Vị trí phù hợp cho Bruno Fernandes là ghế dự bị
Tuyển Bồ Đào Nha tiến vào vòng 1/8 Euro năm nay, nhưng màn trình diễn của Bruno Fernandes là khá mờ nhạt.
28 bàn thắng và 17 pha kiến tạo cho Man Utd đưa Fernandes trở thành một trong những tiền vệ tấn công hay nhất châu Âu mùa giải qua. Và người hâm mộ có quyền hy vọng anh sẽ duy trì phong độ này khi cùng Bồ Đào Nha tham dự Euro 2020.
Tuy nhiên sau 3 trận đấu tại vòng bảng, dấu ấn Fernandes để lại là khá mờ nhạt, thậm chí hoàn toàn “mất tích” trên sân. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ngôi sao 26 tuổi gây thất vọng không ít từ đầu giải?
Sự mệt mỏi
“Mệt mỏi ư? Ở tuổi 26, tôi không thể mệt mỏi. Nếu giờ tôi cảm thấy mệt mỏi, khi đến 30, 32 tuổi, tôi sẽ không thể chơi bóng”. Đó là những lời nói xuất phát từ chính Fernandes vào tháng 1/2021. Anh khẳng định bản thân miễn dịch với sự mệt mỏi.
Một lần khác vào tháng trước, Fernandes tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ nói rằng tôi mệt mỏi khi thi đấu. Ra sân thi đấu là giấc mơ của tôi. Khi còn là một đứa trẻ, tôi có thể chơi 7 hoặc 8 giờ một ngày. Vì vậy, việc thi đấu 90 phút mỗi 3 hoặc 2 ngày là không đủ”.
Người hâm mộ chắc chắn phải có sự ngưỡng mộ dành cho một cầu thủ chỉ muốn chơi bóng hàng tuần. Fernandes không hề rút lui khỏi các trận giao hữu quốc tế, anh ra sân xuyên suốt giai đoạn Giáng sinh và năm mới.
“Tôi chỉ cảm thấy thích chơi bóng”, ngôi sao người Bồ Đào Nha nói. Với Fernandes đơn giản chỉ có thế.
Fernandes có màn trình diễn đáng thất vọng ở Euro 2020. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, khi ra sân nhiều mà sự hiệu quả lại không có, người ta có quyền nghi ngờ khả năng của Fernandes. Tiền vệ này có thể vẫn háo hức như một cậu bé luôn muốn ra sân đá bóng vào giờ ra chơi, nhưng HLV Fernando Santos lại nói không.
Ở lượt trận cuối bảng F quyết định của Bồ Đào Nha gặp tuyển Pháp, Fernandes bị đẩy lên ghế dự bị sau 2 màn trình diễn mờ nhạt. Anh không cho thấy bất kỳ sự đặc biệt nào trước một hàng thủ kiên cố và có tổ chức của Hungary.
Và trước Đức, Fernandes gần như không “tồn tại”. 64 phút trên sân, 34 lần chạm, 28 đường chuyền, không cú sút, không đánh chặn, không tắc bóng , không bàn thắng, không kiến tạo. Không có gì cả.
“Hiện diện trên sân nhưng không chơi bóng” là cách Jose Mourinho miêu tả về màn trình diễn của Fernandes.
Mourinho nói thêm rằng: “Bồ Đào Nha có 3 cầu thủ tấn công xuất chúng, Bernardo Silva, Cristiano Ronaldo và Diogo Jota. Bồ Đào Nha cần có sự kết nối nhưng cho đến giờ Fernandes không thực sự chơi bóng”.
Mọi chuyện chẳng khá khẫm hơn khi Fernandes vào sân thay người ở trận gặp Pháp. Fernandes chỉ góp mặt 18 phút, và phải thừa nhận rằng trận đấu vào thời điểm đó đã an bài, 2 đội hài lòng với một kết quả hòa.
Video đang HOT
Fernandes có 4 đường chuyền, 2 lần để mất bóng và suýt khiến Bồ Đào Nha bị thổi phạt đền trong tình huống phạm lỗi không cần thiết ở phút cuối. Đó không phải là Fernandes mà chúng ta thường thấy. Một Fernandes kém cỏi và buồn tẻ.
Vậy có chuyện gì xảy ra với Fernandes? Người đàn ông không thể mệt mỏi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi chăng?
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Kể từ khi bóng đá quay trở lại sau đợt giãn cách vì virus corona, với trận đấu đầu tiên của Man Utd vào ngày 19/6 năm ngoái, Fernandes ra sân 84 trận ở cấp CLB và ĐTQG. 84 trận, một con số khổng lồ.
Trung bình cứ cách 4,4 ngày Fernandes lại thi đấu một trận. Thời gian nghỉ giữa các trận dài nhất (và về cơ bản là duy nhất) của Fernandes là 19 ngày. Đó là khoảng nghỉ vào cuối mùa hè năm ngoái (trận thua Sevilla ở bán kết Europa League ngày 16/8 cho tới trận đấu ở Nations League với Croatia ngày 5/9).
Sau khi Man Utd thất bại trước Villarreal trong trận chung kết Europa League khép lại mùa giải 2020/21 vào ngày 26/5, Fernandes lại phải xỏ giày ra sân ở trận giao hữu của Bồ Đào Nha với Tây Ban Nha 9 ngày sau đó.
Trong số 84 trận đấu kể trên, Fernandes đá chính 72 trận và có mặt trên sân 6.641 phút. Đối với Man Utd nói riêng, Fernandes là người không thể thay thế. Đó là lúc Fernandes chứng tỏ tầm quan trọng khi có mặt trên sân, hoặc phải rời khỏi ghế dự bị để cứu vớt đội bóng.
Nhưng có những trận đấu khá vô bổ, như khi Fernades ra sân từ đầu ở lượt về vòng 1/16 đội Europa League gặp Real Sociedad vào tháng 2, dù “Quỷ đỏ” thắng lượt đi với tỷ số 4-0. Và rồi Fernandes lại vào sân từ băng ghế dự bị trận gặp Luton Town ở Carabao Cup, bất chấp kết quả đã an bài.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi đôi chân của Fernandes không còn cho thấy sự thanh thoát vào cuối mùa giải. Những bàn thắng và kiến tạo dần cạn kiệt. Bằng chứng là Fernandes chỉ có 3 bàn và 1 kiến tạo trong 12 trận đấu cuối cùng ở Premier League.
Trong số 61 trận của Man Utd mùa giải vừa qua, Fernandes xuất hiện trong 58 trận với 51 trận ra sân ngay từ đầu. Kể từ tháng 6 năm ngoái, Fernandes đã ra sân 84% tổng số phút của Man Utd. Đối với tuyển Bồ Đào Nha (13 trận thi đấu và 8 lần xuất phát từ đầu trong số 16 trận), con số này giảm xuống còn 64%.
Tổng số phút thi đấu tại Premier League của Fernandes trong 12 tháng đầu tiên đặt chân tới xứ sở sương mùa là 2.761 trên tổng số 2.970 phút. Hay nói cách khác, Fernandes ra sân 93% tổng số phút có thể.
Xét về phong độ cao, về việc trở thành tâm điểm của đội bóng tuần này qua tuần khác, về sự mệt mỏi về tinh thần cũng như về thể chất, ai cũng cần được nghỉ ngơi hợp lý và Fernandes thì chưa.
Thử so sánh số phút của Fernandes với số phút của người đá cạnh với anh trong 2 trận gặp Hungary và Đức – Bernardo Silva. Giống như Fernandes, ngôi sao của Man City không dính bất kỳ chấn thương đáng kể nào trong năm qua.
Silva, bằng tuổi Fernandes, ra sân 71 trận so với 84 của người đồng hương nhưng thời gian thi đấu ít hơn nhiều, chỉ là 4.820 phút. Đó là 1.821 phút khác biệt, tương đương khoảng 20 trận đấu 90 phút.
Fernandes không còn là chính mình. Ảnh: Reuters.
Khác biệt trong lối chơi
Nếu sự mệt mỏi có thể giải thích phần nào cho việc Fernandes không thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn tại kỳ Euro 2020, thì điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện.
Ở Man Utd, Fernandes là ngôi sao, tâm điểm, mọi thứ đều thông qua đôi chân của anh. Fernandes phát huy tốt trách nhiệm đó. Với Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo là số một.
Họ cũng chơi thứ bóng đá thực dụng dưới thời Santos. Fernandes thường tung ra những đường chuyền mạo hiểm và hướng về phía trước. Độ chính xác từ các đường chuyền của Fernandes có thể thấp, nhưng một cú phất bóng hoàn hảo có thể mang tới một khoảnh khắc quyết định.
Thành công năm 2016 của Bồ Đào Nha được xây dựng dựa trên khả năng tổ chức và phòng ngự, trước hết và quan trọng nhất. Lần này, ông Santos quyết định thay đổi khi trong tay sở hữu nhiều cầu thủ xuất sắc trên hàng công, với Fernandes, Bernardo Silva, Jota, Joao Felix, Andre Silva, Goncalo Guedes và cả Pedro Goncalves.
Thực tế trong suốt quá trình chuẩn bị cho VCK Euro 2020, ông Fernandes mạnh dạn sử dụng một sơ đồ thiên về tấn công. Nhưng rồi thất bại trước tuyển Đức là cú tát khiến vị HLV này thức tỉnh. Ông cần phải quay về với công thức của năm 2016.
Trận gặp Pháp, ông quyết định gọi lại 2 nhân vật chủ chốt của năm 2016, Joao Moutinho và Renato Sanches, loại bỏ Fernandes và chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 sang 4-1-4-1. Bồ Đào Nha thi đấu chắc chắn hơn, hoạt động hiệu quả hơn, và có được trận hòa trước nhà vô địch thế giới. Sanches, thay thế Fernandes, là sự khác biệt.
“Tôi thích cách cả đội thể hiện”, HLV Santos nói sau trận hòa Pháp. “Chúng tôi hôm nay tỏ ra mạnh mẽ, nhất quán trong suốt trận đấu, các cầu thủ hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi có thể cầm bóng và có thể xây dựng lối chơi từ phía sau, cũng như tạo ra cơ hội”.
Tất cả những điều đó đặt ra câu hỏi, liệu Fernandes có trở lại đội hình xuất phát ở vòng 1/8 gặp tuyển Bỉ? Hay một trong những cầu thủ hiệu quả nhất, sáng tạo và hay nhất của Premier League tiếp tục bị ngó lơ?
Nếu điều đó xảy ra, ít nhất Fernandes cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi.
Renato Sanches là lời giải cho tuyến giữa Bồ Đào Nha
Huấn luyện viên Fernando Santos đã có lựa chọn đúng đắn khi cất Bruno Fernandes lên ghế dự bị để nhường chỗ cho Renato Sanches trong trận gặp Pháp.
Rạng sáng 24/6, trận thư hùng giữa đương kim vô địch (ĐKVĐ) thế giới và ĐKVĐ châu Âu trên sân Puskas Arena đã diễn ra chất lượng, kịch tính, làm hài lòng kể cả những người hâm mộ khó tính nhất.
Sau trận đấu đêm qua, người ta sẽ nói về Ronaldo với việc san bằng kỷ lục ghi bàn cho ĐTQG của Ali Daei (Iran), Benzema với bàn thắng đầu tiên cho ĐQTG kể từ tháng 10/2015 hay Paul Pogba trong ngày đá bóng với "thái độ nghiêm túc". Nhưng còn một cái tên không thể không nhắc đến, Renato Sanches - người đem đến một Bồ Đào Nha tích cực.
Dấu ấn Renato Sanches
2trận đấu trước, HLV Fernando Santos sử dụng bộ đôi William Carvalho và Danilo Pereira cho vị trí tiền vệ phòng ngự. Chiến thắng trong 10 phút cuối trận trước Hungary khiến người ta quên đi những tồn tại trong lối chơi của đội tuyển Bồ Đào Nha ở hơn 80 phút trước đó.
Tuy nhiên, thất bại nặng nề 2-4 trước đội tuyển Đức đã phơi bày nhiều vấn đề của nhà đương kim vô địch. Người ta nhìn thấy ở Bồ Đào Nha một hàng phòng ngự lỏng lẻo, một hàng công nhạt nhòa, nhưng hơn hết là một hàng tiền vệ thiếu tính gắn kết, thiếu sự mạnh mẽ trong tranh chấp, bất lực trong việc kiểm soát trận đấu. Và đại diện tiêu biểu cho sự bạc nhược này, điểm đến của những lời chỉ trích là tiền vệ đang thi đấu cho Manchester United, Bruno Fernandes.
2 lượt trận đầu tiên, Renato Sanches đều phải bắt đầu trận đấu trên băng ghế dự bị và chỉ được vào sân trong hiệp 2, khi Bồ Đào Nha đang ở tình thế khó khăn. Trước Hungary là thế trận bế tắc chưa tìm được đường vào khung thành đối phương. Trước Đức là thế trận lép vế và đang bị dẫn trước với tỷ số 1-2. Ở cả 2 trận đấu, sau khi được tung vào sân, tiền vệ sinh năm 1997 này đều để lại những dấu ấn cá nhân.
Renato Sanches trở thành khắc tinh của NGolo Kante. Ảnh: Reuters.
Trong trận đấu với Hungary là tình huống chuyền bóng khéo léo cho Rafa Silva dẫn đến quả Penalty hay tình huống phát động đem về bàn thắng ấn định tỷ số 3-0. Trong trận thua trước Đức là tình huống sút bóng dội cột dọc từ ngoài vòng 16,5 m, cú sút trái phá đi với tốc độ khiến cả thủ môn đội bạn, cầu thủ trên sân lẫn khán giả không thể nhìn ra đường đi của trái bóng.
Trận đấu đêm qua, Renato Sanches được HLV Fernando Santos điền tên vào đội hình xuất phát thay cho cầu thủ đang hứng chịu nhiều chỉ trích sau 2 trận đấu mờ nhạt - Buruno Fernandes, với hy vọng sự cải thiện nơi tuyến giữa. Đáp lại sự tin tưởng của ông thầy, Renato Sanches đã đem đến màn trình diễn nức lòng người hâm mộ "Brazil châu Âu".
Với nền tảng thể lực sung mãn cùng khả năng tỳ đè, che chắn, tranh chấp quyết liệt, Renato Sanches có mặt ở mọi điểm nóng trên sân. Mạnh mẽ là vậy, nhưng Renato Sanches cũng có không ít những pha xử lý mềm mại, những tình huống qua người khéo léo.
Sự có mặt của Renato Sanches trên sân khiến những cầu những đồng đội của anh dễ đá hơn nhiều. William Carvalho, Danilo Pereira ít phải tranh chấp hơn. Bernardo Silva, Diogo Jota rảnh chân hơn và có thể chuyên tâm cho mặt trận tấn công. N'Golo Kante như thường lệ, vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Nhưng hôm qua, ở bên kia chiến tuyến, anh có đồng nghiệp cùng vị trí cũng xuất sắc không kém, đó là Renato Sanches.
Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa là kết quả đủ làm cả hai đội hài lòng. Tuy nhiên, có lẽ người vui nhất chính là HLV Fernando Santos khi ông đã tìm ra lời giải cho bài toán tuyến giữa của đội tuyển Bồ Đào Nha.
"Cậu bé vàng" hồi sinh
Tại Euro 2016, khi mới 18 tuổi, Renato Sanches góp công giúp Bồ Đào Nha lần đầu tiên đăng quang ở đấu trường châu lục. Bản thân tiền vệ này được bầu chọn là cầu thủ trẻ hay nhất giải. Trước đó là cùng Benfica bảo vệ thành công chức vô địch giải đấu quốc nội. Chưa dừng lại ở đó, trong cùng năm, anh dành chiến thắng trong cuộc bầu chọn giải thưởng Golden Boy (Cậu bé vàng).
Hợp đồng 5 năm với Bayern Munich được ký kết. Sự nghiệp Renato Sanches như được trải thảm đỏ, người ta hình dung về tương lai màu hồng, sáng lạn dành cho tiền vệ trẻ, tài năng bậc nhất thế giới thời điểm đó.
Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng với Renato Sanches. Dưới áp lực của các danh hiệu và giải thưởng đã dành được cùng khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới, sự thay đổi môi trường, ngôn ngữ và sự cạnh tranh khốc liệt với các tiền vệ hàng đầu thế giới đang khoác áo Bayern Munich ở thời điểm đó, Renato Sanches không đáp ứng được kỳ vọng của CLB, HLV và người hâm mộ. Tiền vệ này dần đánh mất mất sự tự tin trong chơi bóng và ngày càng trượt dài trong sự sa sút phong độ. Tên anh dần ít được nhắc đến và người ta đã nghĩ về một "Cậu bé vàng không lớn".
Sự nghiệp của Sanches hồi sinh sau quyết định gia nhập Lille vào năm 2019. Ảnh: Reuters.
Phiêu bạt sang Anh thi đấu cho Swansea rồi lại quay về Bayer Munich, Renato Sanches miệt mài đi tìm lại chính mình nhưng kết quả vẫn chỉ là những cảm xúc buồn. Chỉ đến khi, Lille xuất hiện và chấp nhận dành cho anh một bản hợp đồng giá trị kỷ lục của CLB, cơ hội thực sự mới đến với Renato Sanches.
Tại Pháp, với đẳng cấp cùng năng lượng và sức sáng tạo vốn có, nay được bổ sung thêm sự tự tin, Renato Sanches đã trở lại là chính mình. Tiền vệ này góp công lớn giúp Lille vô địch Ligue 1, lật đổ sự thống trị của gã nhà giàu Paris Saint-Germain đội hình toàn sao. Thành tích mà không nhiều người dám nghĩ đến khi giải đấu bắt đầu.
Tìm lại được chính mình trong màu áo câu lạc bộ, lại đang có những màn thể hiện xuất sắc trong màu áo đội tuyển, có thể nói "Cậu bé vàng" đã hồi sinh. Ở tuổi 23, khi nhiều đồng nghiệp mới bắt đầu được biết đến, thì Renato Sanches đã trải qua đầy đủ những thăng trầm của sự nghiệp cầu thủ. Để giờ đây, những thất bại trong quá khứ lại chính là kinh nghiệm quý giá để Renato Sanches hướng đến tương lai tươi sáng, sự nghiệp thành công - xứng đáng với kỳ vọng dành cho "Cậu bé vàng".
Bruno Fernandes, từ ngôi sao MU đến bóng ma EURO Bruno Fernandes trải qua mùa giải ấn tượng với MU, nhưng thể hiện phong độ thất vọng cùng Bồ Đào Nha ở EURO 2020. Khi Bruno Fernandes mất tích Khi bước vào EURO 2020, hành trang của Bruno Fernandes là 28 bàn thắng cho MU, cùng 17 pha kiến tạo. Trong đó, anh có 18 bàn và kiến tạo 11 ở Premier League....