Việc phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển chỉ còn là vấn đề thủ tục
Ngày 11/7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết việc thông qua đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển hiện chỉ còn là vấn đề thủ tục đối với Budapest.
Quốc kỳ của các nước thành viên NATO tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: AFP
Phát biểu mới được Ngoại trưởng Hungary đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/7 đã nhất trí để NATO kết nạp quốc gia Bắc Âu. Đây cũng là 2 đồng minh NATO cuối cùng chưa chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập khối. Trong thông báo trên trang Facebook, Ngoại trưởng Szijjarto nêu rõ chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật để hoàn tất quá trình phê chuẩn.
Quốc hội Hungary đã kết thúc phiên họp bất thường mùa Hè hôm 7/7 nhưng sẽ triệu tập cuộc họp mới trong những tuần tới để tiến hành bỏ phiếu. Cùng ngày, Thủ tướng Viktor Orban tái khẳng định rằng Budapest ủng hộ đơn xin gia nhập của Thụy Điển, đồng thời nêu rõ nước này vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này..
Trong diễn biến liên quan, phát biểu với các phóng viên tại Vilinus (Litva) ngày 11/7, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết NATO sẽ vạch ra những cải cách mà Ukraine cần làm để gia nhập khối này.
Tuy nhiên, ông không nêu rõ thời gian NATO sẽ thực hiện quá trình này, đồng thời bác khả năng Kiev sẽ nhanh chóng gia nhập NATO.
Cố vấn an ninh Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày 12/7. Bên cạnh vấn đề kết nạp thành viên mới, tại hội nghị ở Vilinus, các nước NATO còn thảo luận về các biện pháp an ninh tạm thời để hỗ trợ Ukraine và đây cũng là chủ đề thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine trong cuộc gặp ngày 12/7.
Một số quan chức Mỹ cho rằng một nhóm thành viên cốt cán của NATO sẽ nhất trí về loạt biện pháp hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine để cung cấp nguồn vốn và vũ khí cho quốc gia này trong giai đoạn chuyển tiếp khi Ukraine nộp đơn xin gia nhập khối. Dù chi tiết các biện pháp còn đang được các thành viên NATO thảo luận nhưng các quan chức Mỹ cho biết có khả năng sẽ giống mô hình hỗ trợ vốn cho Israel.
Video đang HOT
Thụy Điển gia nhập NATO là mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong chiến lược Bắc Cực của Mỹ
Washington đang thúc đẩy việc Thụy Điển gia nhập NATO để đạt được lợi thế chiến lược ở Bắc Cực.
Một chiếc trực thăng Merlin trên boong tàu chiến HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc tập trận chung Viking với lực lượng NATO ở biển Na Uy gần Bắc Cực hồi tháng 3/2023. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã nhắc lại sự ủng hộ đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO trong cuộc gặp với Thủ tướng quốc gia Bắc Âu này, ông Ulf Kristersson.
Cụ thể, Nhà Trắng đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ, nước phản đối mạnh mẽ nhất, bật đèn xanh cho việc Stockholm gia nhập khối quân sự trước Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius dự kiến diễn ra vào ngày 11-12/7. Tuy nhiên, Ankara một lần nữa khẳng định rằng họ chưa sẵn sàng phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển do nước này không đáp ứng các yêu cầu của Ankara liên quan đến cuộc chiến chống lại "các tổ chức khủng bố" người Kurd và phong trào bài Hồi giáo.
Nikita Lipunov, một chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học MGIMO đánh giá: "Mỹ đã cố gắng để các nước Bắc Âu hội nhập đầy đủ vào NATO trong nhiều năm qua bằng cách tích cực phát triển quan hệ quốc phòng với họ. Kết quả là, cả Phần Lan và Thụy Điển đều đã hội nhập sâu vào hệ thống liên minh quân sự này vào thời điểm họ nộp đơn xin gia nhập NATO".
Ông Lipunov nhấn mạnh: "Bằng cách đẩy NATO về phía đông, Washington tìm cách kiềm chế Nga. Việc mở rộng liên minh thông qua Thụy Điển sẽ củng cố sườn đông bắc của NATO vì nó sẽ bao gồm toàn bộ khu vực Bắc Âu-Baltic, biến Biển Baltic trở thành một vùng biển gần như nội bộ của khối".
Sườn Đông Bắc của NATO
Theo chuyên gia Lipunov, với sự hội nhập chặt chẽ của các quốc gia Bắc Âu trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác, sườn đông bắc sẽ trở nên gắn kết và có sự kết nối quân sự tốt hơn và điều này làm thay đổi thực chất tình hình chiến lược quân sự ở châu Âu và đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga dọc theo toàn bộ biên giới phía tây.
Cùng với đó, việc Thụy Điển gia nhập khối sẽ có tác động gián tiếp đến Bắc Cực, đáng chú ý nhất là vùng biển Barents - Bắc Cực liền kề, nơi hoạt động quân sự và căng thẳng sẽ gia tăng.
Ông Lipunov cho rằng, đến nay NATO đã có một lập trường kín đáo về vấn đề hiện diện và các hoạt động ở Bắc Cực với các hoạt động chính tập trung vào các vùng biển lân cận của Bắc Đại Tây Dương, có tầm quan trọng sống còn đối với tổ chức này. Tuy nhiên, về lâu dài, NATO có thể xem xét lại cách tiếp cận của mình, bao gồm cả sau khi mở rộng sang Thụy Điển.
Mỹ xoay trục sang Bắc Cực
Từ thời chính quyền Donald Trump cho đến khi Tổng thống Biden lên nắm quyền hiện nay, Mỹ luôn đặc biệt chú trọng đến Bắc Cực. Chính sách xoay trục mới của Mỹ sang vùng cao phía Bắc đã được phản ánh rõ trong Chiến lược Bắc Cực năm 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã công bố Triển vọng Chiến lược Bắc Cực vào tháng 4 cùng năm đó. Không quân Mỹ đã đưa ra kế hoạch chi tiết vào tháng 7/2020. Hải quân Mỹ đã vạch ra chiến lược Bắc Cực vào tháng 1/2021. Quân đội Mỹ đã công bố tài liệu mang tên "Giành lại sự thống trị ở Bắc Cực" vào tháng 3/2021.
Theo chiến lược của mình, Washington đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng bổ sung với Na Uy vào tháng 4/2021, trong đó cho phép Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng tại ba căn cứ không quân và một cơ sở hải quân dọc theo bờ biển Na Uy. Lầu Năm Góc và các đồng minh NATO cũng tăng cường các cuộc tập trận hải quân và không quân chung trong khu vực.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine được sử dụng như một cái cớ để thuyết phục các quốc gia trung lập trước đây là Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO và từ đó biến 7 quốc gia Bắc Âu, vốn là chìa khóa cho "sự thống trị" của Washington trong khu vực, trở thành đồng minh NATO. Trong khi tư cách thành viên NATO của Phần Lan đã được các quốc gia thành viên của khối phê chuẩn, đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn đang treo lơ lửng.
Chuyên gia Lipunov chỉ ra rằng Bắc Cực được Mỹ coi là khu vực "kiềm chế chiến lược" và là khu vực "răn đe hạt nhân chiến lược giữa Liên Xô/Nga và Mỹ".
"Do biến đổi khí hậu và băng tan, khu vực Bắc Cực đang trở nên dễ tiếp cận hơn, buộc các quốc gia ven biển phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở đó", ông Lipunov giải thích.
Ông Lipunov cũng đánh giá: "Đối với Nga, Bắc Cực là một khu vực chiến lược quan trọng vì nhiều lý do và vì vậy họ đang tích cực tăng cường phòng thủ ở khu vực Bắc Cực. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc mới và điều kiện khí hậu thay đổi, Mỹ coi Bắc Cực là một sân khấu đối đầu khác với Nga và Trung Quốc. Bắc Cực liên kết các khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương, vốn rất quan trọng đối với an ninh của Mỹ. Những hoàn cảnh này đã quyết định một chính sách Bắc Cực tích cực hơn của Mỹ trong những năm gần đây".
Sự thống trị mạnh mẽ của Nga ở Bắc Cực
Nga trải dài trên 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương và mặc dù phải đối mặt với 7 quốc gia Bắc Cực trong khu vực, họ vẫn duy trì vị trí mạnh mẽ và kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ Bắc Cực của mình.
Theo các nhà quan sát quốc tế, quân đội phương Tây vẫn đứng sau Nga ở Bắc Cực khoảng mười năm về quốc phòng và sự sẵn sàng.
Lực lượng thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga trong một cuộc tập trận.
Chuyên gia Samu Paukkunen, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết: "Kể từ thời Liên Xô, Moskva đã tích cực tăng cường sự hiện diện quân sự và phòng thủ ở vùng cao phía Bắc, và trong những năm gần đây đã có sự hiện đại hóa tích cực của các lực lượng vũ trang đóng quân ở khu vực Bắc Cực của Nga. Nhờ vậy, Moskva đã trở thành một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này. Các quốc gia phương Tây đang nỗ lực bắt kịp và đã tích cực tăng cường sự hiện diện của họ ở miền Bắc, tăng chi tiêu quốc phòng và phát triển các công nghệ quân sự đặc biệt".
Trong bối cảnh đó, sự gia nhập của Phần Lan và khả năng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này với chi phí cho các lĩnh vực công nghệ phát triển cao của họ. Một tài sản quý giá đối với NATO sẽ là công nghệ của Phần Lan và Thụy Điển trong lĩnh vực thông tin liên lạc, vũ khí và chế tạo tàu phá băng.
Về phần mình, Nga đã hợp tác với Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định khu vực ở Bắc Cực. Cả hai nước đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự hợp tác của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia bên thứ ba nào.
Trong khi đó, sách trắng "Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc" mà Bắc Kinh đã công bố bày tỏ ủng hộ việc sử dụng Bắc Cực vì mục đích hòa bình. Vào tháng 4/2023, Moskva và Bắc Kinh đã ký một biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật hàng hải ở thành phố Murmansk, phía bắc Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định 'lịch sử' ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ bỏ quan điểm phản đối đơn xin gia nhập khối quân sự phương Tây của Stockholm ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Từ trái sang, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chụp ảnh chung sau cuộc gặp...