Viễn cảnh EU trong 100 ngày sau Brexit
Nếu Brexit – nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) xảy ra, giới chức châu Âu sẽ phải đối mặt với tình huống chưa từng có tiền lệ.
Nếu Brexit xảy ra, sẽ khó “đong đếm” được giá trị của đồng bảng Anh
Không chỉ người dân châu Âu, thành viên các thị trường tài chính trên toàn cầu đều hồi hộp chờ đợi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ngày 23/6 tới, đồng thời đoán định những cú sốc lan tỏa có thể tác động tới nền kinh tế thế giới.
Thực tế, các quan chức châu Âu ít có sự chuẩn bị cho tình huống một quốc gia từ bỏ vị trí thành viên EU, khi các quy tắc về vấn đề này mới được bổ sung vào luật năm 2009.
24 giờ đầu tiên
Trước bình minh ngày 24/6, nếu kết quả cho thấy Brexit dần trở nên rõ ràng, các quan chức tài chính từ Berlin tới Brussels sẽ phải đưa thị trường tài chính quốc gia vào tình trạng kiểm soát rủi ro bắt buộc. Theo kinh nghiệm từ khủng hoảng Hy Lạp trước đó, các bộ trưởng tài chính quốc gia thành viên EU sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngay tối ngày 24/6.
Nếu Anh rời khỏi EU, đồng bảng Anh sẽ nổi sóng, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ phải đối phó với những giao dịch bất ngờ diễn ra dồn dập và thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh là điều khó tránh khỏi.
“Thị trường tiền tệ vẫn chưa thể định giá được đồng bảng Anh trong trường hợp Anh rời khỏi EU, nên nếu Brexit xảy ra, chắc chắn sẽ có những đổ vỡ”, Lothar Mentel, CEO Tatton Investment Management (London) cho biết.
Tuần đầu tiên
Trong tuần đầu tiên Anh không còn là thành viên EU, các thành viên còn lại của khối sẽ phải tự đối mặt với các vấn đề đau đầu của riêng mình.
Trong bối cảnh đáng lo ngại về việc Brexit sẽ thổi bùng làn sóng ủng hộ “tự chủ” và chống đối chính sách chung vẫn âm ỷ trong khối, những nhà lãnh đạo EU sẽ chọn cách tổ chức một hội nghị khẩn cấp mà không có sự hiện diện của Anh vào thứ Bảy (25/6).
Có 2 lý do cho hội nghị này, đó là EU cần gửi thông điệp tới các cử tri Tây Ban Nha, những người sẽ đi bầu cử vào ngày 26/6 rằng, EU vẫn duy trì được sức mạnh và để thảo luận về vấn đề nước Anh sẽ cư xử như thế nào với các quy tắc chung của khối, chẳng hạn như sự tự do di chuyển của công dân và quyền tham gia vào các thị trường tài chính EU.
Video đang HOT
Sau khi Anh rời đi, sự phân tách sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại Pháp, nơi đa phần người dân ủng hộ chính sách liên kết theo khảo sát của National Front, Thủ tướng Pháp Francois Hollande cần phải chứng tỏ với các cử tri rằng, việc rời khối chỉ mang tới kết quả tiêu cực, nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017.
Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia khác, như Hà Lan và Đan Mạch, nơi người dân cảm thấy không hài lòng với EU, cần phải cân nhắc tới các chính sách để ủng hộ nước Anh, đồng minh truyền thống của mình.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có lịch gặp gỡ lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU khác tại Brussels trong tuần kế tiếp. Đây sẽ là nơi lần đầu tiên giới chức EU phải sử dụng tới Điều khoản 50: các quy định khi một quốc gia rời khỏi nhóm.
Theo đó, Anh sẽ có thời hạn 2 năm, tức là tới cuối tháng 6/2018, để hoàn thành các đàm phán liên quan tới vấn đề rời khối. Liệu ông Cameron muốn Anh trở thành quốc gia có mối quan hệ “thân thiết” với EU như Na Uy và Iceland hiện tại, hay Anh sẽ chỉ giao dịch với EU theo WTO?
100 ngày đầu tiên
Giới chức châu Âu sẽ chứng kiến mối lo ngại về các trường hợp tương tự Anh ngày càng gia tăng, bởi Hà Lan, Pháp và Đức đều sẽ tiến hành bầu cử vào năm 2017. EU cần có biện pháp để “kiềm chế” các quốc gia thành viên theo chân Anh và điều này sẽ khiến liên minh này bị phân tán khỏi các vấn đề quan trọng không kém khác, bao gồm tình hình Hy Lạp, khủng hoảng di dân, sự bất ổn tại Ukraine…, Michael Leigh, chuyên viên cao cấp tại German Marshall Fund nhận định.
Trong khi đó, Anh sẽ bắt đầu đàm phán lại rất nhiều các thỏa thuận liên quan tới EU, bao gồm hạn ngạch đánh bắt cá, quy tắc dịch vụ tài chính, tiêu chuẩn y tế và an toàn, những quy định mà Anh đã áp dụng hơn 50 năm qua khi là thành viên EU. Chưa kể, Anh sẽ tự đàm phán các hiệp định thương mại riêng với phần còn lại của thế giới, với tư cách quốc gia riêng lẻ.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, mối quan hệ lâu năm giữa Anh và EU sẽ dẫn tới quá trình đàm phán phải kéo dài ít nhất 7 năm, bởi mỗi bước đi đều cần có sự đồng ý của các thành viên và Nghị viện châu Âu, trong khi không có gì đảm bảo đàm phán sẽ thành công.
“Không ai có thể dự đoán được những hậu quả trong dài hạn. Tôi sợ rằng, Brexit có thể là khởi đầu cho sự kết thúc, không chỉ với EU, mà còn với nền văn minh – chính trị phương Tây”, Tusk cho biết.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Quyền lực mềm Trung Quốc đe dọa vị trí số 1 của Mỹ
Trung Quốc đang tung ngàn tỷ USD để tài trợ tài chính, thương mại - đầu tư, xây dựng các định chế tài chính lớn, vốn do Mỹ, Nhật dẫn dắt. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và liên tiếp tung ngàn tỷ USD gây ảnh hưởng đến các nước Châu Á - Phi và Nam Mỹ... Điều này đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới
Chủ nợ của thế giới
Trung Quốc vừa xác nhận đã ký hợp đồng tín dụng đổi dầu với Venezuela. Phó Tổng thống phụ trách kinh tế của Venezuela Miguel Perez cũng thừa nhận các điều kiện, bao gồm kỳ hạn các khoản vay, lượng tiền và các điều kiện phi tài chính khác đã được 2 bên thông qua.
Đây được xem là một liều ô-xy cứu quốc gia Nam Mỹ này khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay, đồng thời là một bước đi nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa 2 bên và là một bước tiến của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ. Trong khoảng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay khoảng 50 tỷ USD.
Venezuela có tiền để tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có dầu để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, vào thời điểm giá dầu đang thấp như hiện nay, Venezuela sẽ phải trả nhiều dầu hơn cho Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Không chỉ Venezuela, các ngân hàng của Trung Quốc cho rất nhiều quốc gia Mỹ Latinh vay tiền, bao gồm cả Argentina và Ecuador. Đây đều là những quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu.
Một báo cáo tháng 5/2016 trên CNN Money cho thấy Trung Quốc vẫn đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Trung Quốc đang nắm giữ khoản nợ của Mỹ trị giá khoảng 1.250 tỷ USD. Con số nói trên thực sự rất lớn nhưng xem ra không phải quá sức nếu nhìn vào kho dự trữ ngoại hối khoảng 3,3 ngàn tỷ USD của Bắc Kinh.
Nếu tính cả số trái phiếu mà Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) mua của Mỹ, Trung Quốc hiện nắm giữ số trái phiếu còn lớn hơn thế.
Với châu Phi, Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào công cuộc cải cách kinh tế của các quốc gia trong khu vực, thông qua cho vay, đầu tư và thương mại.
Theo BBC, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố cung cấp cho châu Phi 60 tỷ USD vốn vay và viện trợ, bao gồm một số khoản vay không lãi suất, học bổng và hỗ trợ đào tạo, để giúp lục địa này phát triển.
AIIB là một bước tiến mới của Trung Quốc
Trước đó, Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ, Nhật, Pháp trong cả 2 lĩnh vực đầu tư và thương mại với lục địa đen. Riêng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 7 chuyến thăm tới châu Phi, trong đó có 2 chuyến ở cương vị chủ tịch Trung Quốc.
Tấn công các định chế tài chính lớn
Song song với hoạt động cho vay, mua trái phiếu - làm chủ nợ của rất nhiều các quốc gia, từ nghèo tới giàu, trên thế giới, Trung Quốc cũng đã công khai bày tỏ ý định tăng cường "quyền lực mềm" ở châu Á, thông qua ngân hàng "đối thủ" WB, ADB.
Sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng (hoạt động từ đầu 2016) đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới. Trung Quốc lập AIIB lôi kéo cả thế giới trong khi bỏ rơi Mỹ.
AIIB được nhiều nhà phân tích tài chính toàn cầu xem là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mỹ và Nhật Bản, hai nước có nền kinh tế thứ nhất và thứ 3 toàn cầu đã không tham gia vào việc thành lập AIIB, nhưng đổi lại một loạt các quốc gia có sức mạnh tài chính khác như: Anh, Đức, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Úc là các cổ đông lớn. Tại AIIB, Trung Quốc chiếm hơn 30% cổ phần, nắm giữ hơn 26% quyền biểu quyết.
Nhiều nước bắt đầu lo ngại về gánh nặng nợ Trung Quốc.
Hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 10 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Những cam kết được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở các khu vực đang phát triển.
Trong khi Mỹ tỏ ra khó chịu vì các đồng minh xích lại gần Trung, thì Anh đã lặng lẽ tham gia AIIB, không tham vấn từ Mỹ. Nước Anh chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và hút thêm vốn đầu tư từ nước này.
Sự nổi lên của đồng Nhân dân tệ với việc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, ngang hàng với USD, euro, bảng Anh và Yên Nhật cũng là một bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Có thể thấy, sự chậm phát triển của một số khu vực tại châu Á, kém phát triển ở châu Phi và khủng hoảng tại Nam Mỹ và châu Âu đã tạo điều kiện Trung Quốc dễ dàng tung vốn làm chủ nợ khắp nơi với những điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều cảnh bảo đã được các chuyên gia trên khắp thế giới đưa ra. Theo đó, nước Anh, hay các nước châu Phi, Mỹ Latinh nên thận trọng với những khoản vay, khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.
Gần đây, một số nước châu Phi bắt đầu than phiền về lợi ích thực sự nhận về từ sự hợp tác với TQ. Nhiều nước cũng đã vỡ mộng và đã cảm thấy rõ gánh nặng của các khoản tài trợ của Trung Quốc.
V. Hà
Theo_VietNamNet
Mua hầm vàng Anh, "chiếm" chứng khoán Mỹ: Giấc mộng Trung Hoa Chưa bao giờ tham vọng khống chế thị trường tài chính toàn cầu của Trung Quốc lại lớn như vào thời điểm này. Giấc mơ toàn cầu của các công ty cùng với sự hậu thuẫn từ chính sách của Bắc Kinh khiến các thị trường tài chính thế giới rung động. Mua đứt hầm vàng 2.000 tỷ Ngân hàng lớn nhất thế...