Viện trưởng VKSND Tối cao nói về việc chưa khởi tố vụ Thuận Phong
Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, nếu chưa có kết quả trả lời của cơ quan chuyên môn về giám định thì chưa có căn cứ để xác định có vi phạm pháp luật về hình sự hay không.
Viện trưởng VKS Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh quochoi.vn
Ngày 31.10, hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục bước sang ngày thứ 2.
Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) liên quan đến vụ Thuận Phong sáng nay, Viện trưởng Viện kiểm sát (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí nói: Đây là vụ việc được cử tri và đại biểu quan tâm. Bây giờ cũng phải xác định xem Công ty có vi phạm pháp luật (có sản xuất, nhập khẩu, mua bán phân giả hay không – PV).
Về việc này, VKSND Tối cao thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định hủy “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an Đồng Nai” yêu cầu thụ lý theo tố tụng.
“Công an Đồng Nai đã tiếp nhận và thụ lý xử lý tin báo tố giác tội phạm. Vừa rồi, Công an Đồng Nai đã yêu cầu Bộ NNPTNT, Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ giám định để trả lời về về việc kết quả phân bón có bị giả hay không, có giả mạo hàng hóa hay không. Cho đến giờ này, chỉ có Bộ NNPTNT đã có văn bản trả lời, nhưng kết quả trả lời chưa đạt được yêu cầu giám định điều tra. Hai Bộ còn lại thì chưa có văn bản trả lời”, ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định, nếu chưa có kết quả trả lời của cơ quan chuyên môn về giám định thì chưa có căn cứ để xác định có vi phạm pháp luật về hình sự hay không.
Sau phần trả lời của ông Lê Minh Trí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc các Bộ ngành liên quan nhanh chóng trả lời để phục vụ công tác điều tra của các cơ quan Tư pháp.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng đây là nạn sản xuất phân bón giả làm hại nông dân. Vụ việc cũng được chất vấn qua hai nhiệm kỳ. Theo ông Cương, vụ việc này đã có văn bản của 6 Bộ ngành thống nhất về việc này và đã được giám định 2 lần.
Ngày 13.3.2018, Bộ Tư pháp có văn bản kết luận là phân bón giả. Hai là tàng trữ, buôn bán hàng cấm. Từ đó, ông Cương đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao nghiên cứu chỉ đạo cho phù hợp.
Video đang HOT
Cũng theo ông Cương, đối với Công an Đồng Nai, vừa rồi có thông tin khi đơn vị này làm việc với Ban Nội chính Trung ương lại tiếp tục đề nghị không khởi tố. “Việc xảy ra hơn 4 năm rồi, mình làm vì nông dân Việt Nam và nên có trách nhiệm đến cùng việc này”, ông Cương nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời đại biểu về vấn đề này bằng văn bản.
NGUYÊN – HÙNG – TRUNG
Theo LĐO
Sao chưa khởi tố vụ phân bón giả Thuận Phong?
Gần 4 tháng trước, tại Hội nghị Thủ tướng Đối thoại với nông dân Việt Nam do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức (ngày 9.4.2018, thành phố Hải Dương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cơ quan có liên quan báo cáo vụ Thuận Phong với Thủ tướng trong tháng 5.2018.
Đây là vụ việc mà theo như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn và cần phải điều tra, xử lý nghiêm minh.
Là người trực tiếp nhận đơn tố giác từ quần chúng nhân dân về việc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, khu phố 7, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sản xuất phân bón giả, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường đã cùng đoàn liên ngành phanh phui, bắt quả tang hành vi của Công ty này.
"Những hành vi này không là dấu hiệu nữa mà chính xác là sản xuất phân bón giả. Đây là tội ác với nông dân cần nghiêm trị, răn đe trước pháp luật" - Phó Cục trưởng Trần Hùng nhiều lần khẳng định.
Thuận Phong sang chiết, tự ghi "Made in USA" trên chai.
Những ai gắn bó với tam nông đều hiểu một điều rằng, sản xuất phân bón giả chính là tội ác với nông dân.
Phân bón giả nếu được sản xuất và đưa trót lọt ra thị trường không chỉ khiến nông dân mất tiền, mất mùa mà còn gây hậu họa khôn lường.
Trong phân bón giả chứa kim loại nặng, chất kích thích độc hại, chất cấm khi ngấm đất gây quái thai, dị tật...trên người và vật nuôi nếu tiếp xúc, tồn tại hàng trăm năm trong đất.
Chia sẻ với người viết bài này, là một trong những người chất vấn quyết liệt nhất về vụ Thuận Phong, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói thẳng: "Ngoài khởi tố Công ty Thuận Phong thì cần phải khởi tố điều tra việc thiếu trách nhiệm của những cán bộ đã cố hành chính hóa vụ án hình sự này".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhiều lần lên tiếng về vụ Thuận Phong.
Còn Tiến sĩ Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC không giấu nổi sự bức xúc: "Với những tang chứng, vật chứng đã rõ ràng như vậy, là người gắn bó với nông dân hơn 40 năm qua, tôi không thể hiểu nổi vì sao Công ty Thuận Phong và những lãnh đạo công ty này vẫn chưa bị khởi tố. Khởi tố Thuận Phong và làm rõ có hay không những cá nhân, tổ chức đứng sau che đỡ, chống lưng cho Công ty này là việc dư luận đang rất quan tâm".
Được biết, liên quan tới vụ việc, đã có tới 6 bộ, ngành đều thống nhất rằng Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả.
Phía bên trong Công ty Thuận Phong.
Và tới thời điểm này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phải hủy quyết định phê chuẩn quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Như vậy vụ án đang tiếp tục điều tra và việc Công ty Thuận phong có hành vi phạm tội hay không, dư luận về việc có cá nhân, cơ quan công quyền đứng sau che đỡ, chống lưng cho Thuận Phong rồi sẽ được sáng tỏ.
- Ngày 24.4.2015, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng Đoàn 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, phát hiện Công ty này đang chiết rót phân bón dạng nước từ bồn chứa vào chai nhựa mang nhãn hiệu Vitol, nhãn sản phẩm ghi nguồn gốc "Made in USA".
- Tháng 5.2016, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Thuận Phong hơn 500 triệu đồng.
- Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố hình sự.
- Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp... đều cho rằng, Thuận Phong đóng chai, dán nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong khi hàng hóa sang chiết tại Việt Nam là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa, theo Nghị định số 185/2013 của Chính phủ, hàng hóa vi phạm dán nhãn như trên là hàng giả.
- Bộ Công an cho rằng chưa đủ căn cứ khởi tố.
- Tháng 11.2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với các bộ, ngành liên quan giao cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong.
- Tháng 5.2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra làm rõ việc nhập khẩu phân bón hiệu Zap của Công ty Thuận Phong.
- Tháng 6.2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 645/QĐ-VKS-P3 hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
- Tháng 4.2018, tại Hội nghị Thủ tướng Đối thoại với Nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo trực tiếp Thủ tướng về vụ việc.
Theo Danviet
Quy định sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học: Vừa trái luật, vừa xúc phạm sinh viên "Hoá ra chuyện mua bán dâm của sinh viên ngành sư phạm là bình thường, vi phạm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học? Nếu quy định như vậy khác nào xúc phạm đến sinh viên của chính ngành mình" - Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ quan điểm. Đã bị cấm, làm sao cho vi...