Vì sao VietinBank hạ mạnh chỉ tiêu lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng?
Ngày 8/12/2018, Ngân hàng Công Thương Việt Nam ( VietinBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018, với bất ngờ về thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết sẽ áp dụng Basel 2 từ đầu 2019, sau khi cần chuẩn bị bước quan trọng từ trong 2018, và đây cũng là một nguyên do chính định hình các chỉ tiêu kinh doanh đại hội đồng cổ đông vừa thông qua.
Đại hội bất thường này, VietinBank đã thông qua các nội dung quan trọng về nhân sự, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018, phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, phương án cơ cấu lại dự án đầu tư tòa nhà trụ sở chính tại Ciputra…
Bất ngờ lớn có ở các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, khi thời điểm đưa ra đại hội so với kết năm chỉ còn tính từng ngày. Bất ngờ lớn vì các chỉ tiêu đó đều thấp hơn kết quả VietinBank đã đạt được sau 9 tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính đã công bố.
Cụ thể, đại hội đồng cổ đông nói trên đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018: tổng tài sản có tăng trưởng 6 – 8%; dư nợ tín dụng tăng trưởng 8 – 9%; nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 9 – 10%; tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) dưới 3%; và đặc biệt lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng chỉ 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng).
Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm đều thấp hơn mức VietinBank đã đạt được sau 9 tháng đầu năm. Cụ thể, 9 tháng đầu 2018 ngân hàng này đã đạt tăng trưởng tín dụng 12,8%, lợi nhuận trước thuế gần 7.600 tỷ đồng.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận đại hội bất thường trên vừa thông qua cũng giảm rất mạnh so với mức dự kiến đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng ban đầu dự kiến 14%, lợi nhuận trước thuế có chỉ tiêu dự kiến 10.800 tỷ đồng.
Với những so sánh trên, kết quả kinh doanh quý 4/2018 của VietinBank dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả chung cả năm. Thời điểm kết thúc năm cũng đã sát kề, nên bất ngờ trên cơ bản cũng đã định hình trong tính toán của ngân hàng này khi trình và tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường.
Điểm chú ý còn lại là vì sao VietinBank giảm mạnh hai chỉ tiêu quan trọng đó so với dự kiến đầu năm, cũng như so với kết quả đã đạt được sau 9 tháng; hay kết quả kinh doanh quý 4 dự kiến sẽ có lỗ và cắt giảm mạnh tăng trưởng tín dụng?
Trong thông cáo về sự kiện đại hội trên, VietinBank cho biết lợi nhuận “sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới đây”. Theo đó có thể hiểu ngân hàng này đang chủ động thực hiện kế hoạch lùi một bước để tiến nhiều bước.
Video đang HOT
Trao đổi cụ thể hơn với VnEconomy, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết, trước hết các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm 2018 nói trên được xác định là ở mức tối thiểu. Điều đó đi cùng với khả năng kết quả chốt năm có thể cao hơn.
Ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, dù xác định lại ở khoảng 8 – 9% cả năm, thấp hơn dự kiến đưa ra đầu năm, nhưng VietinBank khẳng định đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Ở chỉ tiêu lợi nhuận, nguyên do chủ yếu nằm ở kế hoạch lớn khác của VietinBank đã bắt đầu triển khai.
Còn hạn chế chung, 2018 đã là năm thứ ba kéo dài yêu cầu tăng vốn điều lệ của VietinBank mà không thể thực hiện. Do tại đây tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã được lấp đầy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống mức tối đa, nên ngân hàng không thể phát hành riêng lẻ để tăng vốn; tăng vốn từ cổ đông hiện hữu cũng bất khả thi vì không có nguồn từ ngân sách Nhà nước bố trí tham gia với tư cách là cổ đông lớn nhất…
Không tăng được vốn điều lệ suốt ba năm qua, các chỉ tiêu tăng trưởng tại VietinBank đã được khai thác đến gần giới hạn, đặc biệt về tín dụng. Tín dụng vẫn là nguồn chính, tạo cấu phần lớn cho lợi nhuận, và theo đó tăng trưởng lợi nhuận cũng hạn chế.
Như trên, với chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 6.700 tỷ đồng năm nay, chắc chắn một điều mức độ nộp thuế từ VietinBank cho ngân sách sẽ giảm sút mạnh, lợi ích ngân sách qua cổ đông lớn nhất là Nhà nước cũng suy giảm bởi mức độ cổ tức chia được trên nền lợi nhuận đó.
Còn nguyên do của chỉ tiêu lợi nhuận trên, theo giải thích của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank với VnEconomy, chủ yếu từ việc triển khai đề án tái cơ cấu vừa được phê duyệt.
Ông Thọ cho biết, ngày 27/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 của VietinBank.
“Cũng như tất cả các ngân hàng thương mại khác thời gian qua, tái cơ cấu là hoạt động bình thường để củng cố an toàn hoạt động và hướng tới những bước đi hiệu quả hơn. Khi phương án được duyệt, chúng tôi triển khai quyết liệt ngay từ trong năm nay”, ông Thọ nói.
Cụ thể nhất, triển khai phương án tái cơ cấu này, ông Thọ cho biết ngay đầu năm 2019 VietinBank sẽ áp dụng các chuẩn mực Basel 2. Các chuẩn mực này đòi hỏi các bước chuẩn bị, cũng như tạo những tác động lớn đến hoạt động.
Khi áp dụng Basel 2, hệ số an toàn vốn bị ảnh hưởng theo hướng giảm đi và liên quan là tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, đẩy một bộ phận nợ chuyển nhóm, tác động đến nợ xấu tăng lên mà đối ứng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, lãi dự thu giảm đi và lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Đó là nguyên do chính tác động và VietinBank đã trù tính, chủ động chuẩn bị cho bước tái cơ cấu ngay trong năm 2018 và thể hiện luôn ở các chỉ tiêu kinh doanh dự kiến nói trên.
Ngược lại, sau bước tái cơ cấu đó, cùng với việc bắt đầu áp dụng Basel 2 từ 2019, ông Lê Đức Thọ dự tính các chỉ tiêu hoạt động của VietinBank sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong những năm tới.
Theo vneconomy.vn
Lợi nhuận và nợ xấu ngân hàng cùng tăng mạnh, có đáng lo?
Mới hết quý 3, nhiều ngân hàng đã thông báo đạt lợi nhuận "khủng". Song song với đó, tại một số ngân hàng, nợ xấu lại có xu hướng gia tăng bất ngờ.
9 tháng năm 2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước. Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng.
Trong đó, Vietcombank giữ vị trí đầu bảng với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Techcombank với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Xếp thứ ba về lợi nhuận là VietinBank với lũy kế 9 tháng đạt 7.596 tỷ đồng trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng...
Theo phân tích báo cáo tài chính của NHNN, để đạt được con số "khủng" chỉ trong vòng 9 tháng, các ngân hàng đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi từ thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn...
Song song với lợi nhuận khủng là nợ xấu gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua cũng nổi lên một "hiện tượng lạ", đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.
Cụ thể, trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý 3 của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018.
Theo báo cáo tài chính của BIDV, hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Tại ngân hàng VIB, tính đến hết tháng 9/2018, nợ có khả năng mất vốn tăng lên hơn 2.002 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối 2017. Với ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng....
Nhiều ngân hàng lý giải, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu tăng liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng, vì nợ xấu có 2 cấu phần, nợ xấu cũ và nợ xấu mới. Trên thực tế, nợ xấu cũ chưa được giải quyết thấu đáo, mặc dù theo con số thống kê có vẻ tích cực nhưng thực ra nợ xấu vẫn tồn đọng nhiều.
Bên cạnh nợ xấu cũ còn dai dẳng thì nợ xấu mới lại phát sinh do các ngân hàng mạnh tay cho vay. Hơn nữa, nhiều ngân hàng trong 2 quý đầu năm 2018 đã xài hết room tín dụng mà NHNN giao, thành ra họ phải đẩy mạnh tín dụng trong quá trình hoạt động.
Ông Hiếu cho rằng, đẩy mạnh tín dụng thường đi đôi với rủi ro và làm tăng nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng, ở chiều ngược lại, đây lại là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Từ những diễn biến đó, TS. Hiếu đánh giá, năm nay NHNN quyết định siết room tín dụng cho các ngân hàng thì đó là động thái tích cực, mặc dù đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room, không còn room để cho vay vào những tháng cuối năm.
Trước tình hình nợ xấu gia tăng khiến nhiều người lo ngại, chuyên gia kinh tế này chia sẻ, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng phải được tăng cường. Thông thường tăng trưởng tín dụng đi kèm với phát sinh nợ xấu. Nếu các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay vốn thì sẽ không xảy ra tình trạng này, đồng thời vẫn có thể tăng trưởng tín dụng và kiểm soát được nợ xấu.
"Điều quan trọng nữa, khi cho vay, các ngân hàng nên dựa vào khả năng tài chính và dòng tiền của khách hàng hơn là chỉ căn cứ vào tài sản bảo đảm. Nhiều ngân hàng hoạt động như một "tiệm cầm đồ", nếu có tài sản bảo đảm thì sẵn sàng cho vay, có nhà cửa, có bất động sản, tính theo tỷ lệ 60-70% trên giá trị bất động sản cho vay mà không quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của khách hàng. Điều đó khiến lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng rất nhanh nhưng lại tạo ra rủi ro lớn. Nếu không kiểm soát được dòng tiền, sử dụng tín dụng bừa bãi, sai mục đích, không quản lý được thu nhập của khách hàng, không quản lý được dòng tiền kinh doanh thì sẽ dẫn đến mất khả năng thu hồi nợ, nợ xấu gia tăng", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo./.
Chung Thủy/VOV.VN
9 tháng ngân hàng VIB lãi trước thuế 1.720 tỷ đồng Nhờ mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng 58%, kiểm soát tốt chi phí, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.720 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng trưởng 176% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ xấu hiện chiếm khoảng 2.380 tỷ đồng. Cập nhật kết quả kinh doanh từ VIB cho thấy, trong...