Viêm khớp tự miễn có thể gây tàn phế suốt đời
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức, gây phản ứng viêm; kéo dài lâu ngày khiến xương, sụn bị ăn mòn, biến dạng, tàn phế.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, viêm khớp tự miễn là nhóm các bệnh: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng… Cứ 100 người ở độ tuổi trưởng thành (20-40 tuổi) thì có 1-5 người mắc bệnh lý viêm khớp dạng thấp, tỷ lệ xảy ra ở nữ giới cao gấp 2-3 lần nam giới. Bệnh phá hủy các tế bào, làm tổn thương hệ khớp, gây sưng đau nhiều khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn chân 2 bên.
Còn với viêm cột sống dính khớp, khoảng 90-95% ca xảy ra ở nam giới, 80% ở nam giới dưới 30 tuổi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là đau vùng hông, đau vùng thần kinh tọa, viêm gân, đau cột sống thắt lưng.
Viêm khớp dạng thấp khiến bàn tay biến dạng.
Bệnh do hệ miễn dịch hoạt động quá mức
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa phân tích, lý do gây bệnh là hệ miễn dịch mất đi khả năng phân biệt các bộ phận cơ thể với tác nhân gây hại bên ngoài. Thông thường, khi có các yếu tố ngoại lai tấn công, cơ thể sẽ huy động hệ thống miễn dịch để kích hoạt tế bào bảo vệ. Với một số người, phản ứng miễn dịch này đáp ứng quá mức, sau khi tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt, hệ thống miễn dịch không điều hòa trở lại, dẫn đến việc nhận biết nhầm các bộ phận cơ thể là gây hại, gây tổn thương các cơ quan này. Một trong những bộ phận bị tác động nhiều nhất khi mắc bệnh tự miễn là hệ xương khớp – nơi có nhiều phân tử collagen.
Mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là: giai đoạn đầu bệnh nhân mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân; giai đoạn toàn phát sẽ sốt dai dẳng, đau mỏi toàn thân, đau đầu. Tiếp theo, bệnh nhân đau cơ, sưng nóng đỏ đau ở các khớp, tràn dịch khớp…
“Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại. Thậm chí có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, tàn phế suốt đời”, Phó giáo sư Hồng Hoa nói.
Để phân biệt, cơn đau khớp do tự miễn kéo dài, không giảm bớt khi nghỉ ngơi, đau nhiều vào nửa đêm – thời điểm chuyển tiếp sang ngay hôm sau, cơ thể xảy ra nhiều phản ứng, có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng viêm, tràn dịch… Còn với đau do thoái hóa khớp, cơn đau mang tính cơ học, khi hoạt động nhiều sẽ đau, nghỉ ngơi sẽ hết, không gây viêm.
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa thảo luận về ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.
Viêm khớp tự miễn không thể điều trị dứt điểm
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, TP HCM nhấn mạnh, viêm khớp tự miễn là bệnh lý mạn tính. Bệnh mang yếu tố miễn dịch nên chỉ có thể điều trị theo hướng để bệnh “nằm yên” chứ không khỏi hoàn toàn. Việc điều trị giúp mang đến cuộc sống thoải mái hơn cho bệnh nhân, giảm các cơn đau.
Một trong số phương pháp điều trị mới đang được ứng dụng là tái tạo mô tổn thương bằng ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân hoặc sử dụng tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loại. Nó hiệu quả với bệnh lý cơ xương khớp dai dẳng, phức tạp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…
Tuy nhiên, các giải pháp nội khoa trên chỉ phát huy hiệu quả nếu phát hiện sớm. Trong trường hợp bất khả kháng, bệnh trở nặng, đau đớn, khó vận động, có nguy cơ tàn phế thì cần phẫu thuật thay khớp.
“Thay khớp là một cuộc cách mạng của ngành chấn thương chỉnh hình, giúp người bệnh quay về cuộc sống bình thường. Sau khi thay khớp, người bệnh vẫn phải tái khám thường xuyên”, tiến sĩ Nam Anh nói.
Trong đó, phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp cực kỳ phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo phương pháp truyền thống, bác sĩ sẽ thay khớp háng lối sau vì phẫu trường rộng rãi, dễ quan sát. Tuy vậy vết mổ dài trên 10 cm, cắt qua nhiều cơ và gân, mất máu nhiều, ảnh hưởng lớn đến kết quả phục hồi.
Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh (giữa) cùng êkip đang phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào tháng 9.
Để khắc phục nhược điểm này, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh hiện áp dụng kỹ thuật mới SuperPath có đường mổ nhỏ, mở vào bao khớp phía trên có thể đảm bảo các yếu tố: thao tác thuận lợi, ít tàn phá phần mềm, giảm đau tối đa và vẫn đạt yếu tố thẩm mỹ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít đau đớn và có thể xuất viện sau 2- 3 ngày. Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh là một trong số ít chuyên gia tại Đông Nam Á được cấp chứng chỉ thế giới của kỹ thuật này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, để phòng ngừa bệnh tự miễn mỗi người cần bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên. Lối sống lành mạnh giúp cơ bắp dẻo dai, ngăn ngừa loãng xương, giảm căng thẳng và bảo vệ tim mạch, duy trì khả năng linh hoạt của khớp. Việc tập luyện duy trì mỗi ngày, cường độ vừa phải, nghỉ ngơi hợp lý sau khi tập luyện.
Bệnh nhân mắc lupus ban đỏ cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và ánh sáng huỳnh quang để chống lại sự nhạy cảm với tia UV. Song song người bệnh cần bổ sung vitamin D ngăn ngừa loãng xương do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở những người đặc biệt nhạy cảm. Để giảm cơn đau, người bệnh có thể tắm nước nóng, bồn tắm và các biện pháp giảm căng thẳng khác, bao gồm châm cứu, yoga; kết hợp nghỉ ngơi để giảm nguy cơ bùng phát.
Cứu sống người gãy toàn bộ xương sườn, thủng phổi
Gãy toàn bộ xương sườn, xương vai, đâm vào phổi, nguy cơ tử vong..., bệnh nhân được mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và bình phục nhẹ nhàng.
Đầu tháng 10, khi đến chốt kiểm soát dịch bệnh, ông Từ Tỷ (64 tuổi, TP HCM) bất ngờ bị một xe motor phân khối lớn tông thẳng từ phía sau. Va chạm khiến ông ngã mạnh xuống đường.
"Với thanh niên, cú ngã đó có thể chỉ gây trầy xước, chấn thương phần mềm, nhưng với tôi lại quá nặng. Tôi không đứng dậy nổi, tay không nhấc lên được. Tôi cảm thấy khó thở, nói khó khăn, như có một vật gì đó đâm vào lồng ngực đau nhói", ông Tỷ kể lại.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa tiếp nhận ca bệnh cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhận định đây là một trường hợp đa chấn thương nặng. Bệnh nhân đau nhiều ở vùng vai, hô hấp khó khăn, có hiện tượng đau mỗi khi hít thở. Đây là dấu hiệu của tình trạng gãy xương sườn làm tổn thương các tạng lân cận, cụ thể là phổi. Kết quả chụp cắt lớp CT scan cho thấy, ông Tỷ bị gãy xương bả vai và toàn bộ xương sườn cung sau. Xương bị gãy đâm vào phổi, làm phổi bị tổn thương và có hiện tượng tràn khí. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân vừa phải chịu đựng những cơn đau do gãy xương gây ra, vừa dễ tử vong vì bị suy hô hấp.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân Tỷ bị gãy xương vai, toàn bộ xương sườn và xiên vào phổi gây tràn khí màng phổi.
Những trường hợp này ngay lập tức sẽ được chỉ định mổ để kết hợp xương, sắp xếp các mảnh xương gãy. Tuy nhiên, ông Tỷ có bệnh nền ung thư đại tràng, từng được can thiệp điều trị cách đây 5 năm, sức khỏe yếu nên để ca phẫu thuật được an toàn, cần có sự phối hợp của các bác sĩ Lão khoa Cơ xương khớp, xử lý các vấn đề về nội hô hấp, nội tim mạch trước, trong và sau ca phẫu thuật kết hợp xương.
Với phương châm "phương pháp tối ưu, can thiệp tối thiểu", bác sĩ Khoa sử dụng phương pháp can thiệp ít xâm lấn. Đây là một kỹ thuật y khoa tiên tiến, đòi hỏi tay nghề khéo léo đang được các bác sĩ ngoại khoa áp dụng. Vài năm trước đây, phẫu thuật viên dùng phương pháp mổ mở kinh điển, người bệnh sẽ phải chịu những đường mổ dài, bị cắt nhiều cơ để tiếp cận được các vùng xương gãy. Do đó, cảm giác đau đớn nhiều hơn, mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu cao và thời gian phục hồi kéo dài hơn.
Các bác sĩ phẫu thuật cho ông Tỷ bằng phương pháp can thiệp ít xâm lấn.
Với phương pháp can thiệp ít xâm lấn, bác sĩ Khoa mở một cửa sổ bằng đường mổ nhỏ khoảng 5 cm, vén các bó cơ để lách qua, tránh tối đa nguy cơ cắt cơ, lột cơ delta khi tiếp cận xương bả vai; sau đó nắn lại xương, luồn nẹp nhỏ vào và bắt vít cố định xương gãy. Bàn mổ tiêu chuẩn có cánh C-Arm phát huy tác dụng khi chụp X-quang liên tục trong ca phẫu thuật, giúp bác sĩ tiếp cận chính xác nhất vùng xương gãy, sắp xếp kết hợp xương chính xác thông qua màn hình chất lượng cao. Nhờ đó bác sĩ thao tác chính xác, an toàn, tránh tối đa nguy cơ tổn thương cơ và dây thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.
Với phương pháp mới này, thời gian ca mổ diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút. Người bệnh tỉnh dậy đã có thể chống tay tự ngồi, vận động cánh tay mà không còn bất kỳ giới hạn nào.
"Sau mổ, tôi không có bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Sức khỏe và tinh thần hầu như là trở lại bình thường", ông Tỷ bày tỏ bất ngờ về kết quả sau ca mổ của mình.
Đường mổ nhỏ giúp ông Tỷ ít đau đớn, giảm chảy máu nhưng vẫn đảm bảo xử lý xương vai bị gãy một cách hiệu quả.
Với toàn bộ xương sườn bị gãy, ông Tỷ được cho cố định bằng băng dính, hỗ trợ dùng thêm thuốc giảm đau để theo dõi, chờ xương sườn tự lành trong khoảng 6 tuần. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập hít thở sâu để phục hồi hệ hô hấp, tăng cường sức khỏe cho lá phổi bị tổn thương.
Ông Từ Tỷ hồi phục nhanh chóng sau ca phẫu thuật.
Chấn thương gãy xương là tai nạn không mong muốn, thường xuyên gặp trong đời sống hàng ngày. Khi xương bị gãy, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói vùng bị tổn thương, sưng tấy, bầm tím, khó khăn khi vận động, sinh hoạt. Đặc biệt với vùng xương sườn, người bệnh sẽ bị đau tức ngực, thiếu hơi, khó thở.
Nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời, phần nhọn đầu xương gãy sẽ xuyên vào các cơ quan nội tạng gần đó. Dễ tổn thương nhất là phổi, gây những biến chứng nghiêm trọng như tràn máu khoang màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi... đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Kỹ năng sơ cứu cho người bị thương đặc biệt quan trọng.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa chia sẻ thêm: "Với kỹ thuật can thiệp tối thiểu, chúng tôi sẽ hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương các cơ, chảy máu... giúp người bệnh giảm đau đớn và hồi phục mau chóng trở về với gia đình.
Lưu ý khi dùng nước thanh nhiệt mát gan thời dịch Lạm dụng các loại lá cây, bài thuốc thanh nhiệt truyền miệng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây tác dụng ngược khiến gan bị tổn thương. Theo BS.CKI Huỳnh Văn Trung (Trung tâm Nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM), gan đảm nhiệm chức năng hấp thụ các chất độc hại,...