Vĩ thanh của Messi
Maradona từng bày tỏ nỗi thất vọng về Messi bằng hình ảnh ‘chàng trai đi vệ sinh 20 lần trước trận’.
Anh đã đánh đổi rất nhiều để trở thành đội trưởng bất khuất của Argentina.
Đã có lúc, sức nặng từ những hi vọng và ước mơ cuồng nhiệt của cả một quốc gia trở thành gánh nặng quá lớn đối với Lionel Messi.
Nó khiến anh lo lắng đến sinh bệnh. Nỗi sợ thất bại lớn đến mức không thể chịu nổi, nhưng nỗi đau sau khi thua trận mới thực sự kinh khủng.
Fernando Signorini, cựu HLV thể lực của Argentina hồi tưởng cảnh Messi loạng choạng bước vào phòng thay đồ của họ – như thể một thây ma – sau trận thua tan nát 0-4 trước Đức ở tứ kết World Cup 2010.
Messi gục xuống sàn nhà, ngồi bệt ở đó, gục xuống giữa hai chiếc ghế dài, khóc như không bao giờ có thể nguôi ngoai. “Cậu ấy còn la hét, rống to, gần như lên một cơn co giật”, Signorini tả.
Chất vấn lòng yêu nước
Messi chưa bao giờ yêu cầu vị thế một vị cứu tinh của đất nước mình. Nếu Diego Maradona huyền thoại có tính cách sôi nổi, thậm chí nổi loạn để hỗ trợ tài năng phi thường, góp phần giúp ông trở thành một biểu tượng văn hóa của Argentina theo kiểu truyền thống như những danh nhân Che Guevara hay Eva Peron ngày xưa, thì Messi là một kiểu người khác.
Tố chất bóng đá trời ban mang lại cho anh một địa vị trái ngược với bản tính thầm lặng, nhút nhát và hướng nội.
Đó là trường hợp đầy thú vị và rất dễ bị quy chụp là “xa rời” hay “thờ ơ” với bản ngã của Argentina. Messi rời quê hương để đến Barcelona năm 13 tuổi và với tính cách hướng nội, anh thường lầm bầm hát thầm khi Quốc thiều được cử lên mỗi khi khoác áo ĐTQG.
Hình ảnh đó dễ khiến anh bị chê trách khi so sánh với một tiền bối thường hát Quốc ca đầy tự hào và say mê trên khán đài, trên đường biên hay trong các đoạn phim VHS về sự hào hoa của ông trong những năm 1980s.
Nhưng những người ưa chỉ trích phiến diện ấy đã lầm. Messi thực sự quan tâm đến vận mệnh của đội tuyển trong từng trận đấu, từng pha bóng, từng hơi thở. Mỗi thất bại trên đấu trường quốc tế đều cắt sâu vào tâm trí. Anh chỉ không thể hiện điều đó ra mặt, như ý muốn hay thói quen của số đông.
Đến năm 2016, gánh nặng ấy trở nên quá lớn. Messi khi đó đã tham dự ba kỳ World cup, hai lần thất bại ở tứ kết và một lần gục ngã ở chung kết. Và giờ lại đến thất bại thứ ba liên tiếp tại Copa America: Sau trận hòa bế tắc ở chung kết năm 2016 với Chile, Messi sút vọt xà ngang trong loạt luân lưu. Sergio Aguero khẳng định anh chưa bao giờ thấy người đồng đội và bạn thân của mình “tan vỡ” đến thế trong phòng thay đồ sau đó.
Messi tưởng như không thể chịu nổi nữa, anh giã từ ĐT Argentina ngay sau đó.
Thất bại liên tiếp ở Copa America khiến Messi từng bỏ cuộc.
“Đối với tôi sự nghiệp tại ĐTQG đã kết thúc. Tôi đã làm tất cả những gì có thể. Bốn trận chung kết đã trôi qua, tôi đã cố gắng hết mình. Mang về danh hiệu cho đội tuyển là điều tôi mong muốn nhất, nhưng tôi không thể làm được. Dù thật khó nhưng đã đến lúc đưa ra quyết định, và tôi cũng không thể quay đầu”, anh tuyệt vọng.
Nhưng chỉ 5 ngày sau, tờ La Nacion phấn khởi đưa tin Messi suy nghĩ lại. Thay vì chiều lòng những kẻ khăng khăng tin rằng anh không bao giờ có thể làm được những điều Maradona từng làm, người đội trưởng thách thức tất cả những lời dè bỉu để trở lại hành trình còn dang dở.
Giây phút đó, anh mới thực sự không thể quay đầu. Messi từng cảm thấy mình không còn có thể sống với gánh nặng của những hi vọng và ước mơ của cả Argentina. Nhưng khi suy nghĩ kỹ, anh không thể sống thiếu nó. Đó mới là trọn vẹn sự thật. Ước mơ ấy cũng chính là máu thịt của anh.
Chặng đường dài của ‘thây ma’
Tua nhanh thời gian đến tháng 12/2022, một đêm thứ Ba trên đất Qatar và Messi ở tuổi 35, trông như một gã trung niên vừa trút được phần lớn gánh nặng đã đè lên vai bấy lâu nay.
Anh vừa cho thấy một màn trình diễn đẳng cấp bậc thầy khác, giúp Argentina vượt Croatia để lọt vào trận chung kết World Cup thứ hai trong sự nghiệp. Sau hồi còi mãn cuộc trận bán kết, anh dừng lại ở vạch giữa sân, gập người, đặt tay lên đầu gối rồi nhìn chằm chằm vào thảm cỏ.
Messi liệu đã khóc chăng? Không, anh mỉm cười, và nụ cười càng tươi hơn nữa khi Parades lao đến ôm chầm và nhấc cả người anh lên trên mặt đất. Làm sao thiếu các đồng đội khác nữa, từ những cựu binh như Otamendi, Di Maria đến những đứa nhỏ mà anh tự hào như Enzo, đổ xô về phía anh để làm điều tương tự.
Nhìn Messi ở khoảnh khắc ấy thật ấm lòng. Trông anh thật hạnh phúc khi khoác vai các đồng đội, cùng nhảy và hát theo lời các CĐV:
Muchachos
Ahora nos volvimos a ilusionar
Quiero ganar la tercera
Quiero ser campéon mundial
Y al Diego
Video đang HOT
Desde el cielo lo podemos ver
Con Don Diego y La Tota
Alentándolo a Lionel
Có thể dịch đại ý bài đồng ca ấy là: “Nào các bạn ơi, giờ ta lại có thể vui. Ta muốn chiến thắng lần thứ ba, ta muốn lại là nhà vô địch thế giới. Và Diego trên thẳm xanh vời vợi kia, cùng Don Diego và La Tota (cha và mẹ của Maradona), cũng đang cùng ta động viên Lionel”.
Trong những lời ca cụ thể, còn có cả câu: “Bạn không hiểu đâu, bạn tôi ơi. Bạn nào có thấu những trận chung kết chúng tôi đã thua, rằng tôi đã khóc cho đội tuyển bao nhiêu năm ròng”.
Trước khi qua đời vào năm 2020, Maradona thường nói một cách đầy cảm thông về Messi, khi chỉ ra những thách thức và áp lực mà anh phải đối mặt. Nhưng cũng có những lúc, ông thôi hi vọng về cậu học trò cũ:
“Chúng ta không nên thần thánh hóa Messi nữa. Cậu ấy là Messi khi thi đấu cho Barcelona, nhưng dường như là một người khác khi khoác áo Argentina. Messi là một cầu thủ tuyệt vời nhưng không phải là nhà lãnh đạo. Thật vô ích khi cố gắng biến một cậu chàng đi vệ sinh đến 20 lần trước trận trở thành thủ lĩnh”, ông nói đầy buồn bã vào năm 2018.
Thế mới thấy, “thây ma” Messi đã đi chặng đường dài như thế nào để đến được đây, dù phải lê những bước nặng nhọc năm 2010. Một El Pulga gục ngã trong nước mắt và muốn buông xuôi năm 2016, cũng gượng dậy để tiếp tục học làm người soi lối.
Khoảng cách từ “cậu chàng đi vệ sinh 20 lần” đến vị chỉ huy đọc nguyên một bài hịch trong phòng thay đồ trước chung kết Copa America 2021, cũng đã bị xóa nhòa bằng rất nhiều đánh đổi.
Trong đó, có cả sự thơ ngây trong tâm hồn. Người nghệ sĩ sân cỏ ngày nào giờ trang bị thêm sát khí của một võ sĩ giác đấu, sẵn sàng tung đòn hủy diệt và ăn mừng trên tàn tích của đối thủ như thực tế khắc nghiệt của bất kỳ đấu trường nào.
Anh học điều đó sau nhiều lít mắt. Anh làm điều đó sau nhiều vết thương chằng chịt của kẻ chiến bại. Và để thấu đạo của kẻ chiến thắng, anh biết đời không còn xứng đáng để ta thơ ngây.
Bài học từ các tiền bối
World Cup là đỉnh cao của bóng đá thế giới. Nó hiển nhiên là ước mơ nhưng rất nhiều khi cũng là địa ngục của những ước mơ.
Diego Maradona ký tên đậm nét vào lịch sử với kỳ World Cup xuất chúng năm 1986, nhưng ở những lần khác thì sao? World Cup đầu tiên của ông vào năm 1982 kết thúc trong thất bại. Sau hai tuần bị hành lên hành xuống trên sân ở Tây Ban Nha, chàng trai trẻ “cắm” chiếc giày vào bụng tiền vệ Brazil Batista rồi bị đuổi.
Lần thứ ba của Maradona ở World Cup 1990, dù vẫn xuất sắc theo tiêu chuẩn của bất kỳ ai khác, nhưng hơi thất vọng theo tiêu chuẩn của ông. Để rồi lần cuối cùng vào năm 1994 ở tuổi 33, World Cup kết thúc với Maradona trong sự nhục nhã khi ông bị loại khỏi giải vì dương tính với chất cấm ephedrine sau chiến thắng Nigeria ở vòng bảng.
Hình bóng Maradona tại World Cup 1986 phảng phất trong Messi tại giải đấu năm nay.
Sau Maradona một thế hệ, Zinedine Zidane cũng có những trải nghiệm tương tự.
Anh lập cú đúp bằng đầu, góp công lớn nhất giúp chủ nhà Pháp vô địch World Cup 1998 ở ngay lần đầu tiên mình tham dự. Nhưng không nhiều người nhớ ở vòng bảng, Zidane cũng bị đuổi khỏi sân trong trận gặp Saudia Arabia vì giẫm chân đối thủ.
Bốn năm sau đó, Zidane bỏ lỡ hai trận đầu tiên của Pháp vì chấn thương ở World Cup 2002. Trở lại ở lượt trận cuối, anh không thể giúp Gà trống Gaulois tránh khỏi thất bại trước Đan Mạch và bị loại sớm.
World Cup 2006 là vũ điệu rực rỡ nhất của con thiên nga vĩ đại, nhưng rồi chiếc thẻ đỏ ở trận chung kết, trong một khoảnh khắc nóng máu vì gia đình bị xúc phạm, cú húc đầu Marco Materazzi khiến Zidane dừng lại ở nấc thang tươi đẹp cuối cùng. Hình ảnh ấy thậm chí được xem là điển hình cho việc một ngôi sao có thể gục ngã trước áp lực cũng như sự khiêu khích.
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo từng ghi đến 8 bàn (dù mới trở lại sau chấn thương) ở World Cup 2002, giúp Selecao gắn lên ngực ngôi sao thứ năm. Nhưng sự bùng nổ mãnh liệt đó cũng là đóa hoa đâm chồi từ mảnh đất thương đau 4 năm trước, khi Selecao gục ngã trước Pháp ở Chung kết. Cơn động kinh bí ẩn của anh vào buổi trưa trước trận tranh cúp vàng năm 1998 ấy, càng khiến nỗi buồn thêm dai dẳng.
Có thể thấy, World Cup đã mang những điều tốt đẹp nhất và cả những trải nghiệm tồi tệ nhất đến với họ, từ Maradona đến Zidane rồi Ronaldo de Lima và nhiều người khác nữa.
Có người sướng trước khổ sau, cũng có người đi con đường ngược lại. Đó là lời động viên cho Messi, người rốt cục cũng sắp chạm đến giấc mơ ở World Cup cuối cùng trong sự nghiệp.
Sức mạnh của một người cha
Bước ngoặt của Messi ở World Cup năm nay chắc chắn là cú cứa lòng vào lưới Australia, vì đó là bàn thắng đầu tiên ở vòng knock-out Cúp Thế giới trong 5 lần tham dự, là điều mà kỳ phùng địch thủ Cristiano Ronaldo đến nay vẫn chưa làm được.
Trước đây, đó là nhiệm vụ đầy khó khăn dù anh từng nhiều lần tỏa sáng ở thời khắc quyết định cấp CLB, tại El Clasico hay vòng knock-out Champions League. Áp lực ở knock-out World Cup, lại còn với tư cách đội trưởng mang áo số 10 của Argentina, quá khủng khiếp.
Messi đã vượt qua nó, không phải bằng vũ khí vô song vừa tu luyện thành công nào. Anh cho rằng cảm giác yên bình mới tìm được trong màu áo Argentina là kết tinh của nhiều điều dung dị: Sự trưởng thành qua năm tháng, sự điềm tĩnh của một người cha hay thậm chí là chế độ ăn uống nữa.
Mảnh ghép cực kỳ quan trọng khác là sự phù hợp của tập thể Argentina hiện tại. Một tập thể ít ngôi sao hơn nhiều so với các năm 2006, 2010 và 2014, nhưng cực kỳ đồng lòng và hết lòng cho nhau, đặc biệt là cho Messi.
Tầm ảnh hưởng của HLV Lionel Scaloni cũng rất giá trị. Người đồng đội cũ của El Pulga mang lại cảm giác bình tĩnh và đoàn kết hơn hẳn so với Sampaoli năm 2018 và Maradona năm 2010.
Và tất cả đã sẵn sàng
Trải nghiệm của các tiền bối, và cả hành trình gần 20 năm qua của Messi chứng minh một điều: Trên chiến địa khắc nghiệt như World Cup, ngay cả khi vô duyên hết lần này đến lần khác, dù bị nhìn nhận là thiếu sót và nhiều năm liền gánh trên vai áp lực nghìn cân… nếu đủ kiên nhẫn và hết lòng tìm cách, hoa sẽ nở.
Ở thời điểm Messi trưởng thành nhất cả về mặt nghề nghiệp lẫn con người, cũng là lúc anh được sát cánh cùng những chiến hữu phù hợp nhất để chinh phục World Cup.
Thời gian đã chứng kiến tất cả những gì Messi làm cho ĐT Argentina, và chúng được đúc kết trong những câu nói đặc biệt sau đây. Đó là dòng tâm sự trực tiếp, phá lệ của một phóng viên nữ khi cô phỏng vấn Messi sau trận Bán kết: “Điều cuối cùng tôi muốn nói với anh không phải là một câu hỏi. Dĩ nhiên khi đã vào chung kết, mọi người dân Argentina đều cầu mong đội tuyển lên ngôi. Nhưng tôi chỉ muốn nói với anh rằng dù kết quả có ra sao, vẫn có một thứ không ai đủ sức xoay chuyển nổi.
Đó là việc anh đã gây được tiếng vang tới tất cả người dân Argentina. Theo tôi điều đó còn quan trọng hơn cả World Cup. Mọi đứa trẻ Argentina đều có chiếc áo của anh cho dù nó có là áo xịn, áo nhái hay áo tự làm. Thực sự, anh đã ghi dấu ấn và gắn bó với cuộc sống của tất cả mọi người.
Tôi rất mong anh khắc ghi những lời này vào tâm can, vì tôi tin những gì anh đã làm cho Argentina còn quý giá hơn cả cúp thế giới. Anh đã có chức vô địch đó rồi. Cám ơn anh, đội trưởng của chúng tôi”.
Hai mắt Messi long lanh khi ngắm nhìn sự chân thành đó. Anh mỉm cười và gật đầu, thay cho một lời hứa cuối cùng.
World Cup 2022: Cầm bóng nhiều dễ thua
Ở World Cup 2022, chỉ có 23 trong 62 trận đấu mà đội chiến thắng cầm bóng nhiều hơn và điều này không diễn ra kể từ vòng tứ kết.
Sở hữu bóng không còn là mốt
Trong bóng đá, dữ liệu không phải lúc nào cũng mang tính kết luận. Nhưng thống kê World Cup 2022 phản ánh nhất định xu hướng về phong cách một số đội tuyển và cầu thủ.
Pháp cầm bóng ít hơn Maroc ở bán kết
Một trong những vấn đề nổi bật chỉ thẳng vào đội tuyển Tây Ban Nha, điều tân HLV Luis de la Fuente (thay Luis Enrique), sẽ phải suy nghĩ cho chặng đường đến EURO 2022.
Chỉ 23 trong số 62 trận đã đấu ở Qatar mà đội chiến thắng cầm bóng nhiều hơn. Thậm chí, kể từ vòng tứ kết, đội giành quyền đi tiếp luôn sở hữu bóng ít hơn đối phương.
Tây Ban Nha, trung bình 77%, dẫn đầu về kiểm soát bóng, theo dữ liệu từ Opta. Tiếp theo là Anh (63,58%) và Bồ Đào Nha (60,77%).
Hai đội tuyển đá chung kết World Cup 2022: Argentina đứng thứ 6 về cầm bóng với 58%; Pháp chỉ đứng thứ 14 với 52,50%.
Bất ngờ lớn của kỳ World Cup thứ 22 trong lịch sử, Maroc - đội bóng Ả Rập và châu Phi đầu tiên vào bán kết - có tỷ lệ giữ bóng 35,91%, chỉ nhỉnh hơn so với Nhật Bản - đội quật ngã Đức và Tây Ban Nha - và Costa Rica.
Không ai chuyền bóng nhiều như Rodri (684 đường chuyền; sau 4 trận), Brozovic (525; 6), Otamendi (501; 6) và Rodrigo De Paul (472; 6).
Trong khi đó, cầu thủ Pháp chuyền nhiều nhất là Tchouameni. Ngôi sao của Real Madrid thực hiện 398 đường chuyền cho đến trước trận chung kết.
Thật tuyệt khi có bóng, người hâm mộ muốn chứng kiến những trận cầu hào nhoáng, nhưng rõ ràng xu thế thực dụng đang được ưu tiên.
Hiệu suất dứt điểm của Julian Alvarez
Lượng kiểm soát bóng không tỷ lệ thuận với số lần dứt điểm. Đội cầm bóng nhiều nhất, Tây Ban Nha, thực hiện 49 pha dứt điểm trong 4 trận, ít hơn 3 lần so với Maroc (đá 6 trận). Anh tấn công khung thành đối phương 63 lần trong 5 trận; Bồ Đào Nha là 66 lần cũng trong 5 trận.
Đội tuyển Đức cầm bóng ít hơn và bị loại ngay từ vòng bảng, nhưng họ dứt điểm hơn đến 20 lần.
Alvarez hiệu quả nhất, Messi dứt điểm nhiều nhất
Ở Qatar, không đội nào sút bóng hay đánh đầu nhiều như Brazil (96 lần trong 5 trận), Pháp (92; 6) và Argentina (80; 6). Ba đội dứt điểm ít nhất là Costa Rica (12; 3), Qatar (20; 3) và Xứ Wales (24; 3).
Không phải ngẫu nhiên mà thứ hạng về số lần dứt điểm thuộc về hai ngôi sao đang dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới: Lionel Messi (27 lần trong 6 trận, với 14 pha chính xác) và Kylian Mbappe (25; 6; 11).
Cầu thủ chạy cánh Ivan Perisic của Croatia đứng thứ ba (16; 6; 4). Theo sau họ là tiền Olivier Giroud (16; 5; 6) và tài năng trẻ người Đức Jamal Musiala (12; 3; 3). Harry Kane gây thất vọng và Cristiano Ronaldo lạc lối đều không có trong top 10 cầu thủ dứt điểm tại giải.
Tỷ lệ chính xác thuộc về Julian Alvarez, số 9 của Argentina. Trong số 10 lần dứt điểm của anh, có 7 lần bóng đi chính xác và mang về 4 bàn thắng.
Số bàn thắng trung bình là 2,63 bàn/trận. Tổng cộng là 163 bàn sau 62 trận. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với kỳ World Cup trước ở Nga - 2,64 bàn/trận.
Ở Qatar, có 137 bàn thắng được thực hiện trong vòng cấm, 10 bàn đến từ ngoài vòng cấm, 14 bàn từ chấm phạt đền và 2 bàn khác trong cá pha đá phạt trực tiếp.
Có 80 bằng chân phải, 55 bàn bằng chân trái và 26 pha ghi bàn bằng đầu. Ngoài ra, có 2 bàn phản lưới của Enzo Fernandez (Argentina; trận Australia) và Nayef Aguerd (Maroc; Canada), so với tổng số 12 tình huống "đốt đền" ở World Cup trước.
Sự tuyệt chủng của những tay sút phạt
Dữ liệu tiết lộ rằng những người thực hiện quả đá phạt trực tiếp tuyệt chủng ở World Cup 2022.
Tại giải đấu này, các trọng tài thổi phạt trực tiếp ít hơn 35 lần so với World Cup 2018. Tại Nga, 7 trong số 84 cú sút phạt được chuyển thành bàn thắng, tương đương 8,33%.
Những cầu thủ đá phạt thành bàn 4 năm trước có Golovin (Nga), Kolarov (Serbia), Quintero (Colombia), Trippier (Anh), Ronaldo (Bồ Đào Nha), Toni Kroos (Đức) và Luis Suarez (Uruguay).
Rashford là một trong hai cầu thủ đá phạt trực tiếp thành bàn
Trong những ngày hội tổ chức trên vùng Vịnh Ba Tư, trong số 49 tình huống phạt trực tiếp, chỉ có Rashford (Anh) và Luis Chavez (Mexico) được hưởng niềm vui ghi bàn.
Có nghĩa là hiệu suất ghi bàn từ các pha đá phạt trực tiếp chỉ là 4,08%.
Về tổng số lần phạm lỗi, dữ liệu không có quá nhiều sự thay đổi. Trung bình là 27,06 ở Nga và 24,66 tại Qatar. 4 năm trước, các trọng tài rút 219 thẻ vàng và 4 lần đưa ra quyết định trục xuất. Lần này là 211 thẻ vàng và có cùng số thẻ đỏ (không tính trường hợp HLV và trợ lý).
Hà Lan phạm lỗi nhiều nhất
Đội tuyển Hà Lan của Louis van Gaal chia tay World Cup 2022 với thành tích bất bại (không tính kết quả luân lưu; nếu tính cả kỳ Brazil 2014, Van Gaal giữ kỷ lục không thua 12 trận giải VĐTG), đồng thời phạm lỗi nhiều hơn bất kỳ ai.
Trong trận tứ kết giữa Hà Lan và Argentina, trọng tài Mateu Lahoz người Tây Ban Nha rút 16 thẻ vàng chia đều cho mỗi đội. Riêng Dumfries nhận 3 thẻ vàng, đồng nghĩa với thẻ đỏ và bị treo giò sau giải đấu.
Bất chấp việc Messi chỉ trích ông Lahoz nặng nề, thực tế là các cầu thủ Hà Lan bị thổi phạt 30 lần trong trận đấu ấy.
Trong suốt giải, Hà Lan đá 5 trận và bị thổi phạt 87 lần. Tiếp theo là Maroc (85 pha phạm lỗi trong 6 trận), Croatia (77; 6), Argentina (74; 6) và Brazil (63;5). Pháp chỉ bị thổi phạt 49 lần.
Các cầu thủ Argentina bị đối phương đá xấu nhiều nhất, lên đến 97 lần. Pháp bị phạm lỗi nhiều thứ hai, với 62 lần.
Hà Lan và Dumfries phạm lỗi nhiều nhất, Argentina bị phạm lỗi nhiều nhất
Vể mặt cá nhân, Messi bị đốn ngã nhiều nhất, với 20 nằm sân vì hành vi của đối phương. Đứng sau anh là Luka Modric. Đội trưởng vĩ đại của Croatia cùng Amrabat của Maroc có 13 lần bị phạm lỗi.
Đứng đầu danh sách cầu thủ bị trọng tài thổi phạt đều là những cầu thủ Hà Lan: Timber (4 trận) và Dumfries (5 trận) cùng phạm lỗi 17 lần.
Bù giờ trung bình 11,6 phút
Không tính các trận đấu có hiệp phụ, Ở World Cup 2022, cuộc tranh tài kéo dài nhất là Anh - Iran với 117 phút.
Trong các trận đấu được giải quyết trong hai hiệp chính, trung bình có 101,31 phút diễn ra. Như vậy, thời gian bù giời mỗi trận 90 phút là 11,31 phút.
Đối với các trận đấu kéo dài sang hiệp phụ, thời gian trung bình là 132 phút, nhiều hơn 12 phút so với dự kiến.
Tính toàn bộ giải đấu, sau 62 trận, các trọng tài cho bù giờ trung bình 11,6 phút mỗi trận.
Ngoài ra, trong 62 cuộc tranh tài ở Qatar, các chuyên gia VAR quyết định can thiệp vào 26 tình huống.
Ẩn ý sau màn ăn mừng chọc tức HLV Hà Lan của Messi Lionel Messi ăn mừng bàn thắng vào lưới Argentina bằng một hành động hướng về ban huấn luyện của đội tuyển Hà Lan. Sau khi ghi bàn nhân đôi cách biệt cho Argentina từ chấm phạt đền, Messi quay người về khu vực kỹ thuật của đội tuyển Hà Lan ăn mừng. Anh giơ 2 tay đặt lên tai, một hành động được...