Vicem lý giải việc “bỏ quên” nghìn tỷ đồng khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa
Trước thông tin khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam ( Vicem) đã “bỏ quên” hơn 1.000 tỷ đồng, ngày 6/9, Vicem đã chính thức lý giải về việc này.
Xe xuất hàng của Vicem Hạ Long. Anh: Thu Hăng/BNEWS/TTXVN
Trước thông tin khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã “bỏ quên” hơn 1.000 tỷ đồng, ngày 6/9, Vicem đã chính thức lý giải về việc này.
Thông tin này xuất phát từ việc mới đây Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Xây dựng báo cáo kiểm toán về kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).
Theo báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.
Trong khi đó, Vicem cho rằng, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị này là lúc 0h ngày 1/10/2018. Trên cơ sở kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính Phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần và pháp luật có liên quan, ngày 15/1/2019 Vicem đã có văn bản số 99/VICEM-TGV trình Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vicem bộ hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 1/10/2018.
Tiếp đó, ngày 18/3/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 509/BXD-KHTC gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị thực hiện kiểm toán kết quả định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ – Vicem. Tại văn bản này, Bộ Xây dựng khẳng định giá trị doanh nghiệp của Vicem chưa tính đến lợi thế giá trị quyền khai thác các mỏ do chưa có hướng dẫn.
Lý giải về việc này, Vicem cho biết, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị quyền khai thác mỏ khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Do vậy, không thể nói rằng doanh nghiệp “quên tính” hay “để thiếu” hàng nghìn tỷ đồng trước khi cổ phần hóa.
Giải thích thêm về các thông tin liên quan như phương pháp chiết khấu dòng tiền, Vicem viện dẫn kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước với giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị là 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với số báo cáo do đơn vị tư vấn xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân được Vicem nêu ra là do Kiểm toán Nhà nước xác định lại tham số của các doanh nghiệp có cùng ngành nghề theo tỷ trọng nợ/vốn chủ (D/E) trung bình 5 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (đơn vị tư vấn xác định D/E tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp). Do đó, tỷ suất chiết khấu thấp hơn dẫn đến giá trị phần vốn nhà nước tăng lên.
Sản xuất sản phẩm ở Vicem. Ảnh: Vincem
Trong báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã nêu “Đơn vị tư vấn đã thực hiện theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 ban hành kèm theo Thông tư 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính”. Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu về vấn đề chênh lệch này như sau: “Hiện Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể việc tính toán chỉ tiêu này căn cứ trên dữ liệu bình quân 5 năm gần nhất hay tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp”.
Thêm một nội dung được báo cáo kiểm toán đề cập đến là khi xác định tài sản phi hoạt động là các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty chưa niêm yết gồm: Công ty Xi măng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty Xi măng Nghi Sơn thì đơn vị tư vấn mới chỉ căn cứ theo báo cáo tài chính của đơn vị nhận vốn góp (tức là theo giá trị sổ sách). Điều này có thể chưa đảm bảo xác định được giá trị thị trường của khoản đầu tư.
Còn theo Vicem, nội dung giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp này vào các công ty kể trên khoảng 3.660 tỷ đồng, tăng khoảng 1.239 tỷ đồng là thuộc phần lưu ý của Kiểm toán Nhà nước về ước tính giá trị các tài sản phi hoạt động của doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị đối với các khoản đầu tư này tiếp cận theo phương pháp thu nhập, ước tính giá trị theo dòng tiền dự báo trong tương lai. Trong khi đó, hiện nay, theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 ban hành kèm theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính không có hướng dẫn chi tiết phương pháp áp dụng đối với các tài sản phi hoạt động này.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa và giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp. Với trường hợp của Vicem, tại văn bản số 509/BXD-KHTC ngày18/3/2019 của Bộ Xây dựng gửi Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán kết quả định giá giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ – Vicem, Bộ Xây dựng cũng đã nêu rõ tình hình lập, hoàn thành phương án sử dụng đất đối với từng cơ sở nhà, đất và giá đất theo quy định.
Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp. Vicem và các đơn vị có 3 cơ sở nhà, đất được nhà nước giao đất cần xác định giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126. Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, việc tạm tính giá trị quyền sử dụng đất của 3 cơ sở nhà, đất nêu trên vì địa phương chưa có ý kiến chính thức về giá đất. Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.
Tuy nhiên, Vicem cho biết, đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, đã có 2/3 cơ sở nhà, đất được địa phương có ý kiến chính thức về giá đất làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã cập nhật và tính vào giá trị doanh nghiệp và hiện chỉ còn 1 cơ sở nhà, đất mà Bộ Xây dựng và Vicem đang tiếp tục làm việc với địa phương để có ý kiến chính thức về giá đất.
Video đang HOT
Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Rà soát lại hơn 51.000m2 đất sau cổ phần hóa tại Lào Cai
Việc xác định diện tích đất làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính hàng năm đến 2017 còn chênh chệch số liệu...
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 tại tỉnh Lào Cai.
Trong đó kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, rà soát, thu hồi và quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất các đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Kiểm toán tổng hợp cho thấy, các doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn trước năm 2011 có 15 doanh nghiệp nhà nước; giai đoạn 2011 - 2017 có 16 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này đều thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm, không xác định giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp, không có doanh nghiệp cổ phần hóa nào chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhiều con số chênh lệch
Theo kết quả kiểm toán tổng hợp và chi tiết, việc xác định diện tích đất làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính hàng năm đến 2017 còn chênh chệch số liệu giữa Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, chênh lệch do Sở Tài nguyên và Môi trường chưa gửi phiếu chuyển thông tin địa chính cho cơ quan thuế 4 thửa đất với diện tích 840m2; chênh lệch do đất đã hết thời hạn thuê đất, chưa làm thủ tục thuê lại với Sở Tài nguyên và Môi trường là 2 thửa đất có tổng diện tích gần 10.000m2; chênh lệch do cơ quan thuế tính thiếu 5 thửa đất 4.293m2; chênh lệch do cơ quan thuế tính thiếu 8 thửa đất với diện tích 75.793m2; chênh lệch do cơ quan thuế đã thu (nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường không có hồ sơ quan lý các thửa đất này) là 5 thửa với diện tích 1.623m2.
Đồng thời, kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai chưa tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước không có nhu cầu sử dụng sau cổ phần hóa (các doanh nghiệp đã có văn bản trả lại đất) để quản lý theo quy định với tổng diện tích đất khoảng 51.000m2 như của các Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai; Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai...
Chưa tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất đối với các đơn vị đã nộp hồ sơ thực hiện chuyển nhượng tài sản trên đất thuê của Nhà nước; không theo dõi, không đòi hồ sơ 5 thửa đất diện tích 1.623m2 của Công ty cổ phần vật tư Nông nghiệp.
Trong khi đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thu hồi diện tích đất khi doanh nghiệp tự nguyện trả lại để thực hiện theo quy định và xây dựng công trình công cộng cao hơn diện tích trên quyết định cho thuê; trong đó, của Công ty cổ phần Liên Sơn 4.790m2; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai hơn 1.400m2.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan thuế chưa thu thuế 4 thửa đất diện tích 1.432m2 của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp. Công ty này còn sử dụng đất không đúng mục đích như cho đơn vị khác thuê và để các hộ lấn chiếm chưa đảm bảo theo đúng quy định.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh thông tin trên hồ sơ và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Chưa có cơ sở được miễn, giảm tiền đất
Cũng theo kết quả kiểm toán, số tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2017 của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là trên 25 tỷ đồng, đã nộp gần 19 tỷ đồng, còn hơn 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006), kết thúc thời gian kiểm toán, Cục thuế Lào Cai và các doanh nghiệp cổ phần hóa được đối chiếu không cung cấp được thủ tục hồ sơ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.
Do đó, chưa đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng kiểm toán để xác nhận số tiền miễn, giảm tiền thuê đất trên 5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Một số đơn vị thì chưa thực hiện kê khai nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích đất đang sử dụng theo quy định...
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định số tiền trên 5 tỷ đồng đối với 5 doanh nghiệp cổ phần hóa; báo cáo kết quả về Kiểm toán Nhà nước; đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp đối với việc sử dụng đất nhưng không có hồ sơ về đất đai, cho thuê lại, bị lấn chiếm; xem xét, thu hồi và quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất đơn vị không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích của Công ty cổ phần Đường bộ Lào Cai gần 9.000m2; Công ty Cổ phần Thương mại Lào Cai 1.000m2; Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền 38.030m2; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lào Cai 2.842m2...
Về xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai chỉ đạo Cục Thuế tỉnh xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp Ngân sách Nhà nước, truy thu tiền thuê đất, phạt chậm nộp theo quy định đối với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Lào Cai đối với 4 thửa đất tổng diện tích 1.432m2; thực hiện kiểm tra, rà soát xác định đối tượng được miễn, giảm của 5 doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính, xin ý kiến chỉ đạo đối với những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, đảm bảo phù hợp với quy định và thực tiễn tại địa phương...
Phan Dương
Theo Vneconomy
Những doanh nghiệp sau cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giờ ra sao? Sau khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt qua đó vươn lên trở thành những cái tên đầu ngành trong những lĩnh vực khác nhau. Trong đó nổi bật là 3 doanh nghiệp đang nằm trong nhóm VN30 gồm Cơ điện lạnh (REE), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)...