Viên chức ngành nào chẳng chia hạng, sao mỗi giáo viên “kêu”
Nhiều giáo viên cho rằng, thật vô lý khi cùng làm một công việc như nhau, hiệu quả như nhau lại có người xếp hạng 1, có người xếp hạng 2, 3, 4.
Trong thời gian gần đây, câu chuyện về xếp hạng giáo viên nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, có một số ý kiến cho rằng “Chia hạng giáo viên để trả lương vừa bất cập, rắc rối lại dễ nảy sinh bất công”.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay, vấn đề chia hạng giáo viên cần phải nhìn nhận một các tổng thể trên 3 góc độ:
“Thứ nhất, góc nhìn của những nhà hoạch định chính sách:
Để quản lý đội ngũ nguồn nhân lực thì thường có 2 mô hình là: Mô hình chức nghiệp và mô hình vị trí việc làm.
Mô hình chức nghiệp nghĩa là khi tuyển người lao động vào ngành, người lao động được bổ nhiệm vào các ngạch, các hạng để quản lý.
Đối với từng ngạch, từng hạng sẽ có các tiêu chuẩn về bằng cấp, thâm niên, trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, ý thức tổ chức đạo đức nghề nghiệp.
Mô hình theo vị trí việc làm nghĩa là trong một hệ thống sẽ có các vị trí việc làm khác nhau, người được tuyển dụng sẽ thi hoặc được xem xét xếp vào các vị trí việc làm tương ứng.
Để được trả thù lao công việc theo vị trí việc làm, người được tuyển dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của vị trí việc làm đó.
Ở các nước phương Tây theo mô hình vị trí việc làm là chủ yếu. Nhiều nước thì kết hợp cả 2 mô hình chức nghiệp và vị trí việc làm.
Ở Việt Nam, chúng ta đang theo mô hình chức nghiệp và hiện nay đang chuyển dần theo hướng vị trí việc làm và kết hợp 2 mô hình chức nghiệp và vị trí việc làm.
Trước đây, chúng ta đã có các nghị định của Chính phủ hướng dẫn về việc này, mới đây nhất là những văn bản như: Luật Cán bộ, Công chức 22/2008/QH12; Luật Viên chức 58/2010/QH12; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức 52/2019/QH14. Trong đó nói rõ về các ngạch bậc và các hạng. Người lao động phải đáp ứng tiêu chuẩn của các ngạch, các hạng đó.
Ví dụ, sau khi tốt nghiệp đại học, giáo viên đi dạy được một số năm nhất định theo quy định, được xem xét đánh giá về sự đóng góp, đáp ứng về quyết định hoàn thành nhiệm vụ, đạt đủ các bằng cấp, chứng chỉ trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, có nguyện vọng đề nghị thì giáo viên đó mới đủ điều kiện để xét thi hoặc được thẩm định xem xét lên hạng.
Thứ hai, đối với đơn vị sử dụng giáo viên:
Giáo viên sau khi được tuyển dụng phải được xếp vào các hạng tương ứng, với các tiêu chí cụ thể của từng hạng theo quy định đầu vào.
Sau đó họ sẽ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và về tiêu chuẩn của hạng viên chức giáo viên, và khi đủ các tiêu chí để thăng hạng thì giáo viên mới đủ điều kiện để xét tham gia thăng hạng, các tiêu chí như: trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hạng mình muốn lên; ý thức tổ chức kỷ luật; thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật; thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp; mối quan hệ với đồng nghiệp, kết quả làm việc và những đóng góp cần thiết theo yêu cầu,… thì cấp trên mới có căn cứ để xem xét, đánh giá được.
Có nhiều tiêu chí để xem xét và trình độ chuyên môn, năng lực làm việc là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá thăng hạng.
Ví dụ như một giáo viên được đánh giá theo quy định là giỏi chuyên môn, nhưng có thể vi phạm vào các quy định về ý thức tổ chức kỷ luật: đi muộn về sớm; nói năng chưa chuẩn mực; có những hành vi không chuẩn mực với học sinh như bắt học sinh quỳ, bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, bắt các bạn trong lớp tát vào mặt học sinh,… thì những giáo viên đó cần phải được xem xét về ý thức tổ chức kỷ luật, về đạo đức nghề nghiệp, ở mức độ nào đó có thể giáo viên này chưa đủ phẩm chất làm nghề.
Trong công tác cán bộ, công chức, viên chức, chúng ta hay nói là phải vừa có đức, vừa có tài. Người có tài mà thiếu đức thì sẽ dễ gây ra những điều không hay.
Trong khu vực tư nhân (các trường dân lập, quốc tế) người ta cũng đánh giá giáo viên theo 2 khía cạnh như vậy, nếu như giáo viên đó không nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực làm việc, không thực thi kỷ luật thì có thể “giỏi chuyên môn” cũng không được trọng dụng như mong muốn.
Thứ ba, ở khía cạnh người lao động:
Video đang HOT
Bản thân giáo viên nghĩ rằng đã được đào tạo trong ngành sư phạm ra rồi thì tại sao còn phải học, phải thi những chứng chỉ này.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, để đánh giá một giáo viên thì không phải chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà còn phải dựa vào rất nhiều những tiêu chí khác nữa.
Bao nhiêu năm anh nằm trong hạng này, anh đạt ở trình độ này, anh có những đóng góp này, sáng kiến này, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực phấn đấu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc và có nguyện vọng mong muốn đề nghị thì anh mới được, chứ không có nghĩa là anh có thể được đánh giá là “giỏi chuyên môn” mà anh nghĩ được ở hạng nọ hạng kia.
Đây chính là sự cụ thể hóa của Luật Viên chức. Nếu anh cảm thấy anh giỏi mà vẫn đứng dưới hạng viên chức của người khác thì có nghĩa là anh vẫn chưa đạt đủ các yêu cầu cần thiết, còn thiếu các tiêu chí nào đó hoặc anh không có nhu cầu thăng hạng.
Trừ trường hợp đặc biệt, ví dụ anh được giải quốc tế, anh đang được xếp ở hạng này nhưng với chính sách khuyến khích nhân tài của Nhà nước thì anh vẫn được ưu tiên thăng hạng”.
Phó Giáo sư Ngô Thành Can (giữa), giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc tuyển dụng viên chức vào các ngành, chia viên chức thành các hạng là quy định chung của các ngành thuộc khối các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành giáo dục cũng không nằm ngoài quy định đó.
Viên chức sau khi được tuyển dụng vào ngành thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, sau một thời gian cống hiến nhất định và đạt đủ các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, hoàn thành nhiệm vụ, đạo đức nghề nghiệp thì sẽ được xem xét cho thi hoặc xem xét thăng hạng.
Việc học chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện cần trong quy trình đó.
Trong ngành giáo dục, ở bậc đại học, hoặc trong hệ thống các trường chính trị, hàng năm quy trình này đều được thực hiện bình thường.
Ví dụ ở bậc đại học, hàng năm vẫn tổ chức cho những giảng viên đã đủ điều kiện thi, xem xét từ giảng viên ở hạng thấp lên giảng viên hạng cao hơn, thi từ giảng viên hạng 3, hạng 2 lên giảng viên hạng 2 hạng 1.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình này đối với các cấp phổ thông thì lại gặp phải “làn sóng” phản ứng gay gắt.
Không chỉ yêu cầu đòi bỏ chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên còn đòi bỏ việc xếp hạng giáo viên theo các hạng 1, 2, 3, 4.
Nguyên nhân của “làn sóng” này nằm ở chỗ trước đây, Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ đã có các quy định nhưng chậm triển khai rộng rãi trong ngành, không thực hiện một cách đồng bộ, khiến cho 1 lượng lớn giáo viên các cấp phổ thông chưa được xem xét thăng hạng thường xuyên, nên không ít giáo viên chưa quan tâm đến việc phải hoàn thành các điều kiện cần thiết để giữ hạng hoặc thăng hạng.
Lượng lớn giáo viên này bị tồn đọng qua nhiều năm, đến khi có các thông tư hướng dẫn cụ thể thì họ mới lo lắng đổ xô đi học, tạo ra một hiệu ứng dồn dập:
“Thời gian vừa qua, trong ngành giáo dục, ở bậc đại học thì vẫn làm thường xuyên rồi còn giáo viên phổ thông thì chưa làm nhiều, chưa làm hết hoặc chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể như những thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021.
Khi có thông tư thì người ta mới giật mình và người ta nghĩ là mình cũng phải làm các thủ tục để chuyển hạng đi, thế là tạo ra 1 “làn sóng” ồ ạt đi thi, đi học các loại chứng chỉ.
Và rất nhiều người tồn đọng của hàng năm rồi người ta mới chú ý, như vậy gây tình trạng rất bức xúc trong đội ngũ giáo viên.
Nếu làm thường xuyên thì tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì lớn xảy ra”, Phó Giáo sư Ngô Thành Can nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Ngô Thành Can cũng cho rằng, việc vận dụng các quy định trong thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 vẫn còn máy móc, cần xem xét lại một cách thận trọng hơn, xem xét có chọn lọc các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng.
Ví dụ như đối với những giáo viên lớn tuổi, chuẩn bị nghỉ hưu thì cần có sự linh động trong các điều kiện về hạng nhưng việc này cần hết sức thận trọng vì hệ thống chính sách của nước ta là một hệ thống đồng bộ:
“Nếu khi anh nghỉ chế độ, nơi cơ quan làm chế độ cho anh yêu cầu anh ở hạng này thì anh phải cung cấp những văn bằng chứng chỉ, giấy tờ hồ sơ để chứng minh có đúng anh ở hạng đó không thì sẽ rất bất cập”, Phó Giáo sư Ngô Thành Can nhấn mạnh.
Viên chức ngành nào chả phải có chứng chỉ chức danh, sao mỗi giáo viên kêu?
Mọi viên chức đều phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phù hợp với hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp mà mình đang làm, chứ không riêng giáo viên.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã được quy định trong Luật Viên chức 2010, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, mọi viên chức của nước ta đều phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phù hợp với hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp mà mình đang làm, chứ không riêng giáo viên.
Thế nhưng, trên dư luận hiện nay, chỉ có mỗi giáo viên lên tiếng đề nghị bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp!
Ảnh chụp màn hình, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Giáo viên học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp còn biết hệ thống quản lý nhà nước!
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho hay "Nếu nói là biết rồi không cần phải qua những lớp bồi dưỡng chứng chỉ nghề nghiệp nữa là chủ quan. Anh là giáo viên dạy giỏi, dạy tốt nhưng vẫn phải yêu cầu chuẩn các điều kiện về vị trí việc làm.
Giáo viên nghĩ rằng hàng ngày lên lớp dạy Văn-Toán-Lý-Hóa... đảm bảo đủ kiến thức và dạy giỏi là được rồi.
Nhưng ở vị trí của người giáo viên, họ phải biết được hệ thống quản lý nhà nước là gì? Hệ thống mà anh đang làm việc tại nhà trường "dọc ngang" thế nào?
Khi cần thiết thì phải biết những cơ quan nào liên quan đến cơ quan nào? Cái này không thể nói là không cần thiết. Không thể nói làm một giảng viên, một giáo viên của hệ thống ấy lại không biết và nếu không được đào tạo thì không thể biết được". [1]
Có phải học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không được gì, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục?
Lấy ví dụ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng Tiểu học hạng II có 10 chuyên đề phải học, đó là:
Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;
Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường;
Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh;
Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên;
Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Nội dung của 10 chuyên đề trên nếu được đào tạo bài bản, học hành nghiêm túc, không thể nói không có tác dụng nâng cao chất lượng công tác cho mỗi giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại sao giáo viên lại muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Thứ nhất, ngành giáo dục còn thiếu, còn yếu trong công tác truyền thông nội bộ, chưa tuyên truyền thấu đáo nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật khác nói chung.
Thứ hai, đại đa số giáo viên muốn bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không biết Luật quy định giáo viên nói riêng, viên chức nói chung phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, cứ nghĩ chỉ có ngành mình mới có quy định này.
Thứ ba, giáo viên phải tự bỏ tiền túi để học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, trong khi đó thu nhập còn eo hẹp, cuộc sống còn khó khăn.
Thứ tư, công tác đào tạo Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thiếu nghiêm túc, người dạy muốn dạy ít, rút ngắn thời gian để có thu nhập cao; kiểm tra đánh giá không trung thực, cứ có tiền đóng đủ là có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp học online chỉ có "Thời gian học khoảng 8 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng rưỡi. Giảng viên mỗi lần giảng cho khoảng 3 lớp, mỗi lớp 100 học viên. Tuy nhiên, một số thầy cô giáo nói rằng chỉ đăng nhập vào lớp học và để cho máy tự nói, còn mình đi làm việc khác, hết giờ sẽ điểm danh xem như đã học đầy đủ.
Cuối khóa học, giáo viên làm một bài thu hoạch nộp về nơi tuyển sinh. Ai không muốn làm sẽ có dịch vụ làm hộ, giá cho một bài làm là 100 ngàn đồng.
Khóa học kết thúc, ai cũng nhận được tấm giấy chứng chỉ có dấu đỏ dù vẫn thấy xót vì tiếc số tiền bằng hơn nửa tháng lương giáo viên mới ra trường" lời tự sự của một học viên. [2]
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ có thể mua bán dễ giàng, nên các loại chứng chỉ trên phản tác dụng, không như mong muốn ban đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Chính việc tiêu cực trong dạy và thi Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã vô hình trung làm giáo viên có tâm lý Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là vô ích, mua cho xong, bỏ đi là tốt nhất.
Thứ năm, thời điểm học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phù hợp, hành nghề hàng chục năm, sắp về hưu mới học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, đã gây tâm lý ức chế cho người học.
Thứ sáu, nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được cho là trùng lặp với 1 số nội dung Bồi dưỡng thường xuyên, đặc biệt là học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, gây tâm lý chán học, ngại học cho giáo viên.
Không muốn học, không hứng thú, học sinh sẽ phá phách trong giờ học, còn giáo viên đề nghị bỏ học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là điều dễ hiểu.
Đôi điều kiến nghị
Thứ nhất, giáo viên đã công tác trong ngành được miễn lệ phí học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.
Thứ hai, lược bỏ kiến thức trùng lặp Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và Bồi dưỡng thường xuyên. Nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III ngắn gọn, thiết thực.
Thứ ba, đưa nội dung học Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III vào trường Sư phạm coi như một tín chỉ, với giáo sinh chưa học chứng chỉ này sẽ được đào tạo trước khi dạy học, tránh gây tâm lý ức chế đã hành nghề rồi mới bắt học chứng chỉ hành nghề.
Thứ tư, ngành giáo dục phải có bộ phận truyền thông, kịp thời giải đáp, tuyên truyền pháp luật đến nhà giáo, đưa pháp luật vào cuộc sống cho mỗi giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://toquoc.vn/giao-vien-hoc-chung-chi-nghe-nghiep-de-con-biet-he-thong-quan-ly-nha-nuoc-20210310101740564.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-vai-trieu-dong-hoc-chung-chi-phong-than-con-hon-bi-tut-hang-giam-luong-post216099.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thủ tướng: Bộ Nội vụ chủ trì báo cáo về các loại chứng chỉ đối với viên chức Ngày 19/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1797/VPCP-TCCV gửi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu báo cáo nội dung về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức. Ảnh minh họa/internet Văn bản này ghi rõ: về đề nghị của Bộ Nội vụ tại Công văn số 931/BNV-ĐT ngày 9/3/2021 và Công văn...