Vì sao xe máy khóa cổ, khóa càng vẫn dễ dàng bị “bẻ”?
Lâu nay xe máy tay ga trở thành mục tiêu chính của các đối tượng trộm cắp. Ngoài yếu tố giá trị kinh tế, còn có nguyên do nào khác khiến tình trạng mất cắp phổ biến?
Nhiều nhóm trộm cắp chỉ gây án nhằm vào xe ga (Ảnh minh họa)
Giá trị cao, ý thức phòng ngừa… thấp
Theo con số thống kê mới đây của CATP Hà Nội, cứ 10 vụ mất trộm tài sản thì có từ 3-4 vụ có liên quan đến mô tô, xe máy. Trong đó, tỷ lệ xe máy tay ga bị mất cắp chiếm trên 60%. Đáng chú ý, tình trạng “bốc hơi” xe máy tay ga dòng cao cấp, có giá trị lớn xảy ra ngày một nhiều. Theo phân tích của đại diện Phòng CSHS, xe máy trong đó có xe máy tay ga là tài sản dễ mất trộm nhất. Khi lựa chọn mục tiêu, từ đối tượng cơ hội cho đến các ổ nhóm trộm cắp chuyên nghiệp đều hướng đến loại tài sản này. “Mất công tìm kiếm, cảnh giới và bẻ khóa, kẻ gian chắc chắn sẽ bỏ qua các loại xe ít tiền mà chú ý nhiều hơn đến xe máy tay ga có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Do giá trị tài sản lớn đã khiến nhiều nhóm đối tượng trộm cắp khi gây án chỉ nhằm vào xe máy tay ga” – Đại diện Phòng CSHS đánh giá.
Chuyên đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản, mỗi năm, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng CSHS) đã bắt giữ, xử lý hàng chục ổ nhóm, đối tượng liên quan đến hành vi này. Quá trình làm việc với các đối tượng, lực lượng Công an phát hiện việc bẻ khóa, lấy cắp xe máy tay ga không phức tạp hơn so với các loại xe khác. Đưa ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể, chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu cho rằng, xe máy tay ga ngày càng bị mất cắp thường xuyên một phần cũng do ý thức phòng ngừa của người có tài sản.
Nhiều người đã chủ quan vì quan niệm rằng xe máy đắt tiền thì khóa “xịn” và khó mất trộm. Nhưng thực tế, bằng các thủ đoạn phạm tội liên tục được cải tiến và biến hóa, kẻ gian chỉ cần từ 5 đến 10 giây đã có thể vô hiệu hóa các loại khóa điện. Ngay cả khi phải “xử lý” thêm khóa cổ, khóa càng thì đối tượng trộm cắp chỉ cần ít phút để hành sự. Đơn cử như vụ án mới xảy ra ở chung cư số 184 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Không ai nghĩ tòa nhà được lắp đặt hệ thống camera giám sát và bố trí bảo vệ túc trực 24/24h lại bị mất trộm hàng loạt xe máy tay ga đắt tiền dễ dàng đến thế. Chỉ trong một đêm, người dân sống tại chung cư này có 4 xe Piaggo Vespa LX, 5 xe Honda Lead và 2 xe Honda Airblade “bốc hơi”. Sau này, khi sự việc sáng tỏ, nhóm trộm đã tiết lộ lý do dám mang cả xe ô tô đi gây án vì số xe máy đắt tiền trong bãi gửi xe chung cư không khóa cổ, khóa càng.
Đối tượng trộm cắp thực hiện lại hành vi bẻ khóa xe tay ga
Video đang HOT
Nguồn “cầu” đa dạng
Sau khoảng chục năm có mặt tại Việt Nam, xe máy tay ga đang ngày càng phổ biến và được người dân ưa chuộng. Hoạt động mua bán dòng xe này vì thế cũng ngày một sôi động hơn. Đối với các đối tượng trộm cắp tài sản, đây là điều kiện thuận lợi để chúng tiêu thụ tang vật – một nguyên nhân khác khiến tội phạm hay nhằm tới xe máy tay ga. Gặp Hoàng Duy Khánh – “siêu” trộm xe máy vừa bị CAH Hoài Đức bắt giữ, chúng tôi đã có thêm lời giải cho câu hỏi đã nêu.
Theo lời Khánh, dù có giá bán chênh hơn hẳn nhưng sức “hấp dẫn” của xe máy tay ga vẫn lớn hơn xe số. Ngay cả khi không có giấy tờ hoặc số khung, số máy bị tẩy xóa, việc tiêu thụ xe ga vẫn có thể thực hiện. Trong khi, đối với các xe như Dream, Wave thì phải mất công rao bán, chờ đợi đối tác tiêu thụ. Tên trộm này cho biết thêm, có nhiều người dân dù không có nhu cầu mua xe máy nhưng thấy những chiếc xe tay ga không giấy tờ được rao bán với giá rẻ đã nảy lòng tham, mua về sử dụng. Nắm bắt tâm lý này, một số tay buôn xe máy cũng lén lút nhập xe gian, xe không rõ nguồn gốc về bán kiếm lời.
Ngoài bán cho người có nhu cầu sử dụng, những năm gần đây, xe máy tay ga trộm cắp còn được các đối tượng tiêu thụ “xuất” cho những cơ sở lắp ráp xe ba bánh hoặc đưa vào cửa hàng sửa chữa xe máy để lấy phụ tùng. Vào vai một người cần bán chiếc xe Honda Airblade bị mất đăng ký, PV tìm đến khu vực chợ xe máy Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy). Vừa nghe nói là xe không giấy tờ, “cánh” buôn xe ở đây đã tỏ ra không mặn mà. Sau nhiều lần nhận được những cái lắc đầu từ phía chủ hàng, chúng tôi cũng được 1 người đàn ông ngồi ở quán nước “chỉ lối”.
Người này khẳng định: “Đã buôn xe ở đây, không ai dám mua xe “lậu”. Trước đây, cũng có người lén lút kinh doanh nhưng từ khi có người bị bắt vì tiêu thụ xe gian thì cả chợ đều sợ”. Thêm vài câu chuyện qua lại, người này cho biết, xe không giấy tờ thì chỉ có cách bán cho bà con ở quê hoặc đưa vào các hiệu sửa xe. Như giải thích của người này, xe máy tay ga đang được người dân ngoại thành ưa chuộng. Họ sẵn sàng mua cả xe không giấy tờ vì xác định chỉ đi trong làng, trong xã. Còn đối với các hiệu sửa chữa, lắp ráp xe ba bánh, xe tay ga sẽ được “mổ” lấy phụ tùng. “Mỗi thứ được lắp vào một xe khác nhau, riêng số khung, số máy sẽ được đục xóa thì không ai có thể truy nguyên”…
Theo Xahoi
Luật sư kiện thân chủ vì "bùng" tiền thuê cãi
Được thân chủ "thuê" để bảo vệ quyền lợi, nhưng sau khi kết thúc hợp đồng, thân chủ lại "ì" ra không thanh toán tiền cho luật sư. "Bực mình", luật sư liền kiện thân chủ ra tòa yêu cầu phải hoàn trả số tiền như đã kí kết.
Từ thân chủ thành bị đơn
TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ " tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lí" giữa nguyên đơn khởi kiện là Văn phòng luật sư Đức Quang - do ông Nguyễn Đức Quang làm Trưởng văn phòng có địa chỉ tại phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) và phía bị đơn là ông Phạm Văn Nuôi (đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Từ việc khởi kiện công ty quản lí sân golf tăng phí thường niên bất thường, thân chủ trở thành bị đơn. (ảnh minh họa)
Được biết, ông Phạm Văn Nuôi là Chủ tịch một câu lạc bộ Gol ở Hà Nội có gần 200 Hội viên. Trong một vụ việc, công ty quản lí sân golf bất ngờ tăng phí thường niên của Hội viên chơi golf.
Không tán thành về cách tăng phí bất thường này, ông Nuôi đã thay mặt các Hội viên của câu lạc bộ golf kí kết hợp đồng dịch vụ pháp lí "thuê" Văn phòng luật sư Đức Quang đại diện ủy quyền làm các thủ tục pháp lí giải quyết vụ việc tranh chấp và tiến hành khởi kiện công ty quản lí sân golf ra TAND quận Ba Đình (Hà Nội).
Điều khoản của Hợp đồng kí kết giữa Văn phòng luật sư Đức Quang và ông Nuôi có đoạn nêu rõ: "... trong trường hợp kết thúc vụ kiện do hòa giải thành hoặc rút yêu cầu khởi kiện thì được coi là kết thúc hợp đồng". Theo đó, phía ông Nuôi sẽ phải thanh toán cho Văn phòng luật sư Đức Quang như thỏa thuận trong hợp đồng với số tiền là 250 triệu đồng, quy định đóng tiền làm 2 đợt.
Sau khi hợp đồng được 2 bên thỏa thuận kí kết xong, Văn phòng luật sư Đức Quang tiến hành các bước tố tụng và khởi kiện công ty quản lí sân golf ra TAND quận Ba Đình. Khi vụ việc tranh chấp đang trong quá trình giải quyết thì bất ngờ ông Phạm Văn Nuôi xin rút đơn khởi kiện và được TAND quận Ba Đình chấp thuận.
Như vậy, đương nhiên hợp đồng kí kết giữa ông Phạm Văn Nuôi và Văn phòng luật sư Đức Quang đã hoàn thành. Tuy nhiên phía ông Phạm Văn Nuôi không thanh toán tiền phí cho phía Văn phòng luật sư Đức Quang như trong hợp đồng 2 bên đã thỏa thuận kí kết.
TAND quận Cầu Giấy yêu cầu ông Nuôi phải thanh toán đủ số tiền 250 triệu đồng như đã thỏa thuận trong hợp đồng với Văn phòng luật sư Đức Quang.
"Bực mình" vì cho rằng thân chủ có ý định "bùng tiền", luật sư Nguyễn Đức Quang - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Quang đã ủy quyền cho bà Nguyễn Hoàng Yến tiến hành khởi kiện ông Phạm Văn Nuôi ra TAND quận Cầu Giấy, yêu cầu ông Nuôi phải thanh toán số tiền 250 triệu đồng như đã thỏa thuận.
Phiên tòa hy hữu, luật sư kiện thắng thân chủ
Sau khi thụ lí vụ kiện hy hữu giữa luật sư và thân chủ, TAND quận Cầu Giấy đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Theo đó, TAND quận Cầu Giấy tuyên ông Phạm Văn Nuôi phải thanh toán đầy đủ số tiền cho Văn phòng luật sư Đức Quang như đã thỏa thuận kí kết trong hợp đồng là 250 triệu đồng.
Trong phần trình bày tại Tòa, luật sư đại diện cho thân chủ Phạm Văn Nuôi cho rằng, trước đó ông Nuôi đã "nhờ" ông Vũ Hữu Dùng nộp cho Văn phòng luật sư Đức Quang số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên vị luật sư này lại không đưa ra được các giấy tờ làm bằng chứng đã nộp số tiền 100 triệu đồng cho Văn phòng luật sư Đức Quang. Còn ông Dùng lại không thừa nhận mình đã nộp số tiền 100 triệu đồng đó cho Văn phòng luật sư Đức Quang.
Vì vậy Tòa cho rằng, không có cơ sở để khẳng định ông Nuôi đã nộp cho Văn phòng luật sư Đức Quang số tiền 100 triệu đồng. Do vậy Tòa yêu cầu ông Phạm Văn Nuôi vẫn phải thanh toán số tiền 250 triệu đồng đối với Văn phòng luật sư Đức Quang. Còn khi nào ông Nuôi có chứng cứ chứng minh được mình đã nộp cho Văn phòng luật sư Đức Quang số tiền 100 triệu đồng thì ông Nuôi có thể khởi kiện đòi số tiền trên bằng một vụ kiện dân sự khác.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sau phiên tòa hy hữu này, nhiều luật sư cho biết, không ít luật sư sau khi tham gia bảo vệ cho thân chủ xong nhưng lại bị chính thân chủ "bùng" tiền không nhiều thì ít. Ngoài ra, việc thân chủ nợ tiền phí luật sư dai dẳng thì rất nhiều. Nhưng đa số luật sư đều cho qua phần vì ngại động chạm đến tiền nong vì nhiều luật sư cho rằng đó là vấn đề "tế nhị".
Một luật sư (giấu tên) chia sẻ, bản thân luật sư đi bảo vệ miễn phí cho thân chủ cũng rất nhiều. Nhưng mọi việc phải rõ ràng, nếu đã kí hợp đồng thì thân chủ phải thanh toán đầy đủ như hợp đồng kí kết. Cũng có nhiều gia đình thân chủ khó khăn thật sự nhưng khi họ nói khó, luật sư sẵn sàng chia sẻ.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Vào trường học đe dọa, ép 13 nữ sinh... cắt tóc Hai đối tượng nữ khoảng 17 tuổi thường đến các trường học uy hiếp, ép hàng chục nữ sinh phải cắt đi một phần tóc. ảnh minh họa Ngày 21/8, Đại úy Nguyễn Trọng Thắng, quyền Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra trật tự xã hội Công an thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho biết, đơn vị đang tạm giữ...