Vì sao video ‘nồi cháo gà nguyên lông’ của Hưng Vlog lại viral
Bị đánh giá là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nhưng thể loại video chơi khăm thường rất dễ viral khi đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận người xem.
Chiều 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt Hưng Vlog (Nguyễn Văn Hưng, 28 tuổi, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) 7,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trước đó, người này đã đăng tải một video với tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết” lên YouTube.
Hưng Vlog, hay còn được biết đến với cái tên Hưng Troll, chuyên sản xuất và đăng tải các video chơi khăm người thân, bạn bè. Ngoài “nồi cháo gà nguyên lông”, nhiều clip phản cảm khác như “nhốt em gái trong chuồng chó”, “lừa chôn em gái, em trai rồi thắp nhang, cúng chuối và vàng mã” cũng từng được Hưng Vlog chia sẻ.
Hưng Vlog bị xử phạt hành chính vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thực tế, dù bị xử phạt hành chính hay “ném đá” dữ dội, loạt video này đều thu hút hàng triệu lượt xem chỉ sau vài ngày, thậm chí còn từng được gắn thẻ thịnh hành.
Thể loại video chơi khăm không còn xa lạ trên YouTube. Tuy bị đánh giá là phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nội dung này thường rất dễ viral khi đánh trúng vào tâm lý, nhu cầu của một bộ phận người xem.
Nguồn gốc của các video chơi khăm
Các trò chơi khăm xuất hiện đầu tiên không phải trên YouTube mà đã có từ thời tiền sử. Đó là lúc con người học cách thao túng quyền lực xã hội của mình thông qua việc biến người khác thành kẻ ngốc và cười nhạo họ.
Với các phương tiện truyền thông chính thống, những trò chơi khăm gần như không có chỗ đứng. Năm 2012, hai người dẫn chương trình phát thanh Australia đã đóng giả làm người thuộc hoàng gia và gọi điện đến bệnh viện nơi Công Nương Kate Middleton đang điều trị. Họ đã nói chuyện và đánh lừa được hai y tá ở bệnh viện trong chương trình của mình.
Các video chơi khăm phổ biến trên YouTube.
Ít ngày sau, một trong hai ý tá, người từng điều trị trầm cảm, đã tự sát. Vụ việc gây ra làn sóng phẫn nộ và được cho đã đặt dấu chấm hết với những “trò đùa vô nhân tính” trên sóng phát thanh, truyền hình.
Thế nhưng, với sự xuất hiện của mạng xã hội, nền tảng chia sẻ video trực tuyến như YouTube, Vine, các trò đùa ngớ ngẩn đã trở lại. Thậm chí còn tạo ra thứ gọi là “văn hóa chơi khăm”.
Tìm kiếm “prank” (chơi khăm trong tiếng Anh – PV) trên YouTube, có hơn 33,3 triệu kết quả trả về, trong đó video phổ biến nhất có hơn 110 triệu lượt xem.
YouTuber nổi tiếng nhờ trò chơi khăm có thể nhắc đến anh em Logan Paul và Jake Paul. Trong khi Logan Paul bị tẩy chay sau clip bày trò lố lăng trong khu rừng tự sát của Nhật Bản, Jake Paul thậm chí không ít lần kéo người hâm mộ vào những pha nghịch dại, nguy hiểm của mình.
Theo Vox, mặc dù chỉ là người sáng tạo nội dung nổi tiếng thứ 51 trên YouTube, anh em nhà Paul có thể đã kiếm 3.000 USD – 50.000 USD cho mỗi clip chơi khăm thu hút hàng triệu lượt xem trên kênh cá nhân.
Tấn công nhóm yếu thế
Không chỉ dừng lại ở việc đùa nghịch, trêu chọc người khác, các video prank trên YouTube có xu hướng ngày càng phản cảm, bạo lực, có thể gây tổn thương tâm lý, thể xác cho nạn nhân.
Nghiên cứu YouTube pranking cross culture của giáo sư Nghiên cứu Truyền thông Renee Hobbs và Silke Grafe chỉ ra rằng văn hóa chơi khăm trên YouTube thể hiện sự khác biệt về địa vị. Thay vì tấn công người có quyền lực, những trò đùa thường nhắm vào các nhóm yếu thế, dễ tổn thương như phụ nữ, người da màu, LGBT…
Mục tiêu của video chơi khăm không phải là câu chuyện, mà là phản ứng của đối tượng bị chơi khăm. Chính vì vậy, lý do mọi người xem các video này là muốn quan sát ai đó bị lừa và cách họ tuyệt vọng đối phó với tình huống đó.
Giống người sản xuất video chơi khăm, khán giả cũng muốn được thể hiện quyền lực. Trong trường hợp này, nhà nghiên cứu Renee Hobbs và Silke Grafe sử dụng thuật ngữ “everyday sadism” (sự ưa thích ngược đãi mỗi ngày) để mô tả cảm giác của người xem. Đó là sự thích thú khi nhìn thấy người khác gặp vấn đề.
YouTube cấm người dùng chia sẻ video chơi khăm nguy hiểm.
Việc nhiều video chơi khăm phụ nữ được các YouTuber nam thực hiện cũng cho thấy sự ưa thích khẳng định quyền lực của đàn ông đối với nữ giới.
Ngoài ra, việc bắt chước các video chơi khăm nổi tiếng, nhiều lượt xem cũng khiến mọi người cảm thấy kết nối, bắt trend, theo kịp với xã hội hơn.
Năm 2019, YouTube đã cấm người dùng chia sẻ video chơi khăm nguy hiểm vì lo ngại chúng có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm.
Chính sách của nền tảng nhấn mạnh không cho phép “chơi khăm khiến nạn nhân tin rằng họ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng về thể chất, ví dụ: trò đùa đột nhập nhà hoặc trò chơi khăm lái xe và bắn súng”.
“YouTube từ lâu đã cấm các video cổ xúy hoạt động có hại hoặc nguy hiểm. Chúng tôi thường xuyên xem xét, cập nhật các nguyên tắc thực thi của mình để đảm bảo chúng nhất quán và giải quyết phù hợp những xu hướng mới nổi”, một phát ngôn viên của YouTube nói với CNN.
Dù bị cấm, văn hóa chơi khăm độc hại vẫn là một phần phổ biến của các nền tảng chia sẻ video, theo Mashable.
Các chuyên gia cho rằng ranh giới giữa chơi khăm và trò đùa nguy hiểm đang rất mơ hồ và cần thêm định nghĩa, quy tắc cụ thể hơn.
Ngoài ra, một số video chơi khăm vi phạm nguyên tắc đã bị YouTube xóa vẫn có thể dễ dàng được đăng tải trở lại trên nền tảng này bằng cách sử dụng tài khoản khác cùng một vài thủ thuật cắt ghép, chỉnh sửa, đổi tên và phần mô tả video.
Người đứng sau kênh Hưng Troll, Bà Tân Vlog là ai?
Nguyễn Văn Hưng là chủ tài khoản kênh Hưng Troll nơi đăng tải clip nấu cháo gà nguyên lông và hướng dẫn ăn trộm tiền.
Với những clip này, Hưng Troll đã liên tiếp bị phạt 2 lần trong chưa đầy một tháng. Số tiền phạt là 17.5 triệu đồng, lý do là đăng tải các sản phẩm không hợp thuần phong mỹ tục và vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Clip: Hưng Vlog xin lỗi tất cả mọi người khi làm clip ảnh hưởng đến trẻ em
Đằng sau kênh Hưng Troll chính là Điền Quân Network, 1 trong 4 mạng đa kênh lớn nhất tại Việt Nam.
Mạng đa kênh của Điền Quân là nơi tổng hợp của nhiều kênh vlog, troll, con số có thể lên đến hàng nghìn kênh...
Hưng Vlog và clip troll các em bằng món cháo gà nguyên lông.
Clip lấy trộm ống heo của Hưng Troll bị phạt 10 triệu đồng.
Tài khoản T.B từng đăng video chia sẻ về điều kiện tham gia Điền Quân Network và khẳng định 'khá đơn giản'.
'Mình đăng ký tham gia Điền Quân hồi tháng 7/2018. Điều kiện là: Thứ nhất, kênh phải có nội dung rõ ràng (theo chủ đề). Thứ 2, ưu tiên kênh có từ 10.000 subscribe (lượt đăng ký kênh) trở lên, dưới con số này vẫn được. Sau đó họ sẽ gửi bản hợp đồng cho mình' - T.B chia sẻ.
Theo T.B, để được vào hệ thống Điền Quân Network thì không cần đóng phí ban đầu, chỉ chia % doanh thu mỗi tháng.
Social Blade thống kê sơ bộ doanh thu của kênh Hưng Troll.
Quay trở lại với kênh Hưng Troll nơi đăng tải các clip nhảm liên tục bị phạt thời gian qua, theo ghi nhận của Social Blade, kênh này hiện đang có 611K người theo dõi và có thể kiếm được từ 5,3K - 85,1K USD mỗi tháng (tương đương 126 triệu - xấp xỉ 2 tỉ đồng).
Theo chia sẻ mới nhất của chủ kênh Hưng Troll thì hiện tại kênh này đã bị Youtube tạm khóa mà không có bất cứ thông báo nào.
Phía Điền Quân Network cũng chưa có bất cứ phản hồi nào quanh việc kênh Hưng Troll dính lùm xùm. Đồng thời, trang page của Điền Quân Network cũng không thể truy cập.
Loạt chiêu trò câu view bất chấp của Youtuber Việt bị chỉ trích gay gắt Trào lưu làm video trên Youtube ngày càng trở nên phổ biến. Những người sáng tạo nội dung trên Youtube hoàn toàn có thể kiếm được tiền, thậm chí trở nên giàu và nổi tiếng. Không ít người đã coi đây là một công việc chính và đầu tư nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để xây dựng kênh Youtube...