Viện phí tăng, bệnh viện vẫn… khó khăn
Sau hơn một năm thực hiện chính sách viện phí mới, chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện Hà Nội đã được cải thiện nhờ nguồn thu tăng lên. Thế nhưng, đời sống cán bộ y tế chưa tăng theo và các bệnh viện còn nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn để tái đầu tư.
Các bệnh viện đang cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người bệnh tốt hơn
Việc tăng, lương không tăng
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì, từ khi thực hiện viện phí mới theo quyết định 30 của UBND TP Hà Nội, đến hết tháng 8 vừa qua, nguồn thu của bệnh viện tăng thêm được 145 triệu đồng so với tháng trước đó. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là do lượng bệnh nhân tăng, còn mức tăng đến từ việc được điều chỉnh giá các dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật chỉ là 9,1 triệu đồng. TS Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bệnh viện Thanh Trì chia sẻ, đợt điều chỉnh viện phí lần này chủ yếu tập trung vào các dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, thế nhưng số bệnh nhân đến thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tại bệnh viện tuyến huyện như Thanh Trì không nhiều nên nguồn thu tăng thêm không đáng kể.
Tương tự, tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, sau 1 năm thực hiện chính sách viện phí mới, tổng thu của bệnh viện đã tăng hơn 8,8 tỷ đồng. Từ 10-8 vừa qua, bệnh viện tiếp tục điều chỉnh một số giá dịch vụ y tế theo quyết định 30 của UBND TP Hà Nội, nhờ đó công tác khám chữa bệnh đã thay đổi tích cực theo hướng có lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, việc tăng giá các dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật (20%) vẫn chưa đủ bù đắp chi phí vật tư tiêu hao cho các cơ sở y tế, chưa kể trượt giá hàng năm. Hơn nữa, tuy viện phí tăng nhưng giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố cấu thành cơ cấu giá đúng nên thực tế có không ít kỹ thuật mà bệnh viện thực hiện càng nhiều… càng lỗ.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi viện phí được điều chỉnh, bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp và khối lượng công việc cán bộ, nhân viên y tế phải “gánh” cũng tăng theo. Thế nhưng, thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện chưa được cải thiện, thậm chí còn giảm. Ông Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba cho biết, lý do bởi toàn bộ kinh phí thu được từ phần tăng viện phí lần này nằm trong tiền thuốc, vật tư tiêu hao và các điều kiện phục vụ khám chữa bệnh cho người bệnh chứ không bao gồm công khám chữa bệnh, đào tạo, phụ cấp.
Video đang HOT
Vướng mắc trong thanh toán BHYT
Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì hiện có 83% lượng bệnh nhân tới khám có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Một mặt do chất lượng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao của bệnh viện còn hạn chế, mặt khác do cùng địa bàn có nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đang được áp dụng giá viện phí với mức phí cao hơn nên rất nhiều bệnh nhân của bệnh viện đã chủ động vượt tuyến. Thậm chí, chỉ trong 3 tháng có tới hơn 4.000 sản phụ đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện này nhưng xin vượt lên tuyến trên để mổ đẻ, dù Bệnh viện Thanh Trì thực hiện kỹ thuật này khá tốt. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Trì thừa nhận, thực trạng này đã mang tiền từ quỹ khám chữa bệnh BHYT của bệnh viện thành phố lên tuyến Trung ương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của đơn vị.
Khác với Bệnh viện Thanh Trì, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba có tới 2 chuyên khoa (tai mũi họng và răng hàm mặt) được Sở Y tế công nhận là chuyên khoa đầu ngành của thành phố, có dịch vụ y tế tương đương các bệnh viện Trung ương hạng I. Vậy nhưng cả 2 chuyên khoa này chưa được BHYT thanh toán giá khám bệnh và giá ngày giường điều trị theo mức của bệnh viện hạng I, khiến bệnh viện khó khăn trong việc tái đầu tư, phát triển dịch vụ. Vấn đề khác là trong danh mục của Bộ Y tế, việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật chưa đồng bộ và chưa cập nhật, gây khó khăn cho các bệnh viện trong quá trình xây dựng, cập nhật, báo cáo, thanh quyết toán với BHYT.
Cũng vì nguyên nhân nói trên, nhiều bệnh viện của thành phố hiện có số kết dư quỹ BHYT tương đối lớn mà không được sử dụng để tái đầu tư. Riêng tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, năm 2013, bệnh viện được BHXH TP cấp cho 61 tỷ đồng chi BHYT nhưng đến hết năm vẫn còn kết dư đến 22 tỷ đồng. Tính trên toàn thành phố Hà Nội, năm 2013, số kết dư quỹ BHYT lên đến trên 900 tỷ đồng.
Theo ANTD
Bệnh viện Tim Hà Nội: Khẳng định thương hiệu từ hướng đi táo bạo
Vài năm trở lại đây, Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành một điểm đến uy tín của người bệnh khắp các tỉnh xa gần. Có lẽ, đây là bệnh viện hiếm hoi tuy trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nhưng đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến đầu của Trung ương, với nhiều kỹ thuật về tim mạch sánh ngang tầm khu vực và thế giới.
Một ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Tim Hà Nội
Điểm sáng chuyên môn
Là một bệnh viện của thành phố, lại nằm ở vị trí cách không xa so với Viện Tim mạch Quốc gia và nhiều Trung tâm tim mạch hiện đại khác, thế nhưng nhờ định hướng phát triển đúng đắn và táo bạo, những năm gần đây Bệnh viện Tim Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong số ít bệnh viện tim mạch lớn và đồng bộ nhất cả nước. Bước ngoặt tạo ra sự phát triển đột biến của Bệnh viện Tim Hà Nội có lẽ đến từ giữa năm 2012, trên cơ sở vững chắc đã được xây dựng từ những năm trước đó, Ban lãnh đạo bệnh viện quyết định xây dựng và đề ra chiến lược phát triển Bệnh viện toàn diện với đầy đủ các chuyên khoa: Nội tim mạch, ngoại tim mạch, tim mạch nhi khoa và tim mạch can thiệp.
Nếu như năm 2013, Bệnh viện Tim Hà Nội khám cho 87.772 bệnh nhân,... thì chỉ trong nửa đầu năm 2014, kỷ lục này đã được chính bệnh viện "phá". Số liệu thống kê đến tháng 6-2014 cho thấy, tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện này đạt gần 500.000 người, can thiệp tim mạch cho 4.572 ca, cao gấp hơn 3 lần so với cả năm trước đó. Bệnh viện đã phẫu thuật hầu hết tất cả các bệnh lý tim mạch bẩm sinh và mắc phải phức tạp, trong đó có những kỹ thuật mà cả nước chỉ có vài trung tâm thực hiện được, nhiều kỹ thuật đã đạt tầm thế giới như điều trị bệnh Allot 4; APSO, đảo gốc đại động mạch, Ebstein ...
Đặc biệt, giữa tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã cứu sống một trường hợp bị vỡ tim rất hy hữu. Bệnh nhân là ông Lương Minh Kỷ, 64 tuổi (ở Hải Dương), sau khi điều trị nhồi máu cơ tim bỗng xuất hiện biến chứng vỡ tim, không có huyết áp, không có mạch, cũng không thể di chuyển sang phòng mổ. Trò chuyện với chúng tôi, Ths.BS Đào Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại, cũng là trưởng ca phẫu thuật cho bệnh nhân nói trên tự hào kể: "Mổ cấp cứu các ca vỡ tim do tai nạn rất hay gặp nhưng mổ cứu sống một ca vỡ tim do nhồi máu cơ tim, lại mổ ngay trên giường bệnh chứ không phải trong phòng phẫu thuật là điều khó khăn hơn rất nhiều và có lẽ là ca đầu tiên thực hiện được tại Việt Nam"...
Không "phong bì" vẫn hút bác sĩ giỏi
Bác sĩ Đào Quang Vinh tâm sự, nếu chỉ có chuyên môn tốt chưa chắc đã thu hút được đông đảo bệnh nhân mà cần thêm một yếu tố quan trọng nữa là thái độ phục vụ của y bác sĩ, nhân viên y tế. "Ở bệnh viện Tim Hà Nội, chúng tôi thường xuyên quán triệt đến nhân viên nếu có chuyện vòi vĩnh, đòi phong bì của người bệnh thì đuổi việc luôn. Đến nay chúng tôi chưa phải xử lý kỷ luật nhân viên nào và cũng hầu như không nhận được phản ánh nào từ các bệnh nhân. Nói thật, nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Tim Hà Nội sau khi điều trị khỏi, quay lại muốn tìm cảm ơn bác sĩ cũng khó" - bác sĩ Vinh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vinh, dù không có chuyện nhận "phong bì", y bác sĩ trong bệnh viện cũng không có ai phải ra ngoài bươn chải, làm thêm như nhiều bệnh viện khác song những năm gần đây, Bệnh viện Tim Hà Nội ngày càng có sức hút lớn đối với các y bác sĩ giỏi. Có rất nhiều bác sĩ nội trú xin chuyển về công tác, thậm chí nhiều bác sĩ đã khẳng định được tên tuổi ở các bệnh viện lớn xin chuyển sang.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, hiện tượng y bác sĩ cố tình vòi vĩnh phong bì xảy ra là bởi người ta cũng phải mưu sinh. "Cái chính là phải lo được cuộc sống đầy đủ cho anh em, tạo ra cho họ môi trường lý tưởng để phát triển về chuyên môn, về thương hiệu và có đủ thu nhập để nuôi gia đình. Khi đó, chắc chắn họ sẽ yên tâm, quý trọng công việc hơn và đặc biệt là tôn trọng chính bản thân mình" - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nói.
Vậy làm thế nào để lo được đầy đủ cuộc sống cho nhân viên, để y bác sĩ yên tâm làm việc mà không phải bận lòng đến những chuyện khác? PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị sự nghiệp y tế công lập có thu, hoạt động tuân thủ theo Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế và các Quy định của Sở Y tế, UBND TP Hà Nội. Bệnh viện tự hạch toán 100% về tài chính, vì thế giá dịch vụ, viện phí trong bệnh viện cũng được tính đúng tính đủ chứ không chỉ thu một phần viện phí như các bệnh viện công lập khác. Đây là cách "làm tư trong bệnh viện công", nhưng điều quan trọng là tất cả phải được minh bạch, rõ ràng và giá viện phí được xây dựng hợp lý để người bệnh hoàn toàn chấp nhận được.
Sẽ nhân rộng mô hình bệnh viện công tự chủ tài chính
Tại hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 của ngành y tế mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị cho biết, Chính phủ đã đồng ý với các đề nghị của Bộ Y tế và chuẩn bị ra Nghị định về cơ chế hạch toán hoạt động liên quan đến tự chủ tài chính trong các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công. Tại hội nghị này, Bệnh viện Tim Hà Nội đã được chọn báo cáo về những kết quả đạt được qua 10 năm hoạt động tiên phong theo mô hình tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ. Theo đó, sau 9 năm tự chủ, đến năm 2013 tổng nguồn thu của bệnh viện đã đạt 254 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần. Trong 6 tháng đầu năm 2014, nguồn thu của bệnh viện tiếp tục tăng vọt, đạt 222 tỷ, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình này ra toàn quốc.
Theo ANTD
Nhiều tỉnh đòi tăng viện phí, Bộ Y tế nói gì ? Mới đây, một loạt tỉnh đang "đòi" tăng viện phí. Tỉnh Hà Nam đề xuất nâng viện phí từ 62% khung lên 80%, Thái Nguyên đề xuất nâng thêm so với mức 64% khung hiện hành, tỉnh Yên Bái cũng có ý định điều chỉnh viện phí... Trước đó, "đầu tàu" Hà Nội sẽ có 1.348 dịch vụ y tế điều chỉnh giá....