Viện hàn lâm VN: Sao không có viện sỹ?
Viện sỹ của viện hàn lâm khoa học được xem là một danh hiệu rất cao quý. Tuy nhiên, cả hai viện hàn lâm của Việt Nam sẽ không có chức danh này.
Không có viện sỹ
Trao đổi với PV, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đều cho biết, các viện này sẽ không thực hiện chế độ viện sỹ.
GS Châu Văn Minh nói: “Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng mang những đặc điểm chung như các viện trên thế giới. Tuy nhiên Viện có những đặc thù riêng do điều kiện lịch sử của đất nước và của chính Viện KH&CN Việt Nam. Chẳng hạn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam không thực hiện chế độ viện sỹ…
Viện hàn lâm khoa học của các nước trên thế giới đều có viện sỹ (Ảnh minh họa)
Thông tin này làm giới khoa học Việt Nam tỏ ra khá bất ngờ. Ông Đặng Ngọc Dinh ngạc nhiên: “Tôi chưa thấy viện hàn lâm khoa học nào trên thế giới mà không có viện sỹ. Nếu vậy, dễ nhầm với trung tâm sắc đẹp nào đó”. (academy – viện hàn lâm với nghĩa là tên gọi cho các mỹ viện).
GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa Giáo Trung ương cũng thấy lạ khi viện hàn lâm của Việt Nam không có chức danh viện sỹ. GS đặt câu hỏi: “Nếu không có viện sỹ, vậy những người làm trong viện hàn lâm khoa học của nước ta được gọi là gì? Hay vẫn giữ nguyên là GS, PGS… như tất các các viện khác?”.
“Nếu đã làm viện hàn lâm thì sao phải ngại ngần nói đến chức danh viện sỹ? Có thế trước mắt chưa có nhiều, nhưng qua quá trình phát triển sẽ tăng dần lên. Một số người được các viện trên thế giới phong viện sỹ, trong số họ cũng có người xứng đáng làm viện sỹ ở nước ta”, ông Phạm Tất Dong nói.
PGS.TS Vũ Cao Đàm nguyên Viện trưởng Viện Chính sách khoa học tỏ ra nghi ngờ: “Có thể ban đầu chưa có viện sỹ, nhưng tôi tin rằng chỉ một vài năm nữa tên gọi này sẽ được bổ sung. Đã là viện hàn lâm khoa học thì không thể không có viện sỹ”.
Viện sỹ là ai?
Ông Đặng Ngọc Dinh cho rằng, viện Hàn lâm khoa học trước đây tồn tại ở nhiều nước trong hệ thống XHCN. Mỗi Viện Hàn lâm có một số lượng viện sĩ nhất định, đây là danh hiệu vô cùng cao quý, được bầu chọn trong số các nhà khoa học xuất sắc, các giáo sư đầu ngành. Viện sĩ chính thức là chức danh khoa học cao nhất. Người được bầu viện sĩ thì được mang hàm ấy suốt đời.
GS Phạm Tất Dong
Video đang HOT
PGS.TS Vũ Cao Đàm cho rằng, trong một số loại viện hàn lâm (chứ không phải tất cả) của nước ngoài, các “academic” hoặc “member of academy”, tiếng Việt gọi là “viện sỹ”, được chia thành nhiều loại. Ví dụ, có viện hàn lâm phân chia thành 3 loại: Viện sỹ chính thức, dành phong cho những người có cống hiến lớn cho khoa học, được xem là tước vị khoa học cao nhất của quốc gia. Viện sỹ thông tấn, dành phong cho những người có cống hiến, được trao đổi thông tin nhưng không được tham gia biểu quyết. Viện sỹ nước ngoài, dành phong cho người nước ngoài với nhiều ý nghĩa kể cả ý nghĩa khoa học, ý nghĩa chính trị.
Ông Đàm ví dụ: “Viện hàn lâm khoa học Nga có 440 viện sỹ chính thức, 600 viện sỹ thông tấn và 120 viện sỹ nước ngoài. Tất cả người Việt Nam được Liên Xô trước đây phong viện sỹ đều thuộc loại viện sỹ nước ngoài. Chính vì mang nhiều ý nghĩa, không chỉ ý nghĩa khoa học, mà còn cả ý nghĩa chính trị và các ý nghĩa khác, mà loại “viện sỹ nước ngoài” được một số nước phong trước đây đã dẫn đến nhiều ngộ nhận và rắm rối trong các nước lạc hậu”.
GS Phạm Tất Dong: Trước đây, Trung ương Đảng cũng đã có lần nhắc việc thành lập Viện hàn lâm, nhưng đi vào cụ thể thì thấy rằng chưa thể thành lập viện hàn lâm vì lúc đó chưa đủ một số điều kiện cần thiết. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhận định, hai viện KHXH Việt Nam và Viện KH&CN Việt Nam là hai viện nghiên cứu khoa học lớn nhất của chúng ta, cần đầu tư vào đây để đến một lúc nào đó, hai viện ấy trở thành viện hàn lâm.
Tuy nhiên, có viện hàn lâm nhưng vẫn trên cơ sở các viện cũ, nhà khoa học đã có, tôi e rằng chưa đủ. Viện hàn lâm của nước ta nên mời các nhà khoa học có uy tín của đất nước nhất về làm việc. Từ đó bầu ra những người có đủ điều kiện chức danh viện sỹ. Một điều cần lưu ý rằng, đã là nhà khoa học thì không cần để ý đến tuổi tác, miễn là còn sức khỏe và đầy đủ tài năng nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu khoa học.
Theo 24h
Viện hàn lâm VN: Thay tên có đổi chất?
Người Việt thường coi viện hàn lâm là cơ quan học thuật cao cấp, uyên bác, siêu việt, dẫn đầu..., nhưng thực ra không hẳn như vậy.
Việt Nam vừa chính thức có hai viện hàn lâm khoa học: Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội (KH&XH) Việt Nam.
Cái tên "hàn lâm", và chức danh cao quý "viện sỹ viện hàn lâm" khiến nhiều người quan tâm. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, giáo sư, viện sỹ... đã đưa ra những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Khampha.vn xin chuyển đến độc giả một số ý kiến trong loạt bài về "Viện hàn lâm Việt Nam".
Viện hàn lâm có thể là... nơi sửa sắc đẹp
Ông Vũ Cao Đàm nguyên Viện trưởng Viện Chính sách khoa học cho rằng, lâu nay, nhắc đến viện hàn lâm, người ta thường hiểu đó là một thứ đẳng cấp, tháp ngà, cao sang trong khoa học, một loại cơ quan khoa học cao nhất, dẫn đầu nghiên cứu cơ bản.
Đẳng cấp không chỉ ở cái tên (Ảnh minh họa)
"Đây là quan niệm do ảnh hưởng của Liên Xô cũ và các nước XHCN trước đây. Hai viện hàn lâm của nước ta vừa thành lập cũng có thể thấy là mô hình tương tự như Liên Xô cũ", ông Vũ Cao Đàm nhận định.
PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) cũng có quan điểm tương đồng như ông Vũ Cao Đàm. Theo ông Dinh, chữ "hàn lâm" mang tính chất học thuật cao, uyên bác, siêu việt. Chữ "viện" trong chữ kinh viện, chỉ nơi tôn nghiêm.
Trước đây, viện hàn lâm đa số được thành lập ở các nước châu Âu, gắn với hoàng gia, nhà vua. Ví dụ Viện Hàn lâm khoa học Pháp do vua Louis XIV thành lập hoặc có các Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh, Tây Ban Nha... tập hợp các nhà siêu việt về các vấn đề khoa học, nghệ thuật, họa sỹ trứ danh... Viện hàn lâm của các nước XHCN trước đây cũng theo mô hình danh giá như vậy.
Việc trở thành Viện Hàn lâm KH&CN cùng với các nội dung quy định trong Nghị định đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược, đúng với vị thế, chức năng, nhiệm vụ của một viện nghiên cứu KH&CN quốc gia hàng đầu đất nước. (Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, GS Châu Văn Minh)
Tuy nhiên, sau này, xã hội phát triển, trong nền kinh tế thị trường, chữ "hàn lâm" được bình thường hóa. Viện hàn lâm cũng có thể là nơi như hội, trung tâm sắc đẹp... Ví dụ ở Mỹ, "viện hàn lâm" (academy) có thể là từ chỉ nơi tu sửa sắc đẹp. Muốn là thành viên của viện hàn lâm cũng rất dễ, chỉ cần vài chục đô la. Ở Mỹ, chữ "hàn lâm" không có nhiều giá trị, không được tôn sùng như ở các nước châu Âu trước đây.
"Xu thế các nước công nghiệp, viện hàn lâm không "ghê gớm", phân cấp mà độc lập, ngang nhau. Viện hàn lâm mạnh mẽ hay không là do nơi đó làm ra nhiều công trình khoa học, nhiều phát minh... chứ không theo trật tự là viện hàn lâm của quốc gia hay viện nghiên cứu của một trường đại học", ông Dinh cho hay.
Quan trọng ở công trình khoa học
Theo ông Đặng Ngọc Dinh, đổi tên thành viện hàn lâm, có ý tốt là mong muốn nền khoa học nước nhà phát triển, hướng tới chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng không nằm ở cái tên, cho dù có đổi tên thì chất lượng không vì thế mà thay đổi, nếu như không có bước đột phá.
Trong khoa học, những vấn đề như tên gọi không phải là quan trọng, vấn đề là công trình nghiên cứu khoa học. Việt Nam hiện nay đang rất ít công trình khoa học. So sánh với các nước trong khu vực, như ở Malaysia, Thái Lan... một trường đại học có hàng nghìn công trình khoa học quốc tế, nhưng ở nước ta chỉ có vài công trình. Sức hút của các viện cũng không cao, nhà khoa học muốn đi lên bằng "chức tước", sinh viên du học xong ở lại nước ngoài...
PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh
Ông Dinh ví chữ "hàn lâm" vừa được thêm vào hai viện khoa học nước ta như một chiếc "áo gấm" khoác thêm lên "cơ thể" cũ đang được chẩn đoán là một số căn bệnh.
"Chúng tôi có cảm giác nền khoa học chưa vươn mình lên, hay nói cách khác "cơ thể" chưa được bồi bổ mạnh lên. Cần thay đổi cơ chế tài chính, cách thức tuyển chọn công trình khoa học cho phù hợp với chiếc áo mới", ông Dinh nói.
GS Phạm Tất Dong, nguyên trưởng Ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, việc thành lập viện lúc này cần đặt ra. Tuy nhiên, phải tính toán nhân lực cho đúng, đầu tư mạnh hơn nhiều nữa cho khoa học.
"Khó khăn nhất của khoa học Việt Nam là cho đến nay, phát triển khoa học và công nghệ chỉ được tuyên bố là quốc sách hàng đầu, nhưng đấy mới là tư tưởng, chưa thể hiện ở chế tài. Mình định phát triển mạnh lĩnh vực nào thì phải đầu tư mạnh vào lĩnh vực đó. Viện hàn lâm phải thể hiện mình ở chỗ này.
Ông Vũ Cao Đàm nhận định, hai viện khoa học của Việt Nam là Viện KH&CN và Viện KH&XH đang theo mô hình gần giống với Liên Xô cũ. Đó là mô hình "viện trong viện". Ví dụ "viện to" KH&CN có các "viện con" như viện Vật Lý, Viện Vũ trụ... Do vậy, nếu thêm hai chữ "hàn lâm" vào "viện to" để phân biệt với các viện bên dưới hoàn toàn chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng nên đề phòng khả năng viện hàn lâm nước ta rập khuôn mô hình hàn lâm kiểu Liên Xô cũ. Đó là coi viện hàn lâm là thứ đẳng cấp khoa học, cao siêu, dẫn đầu... Theo ông Đàm, làm khoa học nên tách rời "quyền lực hành chính".
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam: Viện KH&CN Việt Nam đã lớn mạnh về mọi mặt và thực sự đã trở thành trụ cột nền khoa học tự nhiên và công nghệ cao của nước nhà, tên gọi của Viện vừa được bổ sung thêm hai chữ "hàn lâm", như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự kiến từ năm 1975.
Theo PGS TS Vũ Cao Đàm, từ lâu ở nước ta, giới khoa học hầu như đã rất quen thuộc với việc chuyển ngữ sang tiếng Việt các khái niệm "academy" là "viện hàn lâm".
Có thể phân ra được 9 loại "academy" có chức năng rất khác nhau, gồm:
1. Hiệp hội hoặc câu lạc bộ.
2. Học viện.
3. Viện khoa học, trong đó gồm một số các "viện con".
4. Trường dạy nghề.
5. Hội đồng khoa học.
6. Quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
7. Tên gọi cho các mỹ viện.
8. Một loại nhà nghỉ cao cấp.
9. "Cơ quan khoa học cao nhất" của một quốc gia.
Theo 24h
Những hàng hóa có tốc độ sinh lời...nhanh hơn vàng! Với xu hướng tăng giá khá bền vững, vàng được chọn là nơi "trú ẩn an toàn" trong khủng hoảng. Nhưng sự thật, trong 2 thập kỷ qua, quặng sắt mới là hàng hóa sinh lợi nhất, gấp 3 lần vàng, tiếp đến là bạc, dầu thô, xăng, chì. Trong khi giá vàng đang có xu hướng thoái trào thì giá sắt, dầu...