Viễn cảnh Đông Nam Á hậu ‘tái cân bằng Obama’
Đã có một sự hoài nghi về việc Washington sẽ “tái cân bằng” như thế nào dưới thời một tổng thống khác sau khi ông Obama rời Nhà Trắng vào đầu năm sau.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tháng trước tại Lào đã đánh dấu là một trong những cuộc họp đa phương cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với các nhà lãnh đạo ASEAN, khi nhiệm kỳ của ông sẽ chính thức kết thúc vào tháng 1 năm sau.
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong chuyến đi này, ông Obama đã tìm cách trấn an các nước Đông Nam Á rằng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cam kết của mình trong chính sách “tái cân bằng” khu vực trong tương lai.
Từ lâu, sự hiện diện của Mỹ trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành đối tác an ninh cho một số quốc gia ASEAN khi phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tỏ rõ sự bành trướng và hung hăng.
Đã có một sự hoài nghi về việc Washington sẽ tái cân bằng như thế nào dưới thời một tổng thống khác sau khi cuộc bầu cử Mỹ chuẩn bị kết thúc.
Nếu chính quyền mới của Washington chuyển trọng tâm đối ngoại rời khỏi khu vực Đông Nam Á, chính sách tái cân bằng của ông Obama sẽ không còn ý nghĩa, và ASEAN được cho là sẽ mất đi nguồn lực đối chọi với Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích David Han từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, điều quan trọng là ASEAN cần phải duy trì được vai trò trung tâm và sự đoàn kết của mình trong khu vực
Điều này sẽ giúp cho khối các nước trong khu vực không cần bận tâm đến việc người đứng đầu Nhà Trắng trong vài tháng tới là ai – Hillary Clinton hay Donald Trump.
Video đang HOT
Ngoài ra nó sẽ đảm bảo việc quản lý các vấn đề khu vực Đông Nam Á vẫn nằm trong phạm vi nội bộ ASEAN và không dễ bị tổn thương vì những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai.
Chiến lược “tái cân bằng” châu Á có thể sẽ vẫn được duy trì ở chính quyền tổng thống Mỹ tiếp theo.
Trên thực tế, hầu hết các nước ASEAN đều hoan nghênh việc Mỹ “tái cân bằng” dưới thời của chính quyền Tổng thống Obama, tuy nhiên nó không có nghĩa rằng ASEAN sẽ hoàn toàn lựa chọn ngả về phe Washington để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi một động thái như vậy có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh.
Một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã chỉ ra rằng, Trung Quốc không phải là một mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đối với hầu hết các nước ASEAN, do đó không có tình huống cấp thiết nghiêm trọng nào để các nước này phải lôi kéo bằng được Mỹ về một phe để đối đầu với Trung Quốc.
Thứ hai, với việc công khai trải thảm đỏ mời Mỹ tiến vào ASEAN có thể giúp Mỹ được đứng vào vị thế “nắm đằng chuôi”, làm lu mờ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, và quan hệ “chủ khách” sẽ bị đổi chỗ cho nhau.
Điều này đi ngược lại mục tiêu chung của ASEAN đó là không để cho khu vực Đông Nam Á trở thành chiến trường cho sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới.
Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm 6/9, Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết trong việc dùng các biện pháp hòa bình để làm giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định trong khu vực.
Cũng trong hội nghị này, Trung Quốc được cho là cố gắng sử dụng những chiêu bài ngoại giao lợi ích để tác động tới việc ngăn tuyên bố chung nhắc tới vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thể có niềm vui trọn vẹn khi tuyên bố ban hành sau cùng vẫn nhắc tới tranh chấp ở Biển Đông, mặc dù đã không đề cập đến các phán quyết của tòa án.
ASEAN có bị Trung Quốc làm cho chia rẽ?
Một số nhà phân tích và một số bài viết trên các phương tiện truyền thông châu Á đã có những lời chỉ trích tuyên bố chung của ASEAN khi chỉ có một đoạn duy nhất về vấn đề Biển Đông, trong khi không nhắc tới phán quyết PCA và hành động quân sự hóa đảo nhân tạo.
Biển Đông luôn là vấn đề chính trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc.
Luồng ý kiến trên lập luận rằng, phản ứng như vậy là không đủ để dằn mặt Trung Quốc. Tuy nhiên chuyên gia David Han cho rằng, lời chỉ trích này là không công bằng với ASEAN.
Ông cho biết, những lời dèm pha nói trên không đánh giá cao bản chất của tuyên bố chung. Nếu tuyên bố chung đưa thêm nhiều chi tiết hơn, bao gồm các hoạt động cải tạo của Trung Quốc và phán quyết của Tòa Trọng tài, nó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, gây ra một phản ứng ngoại giao dữ dội từ phía Bắc Kinh. Và nghiễm nhiên ASEAN sẽ buộc phải rơi vào vòng tay của Mỹ như một quân bài gia đối đầu với Trung Quốc.
Còn ngược lại, nếu như tuyên bố vừa qua của ASEAN chấp nhận không nhắc một chữ nào đến vấn đề Biển Đông như lời kêu gọi của một số thành viên trung lập, điều này sẽ cho phép Trung Quốc gây lũng đoạn chương trình nghị sự của ASEAN, dẫn đến sự suy yếu, chia rẽ.
Do vậy, bản tuyên bố chung vừa qua được đánh giá là một văn bản hợp lý, làm tôn lên vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề nội bộ khu vực, tránh rơi vào tình huống phải trở thành một lựa chọn sân sau cho Mỹ hoặc Trung Quốc đấu đá quyền lực.
Bước đi tự chủ của ASEAN
Tổng thống Mỹ tiếp theo rất có thể sẽ kế thừa và tiếp tục các nỗ lực trong chính sách “tái cân bằng” của ông Obama ở châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN chắc chắn sẽ chào đón sự phát triển này.
Philippines với vai trò chủ tịch luân phiên đã tuyên bố sẽ đưa ASEAN trở thành tổ chức đoàn kết và thống nhất.
Tuy nhiên, như các lập luận trước đó, ASEAN sẽ không quá “vồ vập” lấy Mỹ để tránh hạ thấp vai trò trung tâm của mình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong bài phát biểu khi ông nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017 nói rằng, Manila sẽ tìm hướng đi để ASEAN luôn duy trì sự thống nhất và đoàn kết, trong khi chủ động hợp tác với các đối tác toàn cầu mới.
Chuyên gia David Han cho rằng, cũng giống như Philippines, quốc gia đang tìm cho mình một chính sách đối ngoại độc lập, ngừng phụ thuộc vào Mỹ và hướng tới hợp tác với các quyền lực lớn khác; đây cũng sẽ là quỹ đạo tốt cho ASEAN – trong bối cảnh sự đoàn kết giữa các quốc gia Đông Nam Á đã bị xói mòn nghiêm trọng bởi một số bất đồng nội bộ và đặc biệt là áp lực từ sự cạnh tranh Mỹ-Trung trong những năm gần đây.
ASEAN dường như sẽ không dao động trước việc thời đại hậu Obama sẽ ra sao trong những năm tiếp theo, hay bối rối trước câu hỏi chính sách “tái cân bằng” của Mỹ sẽ vẫn còn tiếp diễn hay không.
Bởi điều quan trọng rằng ASEAN đã chọn cho mình một con đường đi tự chủ như những gì thể hiện trong bản tuyên bố chung hôm 8/9.
Tổ chức này hiểu rằng, bằng sự thống nhất nội bộ và tận dụng sự hỗ trợ thân thiện không trục lợi từ bên ngoài, mọi thứ là đủ để vượt qua những thách thức ở khu vực trong tương lai.
Theo NDT