Viện Kiểm sát: Bị cáo Đinh La Thăng né tránh trách nhiệm
Chiều nay, 29/3, HĐXX tòa sơ thẩm TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm. Trước đó, tại phiên xử, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng né tránh trách nhiệm với hậu thiệt hại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN.
Ông Đinh La Thăng đối diện bản án thứ 2
14h chiều nay, 29/3, HĐXX sơ thẩm sẽ tuyên án các bị cáo trong vụ gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Trước đó, từ ngày 19/3, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN. Ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN.
Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại phiên xử sơ thẩm.
Cáo trạng cũng như diễn biến phiên tòa xác định, bị cáo Đinh La Thăng với chức vụ Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận hợp tác số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Oceanbank – nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn của PVN tại Oceanbank trái quy định; tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
Hậu quả, hành vi mà bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm thực hiện dẫn tới việc toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng.
Các bị cáo bị cáo buộc giữ vai trò đồng phạm giúp sức với ông Thăng trong vụ án này là Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN; Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức – nguyên là các thành viên HĐTV PVN.
Ngoài tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn bị đưa ra xét xử về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại Oceanbank từ Nguyễn Xuân Sơn.
Viện Kiểm sát: Ông Thăng “làm trước, báo cáo sau”
Video đang HOT
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định của pháp luật muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank thì phải xin chủ trương và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước. Bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới có báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm – làm trước, báo cáo sau.
Ông Đinh La Thăng đối diện bản án từ 18-19 năm tù.
“Tại phiên tòa, bị cáo Thăng cho rằng bản thân làm đúng pháp luật và đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Lời khai của bị cáo thể hiện sự bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, né tránh trách nhiệm với hậu thiệt hại của PVN, thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính về các biện pháp bảo đảm cho hiệu quả của các hoạt động đầu tư.” – đại diện VKS nói tại tòa.
Theo đại diện VKS, hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn (800 tỷ đồng) của Nhà nước mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niêm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.
“Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành PVN, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu trong công tác. Tuy nhiên, các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với những quyết định làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, lợi ích chung.” – đại diện VKS nêu quan điểm.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 18-19 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị tuyên phạt 7-8 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”, từ 17-18 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hình phạt buộc bị cáo Quỳnh phải chấp hành hình phạt từ 24-26 năm tù.
Bị cáo Vũ Khánh Trường bị đề nghị từ 7-8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn: 30-36 tháng; Nguyễn Xuân Thắng: 24-30 tháng; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức cùng bị đề nghị tuyên phạt 24-30 tháng cải tạo không giam giữ.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 18-19 năm tù
Đánh giá cựu Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng có vai trò chủ đạo trong việc PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thăng từ 18-19 năm tù.
Phiên tòa xử vụ "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sáng 22/3 kết thúc phần xét hỏi, bước sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đọc bản luận tội.
Viện Kiểm sát: Ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính
Theo đại diện VKS, hậu quả thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN và các cổ đông liên quan là do các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức (thành viên HĐQT/HĐTV), Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, Ninh Văn Quỳnh nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008-2011 đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Bị cáo Đinh La Thăng với chức trách Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận hợp tác số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank, nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xử sáng nay (22/3)
Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực, quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...", với vai trò Chủ tịch HĐTV, bị cáo Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank, trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010.
Việc làm này tạo điều kiện cho các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank.
Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng đã dẫn đến hậu quả PVN mất 800 tỷ đồng. Bị cáo Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank.
Luận vai trò từng bị cáo
Theo đại diện VKS, bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN, trong ba lần HĐQT/HĐTV PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung vốn góp mua cổ phần của Oceanbank giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, Ninh Văn Quỳnh đã trực tiếp chỉ đạo Ban tài chính kế toán, làm các thủ tục, tham mưu, đề xuất trình văn bản liên quan đến 3 lần góp vốn để Ban Tổng giám đốc PVN và HĐQT/HĐTV ký.
Hành vi của bị cáo Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng. Vì vậy, Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN là 800 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2009 đến tháng 12/2013, Ninh Văn Quỳnh với vai trò Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận và chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN tại Oceanbank từ Nguyễn Xuân Sơn.
Đối với bị cáo Vũ Khánh Trường, nguyên HĐQT/HĐTV PVN, trong ba lần PVN góp vốn vào Oceanbank, trên cương vị thành viên HĐQT/HĐTV, Vũ Khánh Trường trực tiếp tham gia biểu quyết 2 lần (đợt 2 năm 2010 và đợt 3 năm 2011), trực tiếp ký Nghị quyết số 4658 góp vốn bổ sung giai đoạn 2 (300 tỷ đồng) và biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành Nghị quyết 4266 góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, nâng tổng số vốn góp thành 800 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Vũ Khánh Trường đã giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phó Tổng giám đốc PVN phụ trách tài chính kế toán, trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Sơn ký các văn bản và Quyết định số 4212 về việc chuyển 100 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank là 800 tỷ đồng. Hành vi làm trái của Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm giúp sức cùng các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 100 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN), trong 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank đã có hành vi biểu quyết đồng ý để Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011, phê duyệt chủ trương PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN là 100 tỷ đồng.
Đại diện VKS khẳng định, hành vi nêu trên của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn có hành vi phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo quy định khoản 4 điều 280 BLHS năm 1999.
Từ những nhận định trên, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 18-19 năm tù.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị tuyên phạt 7-8 năm tù về tội "Cố ý làm trái...", từ 17-18 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; tổng hình phạt buộc bị cáo Quỳnh phải chấp hành hình phạt từ 24-26 năm tù.
Bị cáo Vũ Khánh Trường bị đề nghị từ 7-8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn: 30-36 tháng; Nguyễn Xuân Thắng: 24-30 tháng; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức cùng bị đề nghị tuyên phạt 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm hầu tòa trong vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng Từ sáng nay, 19/3, TAND TP Hà Nội đưa ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm ra xét xử trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)....