Viên cảnh sát chuyên đoạt lại mạng người từ miệng hà bá
Mỗi lần cứu người thoát khỏi “tử thần” là những kỷ niệm đáng nhớ đối với người cảnh sát giao thông ưu tú của thủ đô.
Sát những ngày kỷ niệm 68 năm thành lập công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2013), vị Thượng tá bận hơn khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ, vừa tham gia những cuộc giao lưu, tuyên dương của ngành. Trong phòng khách nhỏ, ông có phút trải lòng với phóng viên về những câu chuyện nghề nghiệp của mình.
Thượng tá Lê Đức Đoàn sinh năm 1959 trong một gia đình cán bộ kháng chiến, ông nói thời ông sinh ra và lớn lên là thời điểm chiến tranh ác liệt nên sớm hun đúc mơ ước trở thành người lính để chiến đấu, phục vụ nhân dân nên quyết tâm tham gia vào lực lượng công an.
Gần 40 năm làm cảnh sát giao thông, quá nửa thời gian trong đó ông công tác tại Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67, công an TP Hà Nội) và “hơn 10 năm làm việc trên cầu có lẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời bởi không có điểm giao thông nào ở Hà Nội lại đặc biệt như ở đây vì liên tục có người tìm đến với ý định quyên sinh xuống dòng sông Hồng để giải quyết những u uất cuộc đời”.
Thượng tá Lê Đức Đoàn làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương.
Kỉ niệm cứu người đầu tiên là một buổi chiều mùa hè năm 1994, lúc đấy ông mới nhận nhiệm vụ tại cầu Chương Dương.
“Tôi nhớ như in buổi chiều hôm đó, đúng vào giờ tan tầm, trời Hà Nội nổi cơn mưa lớn, ai ai cũng muốn đi qua cầu thật nhanh để về nhà khiến dòng phương tiện vốn đông đúc lại càng hỗn loạn.
Lúc này, một cô gái (sau này được biết tên là Đinh Thị Kim Oanh, SN 1975 quê ở Hưng Yên) đi xe buýt xuống đầu cầu rồi lững thững đi bộ ra giữa cầu ngồi thả chân xuống dòng nước.
Ông nói ngày đó, mực nước sông Hồng cao hơn bây giờ do chưa nhiều công trình thủy điện điều tiết nước như ngày nay, nên nước chảy rất xiết, có khi chỉ cách gầm cầu chưa tới 1 mét.
Trời mưa nhưng giao thông hỗn loạn nên tôi vẫn đứng phía đầu cầu và nhận được tin báo của người dân về việc có một cô gái ngồi trên cầu với dáng vẻ bất thường.
Thượng tá Đoàn động viên một cố gái sau khi cứu được từ cầu Chương Dương. Ảnh tư liệu.
“Linh tính biết có chuyện chẳng lành, tôi đi bộ tới nhịp cầu số 7 (đoạn giữa sông) thấy một cô gái tóc dài với gương mặt hốt hoảng. Lúc đi tới cũng là lúc cô gái đang rướn người trèo lên lan can cầu để chuẩn bị nhảy, tội vội lao tới túm thật chặt lấy tay cô gái kéo lại và ôm ghì vào người” – Thượng tá Đoàn nhớ lại.
Video đang HOT
Ông kể tiếp, lúc đó cô gái hốt hoảng nên vùng vẫy quyết liệt, ông vẫn ôm chặt, một lúc sau cô ta òa khóc và bằng lòng để cảnh sát đưa về chốt để trấn tĩnh.
10 năm chuyên cứu người, Thượng tá Đoàn cũng trải qua những giây phút cay đắng và cảm thấy có lỗi vì có những lần ông chạy đến thì người đã nhảy xuống sông, mất tích giữa dòng nước chảy xiết.
“Sau khi nín khóc, cháu gái kể lại với tôi rằng do bị người yêu bỏ khi vẫn còn yêu sâu nặng nên chán nản chẳng thiết sống nữa. Tôi hỏi thăm được biết cháu quê ở Hưng Yên và đang theo học một trường cao đẳng tại đây. Phân tích để cháu gái hiểu ra điều đúng đắn xong, tôi nhờ xe ôm chở cháu về nhà” – Ông Đoàn kể.
Kỷ niệm lần đầu tiên cứu người của ông còn gắn với nụ cười của cô gái này khi 3 ngày sau, cô quay trở lại và nói lời cảm ơn khi ông đang làm nhiệm vụ trên đường.
“Khác với vẻ ủ dột hôm trước giờ đây là nụ cười rạng rỡ của một tâm hồn vừa được tái sinh” – vị Thượng tá vui mừng.
Sau lần đó, ông thường xuyên cứu những người có ý định tự tử trên cầu, giành giật mạng sống từ miệng hà bá trên cầu. Mỗi lần cứu người là những cảm xúc khác nhau trong tâm trí người cảnh sát.
Ông kể, trong những lần cứu người, lần ông cảm thấy day dứt nhất là cứu một cô gái tên Nga vào khoảng tháng 8/2012. Vào một buổi chiều, ông nhận được tin báo về một cô gái đi xe máy tới giữa cầu rồi bỏ lại xe treo lên lan can cầu để ngồi nên vội vã chạy đến.
Thượng tá Lê Đức Đoàn tại hiện trường một vụ tự tử. Ảnh Internet.
Đúng lúc chạy đến nơi, cô gái đã trèo qua thành cầu và bắt đầu nhảy xuống dòng nước chảy xiết. Nhận thấy vậy, ông dốc sức chạy thật nhanh rồi nắm lấy cánh tay cô gái khi cô ta đã buông xuôi.
“Tôi còn nhớ như in ánh mắt trừng trừng, đờ dại của cô gái nhìn tôi khi kéo được lên thành cầu, bàn tay cô gái bấu chặt bàn tay tôi đến chảy máu. Tôi phải ôm cô gái khoảng 10 phút tại chỗ để trấn an, sau đó cô gái gục đầu khóc đến ướt đẫm cả vai áo tôi” – Thượng tá Đoàn kể.
Cho đến khi được đưa về chốt giao thông, cô gái vẫn rúm ró, sợ hãi ôm chặt lấy ông. Nghe câu chuyện kể của cô, Thượng tá Đoàn không khỏi thương cảm vì cô gái quê Nam Định, bố mất sớm, nhà nghèo nên phải lên Hà Nội kiếm việc làm thêm.
Sau một thời gian, Nga lập gia đình với một người ở Hà Nội, gia đình không có vấn đề gì nhưng chồng Nga lại hay nổi cơn cuồng ghen chỉ vì xinh xắn nên nhiều người hay để ý và buông lời tán tỉnh.
Mệt mỏi vì những áp lực, cô gái đã yếu lòng nghĩ đến chuyện tự tử. Nghe chuyện xong, Thượng tá Đoàn đã gọi điện cho chồng cô gái tới và đứng ra nói chuyện, giảng giải cho anh chồng phải biết tin và yêu thương nhiều hơn.
“Lúc đó, tôi cảm giác như mình và cô gái có tình cảm như cha – con nên rất thương cảm, dốc lòng an ủi để hàn gắn vết thương của hai vợ chồng, mong sao cô gái hạnh phúc” – ông nói.
10 năm chuyên cứu người, Thượng tá Đoàn cũng trải qua những giây phút cay đắng và cảm thấy có lỗi vì có những lần ông chạy đến thì người đã nhảy xuống sông, mất tích giữa dòng nước chảy xiết.
“Như lần có tin báo về một nam thanh niên đứng giữa cầu có ý định nhảy xuống sông, tôi chạy tới chỉ còn thấy chiếc xe máy và đôi dép, nhìn xuống dòng nước mênh mông không hề thấy dấu vết gì, tôi nhìn trong vô vọng.
Giả dụ nếu còn thấy người đang chới với, bản thân những người lính sẽ kiên quyết nhảy xuống cứu nhưng hầu hết những người ra tự tử trên cầu Chương Dương đều ra khu vực giữa cầu cũng là đoạn nước sông chảy dữ dội nhất nên cơ hội sống hầu như không có”, ông chia sẻ.
Không chỉ thường xuyên cứu người, vị Thượng tá cũng thường xuyên dũng cảm bắt cướp trên cầu, có lần bắt cướp trong đêm, Thượng tá Đoàn đã bị hàng chục tên cướp có hung khí hành hung phải nằm viện 3 tháng và chịu di chứng nặng nề.
Thượng tá Lê Đức Đoàn (mặc cảnh phục) trong một lần bắt cướp. Ảnh: ANTĐ
Gần 40 năm làm cảnh sát giao thông, ông trở thành hình tượng người cảnh sát đẹp đẽ, thân thiện trong mắt người dân. Chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi về những tiêu cực của CSGT thời gian qua, ông lặng đi trong giây lát và nói rằng “đó chỉ là số ít, là con sâu làm rầu nồi canh và khiến tôi luôn phải suy nghĩ, trăn trở”.
Hỏi ông đã bao giờ nhận tiền bồi dưỡng từ người vi phạm để “cho qua”, không xử phạt hay chưa? Ông quả quyết mình chưa một lần nào mình làm điều đó.
Thực tế công tác, có những lúc gặp người vi phạm mình phải thông cảm, nhắc nhở vì họ chưa biết hoặc không để ý. Tuy nhiên phải kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình và chống đối.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tham vọng trong nghề nghiệp khi đã trở thành người có bề dày thành tích và kinh nghiệm, ông cười khà, nói rằng cuộc sống hiện tại của mình đang quá hạnh phúc, ông có hai con ngoan, học giỏi; có vợ hiền luôn hiểu và chăm lo cho công việc.
“Lương tôi cũng hơn 10 triệu, cộng với lương giáo viên của vợ, tôi cảm thấy đủ sống, không ham muốn gì hơn ngoài việc tiếp tục gắn bó với công việc mà tôi đã từng làm mấy chục năm qua” – vị Thượng tá chia sẻ.
54 tuổi, 36 năm làm CSGT, Thượng tá Lê Đức Đoàn với những gì cống hiến ông xứng đáng với danh hiệu quần chúng phong tặng “Chiến sĩ CSGT được nhân dân yêu mến nhất” và được vinh danh là “Công dân ưu tú của Thủ đô 2012″ và giản dị hơn, ông xứng đáng được đám thanh niên luôn cười và “Chào Bố Đoàn!” mỗi khi qua cầu.
Theo VTC
Tuyên dương "Hiệp sĩ giao thông"
Thượng tá Lê Đức Đoàn là một trong 52 gương Hiệp sĩ giao thông điển hình của đợt phát sóng thứ 2 chương trình radio thực tế "Total - Hiệp sĩ giao thông" do Ủy ban ATGT quốc gia, kênh VOV giao thông (khu vực miền Bắc), Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 6/12.
Chương trình "Total - Hiệp sĩ giao thông" nhằm hưởng ứng năm An toàn giao thông - năm 2012 của Chính phủ, nằm trong mục tiêu chung của toàn xã hội đó là "vì một giao thông an toàn", thông qua việc vinh danh, cổ động những công dân Việt Nam có đóng góp tích cực cho an toàn giao thông cũng như nâng cao ý thức giao thông của người điều khiển phương tiện.
Giữa rừng xe nườm nượp qua cầu Chương Dương, dưới cơn gió lạnh buốt từ mặt sông Hồng lên, Thượng tá Lê Đức Đoàn bắt đầu một ngày làm việc căng thẳng trên cây cầu huyết mạch dẫn vào thành phố như từ 15 năm nay anh vẫn làm.
Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ niềm vui khi được tuyên dương Hiệp sĩ giao thông.
Kể từ khi được vinh danh công dân ưu tú Thủ đô, anh được nhiều người tham gia giao thông biết đến hơn, nên luôn thấy mình phải cố gắng phấn đấu hơn nữa. Hơn 30 năm công tác trong lực lượng Công an thì có tới 15 năm Thượng tá Lê Đức Đoàn được phân công nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở chốt phía Nam cầu Chương Dương.
Từ khi được nhận danh hiệu "công dân ưu tú", cuộc sống, công việc của anh có khác trước không?" - tôi hỏi. Giọng khàn khàn, anh Đoàn dí dỏm: "Công việc vẫn thế, chỉ là tôi được nhiều người nhận ra thôi". Anh kể cho chúng tôi nghe nhiều mẩu chuyện vui như có lần đưa con gái đến trường ở Học viện Ngoại giao, vừa dừng xe thì một bác bán hàng nước gần đấy reo lên: "Ô bác Đoàn ở cầu Chương Dương".
Hoặc khi đang đứng phân luồng trên cầu, người dân qua lại nhận ra thì gật đầu, bắt tay. Có người ở Hải Phòng, Hưng Yên đến Hà Nội khi qua đây thấy anh đang làm nhiệm vụ còn dừng xe xuống xin chụp cùng anh vài kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Trung tuần tháng 11 vừa rồi, trên đường đi làm về, nghe thấy tiếng tri hô "cướp, cướp" của một cô gái bị giật túi xách trên đường Cao Bá Quát - Hoàng Diệu anh đã vứt xe chạy bộ đuổi theo tên cướp. Sau 15 phút chạy khắp vườn hoa Lênin, tên cướp đã bị anh khóa tay. Vừa đúng lúc ấy, người dân chạy đến, họ nhận ra anh ngay và kêu lên: "Bác Đoàn bắt cướp" rồi chẳng ai bảo ai, một tràng vỗ tay vang lên.
"Mọi cử chỉ, tác phong của mình đều được nhân dân chú ý, nên phải luôn giữ gìn hình ảnh người Cảnh sát giao thông đẹp trong mắt mọi người. Tôi cảm thấy người dân có phần rất thiện cảm với sắc phục màu vàng" - anh Đoàn chia sẻ. Anh quan niệm rằng, không bao giờ đặt cho mình tiêu chí hay danh hiệu phải đạt được. Nhưng bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân vô điều kiện, được nhân dân yêu mến - đó chính là lẽ sống của anh.
Công việc của anh không phải là các chuyên án lớn như ở các đơn vị nghiệp vụ khác, mà đó chỉ là công việc hết sức dung dị và đời thường, nhưng anh quan niệm, mình phải có trái tim, không vô cảm trước công việc, trước nhân dân và trước đồng loại. Là công dân ưu tú Thủ đô, anh Đoàn nhận thấy mình phải cần mẫn hơn, hăng say và nhiệt tình hơn với công việc.
Nhận tin mình được vinh danh là Hiệp sĩ giao thông, anh Đoàn khá bất ngờ. Theo Ban tổ chức chương trình, lý do anh Đoàn được nhận danh hiệu này là tuy tuổi đã cao nhưng anh vẫn luôn xông xáo không chỉ trong vai trò công việc của mình mà còn nhiệt tình cứu người và xe cộ gặp nạn. Những đóng góp của anh đã được ghi nhận và thính giả bình chọn.
Các tập thể, cá nhân được tuyên dương trong chương trình "Total - Hiệp sĩ giao thông" ngày 6/12 là những người có đóng góp lặng thầm trong việc xây dựng, giữ gìn trật tự đường phố và bảo đảm ATGT trên cả nước. Nhiều tấm gương tiêu biểu như Hiệp sĩ giao thông Phạm Công Xuân ở Bình Dương với nghĩa cử tự chế xe máy hút đinh, tự nguyện đi hút đinh hàng ngày và vá xe miễn phí cho người bị nạn "đinh tặc" trên đường. Hay Hiệp sĩ giao thông Hồ Văn Điều, ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tám năm làm công việc dắt trẻ qua đường đến trường và về nhà an toàn.
Ở tỉnh Lạng Sơn có 2 công dân được nhận danh hiệu Hiệp sĩ giao thông khi mà họ đều tự vay tiền xây cầu bắc qua sông cho bà con đi lại thuận tiện. Đó là ông Chu Văn Thi, người lái đò nghèo ở Lương Tháp, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng tự vay tiền xây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng và anh Phan Văn Hưng tự nguyện dành dụm, gom góp vốn liếng của gia đình được gần 100 triệu đồng để cùng bà con xây cầu bê tông bắc qua con sông Bắc Khê, thôn Bản Châu, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định...
Còn rất nhiều tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng và đảm bảo TTATGT mà chúng tôi không thể kể hết trong bài viết này, chỉ biết rằng, bằng sự nỗ lực và trách nhiệm công dân, họ đang ngày đêm có những sáng kiến, công sức của mình để giúp cho trật tự giao thông ngày một tốt đẹp hơn.
Theo Dantri
Cảnh sát "đối đầu với tử thần" xin mọi người đừng vô cảm Được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012" nhưng ông lại rất ít nói về mình, bởi đối với ông, việc cứu người chỉ đơn giạn là "trách nhiệm với đồng loại, tình nghĩa với con người. Bất cứ mình là ai, làm gì thì điều quan trọng nhất là đừng sống vô cảm".- Thượng tá Lê Đức Đoàn...