Vị tổng thống “tù tội”
Dù đang phải thụ án 25 năm tù giam vì “các tội ác chống loài người” trong thời gian cầm quyền, nhưng ngày 8-1, một tòa án Peru đã tuyên án thêm 8 năm tù đối với cựu Tổng thống Alberto Fujimori vì tội biển thủ công quỹ để lôi kéo sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo phán quyết của tòa án, ông A.Fujimori, 76 tuổi, đã biển thủ hàng chục triệu USD từ ngân quỹ quân sự để vận động các tờ báo đưa thông tin bất lợi nhằm bôi nhọ uy tín của các đối thủ chính trị cũng như bơm tiền cho chiến dịch tái tranh cử của mình hồi năm 2000. Ông cũng bị yêu cầu phải bồi thường 1 triệu USD liên quan đến các tổn thất dân sự.
Cựu Tổng thống Alberto Fujimori. (Nguồn; AP)
Đây là phiên tòa thứ 5 xét xử cựu Tổng thống A.Fujimori kể từ khi ông này trở về Peru năm 2007. Trước đó, trong hai phiên đầu tiên, chính khách này đã bị kết án lần lượt là 6 và 7 năm tù giam vì tội lạm dụng chức quyền và tham nhũng. Tháng 4-2009, ông lại bị kết án 25 năm tù vì liên quan việc thành lập “đội quân tử thần” khiến 25 người thiệt mạng hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm chính phủ của ông đang đương đầu với lực lượng nổi dậy. Tháng 9-2009, với tội danh hối lộ nghị sĩ, lạm dụng ngân quỹ công để mua một kênh truyền hình, đặt máy nghe lén điện thoại các nhân vật đối lập, nhà báo cùng các doanh nhân, cựu tổng thống lại bị kết án thêm 6 năm tù giam. Tuy nhiên, những án phạt trên chỉ mang tính biểu tượng bởi luật pháp Peru quy định không cộng dồn các án phạt mà các phạm nhân sẽ phải chịu án phạt cao nhất ở cùng thời điểm. Hiện ông A.Fujimori vẫn đang phải thụ án phạt cao nhất là 25 năm tù giam.
Là con một gia đình Nhật di cư đến quốc gia Nam Mỹ từ trước Chiến tranh thế giới II, ông A.Fujimori giữ hai quốc tịch Nhật và Peru. Năm 1990, ông bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Peru trước đối thủ là nhà văn nổi tiếng thế giới Mario Vargas Llosa. Sau khi lên làm tổng thống, ông A.Fujimori thực hiện nhiều cải cách quan trọng, đưa Peru thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị dưới thời của người tiền nhiệm Alan Garcia. Tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ không ngừng tăng. Tuy nhiên, sau khi ông giải tán quốc hội, “treo” hiến pháp và đình chỉ bộ máy tư pháp, ông lại vấp phải những chỉ trích về việc có tính cách của một nhà độc tài.
Video đang HOT
Trong cuộc chạy đua nhiệm kỳ tổng thống thứ ba vào năm 2000, ông A.Fujimori bị chỉ trích kịch liệt về lạm quyền và đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ Alejandro Toledo, một giáo sư kinh doanh. Trong cuộc tranh cử vào tháng 4, không ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu và cuộc bầu cử được tổ chức lại. Tuy nhiên, ông A.Toledo đã tẩy chay bầu cử vì cho rằng có gian lận và ông A.Fujimori tái đắc cử. Thế nhưng, quyền lực của ông A.Fujimori bị suy chuyển nghiêm trọng vào tháng 9-2000, khi người đứng đầu cơ quan tình báo của ông là Vladimiro Montesinos dính bê bối tham nhũng. Sau khi sa thải Montesinos, ông A.Fujimori kêu gọi bầu cử tổng thống sớm vào tháng 4-2001 và hứa không tranh cử nữa.
Thế nhưng, ngày 16-11-2000, Tổng thống A.Fujimori đang dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Brunei, các đảng đối lập đã chiếm quyền kiểm soát Quốc hội. Ngày hôm sau, ông A.Fujimori rời Brunei để bay sang Nhật Bản sống lưu vong và thông báo từ chức tổng thống. Tuy nhiên, Quốc hội Peru đã bác đơn từ chức và bỏ phiếu phế truất ông. Năm 2005, ông bất ngờ đến Chile, quốc gia láng giềng của Peru, để khôi phục lại tham vọng chính trị. Tuy nhiên, tại đây, ông A.Fujimori đã bị quản thúc, bị dẫn độ về Peru vào ngày 22-9-2007 rồi 5 lần bị đưa ra xét xử trước tòa án và dành phần đời còn lại sau song sắt nhà tù.
Theo_Hà Nội Mới
Lá thư cảm động gửi "mẹ Nga" của một lính tăng Ukraine
"Khi người lính kia cùng pháo thủ và lái xe nhảy ra ngoài, chúng tôi chỉ cần bấm nút là họ sẽ bị xóa sổ khỏi thế giới này. Nhưng chúng tôi đã không làm vậy, chúng tôi đã để họ bỏ chạy".
Mới đây, một người lính xe tăng Ukraine đã trở thành một "hiện tượng" trên Internet khi ông này chia sẻ câu chuyện về việc tha mạng cho một "lính Nga" ở miền đông Ukraine và gửi một lá thư ngỏ đầy cảm động cho mẹ của người lính đó trên Facebook.
Sau khi chiến sự nổ ra và leo thang ở miền đông Ukraine, người nông dân Alexei Chaban rời nông trại của mình để lên đường nhập ngũ, và trở thành một thiếu úy chỉ huy xe tăng thuộc Tiểu đoàn Tăng 17 quân đội Ukraine.
Cũng như nhiều người lính Ukraine khác, Chaban mang theo bên mình chiếc điện thoại di động khi ra chiến trường, để ông có thể liên lạc với người thân trong gia đình và chia sẻ những cảm nhận của mình sau mỗi trận chiến với các đồng đội thông qua mạng xã hội Facebook.
Thiếu úy Chaban bên chiếc xe tăng do ông chỉ huy
Hôm thứ Ba, Chaban kể trên trang Facebook của mình về một cuộc đụng độ ở gần làng Sanzharivka, phía bắc thị trấn Debaltseve, nơi quân đội Ukraine đang bị các chiến binh ly khai vây hãm. Chaban kể rằng ông đã chứng kiến xe tăng của phe ly khai lao qua người một binh sĩ Ukraine bị thương, khiến ông "không biết phải diễn tả cảm xúc lúc đó như thế nào".
Sau đó, Chaban bắt đầu viết và đăng lên Facebook lá thư ngỏ gửi tới "người mẹ Nga" của một người lính đối phương đã được ông tha mạng trong một cuộc đấu hỏa lực xe tăng diễn ra hôm 22/1.
Chaban kể lại: "Chiếc xe tăng của tôi bắn trúng xe tăng T64-BV của đối phương, khiến nó đứng im bất động. Khi người lính kia cùng pháo thủ và lái xe nhảy ra ngoài, chúng tôi chỉ cần bấm nút là họ sẽ bị xóa sổ khỏi thế giới này. Nhưng chúng tôi đã không làm vậy, chúng tôi đã để họ bỏ chạy".
Chaban đã tìm thấy trong chiếc xe tăng bị bắn trúng trên một chiếc điện thoại gắn thẻ sim của Nga. Chaban đã đăng một bức ảnh ông tìm thấy trong chiếc điện thoại này lên Facebook, chụp một người lính trung tuổi mặc đồ rằn ri và đội mũ lính tăng của Nga.
Bức ảnh chụp người "lính Nga" do Chaban đăng lên mạng
Chaban cho rằng người đàn ông này là một lính Nga nên đã quyết định gửi một lá thư ngỏ cho mẹ của ông ta, kèm với đó 3 số điện thoại và địa chỉ được cho là của người mẹ trên mà ông tìm thấy trong chiếc điện thoại bị bỏ lại.
Trong lá thư ngỏ đầy cảm động trên, Chaban đã giải thích với "người mẹ Nga" rằng người Ukraine đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như tham nhũng, tội phạm, nghèo đói, thất nghiệp, nên họ phải lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chaban cũng đảm bảo với "người mẹ Nga" rằng người Ukraine không phải là những kẻ phát xít ăn thịt trẻ em hay cưỡng hiếp người tàn tật, mà chỉ là những con người bình thường yêu hòa bình, yêu đất nước, yêu trẻ em.
Chaban viết: "Xin hãy nói với con trai của bà rằng kiếm sống trên nỗi khổ đau của người khác là không tốt. Anh ta có thể về nhà và tìm một công việc khác. Anh ấy có thể sống cuộc đời thanh bình mà không cảm thấy tội lỗi trong tâm hồn".
Theo Khampha
Triều Tiên: Muốn hội đàm, phải nộp 10 tỉ USD Trong cuốn sách chuẩn bị được công bố, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã tiết lộ một thông tin gây sốc, đó là Triều Tiên đã từng đòi Hàn Quốc phải nộp 10 tỉ USD và nửa triệu tấn lương thực vào năm 2009 như một điều kiện tiên quyết để tổ chức hội đàm. Người tiền nhiệm của ông Lee...