Việc bà Nguyễn Phương Hằng xin tại ngoại, luật quy định ra sao?
Chuyên gia luật nhấn mạnh các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, để có thể quyết định cho họ được tại ngoại hay không.
Như Thanh Niên thông tin, quá trình Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra bổ sung vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương), thì bị can này và gia đình có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM đề nghị xin được tại ngoại điều tra. Bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24.3.2022 đến nay.
Người dân tụ tập và livestream trước nhà bà Nguyễn Phương Hằng trong ngày bà (ảnh nhỏ) bị bắt tạm giam . LÊ NAM – T.L
Trong đơn xin, gia đình bị can nêu bà Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, gia đình muốn xin cho bị can được áp dụng các biện pháp khác thay thế tạm giam để ra ngoài điều trị bệnh.
Điều kiện nào để được tại ngoại?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi năm 2021) có những quy định về biện pháp thay thế tạm giam gồm: bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, bị cáo. Theo đó, bị can, bị cáo đang bị tạm giam nếu đủ điều kiện theo luật định thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang các biện pháp trên (tức được tại ngoại – PV) để điều tra, truy tố, xét xử.
Chẳng hạn, đối với biện pháp bảo lãnh, quy định nêu cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh thì có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ; và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người.
Đối với biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Thông tư 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định là 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Thông tư 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC cũng nêu cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng trên, trong một số trường hợp đặc biệt: bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh…
Còn đối với trường hợp áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thay thế cho tạm giam, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho hay đây là biện pháp có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.
Khó được chấp thuận?
Dù luật có nêu điều kiện cụ thể từng trường hợp được áp dụng một trong các biện pháp thay thế tạm giam, nhưng luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tại điều 121 về bảo lãnh, điều 122 về đặt tiền để bảo đảm, điều 123 (bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi năm 2021) về cấm đi khỏi nơi cư trú cũng quy định rằng: “Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, để có thể quyết định cho họ được áp dụng hay không”. Từ đó, luật sư Hoan cho hay việc bị can, bị cáo được áp dụng tại ngoại sẽ phụ thuộc vào quan điểm, ý chí của chính cơ quan tiến hành tố tụng, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Quay lại với vụ án Nguyễn Phương Hằng, luật sư Hoan nhận định: “Việc cơ quan tiến hành tố tụng cho bị can Hằng tại ngoại theo đề nghị của bị can và gia đình là khó. Bởi vụ án này còn liên quan đến có hay không vai trò đồng phạm của một số cá nhân khác và hiện cơ quan điều tra đang làm rõ”.
“Nếu cho rằng việc bị can tại ngoại có thể làm ảnh hưởng quá trình đấu tranh làm rõ tội phạm cũng như để không bỏ lọt tội phạm, thì dù đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp bảo lãnh, đặt tiền bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú thay cho biện pháp tạm giam, cơ quan điều tra, viện kiểm sát vẫn có thể tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng”, luật sư Hoan phân tích.
Bị can Nguyễn Phương Hằng xin được bảo lãnh tại ngoại
Bị can Nguyễn Phương Hằng mong muốn được tại ngoại và gia đình cũng có đơn xin được bảo lãnh cho bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương), và gia đình có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM đề nghị xin được bảo lãnh tại ngoại, sau một thời gian bị tạm giam từ ngày 24.3.2022 đến nay.
Lý do xin tại ngoại, trong đơn nêu, từ trước đến nay, bị can Nguyễn Phương Hằng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, gia đình muốn bảo lãnh bị can ra ngoài để được điều trị bệnh cho bà Hằng.
Bà Nguyễn Phương Hằng và một số khách mời trong buổi livestream. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH
Theo diễn biến vụ án, tháng 8.2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy bị can Nguyễn Phương Hằng tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).
Ngoài ra, CQĐT cũng xác định các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các cá nhân: ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Đặng Anh Quân, ông Nguyễn Đình Kim.
Đối với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của Nguyễn Phương Hằng, CQĐT đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Sau đó, Viện KSND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ vai trò đồng phạm; xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng do Công an Bình Dương khởi tố, nhằm giải quyết triệt để vụ án.
Vì sao bị can Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam thêm 1 tháng 27 ngày?
Đối với vụ án Nguyễn Phương Hằng tại Bình Dương, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tỉnh Bình Dương truy tố bị can Hằng về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân"
Theo kết luận điều tra, bị can Hằng có sử dụng 7 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook bao gồm hai tài khoản facebook "Ha Lee", "Nguyễn Phương Hằng"; 5 tài khoản YouTube "Trường Đua Đại Nam", "Chistiana Nguyen" và "LONG VLOG", "Tin nóngNhất 24h", "Luật sư Vlog", để xúc phạm uy tính, danh dự của 6 cá nhân: ông Nguyễn Đức Hiển, bà Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên, ông Lê Công Vinh.
Bài học đau đớn từ sự sa ngã của bà Nguyễn Phương Hằng: Từ 'bà hoàng kim cương' đến bị bắt tạm giam Thật đáng tiếc cho một nữ doanh nhân từng là tố giác tội phạm thành phạm tội. Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều người cho rằng, đây là bài học về sự ảo tưởng quyền lực ảo trên mạng. Năm 2021, nữ CEO nổi lên như một hiện tượng mạng khi dám đứng lên tố...