Vì trận đấu với đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup, Thái Lan liên tục phá lệ
Để chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam, bóng đá Thái Lan ít tuần gần đây liên tục phá lệ, thậm chí có những quyết định phá vỡ cả kỷ cương của nền bóng đá đất Chùa Vàng. Những sự việc cho thấy chưa hẳn người làm bóng đá Thái Lan là những nhân vật chuyên nghiệp.
Đầu tiên là câu chuyện phá vỡ truyền thống qua nhiều năm của King’s Cup, tổ chức bốc thăm lại các cặp đấu, mà chưa bốc thăm, nhiều người đã đoán được kiểu gì đội tuyển Thái Lan cũng đụng độ với đội tuyển Việt Nam tại bán kết.
Mới đây là việc Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) xoá án “treo giò” 8 trận cho tiền vệ tấn công Sanrawat Dechmitr của CLB Bangkok United, để Dechmitr kịp tập trung đội tuyển Thái Lan, tham dự King’s Cup.
Trước đó, Sanrawat Dechmitr từng đấm trộm vào bụng trọng tài trong một trận đấu tại Thai-League, một hành vi được cho là rất nghiêm trọng, có thể bị “treo giò” rất dài ở các nền bóng đá khác.
Sanrawat Dechmitr, nhân vật khởi nguồn cho những tranh cãi của bóng đá Thái Lan gần đây
Nhưng bóng đá Thái Lan rất nhanh chóng xoá án cho Dechmitr, vì lo rằng không có lực lượng tốt nhất cho lần đụng độ với đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup.
Có vẻ như khát khao đánh bại đội bóng của HLV Park Hang Seo từ phía bóng đá Thái Lan quá lớn, những toan tính về mặt thương mại của họ cho trận đấu Thái Lan – Việt Nam, và cho cả King’s Cup cũng quá lớn, khiến cho nhiều giá trị chuyên môn, giá trị truyền thống, và tính kỷ cương của cả một nền bóng đá bị che mờ.
Cầu thủ tấn công trọng tài là hành vi rất nghiêm trọng, nhưng vẫn được xí xoá cho qua, thì khác nào chính những nhà điều hành bóng đá Thái Lan đang tự chỉ ra những hạn chế của mình trong cách điều hành nền bóng đá, và tự chỉ ra rằng bóng đá Thái Lan cũng không quá chuyên nghiệp như người ta từng lầm tưởng.
Những động thái gần đây từ phía FAT cho thấy họ chủ yếu đối phó với dư luận (người hâm mộ vốn đang mất dần kiên nhẫn khi Thái Lan liên tục xếp sau các đội tuyển Việt Nam ở các giải quốc tế từ năm 2018), hơn là xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp, hoặc hướng đến những chiến lược lâu dài.
Thật khó tưởng tượng một nền bóng đá từng được xem là số 1 Đông Nam Á lại có đội tuyển quốc gia không được dẫn dắt bởi một HLV đúng tiêu chuẩn (HLV Sirisak Yodyardthai hiện tại của đội tuyển Thái Lan không đủ bằng cấp theo quy định của FIFA, để nắm đội tuyển ở các giải quốc tế) như nền bóng đá Thái Lan.
Cũng thật khó tưởng tượng một nền bóng đá vốn được cho là “anh cả” của Đông Nam Á, lại tiền hậu bất nhất về kết quả bốc thăm của một giải giao hữu, để sớm được hơn thua với một đội bóng khác trong khu vực, vốn mới chỉ chớm thành công trong hơn 1 năm qua.
Nhưng tất cả những nghịch lý vừa nêu dần đang được lý giải, khi nhìn vào cách điều hành yếu kém của FAT hiện giờ. Cung cách điều hành đang biến Thái Lan từ nền bóng đá số 1 khu vực trở thành nền bóng đá có nhiều quyết định khó hiểu nhất, rắc rối nhất khu vực!
Theo Dân Trí
'Nhiều thủ môn xứng đáng lên tuyển Việt Nam hơn Bùi Tiến Dũng'
Dưới góc nhìn của một cựu thủ môn từng là trụ cột của đội tuyển quốc gia, Dương Hồng Sơn chỉ rõ Bùi Tiến Dũng không đáp ứng đủ yếu tố để được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự King's Cup vào đầu tháng 6 và giới hâm mộ đang có nhiều đồn đoán về tương lai của những cái tên quen thuộc, trong đó có Bùi Tiến Dũng.
Sau thành công tại AFF Cup 2018, Đăng Văn Lâm sang Thái Lan khoác áo Muangthong United và anh trở thành thủ môn số một của đội bóng Thái Lan. Bên cạnh đó, một số thủ môn khác thi đấu thăng hoa tại giải quốc nội khiến người hâm mộ đang đồn đoán về những suất lên tuyển chuẩn bị cho King's Cup.
Bùi Tiến Dũng đang dần "mất tích" bởi không được thi đấu. Ảnh: Quang Thịnh.
Cần duy trì phong độ ổn định
Một trong những cái tên được mang ra bàn tán nhiều nhất là Bùi Tiến Dũng của CLB Hà Nội. Thủ môn này thể hiện tốt tại vòng chung kết U23 châu Á 2018 và vòng loại U23 châu Á 2020 vừa qua. Thế nhưng, ở cấp độ đội tuyển quốc gia lại khác.
Thực tế, từ khi về khoác áo đội bóng thủ đô, Bùi Tiến Dũng không được ra sân một phút nào bởi không cạnh tranh được với đàn anh Nguyễn Văn Công. Thế nhưng nhiều người hâm mộ vẫn chờ đợi "phép màu" để anh được HLV Park Hang-seo triệu tập.
Dẫu vậy, dưới góc nhìn của một cựu thủ môn, từng là trụ cột của độ tuyển Việt Nam, Dương Hồng Sơn lại cho rằng vị trí thủ môn lúc này nên trao cơ hội cho những người khác. "Tài năng chỉ là một phần. Quan trọng nhất ở vị trí thủ môn là sự ổn định về phong độ. Muốn được vậy, mỗi người phải được chơi bóng thường xuyên để duy trì", anh nói.
Về trường hợp của Bùi Tiến Dũng, Hồng Sơn cho rằng thủ môn gốc Thanh Hóa cần được thi đấu nhiều hơn trước khi nghĩ tới việc được triệu tập: "Thủ môn cần giữ được phong độ cao và ổn định. Trong những trận cầu lớn, anh ta phải thể hiện được khả năng. Không phải cứ thủ môn có tiếng là được gọi lên đội tuyển, dù anh ta dự bị ở CLB".
Bùi Tiến Dũng không thể tranh chấp với Văn Công (phải) tại CLB Hà Nội. Ảnh: Quang Thịnh.
Nhiều cái tên xứng đáng
Dưới góc nhìn của một người đàn anh trong nghề, Dương Hồng Sơn nhận thấy nhiều thủ môn có cả tố chất và sự ổn định cũng như kinh nghiệm thi đấu. Theo quan điểm của anh, đó là điều tốt cho bóng đá Việt Nam.
"Điều khiến tôi vui mừng là chúng ta có nhiều thủ môn tốt, được chơi bóng thường xuyên và trong đó có cả những người trẻ như Văn Toản của CLB Hải Phòng. Điều đó dẫn tới cuộc cạnh tranh về trình độ và giúp từng người phát triển về nghề nghiệm", Quả bóng vàng AFF Cup 2008 bày tỏ.
"Văn Lâm là người cần nhắc đến đầu tiên, anh ta chơi rất hay ở Muangthong. Tuấn Mạnh cũng là người thể hiện tốt, dù đội bóng của anh ta đang bất ổn. Ngoài ra cần nhắc đến Văn Hoàng của CLB Sài Gòn hay Văn Công của CLB Hà Nội", Dương Hồng Sơn chỉ ra một số cái tên "hot" theo quan điểm của mình.
"Văn Hoàng hay Văn Công không phải là người quá nổi bật, nhưng họ duy trì sự chắc chắn và ổn định trong quá trình dài. Tôi nghĩ, ở một giải đấu mang tính giao hữu thì nên trao cơ hội cho nhiều người", cựu thủ môn này nói thêm.
Theo ý kiến của Dương Hồng Sơn, thủ môn là vị trí đặc thù nên càng phải quan tâm, lưu ý, tránh tình trạng bất công, dễ dẫn tới sự chán nản và hệ lụy của nó là lực lượng người gác đền suy yếu.
"Tôi cho rằng nên có sự công bằng. Điều đó vừa thể hiện rằng những nỗ lực, cố gắng của các thủ môn đều được ghi nhận. Nó cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển nói chung nữa", Hồng Sơn nói.
Đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân vào đầu tháng 6 trước khi tham dự King's Cup từ 5-8/6 tới. Thầy trò HLV Park Hang-seo đối đầu chủ nhà Thái Lan ở trận bán kết lúc 19h45 ngày 5/6, trước khi xác định cặp đấu tiếp theo. Ông Park dự kiến sẽ triệu tập 23 cầu thủ cho giải đấu sắp tới.
Cùng thời điểm, U22 Việt Nam cũng tập trung chuẩn bị cho trận giao hữu gặp U22 Myanmar (vào 7/6). Bùi Tiến Dũng vẫn đủ tuổi tham dự và anh có cơ hội được điền tên ở cả 2 bản danh sách triệu tập.
Nếu với cấp đội đội tuyển quốc gia, có nhiều cái tên tranh chấp với thủ thành người Thanh Hóa thì ở cấp độ U22, hiện tại chỉ có Văn Toản là đối thủ đáng gờm nhất đối với Tiến Dũng. Thế nên, cơ hội góp mặt hoặc thậm chí bắt chính của Bùi Tiến Dũng ở đội U22 Việt Nam vẫn là khá sáng.
Lịch thi đấu King's Cup 2019. Đồ họa: Minh Phúc.
'Bùi Tiến Dũng là một thủ môn khiêm tốn và có năng lực'. Nhận xét về người đồng đội cũ Bùi Tiến Dũng ở CLB Thanh Hóa, cầu thủ nhập tịch Danny Van Bakel dành những lời khen ngợi.
Theo Zing
Thầy Hàn nói điều bất ngờ với Văn Thanh, Tuấn Anh ở đội tuyển Việt Nam HLV Lee Tae Hoon của HAGL khẳng định mình sẽ không tiến cử bất cứ cầu thủ nào với HLV Park Hang Seo, ngay cả khi Tuấn Anh và Văn Thanh đang có sự trở lại đầy ngoạn mục. Nhìn lại trận đấu Viettel - HAGL Chiều 12/5 ở sân Hàng Đẫy, trong trận Viettel - HAGL, Văn Thanh chính là cầu thủ...