Vị thẩm phán trung lập có làm nên kỳ diệu cho Ai Cập?
Adly Mansour không phải là cái tên được nhắc đến nhiều trong nội các Ai Cập, nhưng theo nhận xét của một số chuyên gia, ông Mansour không hề giống hai vị tổng thống tiền nhiệm.
Nhân tố dung hòa là ưu thế của tổng thống lâm thời
Chỉ hai ngày sau khi ông Adly Mansour nhậm chức Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao, ông Adly Mansour được quân đội Ai Cập chỉ định làm lãnh đạo lâm thời của đất nước đông dân nhất trong thế giới Ả Rập. Với vị trí này, ông Mansour đang phải gánh một trọng trách nặng nề, đó là lãnh đạo một quốc gia chia rẽ sâu sắc vì vụ phế truất tổng thống được bầu cử dân chủ tự do đầu tiên của Ai Cập Mohamed Morsi.
Ông Mansour được chính Tổng thống tiền nhiệm Morsi bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán tối cao và nhờ vị trí này, ông đã có cơ hội được đưa lên làm lãnh đạo lâm thời. Nói về thân thế của ông Mansour, có thể nói, ông là một người có lý lịch khá ổn.
Từng giành học bổng du học tại trường Hành chính Quốc gia Pháp danh tiếng, ông Mansour còn là một thẩm phán lâu đời dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Từ năm 1992, ông Masour được giữ vị trí Phó chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao. Ông còn tham gia soạn thảo luật giám sát cho cuộc bầu cử vốn đưa ông Morsi lên nắm quyền vào năm ngoái.
Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi
Điều đặc biệt ở Mansour là từ khi hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, bất chấp việc kiểm soát các cơ cấu chính trị ở Ai Cập, ông Morsi chưa bao giờ kiểm soát được nhánh tư pháp, mà nhiều người trong số đó được bổ nhiệm từ thời ông Mubarak, bởi dường như, dưới sự quản lý của Mansour, nhánh tư pháp đã có thể hoạt động độc lập và có quyền hành đặc biệt.
Tuy nhiên, không giống những lãnh đạo chính của phe đối lập, (bao gồm cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Mohamed El Baradei và cựu Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập), ông Mansour chưa từng là một cái tên được nhắc đến nhiều. Nhưng chính sự “mờ nhạt” đó đã trở thành ưu thế của Mansour, đưa ông đến được vị trí tổng thống lâm thời. Có lẽ việc này đáp ứng mục đích của quân đội trong việc tìm một gương mặt trung lập cho quá trình chuyển giao gai góc.
Phó giáo sư về chính sách công tại trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy (thuộc trường đại học Harvard Tarek Masoud) nhận xét về ông Mansour trên tờ Foreign Policy: “Ông ấy không phải là Tổng thống Ai Cập theo cách của Morsi hoặc Mubarak từng làm trước đây”.
Theo Phó giáo sư Masoud, Tổng thống lâm thời Mansour giống với ông Sufi Abu Taleb, người đã từng giữ chức nguyên thủ lâm thời trong tám ngày sau vụ ám sát Tổng thống Anwar Sadat năm 1981. Ông Masoud nói: “Chính quyền sẽ thuộc về tay quân đội, song họ vẫn phải đặt hiến pháp lên trước. Còn về Tổng thống lâm thời Mansour, ông lại không có ảo tưởng về quyền hạn của mình. Đó cũng là một điểm đáng mừng”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Mansour nhiều khả năng đang cố gắng kiểm soát việc soạn thảo luật bầu cử mới, bất chấp vị trí thứ yếu hiện tại.
“Nhiệm vụ chính của ông là hoàn thành luật bầu cử”, ông Michael Wahid Hanna, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Century Foundation (Mỹ) nói với tờ Foreign Policy. Vào năm ngoái, Tòa án Hiến pháp Tối cao đã hai lần vô hiệu hóa các luật bầu cử do Hội đồng Shura, tức Thượng viện Ai Cập, soạn thảo. Việc này đã khiến các cuộc bầu cử Quốc hội bị trì hoãn và làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập. Năm nay, với sự dẫn dắt của ông Mansour, dân Ai Cập tràn đầy hi vọng, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong hòa bình và suôn sẻ.
Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour
Có làm nên điều kỳ diệu?
Mới đây, Tổng thống lâm thời Mansour đã ban hành một quy định, tự giới hạn quyền lực của ông trong việc ban hành các đạo luật và phác thảo một thời biểu để tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Quy định gồm 33 điều khoản này sẽ trao cho ông Mansour những quyền lập pháp hạn chế, nhưng chỉ sau khi tham khảo ý kiến một nội các và nội các này sẽ nắm quyền phủ quyết. Đây là một sự khác biệt rất quan trọng, vì Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã bị chỉ trích về việc gia tăng quyền hành cho chức vụ của ông.
Quy định mới cũng sẽ lập một thời gian biểu về việc bỏ phiếu cho một hiến pháp đã được chỉnh sửa, cũng như cho việc tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống. Các dòng thông tin tại Ai Cập đều nhanh chóng và thay đổi, sau khi xảy ra một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ ông Morsi.
Nghe nói, ông Morsi hiện đang bị giam giữ tại tổng hành dinh của lực lượng Vệ Binh Cộng hòa. Ông Mansour và giới quân sự Ai Cập hiện đang bị áp lực phải thiết lập trở lại nền dân chủ, sau khi họ phế truất vị tổng thống đầu tiên của Ai Cập được chọn ra bằng hình thức bầu cử.
Trong giới hạn quyền hạn cho phép, ông Mansour đã chỉ định ông Hazem al-Beblawi làm thủ tướng lâm thời. Ông al-Beblawi từng là bộ trưởng tài chính vào năm 2011. Cựu chuyên gia ngoại giao của Liên Hợp Quốc, ông Mohamed ElBaradei, hiện nay đang là thủ lãnh một đảng cấp tiến, sẽ là Phó tổng thống, chịu trách nhiệm về các vấn đề ngoại giao.
Tân Tổng thống Ai Cập Adly Mansour đang có những động thái khẳng định quyền lực mới và lập lại trật tự trên các đường phố, bất chấp việc các lực lượng Hồi giáo đối lập cho rằng, quyền lực mà ông đang có là bất hợp pháp. Trước đó, Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã khước từ lời mời tham gia đối thoại với Tổng thống lâm thời Adly Mansour. FJP khẳng định không thừa nhận cuộc đảo chính và nhấn mạnh rằng ông Mohamed Morsi vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ai Cập. Trong lúc đó, ông Mohamed ElBaradei, ứng cử viên thủ tướng lâm thời Ai Cập lại cho rằng, phong trào Anh em Hồi giáo là một phần trong tương lai chính trị ở Ai Cập và không nên coi các thành viên thuộc phong trào này là tội phạm. Ông ElBaradei gọi những nguyên tắc như vậy là “điều kiện tiên quyết cho tiến trình hòa giải dân tộc”.
Việc lựa chọn ông Beblawi đã nhận được sự ủng hộ quan trọng của đảng Hồi Giáo Chính Thống, từng là đồng minh của ông Morsi và nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Chính phủ lâm thời Ai Cập đang cố gắng hòa hoãn với đảng Hồi Giáo Chính Thống, nhằm chứng tỏ rằng những người Hồi giáo sẽ không bị loại trừ ra khỏi chính quyền.
Về phía người dân Ai Cập, hàng triệu người dân trên khắp xứ sở kim tự tháp đã đổ ra đường để mừng sự kiện ông Morsi bị phế truất. Tại Thủ đô Cairo, nhiều người đã tập trung bên ngoài dinh tổng thống để thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của quân đội trong khi pháo hoa bừng sáng trên bầu trời quảng trường Tahrir.
Khác với tâm trạng hân hoan của người dân Ai Cập, dư luận quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình hiện nay. Cựu điều phối viên chính sách ngoại giao của bộ Ngoại giao Mỹ Tamara Cofma Wittes cho rằng, người dân Ai Cập không từ bỏ dân chủ, họ thất vọng và bất bình với cách lãnh đạo của ông Morsi.
Tuy nhiên, theo bà Wittes, sự can thiệp của quân đội vào chính trường Ai Cập có thể làm gia tăng tình trạng bạo lực khi những người ủng hộ ông Morsi tuyên bố sẵn sàng chết để bảo vệ vị tổng thống hợp pháp, được bầu theo ý nguyện của người dân này. Thống kê cho thấy, có ít nhất 16 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và những người phản đối ông Morsi.
Như vậy, mặc dù đã có tổng thống mới, nhưng tình hình Ai Cập trong những ngày tới chắc chắn sẽ còn nhiều biến động. Hơn 80triệu người dân Ai Cập vốn phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ nay lại tiếp tục sống trong tình hình chính trị bất ổn. Xem ra, việc thoát khỏi các cuộc xung đột phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn là viễn cảnh xa vời. Vì vậy, người ta hi vọng nhiều vào những chính sách do ông Mansour đặt ra, hi vọng vào cách lãnh đạo đất nước theo hướng đúng đắn, không có sự thiên lệch trong các đảng phái. Càng nhiều hi vọng, gánh nặng trên vai Tổng thống lâm thời Mansour càng trĩu nặng hơn.
Theo Người đưa tin
Ai Cập bế tắc trong việc chọn Thủ tướng
Ai Cập vẫn chưa lựa chọn được Thủ tướng lâm thời như kế hoạch vì bất đồng chính trị trong khi bạo lực trên đường phố vẫn tiếp diễn.
Ngày 6/7, người phát ngôn của Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour cho biết quá trình tham vấn lựa chọn Thủ tướng lâm thời của nước này vẫn đang tiếp tục và bác bỏ thông tin cho rằng nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa Bình Mohamed ElBaradei được bổ nhiệm là Thủ tướng.
Ông Mohamed ElBaradei là cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời là lãnh đạo phe đối lập ở Ai Cập.
Tổng thống lâm thời Adli Mansour (phải) gặp gỡ ông ElBaradei tại dinh Tổng thống
Trước đó, quân đội Ai Cập tuyên bố sẽ giới thiệu Thủ tướng lâm thời vào ngày thứ Bảy sau khi tổ chức đảo chính lật đổ Tổng thống dân bầu Mohamed Morsi.
Lý giải cho động thái "quay ngoắt 180 độ" này, một quan chức cao cấp phía đối lập cho hay đảng bảo thủ Salafi el-Nour đã phản đối việc bổ nhiệm ông ElBaradei và quá trình thương lượng vẫn đang được tiếp tục.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đang ngày càng sâu sắc khi những vụ đụng độ dữ dội nổ ra trên đường phố trên toàn quốc khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.
Ở Alexandria, người Hồi giáo đã nổ súng vào đoàn tuần hành phản đối cựu Tổng thống Morsi khiến ít nhất 12 người chết.
Những giọt nước mắt trong tang lễ người biểu tình thiệt mạng ở Cairo
Ở Cairo, những vụ đụng độ đẫm máu nổ ra sau khi binh sĩ nổ súng vào đoàn biểu tình bên ngoài doanh trại Vệ binh Cộng hòa, nơi giam giữ cựu Tổng thống Morsi khiến 4 người thiệt mạng.
Đến đêm, những người Hồi giáo và người biểu tình chống Morsi sử dụng gạch đá, pháo hoa và cả súng tấn công lẫn nhau trên cây cầu 6/10 bắc qua sông Nile khiến quân đội phải điều thiết giáp can thiệp.
Sau những vụ đụng độ bạo lực này, Ai Cập đã tăng cường lực lượng an ninh bên ngoài một nhà thờ nơi những người ủng hộ vị Tổng thống bị lật đổ Morsi đang tụ tập biểu tình.
Xe thiết giáp của quân đội trấn giữ các ngả đường
Tổng thống lâm thời Mansour đã gặp gỡ Tư lệnh quân đội el-Sissi và Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim tại dinh Tổng thống để bàn về những bước đi tiếp theo.
Đây là lần đầu tiên vị Tổng thống lâm thời được quân đội bổ nhiệm sau đảo chính này làm việc tại dinh Tổng thống sau khi tuyên thệ nhậm chức vào hôm thứ Năm.
Theo Khampha
Quân đội Ai Cập đảo chính, lật đổ Tổng thống Lực lượng Vũ trang Ai Cập hôm qua (3/7) đã thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi sau khi tối hậu thư 48 giờ kết thúc. Động thái này của quân đội đã được hàng triệu người dân hoanh nghênh. Họ đổ ra đường ăn mừng đầy phấn khích trước viễn cảnh một cuộc bầu cử sẽ được...