầu nối với nhiều khu vực kinh tế khác trên thế giới, hậu COVID-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam-Ấn Độ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày; đồng thời thiết lập các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Lý-Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thanh Việt nhận xét, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, nhiều nguồn cung nguyên liệu, thiết bị truyền thống của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Ấn Độ là một trong những trung tâm sản xuất lớn của thế giới với nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm đa dạng, giá thành khá cạnh tranh. Đây sẽ là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác trong việc cung cấp nguyên liệu thay thế cũng như kết nối các chuỗi sản xuất-phân phối mới với Việt Nam trong thời gian tới./.
Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trong ngành dệt may
Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp dệt lâu đời sẽ là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam, nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may.
Các đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)
Tăng cường hợp tác với Ấn Độ đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực dệt may của Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm chao đảo kinh tế thế giới và gây ra những đứt đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến "Thúc đẩy quan hệ kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế" do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức vào chiều 10/9 đã đưa ra nhận định trên.
Hội thảo được chia làm ba phiên, trong đó có phiên khai mạc và hai phiên thảo luận theo chuyên ngành. Sự kiện thu hút khoảng 250 doanh nghiệp, học giả và nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khẳng định bức tranh địa chính trị trên thế giới đang chứng kiến những thay đổi to lớn với sự kình địch và cạnh tranh giữa các cường quốc, căng thẳng và tranh chấp trong lĩnh vực an ninh tác động đến vấn đề kinh tế.
Các chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, khiến thương mại toàn cầu bị tổn hại. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để Ấn Độ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác và bổ sung cho nhau, qua đó góp phần phục hồi và tăng cường chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực quan trọng.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẵn sàng làm cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hai nước kết nối và trao đổi, đẩy mạnh giao thương.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6-7%/năm. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nước này vẫn được dự báo là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Việt Nam cũng là điểm đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) được ưa thích với lợi thế hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA).
May gia công hàng quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH may Kydo Việt Nam tại khu Công nghiệp Phố nối A (Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Trong lĩnh vực y tế, ông Rajav Nath, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp y tế Ấn Độ (AIMED), bày tỏ ấn tượng với Việt Nam về khả năng ứng phó với COVID-19 và nền y tế cộng đồng vững mạnh giúp nước này kiểm soát tốt đại dịch.
Liên quan đến lĩnh vực dệt may, ông Ashok Juneja - Chủ tịch Hiệp hội dệt Ấn Độ, cho biết đây là một lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch lên đến 36 tỷ USD, gần bằng mức 38 tỷ USD của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý về cơ cấu xuất khẩu.
Nếu Ấn Độ xuất khẩu 16 tỷ USD hàng may mặc và 22 tỷ USD hàng dệt, Việt Nam gần như tương phản với việc xuất khẩu tới 31 tỷ USD hàng may mặc và chỉ 5 tỷ USD các sản phẩm dệt. Do đó, hai nước có không gian rộng lớn để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Theo ông Ashok Juneja, Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp dệt lâu đời, với thế mạnh dựa trên nền tảng sản xuất từ hàng loạt sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến sợi nhân tạo tổng hợp như polyster, nylon. Lợi thế này sẽ là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam, nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may./.
Tái cấu trúc mô hình kinh doanh - Cơ hội để DN vươn mình sau dịch bệnh Trước những tác động hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, việc định vị, điều chỉnh chiến lược, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và các giải pháp sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hiện nay đối với doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lấy lại nhịp độ...