Vì sao Việt Nam không thể “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa?
Nếu theo Phần Lan, học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng. Nếu làm như vậy, kiến thức các em thu thập cũng không rõ ràng. Bây giờ chưa phải là thời điểm Việt Nam có thể học Phần Lan khi “xóa sổ” môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử….
Gần đây, chính phủ Phần Lan – một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn. Những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, học sinh sẽ mặc sức thảo luận, khám phá…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Phần Lan có một cuộc “cách mạng” trong dạy và học. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Hơn nữa, giáo dục tại Việt Nam chỉ quan tâm đến chương trình chứ không cần quan tâm đến dạy học.
Không thể dập khuôn, máy móc
Trao đổi với phóng viên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, “xóa sổ” các môn học là một cuộc cách mạng của giáo dục Phần Lan. Tuy nhiên, ông không đồng tình khi nói rằng giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức mà chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.
PGS Văn Như Cương.
Theo ông, giáo dục ở thời điểm nào hay bất kì đâu đều phải mang giá trị kiến thức với ý nghĩa rộng rãi của “kiến thức”, không phải chỉ sách vở, hàn lâm…, mà còn cả kiến thức thực tế xã hội, kiến thức áp dụng….
Vị chuyên gia này cũng băn khoăn, khi các nhà giáo dục Phần Lan sẽ “xóa sổ” các môn cụ thể Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… để trở thành những môn tổng hợp.
Ông lý giải, bây giờ học sinh không cần học cách tính toán như cộng, trừ, nhân, chia …, thậm chí cả phép tính tích phân nữa vì đã có máy tính làm việc đó một cách chính xác tuyệt đối rồi. Tuy nhiên, trước khi dùng máy tính phải biết những điêu cơ bản như: khi nào thì cộng, khi nào thì nhân…. Đó là những kiến thức cơ bản mà học sinh phải biết trước khi họ áp dụng những công nghệ hiện đại.
Nền giáo dục của Việt Nam đang cố gắng nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “thầy đọc trò chép, thầy nói trò ghi, trò học thuộc lòng và thầy cho điểm. Việt Nam cũng đang chuyển giáo dục từ việc nhồi nhét kiến thức sang việc phát huy tiềm năng trí tuệ và nâng cao phẩm chất của người học…. Tuy nhiên, việc thay đổi này vẫn rất “mờ nhạt”.
“Việt Nam đã có tiến bộ nhưng bệnh thành tích cố hữu trong ngành Giáo dục vẫn luôn luôn là lực cản cho mọi cải cách, thay đổi… “, PGS.Văn Như Cương bày tỏ.
Ông cho rằng, Việt Nam nên học tập những nước có nền giáo dục tiền tiến, trong đó có Phần-Lan, nhưng không thể dập khuôn máy móc.
Video đang HOT
Chẳng hạn, nếu theo Phần Lan, học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng. Nếu làm như vậy, kiến thức các em thu thập cũng không rõ ràng. Do đó, bây giờ chưa phải là thời điểm Việt Nam có thể học Phần Lan khi “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử….
Ông nói thêm: Trên thực tế, Singapore đã đưa nguyên bộ sách giáo khoa của Anh để giảng dạy cho học sinh của nước này. Tuy nhiên, Việt Nam lại không thể làm được điều đó bởi bệnh thành tích “học chỉ vì điểm”. Vì vậy, khi áp dụng bất kỳ phương pháp dạy và học của quốc gia nào, các nhà làm giáo dục Việt Nam cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Việt Nam chỉ “loay hoay” thi cử
GS.TS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Phần Lan là đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới do đó cải cách giáo dục cũng không có gì lạ.
GS.TS. Phạm Minh Hạc.
Tuy gọi là “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa nhưng không phải là bỏ hẳn, mà các môn học này vẫn được dạy theo hướng khác. Họ sẽ dạy học sinh trong các tình huống cụ thể, trong môi trường cụ thể.
Ông không đồng tình với “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử bởi các môn học đó tạo thành giá trị của từng người.
Học các môn Toán, Lý, Hóa vẫn đem ra ứng dụng thực tế. Đặc biệt, đối với Việt Nam, ngay từ thời Pháp thuộc, các nhà làm giáo dục đã định hướng nghề nghiệp của học sinh theo năng khiếu môn học. Chẳng hạn, nếu theo khối Tự nhiên, học sinh sẽ học Toán, Lý, Hóa. Khối xã hội, học sinh sẽ học Văn, Sử, Địa…
Việt Nam đã bước đầu thực hiện nhiệm vụ của giáo dục – phát triển con người hoàn thiện, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, giáo dục của Việt Nam vẫn “loay hoay” vào thi cử. Giáo viên dạy nhiều, học sinh hiểu ít chứng tỏ dạy chữ nhiều, không dạy người.
Ngoài ra, trong xã hội, mọi người đều có tư tưởng nuôi con học đến lớp 12 thì đại bộ phận theo triết lý “học để thi đại học”, thậm chí là vào trường nào cũng được, dù không biết học ra để làm gì. Học để đi thi, chỉ lấy đi thi vào ĐH là con đường gần như là duy nhất đối với thanh niên nước nhà.
“Đấy là một thảm họa, lãng phí tiền, thời gian, công sức của cả gia đình và xã hội”, GS.TS. Phạm Minh Hạc bày tỏ.
Theo ông, nếu xã hội không thoát khỏi tâm lý “khoa văn thi cử”, chạy theo mảnh bằng đại học, không có ích thì không thể nào đổi mới căn bản, toàn diện thành công.
“Muốn đổi mới giáo dục, phải có những điều kiện cụ thể về vật chất như sách giáo khoa và người thầy. Nếu giáo viên vẫn giữ lối tư duy và cách dạy cũ thì không thể cải cách”, GS.TS. Phạm Minh Hạc chia sẻ.
Theo Diệu Thu
Dân Việt
Cấm thi tuyển lớp 6: Thầy Văn Như Cương lo đổ cổng trường
Theo nhà giáo Văn Như Cương, nếu xét tuyển để vào lớp 6, đối với những trường có lượng học sinh đăng ký nhập học lớn gấp hàng trăm lần dễ xảy ra tình trạng phụ huynh chen lấn xô đẩy để giành suất học cho con.
Liên quan đến chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo về cấm thi tuyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6 phóng viên Báo điện tử Dân Trí đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh Hà Nội.
Thầy Văn Như Cương
Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu cấm tổ chức việc thi tuyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6 ?
Phải nói thật cụ thể để mọi người cùng hiểu, từ trước đến nay vốn không có chuyện học sinh phải thi vào lớp 6. Học sinh tiểu học sau khi phổ cập hết cấp 1, vượt qua kỳ thi tốt nghiệp sẽ được chuyển lên học cấp 2. Ở Thành phố cũng vậy mà ở nông thôn cũng vậy. Như ở Hà Nội, mỗi phường, quận đều có trường THCS, không có chuyện học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 1 bị thất học hoặc phải thi.
Tuy nhiên, do tính chất đặc điểm, có một số trường THCS công lập, dân lập được gọi là "trường chuyên", "trường điểm", đơn cử như trường Hà Nội - Amsterdam thu hút rất nhiều học sinh muốn đến nhập học sau khi tốt nghiệp tiểu học.
Số lượng hồ sơ nộp vào trường thường gấp hàng trăm lần chỉ tiêu tuyển. Bởi vậy, các trường này bắt buộc phải thi để có thể lựa chọn ra những học sinh xứng đáng. Như trường THCS Lương Thế Vinh đã hơn 20 năm nay, năm nào cũng đều phải thi vì lượng học sinh đăng ký vào quá lớn.
Nói như vậy để mọi người có thể hiểu rằng, việc thi vào lớp 6 thực chất chỉ diễn ra ở con số hàng chục trường trên phạm vi cả nước nhằm phân loại được học sinh, lựa chọn ra những học sinh có năng lực phù hợp để vào trường chuyên, lớp chọn. Những em thi không đạt có thể về trường công lập đúng với tuyến của mình hoặc lựa chọn một trường dân lập khác theo nhu cầu. Thế nên, không cần đến mức phải ra lệnh cấm thituyển các môn văn hóa đầu vào với học sinh lớp 6.
Ông có giải pháp nào cho việc tuyển học sinh vào lớp 6 nếu Bộ GD&ĐT quyết không cho tổ chức thi đầu vào các môn văn hóa ?
Đến thời điểm này chưa có giải pháp nào, đây là một bài toán chưa có lời giải. Tôi chỉ biết trông chờ hướng dẫn của Sở giáo dục và đào tạo.
Lấy ví dụ trường THCS Lương Thế Vinh tôi đang quản lý, chỉ tiêu tuyển học sinh lớp 6 là 600 em. Nếu như không có lệnh cấm, trường có thể bán hồ sơ thoải mái, có khi lên tới 4000 học sinh đăng ký.
Hiện giờ nếu xét tuyển, cùng chỉ tiêu đó, đến ngày bán hồ sơ ai đến trước mua được trước, ai chậm chân sẽ bị mất suất học cho con. Như vậy, có khi tôi phải cho xây lại cổng để tránh việc chen lấn mua hồ sơ đăng kí học cho con em đến mức xô đổ cả cổng trường như đã từng xảy ra tại Hà Nội.
Như với trường THCS mà ông đang quản lý, khó khăn trước mắt khi Bộ GD & ĐT ra lệnh cấm thi tuyển lớp 6 là vấn đề gì ?
Chúng tôi đã ở một thế khó không có giải pháp để giải quyết vấn đề. Tôi và các thầy giáo vẫn đang họp bàn để trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên, điều cốt lõi là Bộ GH&ĐT phải đưa ra phương án hợp lý. Nên suy xét cẩn trọng, có sự điều chỉnh cho hợp lý. Bởi lẽ, ở đâu có nguyện vọng lớn sẽ phải thi tuyển, ngay như thi công chức cũng vậy thôi.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nếu để xét tuyển vào lớp 6 sẽ dễ dẫn tới tiêu cực "chạy trường", ông nghĩ sao về điều này ?
Nếu tổ chức thi, sẽ công bằng hơn, tất cả học sinh cùng làm bài, người chấm bài nếu công minh sẽ đưa ra được sự sàng lọc học sinh. Những em điểm số cao sẽ được vào nhập học.
Nếu xét tuyển, việc được vào nhập học sẽ phụ thuộc vào ban xét tuyển, khó tránh khỏi việc "đi đêm" lợi dụng quan hệ để xin cho con được một suất học tại trường chuyên, lớp chọn.
Bởi vậy, đối với những trường có lượng hồ sơ đăng kí nhập học lớn nhất thiết phải duy trì hình thức thi tuyển.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Lê Tú
Theo Dantri
Học sinh đánh bạn dã man: Xu hướng "thích làm đại ca" Theo PGS Văn Như Cương, ngày nay, một số học sinh có xu hướng thích làm anh, làm chị, làm đại ca, nổi đình nổi đám. Mới đây, một đoạn clip được đăng tải trên mạng cho thấy, một nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh) bị nhóm học sinh (phần đông là nữ) đánh đập dã man. Ngay khi clip...