Vị thiếu tá phát xít Đức liều mạng cứu hàng trăm người Do Thái
Bất chấp làm việc cho phát xít, lực lượng khét tiếng reo giắc nỗi kinh hoàng cho hàng triệu người, vị thiếu tá Đức vẫn dũng cảm chống lại cái ác, bảo vệ người vô tội.
Thiếu tá Karl Plagge – người phục vụ Đức Quốc xã nhưng dùng mọi nỗ lực để bảo vệ những người Do Thái vô tội.
Phát xít Đức thường gắn liền với hình ảnh những tên đồ tể khát máu, thẳng tay giết hại những người vô tội. Tuy nhiên, lịch sử cũng từng chứng kiến một số trường hợp ít ỏi tướng lĩnh của Đức Quốc xã sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình để cứu mạng người dân Do Thái – dân tộc nằm trong mục tiêu xóa sổ của trùm phát xít Hitler.
Vị thiếu tá kiên quyết từ chối tư tưởng của phát xít Đức
Sinh ra ở Đức vào năm 1897, Karl Plagge bị tàn tật vĩnh viễn sau khi mắc bệnh bại liệt trong tù trong Thế chiến thứ nhất.
Ông tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư và sau đó lấy bằng Thạc sĩ hóa học tại Đại học Frankfurt. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, Karl điều hành một phòng thí nghiệm y tế tại nhà mẹ đẻ để cố gắng hỗ trợ gia đình vượt cơn suy thoái..
Từng tham gia vào Thế chiến I, ông ban đầu cũng bị cuốn hút bởi những lời hứa hẹn của trùm phát xít Adolf Hitler và Đức Quốc xã về việc phục hưng nền kinh tế Đức cùng niềm tự hào dân tộc trong bối cảnh nước này đang vật lộn với nhiều khó khăn chồng chất sau chiến tranh.
Karl Plagge (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình.
Năm 1931, Karl Plagge gia nhập Đức Quốc xã và tham gia các hoạt động xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, nảy sinh mâu thuẫn với lãnh đạo đảng địa phương khi ông từ chối tuyên truyền các lý thuyết về chủng tộc Đức thượng đẳng mà phát xít Đức đang cố nhồi nhét vào trí óc người dân.
Là người làm khoa học, Karl Plagge không hề có niềm tin vào những giá trị mà Đức Quốc xã tuyên bố và tìm cách lan rộng.
Thậm chí, ông đã mạo hiểm cuộc sống của mình để bí mật điều trị cho các bệnh nhân Do Thái và nhiều lần lên án các dự án khoa học phát xít Đức thực hiện là mất nhân tính.
Bất chấp mọi lệnh cấm để cứu giúp người Do Thái
Từ năm 1941 – 1944, Karl Plagge đã cấp 250 giấy phép cho nam giới, bảo vệ hơn 1.000 người bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn người Do Thái bị truy lùng và giết hại gắt gao nhất.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, ông Karl còn đảm đương vị trí sĩ quan chỉ huy đơn vị HKP 562 (xưởng chế tạo xe) ở Vilnius (Litva ngày nay).
Công việc này giúp ông được tự do trong việc tuyển lao động mà không cần phải qua cấp trên xét duyệt. Các công nhân làm việc tại xưởng cũng không cần kỹ năng thành thạo, họ có thể là thợ hớt tóc, thợ đóng giày, người bán thịt.
Vị thiếu tá này cũng cung cấp các giấy phép lao động để giải cứu người Do Thái khỏi nhà tù và chuyển tù nhân sang làm việc cho xưởng xe của mình.
Người Do Thái làm việc trong xưởng công nhân của vị thiếu tá không chỉ được cung cấp thực phẩm đầy đủ mà còn được ông Karl cùng những nhân viên cấp dưới ra sức bảo vệ mỗi khi bị phát xít Đức đe dọa tính mạng.
Video đang HOT
Hành động này của ông đã bảo vệ những người công nhân và gia đình họ khỏi các cuộc càn quét của quân đội phát xít Đức tại khu vực trại tập trung địa phương, nơi những người Do Thái không có giấy tờ làm việc phải chịu kết cục thảm thương trong một trại hành quyết gần đó.
Trong xưởng chế tạo xe của ông, công nhân được cung cấp thức ăn đầy đủ, thậm chí vị thiếu tá còn bổ sung thêm nhiều khẩu phần ăn nóng hổi cho mọi người mỗi ngày.
Người đàn ông tốt bụng này bất chấp những lệnh cấm của phát xít Đức để cho phép người lao động trao đổi thực phẩm ra bên ngoài với những người dân địa phương để có thêm nguồn thức ăn nuôi sống gia đình.
Ngoài ra, Karl Plogge còn hỗ trợ quần áo ấm, đồ dùng y tế cùng củi đốt – những loại mặt hàng khan hiếm vào thời điểm đó. Nhiều lần, ông Karl cùng nhiều sĩ quan cấp dưới đứng ra bảo vệ, giải thoát cho công nhân và người thân của họ khi họ bị lực lượng chuyên biệt bắt được.
Bị buộc tội oan
Việc liên tiếp từ chối đi theo các giáo lý chủng tộc của Đức Quốc xã đã khiến ông bị kết tội phản quốc, câu kết với người Do Thái và bị loại khỏi vị trí lãnh đạo trong bộ máy đảng địa phương.
Vào mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô tiến vào ngoại ô thành phố Vilnius. Cục diện chiến tranh thay đổi nghiêng về phe Đồng minh mang lại cả niềm vui và nỗi sợ hãi cho những người Do Thái còn sống sót tại trại HKP khi họ hiểu rằng quân đội Đức sẽ cố gắng giết họ trước khi rút lui.
Một lần nữa, thiếu tá Plagge lại ra tay cứu giúp những người Do Thái vô tội khi chuyển họ tới những địa điểm an toàn đã được ông sắp xếp từ trước.
Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc, Karl Plagge bị xét xử vào năm 1947 với tội danh tội phạm chiến tranh vì ông là thành viên của Đức Quốc xã.
Một người Do Thái sống sót nhờ sự che chở của ông Karl đặt tay cạnh tên ông trên bức tường ghi danh những người có công trong Thế chiến II.
Một số công nhân cũ của ông sống trong trại di tản Stuttgart biết về các cáo buộc chống lại Karl đã tập hợp lại, cử đại diện đến tòa làm chứng cho ông.
Hành động trả ơn của những công nhân cũ đã đem lại kết quả tích cực trong quá trình xét xử. Cuối cùng, Karl Plagge được thả tự do và sống những năm tháng bình lặng cuối đời trước khi qua đời vào tháng 6.1957.
Theo ước tính, nhờ những nỗ lực của vị thiếu tá, tỷ lệ sống sót tại trại HKP rơi vào khoảng 20% – 25%, so với tỷ lệ trung bình chỉ vào khoảng 3% – 5% khi Đức Quốc xã tiến hành các cuộc càn quét người Do Thái. Đây cũng là nhóm người sống sót đông nhất sau chiến tranh tại thành phố Vilnius.
Để tưởng nhớ hành động dũng cảm của vị thiếu tá, nhiều biển tưởng niệm ghi danh công ơn đấu tranh vì chính nghĩa đã được đặt tại Darmstadt (Đức) – quê nhà của ông.
Bức tượng bán thân của Karl Plagge tại một trường trung học ở quê nhà ông.
Theo Danviet
Vụ lừa đảo chấn động thế giới mang tên "Nhật ký của Hitler"
Những thông tin, đồ vật liên quan đến trùm phát xít Adolf Hitler luôn gây tò mò tột độ đối với công chúng. Tận dụng sự hiếu kỳ, nhiều kẻ lừa đảo đã dựa vào tai tiếng của quốc trưởng Đức Quốc xã để chuộc lợi.
Nhật ký của Hitler - tập tài liệu bí ẩn từng giúp tờ báo Sunday Times hốt bạc nhưng nhanh chóng bị bóc trần là đồ giả.
Cuốn nhật ký gây sốc
Tháng 4.1983, tờ Sunday Times của Anh làm chấn động thế giới với bài đăng có tên Toàn tập Nhật ký Hitler, công bố những thông tin chưa từng được biết đến của trùm phát xít Hitler.
Tờ báo nhanh chóng gây sốt và bán được hơn 1 triệu bản cho số báo ấy. Nhận thấy tiềm năng béo bở, tờ Sunday Times tiếp tục triển khai các đề tài liên quan đến cuốn nhật ký cho các số báo sau.
Thực chất, "Nhật ký của Hitler" được tạp chí Stern bán lại bản quyền khai thác cho Sunday Times với mức giá cao ngất ngưởng 200.000 USD. Người đem lại câu chuyện sốt dẻo cho tạp chí Stern là Gerd Heidemann - một phóng viên kì cựu của báo và có sở thích sưu tầm các món đồ liên quan đến phát xít Đức.
Theo lời kể của Heidemann, ông ta đã thu thập được một số quyển sách cũ kỹ, trong đó là những ghi chép bằng tay của trùm phát xít Adolf Hitler.
Bản sao lưu hành cuối cùng của Nhật ký Hitler được bán đấu giá tại Berlin năm 2004.
Ban biên tập của tạp chí Stern tất nhiên không thể bỏ qua tin tức đặc biệt này, và họ đều cuốn hút vào hành trình lưu lạc của các cuốn nhật ký.
Theo đó, một máy bay chở đồ đạc của Hitler đã rơi tại thành phố Dresden (Đức), các nông dân gần đó thu thập lại những cuốn nhật ký rồi giấu ở mái nhà. Sau đó, tập nhật ký rơi vào tay một sĩ quan quân đội cấp đội cấp cao bí ẩn của Đông Đức.
Dựa theo quyền "bảo vệ nguồn tin", Heidemann chỉ cho ban biên tập của tờ Stern biết vị sĩ quan quân đội đang cần tiền nên muốn bán đi những tập tài liệu quý hiếm.
Cuối cùng, qua một thời gian dài thương thuyết, tạp chí Stern đã chi tổng cộng 2,35 triệu Bảng Anh để sở hữu 60 quyển nhật ký của Hitler.
Một màn kịch không hơn không kém
Tất nhiên, trong quá trình thương thảo, tạp chí Stern cũng tìm cách kiểm định mức độ chính xác của các tài liệu chưa từng được ai biết đến trước kia song điều khó hiểu là không một chuyên gia nào phát hiện cuốn nhật ký là đồ giả.
Qua nhiều lần kiểm tra, kết quả trả về đều kết luận chữ trong nhật ký trùng với chữ viết của trùm phát xít. Thực chất, phiên bản gốc được gửi đi để kiểm chứng cũng do một tay Heidermann sắp đặt từ trước.
Sử gia nổi tiếng Hugh Trevor-Roper viết lời đề tặng cho bài đăng của tờ Sunday Times là "tài liệu có ý nghĩa lịch sử". Song, cũng chính ông bắt đầu hoài nghi tính xác thực của những cuốn nhật ký.
Sau đó, giữa Hugh Trevor và ông chủ Rupert Mudoch của Sunday Times đã nảy ra tranh cãi lớn. Bất chấp nghi ngờ của vị sử gia, ông Mudoch vẫn tiếp tục cho đăng những số tiếp theo liên quan đến cuốn nhật ký.
Gerd Heidemann bên cạnh các quyển nhật ký giả mạo.
Ngày 25.4.1983, tờ Stern tổ chức họp báo công bố quyền sở hữu với Nhật ký của Hitler. Chuyên gia Hugh Trevor cũng có mặt tại đó và can đảm nói lên nghi ngờ của mình.
"Tôi rất tiếc vì các phương pháp kiểm định thông thường đã bị bỏ qua, nhường chỗ cho bài báo gây sốt ra đời", ông nói.
Sử gia Trevor không phải người duy nhất nhận ra tính mập mờ của những cuốn nhật ký. Trong buổi họp báo, nhiều người đặt ra dấu hỏi về việc trên thực tế, tháng 7.1944, Hitler bị thương ở tay và không thể viết được.
Vụ việc trở nên ồn ào đến mức thủ tướng Đức Helmut Kohl lúc bấy giờ cũng bày tỏ mối nghi ngờ về tính xác thực của cuốn nhật ký.
Ngày 6.5.1983, kết quả giám định mới nhất chỉ ra loại mực được viết trong các cuốn nhật ký là mực hiện đại, không phải loại mực từ khi Hitler còn sống. Lượng clo đo được trong mực bay hơi cho thấy những dòng chữ trong nhật ký mới chỉ được viết từ 2 năm trước.
Vụ việc vỡ lở trong chốc lát. Hai tổng biên tập của tạp chí Stern từ chức vài giờ sau đó.
Gerd Heidemann buộc phải cung cấp nguồn tin của mình - một người đàn ông tên Konrad Kujau. Hai người bị bắt ngay sau đó.
Kẻ chuyên lừa đảo bán các vật phẩm liên quan đến trùm phát xít
Konrad Kujau từng có công việc giả mạo các tác phẩm tranh vẽ dưới tên Hitler để kiếm tiền từ những người hứng thú thích sưu tập đồ của trùm phát xít. Hầu hết các hoạt động mua bán đồ vật liên quan đến người đứng đầu Đức Quốc xã đều diễn ra lén lút nên chính người mua cũng không thể nhờ các chuyên gia kiểm định chính xác.
Lợi dụng kẽ hở này, Kujau đã vẽ các bức tranh rồi đổ nước trà lên để khiến chúng nhìn thật cũ kỹ, dưới mỗi bức tranh Kujau lại tự viết những dòng để tặng và nói đó là lời Hitler nhắn nhủ đồng đội.
Nhận ra công việc dễ dàng kiếm tiền, Kujau tiếp tục "sáng tác" ra cuốn "Nhật ký của Hitler" với tổng cộng 60 quyển.
Nguồm cảm hứng để Kujau đặt bút bao gồm một cuốn kỷ yếu của Đức Quốc xã năm 1935. Tuy nhiên, với vốn tư liệu ít ỏi, Kujau không ít lần viết ra những chi tiết buồn cười như miêu tả việc Hitler đi ra bưu điện để gửi điện tín.
Năm 1978, cuốn "nhật ký của Hitler" đầu tiên ra đời và được Kujau bán cho một người sưu tầm đồ phát xít. Một năm sau đó, Gerd Heidemann biết đến thông tin này và thông đồng với nhau hòng kiếm chác số tiền lớn từ việc đăng bài.
Konrad Kujau - tác giả của các cuốn nhật ký giả mạo đã hợp tác với Heidemann để móc túi các tờ báo.
Trước tòa, Heidemann một mực phủ nhận cáo buộc và khẳng định ông ta cũng chỉ là một nạn nhân của Kujau. Hai người không ngừng công kích nhau tại tòa khi Kujau cũng tố cáo Heidemann đã hợp tác với mình để thực hiện vụ lừa đảo.
Sau cùng, hai người đều nhận mức án 4 năm 8 tháng tù giam với tội danh tung tin tức thất thiệt.
Đây được coi là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử báo chí Đức, khiến nhiều cái tên uy tín trong giới chuyên gia bị ảnh hưởng. Tên tuổi sử gia Hugh Trevor đến cuối đời vẫn bị nhắc đến cùng với vụ tin tức giả chấn động này.
Về phía hai kẻ chủ mưu vụ việc, Kujau lui về sống tại Majorca trước khi qua đời vào năm 2000, thọ 62 tuổi. Còn những năm tháng cuối đời của Heidemann loanh quanh trong một căn hộ chật hẹp, điều kiện sống thiếu thốn với mức thu nhập chỉ 280 USD/ tháng.
Theo Danviet
Trùm phát xít Hitler từng muốn diệt chủng cả người Do Thái ở Bắc Mỹ Cuốn sách nằm trong số sách cá nhân của trùm phát xít tiết lộ Hitler không chỉ muốn xóa sổ toàn bộ người Do Thái ở châu Âu mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Cuốn sách được cho nằm trong thư viện cá nhân của trùm phát xít Adolf Hitler. Một cuốn sách hiếm thuộc sở hữu của trùm...