Viện Pasteur Paris nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới
Thành quả này, đầu tiên tại châu Âu, là “một bước tiến lớn” trong việc nghiên cứu vắcxin và lập phác đồ điều trị.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus corona tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Viện Pasteur Paris chiều 31/1 thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus corona mới.
Thành quả này, đầu tiên tại châu Âu, là “một bước tiến lớn” trong việc nghiên cứu vắcxin và lập phác đồ điều trị.
Các nhà khoa học Pháp đã sử dụng các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona ở Pháp, được xác nhận ngày 24/1.
Theo Viện Pasteur, toàn bộ các nghiên cứu sẽ được thực hiện sau khi vượt qua giai đoạn này. Corona 2019-NCoV là một loại virus rất khó phân lập.
Trước đó, Trung Quốc và Australia cũng đã thành công trong việc nuôi cấy này.
Cùng ngày, Viện nghiên cứu y học Pháp cho biết các nhà khoa học đang thử nghiệm một số phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona.
Đầu tiên là sử dụng Kaletra, một loại thuốc chống HIV/AIDS, kết hợp hai phân tử kháng virus lopinavir và ritonavir.
Hiện, Trung Quốc đã dùng thuốc này trong các thử nghiệm lâm sàng, song vẫn chưa được công bố kết quả.
Lựa chọn thứ hai là kết hợp thuốc Kaletra với thuốc kháng virus và liệu pháp miễn dịch, đã từng được sử dụng đối với chủng virus corona MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).
Phương pháp thứ ba dựa trên remdesivir, một loại thuốc chống virus đã được sử dụng trong phòng chống bệnh Ebola.
Trong cuộc họp báo tối 31/1, Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn thông báo “không có trường hợp nhiễm bệnh mới hôm nay” ở Pháp.
Video đang HOT
Trong số hơn 180 công dân Pháp ở Vũ Hán, Trung Quốc, vừa được máy bay quân sự đưa về nước trưa 31/1, hai người “có triệu chứng” đã nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Đại học Marseille, nơi họ đã được xét nghiệm và có “kết quả âm tính.”
Các công dân vừa trở về được cách ly trong vòng 14 ngày tại một trung tâm nghỉ mát ở Carry-le-Rouet, gần thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp.
Trong thời gian cách ly, họ chịu sự giám sát y tế và thường xuyên đo thân nhiệt để đảm bảo không bị nhiễm virus.
Họ cam kết tuân thủ các biện pháp kiểm dịch và hoàn toàn tự do dạo chơi trong khuôn viên của khu nghỉ, sau khi trang bị những thiết bị cần thiết để bảo vệ bản thân và những người khác như đeo khẩu trang.
Theo bà Bộ trưởng, chuyến bay sơ tán thứ hai đang được lên kế hoạch vào cuối tuần này.
Bộ Y tế Pháp cũng công bố một đường dây nóng miễn phí (08 01 13 00 00) nhằm giải đáp mọi thắc mắc của người dân từ 9 giờ đến 19 giờ hằng ngày./.
Theo vietnamplus
Sự hy sinh âm thầm sau những nghiên cứu y học của nam bác sĩ BV Chợ Rẫy
Dù 34 tuổi nhưng vẫn chưa tính chuyện vợ con, Thạc sĩ, Bác sĩ (BS) Phạm Quang Thông (SN 1986, làm việc tại Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP HCM) miệt mài với những nghiên cứu về căn bệnh quái ác ung thư.
Những nghiên cứu của BS Thông đã góp phần thuận lợi cho chẩn đoán, xây dựng phác đồ điều trị bệnh ung thư.
BS Thông thực hiện thành công 17 nghiên cứu về bệnh ung thư trong 6 năm
Dáng người nhỏ nhắn, bước đi lanh lẹ, gương mặt xán lạn, nụ cười luôn trên môi là ấn tượng đầu tiên khi gặp BS Thông. BS trẻ tuổi này, trong sáu năm đã tham gia thực hiện 17 công trình nghiên cứu. Trong đó anh là tác giả chính trong 6 nghiên cứu, và cộng sự 11 nghiên cứu với BS nước ngoài.
Chính nhờ những đóng góp thiết thực này cho ngành y, BS Thông được vinh danh công dân trẻ tiêu biểu năm 2019 TP HCM.
BS Thông quê gốc Quảng Ngãi nhưng sinh ra lớn lên tại TP HCM, năm 2010 tốt nghiệp ĐH Y Dược TP HCM ngành BS đa khoa. Năm 2011, BV Chợ Rẫy có đợt tuyển dụng, trong đó có ngành giải phẫu bệnh anh yêu thích nên nộp đơn và đậu ngay kỳ thi năm đó.
Sáu năm, 17 công trình nghiên cứu
"Ngành giải phẫu bệnh là ngành rất sâu, liên quan đến tất cả các tế bào trong cơ thể con người. Để chẩn đoán được bệnh lý, đặc biệt là ung thư, bắt buộc phải xét nghiệm, phân tích mô, quan sát... để rút ra kết luận có bệnh hay không và ung thư loại gì, mức độ tế bào biến đổi như thế nào, nằm ở giai đoạn nào, gen biến đổi ra sao? Từ phân tích đó mà có phương pháp điều trị. Tôi bị cuốn hút, hứng thú từ những điều đó", BS Thông kể.
Nghiên cứu không phải làm một mình mà thường phải có một nhóm 4-5 người, mỗi người được phân công một nhiệm vụ. Tác giả chính là người tổng hợp tất cả kỹ thuật, ý kiến, phân tích, so sánh và viết thành bài nghiên cứu.
Sáu nghiên cứu BS Thông là tác giả chính đều liên quan đến bệnh ung thư như: Đặc điểm đột biến gen EGFR của 34 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại BV Chợ Rẫy; Phân độ mô học và biểu hiện của Synaptophysin và GFAP trong u nguyên bào ống tủy; Đặc điểm giải phẫu bệnh của u trung thất...
Trong số đó, BS Thông tâm đắc nhất là "Phân độ mô học và biểu hiện của Synaptophysin và GFAP trong u nguyên bào ống tủy". Đó là một u ở não (ung thư của não) thường xuất hiện ở trẻ em, độ ác tính rất cao. Loại u này rất khó chẩn đoán và hiếm.
"Những nghiên cứu với loại u này rất ít. Ở BV Chợ Rẫy có nhiều ca u não nên có được số lượng mẫu đủ để nghiên cứu. Tôi nghiên cứu trên 76 mẫu bệnh. Nguồn mẫu nhiều để mình so sánh, phân tích, có số liệu", BS kể.
Khó khăn trong quá trình nghiên cứu thì vô số. Thứ nhất là về kinh phí, tất cả chi phí phải tự bỏ ra như mua hóa chất, bộ xét nghiệm... Với nghiên cứu trên, mỗi mẫu 1 triệu đồng, nhân ra sẽ biết 76 mẫu tốn bao nhiêu. Thứ hai, về kỹ thuật thì rất phức tạp, nhiều trường hợp phải phối hợp với nước ngoài mới làm được vì nhiều hóa chất chưa có ở Việt Nam. Thứ ba là số lượng mẫu phải thu thập đủ và chuẩn. Thứ tư là thủ tục cho một nghiên cứu phức tạp, trải qua nhiều cơ quan như Hội đồng Y đức, Hội đồng BV... Thứ năm là rất mất thời gian.
"Kinh phí mình bỏ ra chứ làm sao lấy từ bệnh nhân hay BV được. Còn thời gian, sau mỗi giờ làm, mình ở lại BV vài tiếng để nghiên cứu. Do các nghiên cứu thường không quy định thời gian nên lúc nào mình bố trí được thời gian thì thực hiện", BS Thông chia sẻ.
Có hôm say mê, vị BS trẻ thức đến tận khuya không hay biết. Khi bố mẹ gọi điện hỏi thăm, mới sực nhớ mình vẫn còn ở BV. Hỏi thời gian cho bạn bè, anh kể: "Hai ba tháng gặp bạn một lần, cà phê chút chút, còn lại không tham gia các cuộc nhậu, vui chơi khác. Thời gian còn lại chủ yếu của mình là nghiên cứu. Hết ở BV, về nhà ngồi vào máy tính tìm thêm tư liệu, viết bài...".
Khó khăn nhiều, nhưng thuận lợi cũng không ít. BS Thông kể: "BV Chợ Rẫy có uy tín nên số liệu đảm bảo, mẫu nhiều, chất lượng, kỹ thuật khá tốt, máy móc hiện đại".
Những công trình nghiên cứu đã có những đóng góp thiết thực cho ngành Y
Đóng góp thiết thực cho ngành Y
"Một nghiên cứu không chỉ đưa ra số liệu mà phải đi so sánh với nhiều tác giả khác, đối chiếu dân số Việt Nam có gì khác với thế giới. Những kết quả nghiên cứu của mình là kết quả mới chứ không phải là lặp lại của người ta. Nghiên cứu đưa ra kết quả và các BV, bác sĩ sẽ dùng để khám, điều trị bệnh", BS Thông giải thích.
"Có nhiều nhóm đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu của mình như BS lâm sàng sẽ áp dụng vào phương pháp điều trị. Nhóm thứ hai là các công ty dược để phát triển về thuốc điều trị theo kết quả mà nghiên cứu mình đưa ra. Tức là các công ty dược sẽ sử dụng kết quả đó để quyết định có đầu tư hay không vào thuốc chữa trị căn bệnh trong nghiên cứu vào Việt Nam. Nhóm thứ ba là bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân để theo dõi thời gian sống và cơ hội trị khỏi bệnh".
Từ kết quả nghiên cứu, mới đề xuất cải tiến kỹ thuật trong khoa. Ví dụ, với nghiên cứu "Đặc điểm đột biến gen EGFR của 34 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tại BV Chợ Rẫy": "Gen EGFR được mình nghiên cứu từ năm 2014. Lúc đó ở Việt Nam ít người biết về gen này. Mình nghiên cứu, đưa ra số liệu về những biến đổi ở gen này. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam. Sau năm năm việc xét nghiệm gen EGFR này trở nên phổ biến tại các BV, phòng khám Việt Nam. Với bệnh nhân bị ung thư phổi thì hầu hết BS điều trị sẽ chỉ định làm xét nghiệm để đánh giá có bị đột biến ở gen này hay không".
Hoặc như kết quả nghiên cứu "Phân độ mô học và biểu hiện của Synaptophysin và GFAP trong u nguyên bào ống tủy" đang được áp dụng tại BV Chợ Rẫy. "Trước đây BS rất khó chẩn đoán căn bệnh này, phải vừa coi kính hiển vi và vừa đoán xem có đúng hay không? Nó mờ mịt lắm. Nhưng khi mình nghiên cứu hai xét nghiệm Synaptophysin và GFAP, đưa ra một "phương tiện" để BS chẩn đoán, chia loại với bệnh u nguyên bào ống tủy. Bây giờ, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị u này thì BS lập tức thực hiện hai xét nghiệm Synaptophysin và GFAP".
BS Thông được vinh danh là 1 trong 12 công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2019
Sống trách nhiệm
Làm nghiên cứu, không phải "một phát ăn ngay". Có những đề tài, BS Thông phải bỏ cuộc vì không thể tìm ra kết luận cuối cùng: "Chuyện thất bại là thường. Có đề tài hay, nhưng mẫu quá ít hoặc quá nhiều, số liệu lớn, quá khác biệt, không thể đi đến kết luận. Quá trình nghiên cứu, việc tìm kiếm tài liệu rất mệt, đặc biệt tài liệu tiếng Anh. Nhiều lúc phải bỏ tiền ra mua".
Anh không nghĩ sẽ được tôn vinh là 1 trong 12 công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2019. Anh không tự đăng ký ứng cử, không đề xuất gì. Anh cười khiêm tốn: "Cái này đến rất bất ngờ. Đoàn BV chắc thấy mình đủ tiêu chuẩn hay sao đó nên đề xuất và yêu cầu làm thủ tục nộp vào Thành Đoàn. Mình cũng có một số giải thưởng, thành tích nên thấy được. Còn việc bình chọn thì có lẽ mọi người ưu ái cho mình".
Hỏi đến người yêu, dự định cưới vợ, anh cười: "Phấn đấu trước 35 tuổi nhưng giờ chưa nghĩ đến yêu đương, chưa có đối tượng. Chỉ muốn tập trung vào nghiên cứu. Mình đang có nhiều đề tài đang chờ".
Niềm đam mê của BS Thông trong tương lai vẫn là những nghiên cứu về căn bệnh ung thư: "Đây là căn bệnh mình rất trăn trở. Nó tàn phá tính mạng, sức khỏe và tiền bạc bệnh nhân khủng khiếp".
Sắp tới BS Thông sẽ nghiên cứu u tương bào, một loại u từ tế bào miễn dịch nhưng giờ phát triển thành khối u và tấn công chính cơ thể con người; ung thư ở tuyến thượng thận là một ung thư hiếm gặp.
"Y học càng hiểu sâu về ung thư thì số lượng sẽ càng nhiều. Đây là điều tốt vì biết càng nhiều thì càng dễ chẩn đoán, dễ điều trị. Bệnh ung thư ngày càng phát triển, nhiều biến chứng. Người mắc bệnh ung thư tăng nhanh, có thể vì điều kiện môi trường, vì ăn uống".
Tại sao làm việc quên mình như thế, BS Thông lý giải: "Sống có trách nhiệm là quan trọng nhất. Những thứ khác tốt đẹp tự sẽ đến với mình".
Bùi Yên
Theo baophapluat
Tin vui cho những người bị rám má Rám má là một bệnh da thường gặp ở người trưởng thành với tổn thương là các đốm tăng sắc tố màu nâu, xanh đen hoặc đen sạm, thường xuất hiện ở vùng mặt, khiến chị em thiếu tự tin khi bị rám má và luôn đặt câu hỏi có chữa trị được rám má không? Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung...