Vì sao tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở phụ nữ thấp?
Mỗi năm nước ta có thêm gần 75.000 phụ nữ phải gánh chịu căn bệnh ung thư. Các bệnh ung thư mà chị em thường mắc là ung thư đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan.
Tuy nhiên, loại ung thư phổ biến và liên quan nhiều đến yếu tố giới tính chính là ung thư vú và ung thư phụ khoa.
Cứ mỗi ngày, có 9 phụ nữ Việt Nam tử vong vì ung thư cổ tử cung và các bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Nhiều người nghĩ ung thư là “án tử” nên mắc bệnh đã không điều trị, hoặc chữa bệnh bằng phương pháp phản khoa học, đánh mất “thời gian vàng” điều trị.
Tuân thủ khám sức khỏe định kỳ
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca.
Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 15.000 ca mới mắc và trên 6.000 trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng ung thư vú và phụ khoa (bao gồm cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, âm đạo và âm hộ) đã chiếm tới trên 1/3 (34%) số ca mắc ung thư ở nữ.
Tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung bằng khám sức khỏe định kỳ ở những bệnh viện có chuyên khoa ung bướu là việc làm vô cùng cần thiết đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Nhưng hiện có nhiều người vẫn chủ quan, không thăm khám định kỳ, nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, các chị em có thể không nhận thấy các triệu chứng ung thư, hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng. Nhưng khi các triệu chứng dưới đây kéo dài hơn hai tuần, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú hoặc phụ khoa và chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và chẩn đoán: Đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường. Chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày chắc hơn bên kia. Có hạch nách hoặc hố thượng đòn. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, thay đổi thói quen tiểu tiện. Xuất huyết hoặc chảy dịch âm đạo bất thường. Đau hoặc ra máu sau khi quan hệ, đau vùng xương chậu.
Bên cạnh đó, các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất.
Ung thư ở phụ nữ ngày một tăng cao.
Video đang HOT
Tỷ lệ tử vong cao vì phát hiện muộn
GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở Việt Nam thấp do 70% người bệnh phát hiện muộn. Một nguyên nhân khá phổ biến, đó là người dân đôi khi có thói quen, hiểu biết chưa đầy đủ về ung thư, mắc bệnh không tới viện khám và điều trị lại đi “vái tứ phương” như cúng bái, điều trị bằng uống lá cây, rễ cây… Do điều trị bằng phương pháp phản khoa học, nhiều bệnh nhận nặng gần chết mới tới viện.
Điển hình là bệnh nhân T.T.T. (67 tuổi, ở xã Hồng Thái Tây, Đông Triều, Quảng Ninh) vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí với một bên vú bị hoại tử. Bà T. phát hiện ung thư vú từ năm 2017 nhưng lại không điều trị, tự đắp thuốc tại nhà. Gần đây bà thấy khối u phát triển lớn, lở loét, chảy mủ đục mùi hôi, đau đớn mới được người nhà đưa vào viện cấp cứu.
Trường hợp gần đây nhất, chị N.T.L.T. (Phú Thọ), phát hiện ung thư vú cách đây 3 năm nhưng thay vì đến viện điều trị, chị lại tự mua thuốc nam chữa tại nhà. Khối u không những không nhỏ đi mà to lên nhanh chóng, ngực chị bị sưng đỏ, lở loét, chảy dịch. Tháng 9-2019, chị T. vào cấp cứu tại BV Đa khoa Phú Thọ khi khối u ngực của chị đã vỡ loét, có kèm theo hạch nách.
ThS.BS Trần Xuân Vĩnh, Trung tâm Ung bướu, BV Đa khoa Phú Thọ cho biết, đây là trường hợp hết sức đáng tiếc, bệnh nhân tin theo chữa trị bằng phương pháp dân gian không có cơ sở khoa học rõ ràng. Trong khi đó, với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1-2 điều trị theo đúng phác đồ, khả năng chữa khỏi lên tới 90%, khi bệnh lên giai đoạn 3-4, cơ hội giảm xuống chỉ còn 40%.
Theo Bệnh viện K, hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú ở Việt Nam là 75% nếu được phát hiện sớm. Bệnh viện K cũng đã đưa ra nhiều trường hợp bệnh nhân chiến thắng ung thư để người bệnh tin tưởng vào phương pháp điều trị ung thư khoa học và tiên tiến hiện nay. Điển hình là chị Hoàng Thu Hà (ở Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị ung thư vú từ năm 2011.
Chị đã phẫu thuật cắt khối u vú, trải qua 28 mũi xạ và 8 lần truyền hóa chất, sức khỏe ổn định chị đã được xuất viện. Đến nay, sau 8 năm, chị vẫn mạnh khỏe, các chỉ số xét nghiệm và kết quả khám bệnh định kỳ của chị đều hoàn toàn bình thường. Chị đã trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường – một câu lạc bộ có 700 thành viên là bệnh nhân ung thư vú trên cả nước.
Theo khuyến cáo của GS.TS Trần Văn Thuấn, khi chị em phát hiện ra bệnh cần phải tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ điều trị. Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2, tuổi có kinh sớm, không sinh con,…), nên đi khám, tầm soát sớm hơn.
Các cơ sở y tế hiện đã ứng dụng các kỹ thuật mới làm cho tầm soát, phát hiện sớm ung thư trở nên dễ dàng và khả thi hơn, như: Chụp nhũ ảnh (Mammography) và MRI cho ung thư vú; phiến đồ âm đạo ‘PAP test’ và HPV test cho ung thư cổ tử cung, FOB test và nội soi cho ung thư đại trực tràng, chụp CT liều thấp cho ung thư phổi…
Để phòng ngừa ung thư, chị em nên tiêm vaccine phòng virus gây u nhú, ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 9 – 26 (vaccine phòng nhiễm HPV), vaccine phòng viêm gan B (HBV), tránh xa thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau quả, ngũ cốc, hạn chế đường, tinh bột, đồ chiên, xào, thực phẩm đóng hộp…
Trần Hằng
Theo CAND
Báo động trẻ hóa nhiều loại ung thư
Các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều loại ung thư trước đây chỉ xảy ra ở đối tượng trung niên, cao tuổi thì nay đã xuất hiện trên nhóm đối tượng trẻ.
"Tử thần" trẻ hóa
Các chuyên gia khuyến cáo việc tầm soát thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm, tăng khả năng điều trị ung thư - Ảnh: Hà Linh.
Thời gian qua mặc dù các cơ sở y tế trong nước có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống, chẩn đoán và điều trị ung thư nhưng tỷ lệ mới mắc ung thư và tỷ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu được công bố bởi Viện Nghiên cứu ung thư, tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 người năm 2010 và đạt gần 165.000 người vào năm 2018. Dự báo con số này sẽ vượt 200.000 người vào năm 2020. Tuy nhiên, đó chưa phải đã là toàn bộ vấn đề. Có một thực tế đang diễn ra khiến giới chuyên gia lo ngại đó là tình trạng trẻ hóa một số loại ung thư như đại trực tràng, dạ dày, vú, cổ tử cung...
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ mắc đang tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ mắc ở mức 24,4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 đã tăng lên tới 26,2, tương đương 15.000 ca mắc mới, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong. Đặc biệt, GS. Thuấn cùng nhiều chuyên gia ung bướu hàng đầu ở Việt Nam nhiều thế hệ đã tập hợp số liệu bệnh nhân ung thư vú suốt 25 năm qua cho thấy, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ và trẻ hơn hẳn các nước ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Cụ thể, xu hướng mắc từ 30- 34 tuổi nhiều và tăng nhanh, nhiều nhất ở nhóm 55- 59 tuổi với tỷ lệ lên tới 135/100.000 phụ nữ.
Ngoài ung thư vú, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ. Năm 2018, Việt Nam ghi nhận gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.
Bác sỹ Chu Hoàng Hạnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện K cho biết bà từng điều trị cho một nữ sinh viên 19 tuổi. Song một điều khá đặc biệt, theo bác sỹ Hạnh, khi phát hiện bị ung thư cổ tử cung, bệnh nhân sốc vô cùng vì cô chưa từng quan hệ chăn gối và cũng chưa bao giờ đi khám phụ khoa. "Độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới ngày càng trẻ. Trước đây, phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung khoảng 55 tuổi thì nay chưa quá 20 tuổi đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng", bác sỹ Hạnh cho biết.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, đại diện Khoa Ngoại I cho biết, ung thư cổ tử cung ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng nhanh. Có thời điểm, trong 1 tuần bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân dưới 20 tuổi, 5 trường hợp bệnh nhân dưới 25 tuổi. Đáng chú ý, hầu hết trường hợp trên đều phát hiện và điều trị khi quá muộn.
Với ung thư đại trực tràng, các chuyên gia cũng cảnh báo đây là loại ung thư đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong. Đáng tiếc, tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện chẩn đoán, phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm rất hiếm, chỉ khoảng hơn 20%, số còn lại đều đến viện ở giai đoạn tiến triển 3-4, do đó điều trị gặp nhiều hạn chế. Và cũng giống ung thư vú, cổ tử cung, ung thư đại trực trạng đang trẻ hóa khá nhanh.
Bác sỹ Bùi Ánh Tuyết, Trưởng Khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện K cho biết, ung thư đại trực tràng đang có xu hướng tăng lên, nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì hiện nay, căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa (12- 13 tuổi). Bệnh viện K trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng.
Chủ động tầm soát ung thư
Theo GS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, các quốc gia phát triển có chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư và các chương trình này được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, do người dân có ý thức tốt, đi khám sớm, phát hiện và điều trị sớm, chính xác nên tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm hẳn, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.
Còn ở nước ta thì tỷ lệ mắc ung thư tăng, bệnh nhân thường đến muộn, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, di căn... nên tỷ lệ tử vong vẫn tăng cao. Vấn đề đặt ra lúc này, GS. Mai Trọng Khoa cho rằng cần làm sao để chương trình sàng lọc, tầm soát ung thư cần được làm thường xuyên rộng khắp, ý thức mỗi người trong cộng đồng được thay đổi và phải nhận thức rằng đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm ung thư là việc làm cần thiết cho bản thân và người dân phải chủ động đi sàng lọc ung thư thay vì phải kêu gọi, ở cả đối tượng trẻ tuổi chứ không phải chỉ có người trung niên hay cao tuổi như trước kia.
Ngoài ra, theo GS. Mai Trọng Khoa, muốn phát hiện sớm bệnh thì bản thân mỗi người phải tự kiểm tra những bất thường. Và nếu cơ thể có một trong các biểu hiện như viêm loét lâu liền, ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; có khối u ở vú hay trên cơ thể; hạch bạch huyết to không bình thường; ra máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; ù tai, nhìn đôi; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế kiểm tra.
Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo, để không trở thành người mắc bệnh ung thư, mỗi người cần phải hạn chế và tránh các yếu tố gây nguy cơ ung thư bao gồm bỏ hút thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tiêm một số vắc xin phòng chống bệnh ung thư như vắc xin viêm gan B, vắc xin ung thư cổ tử cung.
Đặc biệt đối với một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có người mắc thì người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh. "Hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao", GS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Cũng theo GS. Thuấn, để phòng ngừa ung thư, người dân cần hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. Nên bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, A... và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
D.Ngân
Theo baohaiquan
Sử dụng vaccine 'tự chế' để phòng bệnh Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), vệ sinh tay được ví như liều vaccine "tự chế" đơn giản và hiệu quả về chi phí, nhằm cứu sống hàng triệu người. Nhân viên y tế của bệnh viện K hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay năm 2019. Ảnh: VGP/Trần Hà Tổ chức WHO lấy ví dụ, chỉ một động tác vệ...